Quen sợ dạ, lạ sợ áo quần

Bàn đẹp - xấu, đúng - không đúng, nên - không nên trong chuyện này thì chắc là chẳng có hồi kết, luồng quan điểm nào cũng có lý lẽ thú vị đáng tham khảo cả. Dưới đây là một câu chuyện ngắn để cho chúng ta thấy được rõ nét hơn về câu - Quen sợ dạ, lạ sợ áo quần

Hôm ấy xong công việc, chú em tôi và nhóm bạn thợ được chủ công trình tất toán tiền công. Anh em lận lưng mỗi người một món kha khá sau nhiều ngày vất vả.

ahh-1657296056.jpg

Bụng đang đói, lại cũng để mừng công việc hoàn thành suôn sẻ, chú em tôi cùng một người bạn rủ nhau vào quán làm tô cháo, đĩa xôi và chai bia gọi là tái tạo sức lao động. Vì đang trên đường đi làm về nên cả hai đều đang mặc trên người bộ đồ lao động bạc phếch, nhàu nhĩ. Thấy có người đi vào, bà chủ quán ngước lên dò xét, rồi xẵng giọng: “Mời ra, đây không có chi mô mà lượm!”. Trời ạ, hóa ra nhìn bộ dạng, bà chủ tưởng chú em tôi và người bạn là đôi thanh niên…chai bao (?!!) Vừa giận vừa buồn cười, chú em lập tức rút trong túi ra cọc tiền dày cộp: “Đây có tiền nghe, vô ăn chớ không phải vô xin, vô lượm!”. Bà chủ thấy thế tẽn tò, đổi thái độ sang… ân cần phục vụ.

“Lẽ ra nên bỏ đi, nhưng gai con mắt. Cứ ngồi lại gọi khi cái chén, khi đôi đũa, khi cục đá, khi cây tăm… cho bõ ghét. Còn thì cạch cái mặt đi. Chi chớ đây và bạn bè của đây không có cái chuyện đặt chân vào quán ấy lần nữa đâu nhé!”- Chú em tôi giọng bực dọc kể lại tình huống của mình.

Có câu “Quen sợ dạ, lạ sợ áo quần”. Nhưng cũng có câu “Chiếc áo không làm nên ông thầy tu”. Đừng bao giờ đánh giá, nhận xét con người chỉ ở vẻ bên ngoài. Và cũng đừng bao giờ để bị choáng ngợp trước vẻ hào nhoáng bên ngoài, bởi đã từng có những người bị vẻ bên ngoài làm cho “mờ mắt”, hậu quả là để bị lừa đến nỗi thân bại danh liệt, bại sản tán gia…