Quốc hội đồng ý cấm tuyệt đối lái xe có nồng độ cồn

Sáng 27-6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ bảy, với đa số đại biểu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Trong đó, thống nhất quy định cấm “điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”.

Cụ thể, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ với kết quả: Có 450 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết (bằng 92,59% tổng số đại biểu Quốc hội); có 388 đại biểu tán thành (79,84%); có 32 đại biểu không tán thành (6,58%); có 30 đại biểu không biểu quyết (6,17%).

Trước khi biểu quyết thông qua toàn bộ dự án luật, Quốc hội tiến hành biểu quyết riêng đối với với Khoản 2, Điều 9 của dự thảo luật quy định về cấm: “Điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”. Kết quả, có 448 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết (bằng 92,18% tổng số đại biểu Quốc hội), có 357 đại biểu tán thành (73,46%); có 69 đại biểu không tán thành (bằng 14,2%), có 22 đại biểu không biểu quyết (4,53%).

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới nêu rõ: Quy định này không phải là nội dung mới, mà được kế thừa của Luật Giao thông đường bộ năm 2008 và thống nhất với quy định tại Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019. Trong dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, nếu không tiếp tục quy định về cấm nồng độ cồn với người điều khiển phương tiện giao thông sẽ có nguy cơ gia tăng vi phạm trật tự, an toàn giao thông, các vụ tai nạn giao thông, dẫn đến làm tăng hậu quả, thiệt hại.

nong-do-con-27-6-2-1719462382.jpg
Toàn cảnh phiên họp  (Ảnh: Phạm Thắng/QH)

Thông tin thêm, ông Lê Tấn Tới cho hay ngày 21-6 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo Tổng Thư ký QH xin ý kiến đại biểu QH bằng Phiếu xin ý kiến. Kết quả, trong số 388 ĐBQH cho ý kiến, có 293 ĐBQH (chiếm trên 75% tổng số ĐBQH cho ý kiến và chiếm trên 60% tổng số ĐBQH) nhất trí với quy định cấm nói trên.

Có 95 ĐBQH (chiếm trên 24% tổng số ĐBQH cho ý kiến và chiếm trên 19% tổng số ĐBQH) đề nghị quy định cấm theo mức giới hạn thấp nhất về nồng độ cồn trong máu và hơi thở đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ. Trong đó, có tám ĐBQH có thêm ý kiến khác.

Trên cơ sở ý kiến của đa số ĐBQH nhất trí quy định này, UBTVQH đề nghị QH cho tiếp tục quy định cấm "Điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”.

Ngoài ra, tiếp thu ý kiến của các vị ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo bổ sung vào khoản 5 Điều 87 giao cho Bộ Y tế quy định về xác định nồng độ cồn và nồng độ cồn nội sinh trong máu để làm căn cứ xác định trường hợp người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn do sử dụng rượu, bia hoặc đồ uống có cồn khác.

Đối với quy định đấu giá biển số xe, UBTVQH đã chỉ đạo bổ sung việc xác định biển số xe đưa ra đấu giá. Dự thảo luật đã có quy định biển số xe đấu giá không thành sẽ được đưa ra đấu giá lại và loại trừ quy định đấu giá biển số xe trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản. 

Về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đối với xe ô tô chở học sinh, trẻ em mầm non, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho bổ sung quy định xe ô tô kinh doanh vận tải chở học sinh, trẻ em mầm non hoặc xe ô tô kinh doanh vận tải kết hợp với hoạt động đưa đón học sinh, trẻ em mầm non phải có thiết bị ghi nhận hình ảnh học sinh, trẻ em mầm non và thiết bị có chức năng cảnh báo, chống bỏ quên trẻ em trên xe.

Bên cạnh đó, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ cũng có các quy định về trừ điểm giấy phép lái xe; tuổi, sức khỏe của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ; tuần tra, kiểm soát, chỉ huy điều khiển giao thông; giải quyết tai nạn giao thông…

Về quy định chấp hành báo hiệu đường bộ (Điều 11), Luật TTATGTĐB quy định rõ tín hiệu đèn màu vàng phải dừng lại trước vạch dừng; trường hợp đang đi trên vạch dừng hoặc đã đi qua vạch dừng mà tín hiệu đèn màu vàng thì được đi tiếp. Trong trường hợp tín hiệu đèn màu vàng nhấp nháy, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ được đi nhưng phải quan sát, giảm tốc độ hoặc dừng lại nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường hoặc các phương tiện khác.