Rau quả Việt tăng tốc trên đường chinh phục thị trường toàn cầu

Dự báo, năm 2024, xuất khẩu rau quả của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, ước tính đạt 7 tỷ USD, tăng 0,5-1 tỷ USD so với kế hoạch ban đầu. Đây là kết quả của việc tận dụng tốt các cơ hội từ các nghị định thư xuất khẩu mới được ký kết.

Cụ thể, sầu riêng, thanh long, chuối và nhãn đang là những mặt hàng chủ lực, đóng góp lớn vào tăng trưởng xuất khẩu. Ước tính, nửa đầu năm 2024, xuất khẩu rau quả đạt 3,4 tỷ USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2023. Các thị trường chủ lực như Trung Quốc, Thái Lan và Hàn Quốc ghi nhận mức tăng trưởng từ 10-60%.

Đáng chú ý, Việt Nam đã vượt Thái Lan về xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc, với 32.750 tấn được xuất khẩu vào tháng 4/2024. Việt Nam và Trung Quốc cũng đã hoàn tất đàm phán kỹ thuật và sẽ sớm ký kết Nghị định thư xuất khẩu sầu riêng đông lạnh. Ngoài sầu riêng, các sản phẩm như dược liệu, dừa và hoa quả đông lạnh cũng sẽ được Trung Quốc mở cửa thị trường trong thời gian tới.

saurieng-1719149809.jpg

Sầu riêng giúp tăng trưởng xuất khẩu rau quả Việt Nam

Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam (VINAFRUIT) Nguyễn Thanh Bình nhận định, từ đầu năm đến nay mặc dù xuất khẩu rau quả đã có sự tăng trưởng ấn tượng nhưng ngành vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, trong đó là nỗi lo về chất lượng.

Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam Nguyễn Thanh Bình - cho rằng, vấn đề về chất lượng, nhất là rau quả còn chưa cao, thể hiện ở sự đồng đều của sản phẩm, vẫn tồn tại dư lượng thuốc bảo vệ thực vật nên cần có giải pháp để xử lý. Bên cạnh đó, còn có hiện tượng tranh mua, tranh bán khi thị trường biến động, nhất là ở vùng nguyên liệu xảy ra nghiêm trọng. Đây là vấn đề tồn tại đã lâu, dù có nhiều giải pháp nhưng chưa giải quyết tốt được khi thị trường biến động, nhất là sầu riêng.

Trước những thực trạng trên, để cạnh tranh xuất khẩu bền vững đòi hỏi sản phẩm rau quả của Việt Nam phải nâng cao hơn nữa về chất lượng. Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan, Bộ sẽ tiếp tục tái cơ cấu ngành rau quả theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng. Đồng thời, làm tốt việc định hướng quy hoạch vùng trồng, tổ chức sản xuất, cơ cấu giống, kỹ thuật canh tác ứng dụng công nghệ trong sản xuất, thu hoạch, bảo quản.

Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng đang xây dựng các tiêu chuẩn sản xuất, chế biến, chất lượng sản phẩm phù hợp với yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh, khẳng định trên thị trường truyền thống cũng như mở rộng tại các thị trường tiềm năng.