Sập cầu treo, lũ cuốn trôi người, trường ‘biến’ thành sông do mưa lớn ở Sơn La

TH
Mưa lũ kéo dài những ngày qua ở Sơn La khiến 1 người dân bị lũ cuốn trôi, 2 cầu dân sinh bị sập, hàng trăm học sinh phải sơ tán trong đêm do trường ngập.

Theo thông tin từ Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Sơn La, trận mưa lớn kéo dài từ đêm qua đến rạng sáng 12/9 tại huyện Phù Yên đã làm 1 người tử vong do bị nước cuốn trôi. Sau nhiều nỗ lực tìm kiếm, lực lượng chức năng cùng người dân đã tìm thấy thi thể nạn nhân tại bản Nà Lè, xã Tường Phù (cách vị trí ban đầu khoảng 3 km).

Ngoài thiệt hại về người, mưa lớn ở huyện Phù Yên cũng làm sạt lở đất đá, vùi lấp ruộng, hoa màu, cuốn trôi đồ đạc và gia súc, gia cầm, hư hỏng một số công trình thủy lợi, nhà ở của người dân.

Sập cầu treo, lũ cuốn trôi người, trường ‘biến’ thành sông do mưa lớn ở Sơn La - Ảnh 2.

Trận mưa lớn kéo dài từ đêm 11/9 đến sáng 12/9 đã khiến Trường Trung học cơ sở Tạ Khoa (xã Tạ Khoa, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La) ngập trong biển nước.

Tại huyện Bắc Yên, mưa lớn gây ngập trường, giáo viên trường THCS Tạ Khoa phải chạy lũ trong đêm. Giáo viên cùng hơn 100 học sinh nội trú (chủ yếu là con em đồng bào dân tộc Mường, Thái và H'Mông) đã phải sơ tán các em lên khu vực cao hơn.

Được biết, trường THCS Tạ Khoa nằm bên cạnh suối, mặc dù đã được đầu tư xây dựng kè chắn lũ nhưng mỗi khi trời mưa lớn thì trường lại bị ngập. Nhiều điểm ngập trong sân trường thấp hơn con suối nên phải dùng máy bơm nước ra ngoài.

Hiện tại nhà trường đang phối hợp với xã và thông báo tới phụ huynh tổ chức dọn dẹp, phấn đấu sớm đưa các em trở lại học tập.

Sập cầu treo, lũ cuốn trôi người, trường ‘biến’ thành sông do mưa lớn ở Sơn La - Ảnh 3.

Ngày 12/9, toàn bộ học sinh của trường đã nghỉ học chờ nước rút.

Trước đó, do ảnh hưởng của mưa lũ, cầu treo dân sinh tại bản Mệt Sai, huyện Yên Châu và cầu treo dân sinh tại bản Trò 1, huyện Phù Yên đã bị sập.

Ngay sau khi xảy ra sự việc, lực lượng chức năng địa phương đã kiểm tra tình hình thực tế, đặt biển cảnh báo sạt cầu, cấm người qua lại; thông báo trên loa bằng tiếng dân tộc để người dân tránh xa khu vực bị sạt lở.