Số hoá để thúc đẩy phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã

Trong bối cảnh hiện nay, việc số hoá trong hoạt động sản xuất, kinh doanh giúp các hợp tác xã (HTX), nhất là các HTX nông nghiệp phát triển nhanh và bền vững.

Theo đó, việc ứng dụng công nghệ trong sản xuất, số hoá để định vị giá trị sản phẩm, truy suất nguồn gốc, kết nối các chuỗi cung ứng toàn cầu trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển mạnh mẽ hiện nay rất quan trọng đối với sự phát triển của các HTX, nhất là các HTX nông nghiệp.

Mạnh dạn ứng dụng công nghệ thông tin

Tháng 12/2016, HTX nông nghiệp số, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội thành lập và chính thức đi vào hoạt động với đội ngũ nhân sự trẻ nhiệt huyết đã tạo ra một dấu ấn mới của các HTX trên địa bàn. Đến nay sau 4 năm hoạt động, HTX luôn đi đầu trong khu vực kinh tế hợp tác, hỗ trợ người sản xuất nâng cao giá trị sản phẩm.

Giám đốc HTX nông nghiệp số Nguyễn Đình Tĩnh cho biết, việc cung ứng công nghệ thông tin thông qua các phần mềm truy xuất nguồn gốc, thiết kế website, quản lý chỉ dẫn địa lý, quản lý chất lượng nông lâm thuỷ sản, quản lý OCOP, tư vấn hoàn thiện sản phẩm, ghi chép nhật ký điện tử thông qua chip điện tử, lưu trữ dữ liệu trên bigdata... nhằm hỗ các HTX, doanh nghiệp quản lý chất lượng nông lâm thuỷ sản, xây dựng và định vị thương hiệu, mở rộng kết nối tiêu thụ, qua đó nâng cao giá trị nông sản.

Số hoá để thúc đẩy phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã - 1

Chuyển đổi số, động lực phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã trong kỷ nguyên mới.

Các phần mềm ứng dụng của HTX nghiên cứu ra chủ yếu cho nông dân sử dụng nên việc dùng các ngôn từ, thuật ngữ đều chính xác, dễ hiểu, rõ ràng. Thậm chí, với người chưa sử dụng máy tính cũng có thể làm được sau khi xem và được HTX hướng dẫn như phần mềm truy xuất nguồn gốc nông sản… HTX hiện có 18 thành viên, trong đó 100% có trình độ từ đại học trở lên, trong đó có 2 tiến sỹ và 4 thạc sỹ đều tâm huyết với lĩnh vực nông nghiệp. Đến nay, HTX đã cung cấp dich vụ tới 40 tỉnh, thành phố với 260 doanh nghiệp, HTX và các sở ngành sử dụng.

Yên Bái hiện có 415 HTX, trong đó có 249 HTX nông nghiệp, 64 HTX công nghiệp. Đa phần các HTX hiện sản xuất theo phương thức truyền thống, nông sản cũng được bày bán tại chợ truyền thống, hiệu quả thấp, hàng hoá nông sản vẫn rơi vào tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa”. Nhằm giúp các doanh nghiệp, HTX giới thiệu nông sản ra thị trường trong nước và thế giới, trung tuần tháng 5 vừa qua, Liên minh HTX tỉnh Yên Bái và công ty công nghệ ký thỏa thuận hỗ trợ phần mềm cho các doanh nghiệp, HTX trên địa bản tỉnh số hóa các sản phẩm.

Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Yên Bái Đỗ Nhân Đạo cho biết, nhằm giúp các HTX, doanh nghiệp hình thành và phát triển chuỗi sản xuất, cung ứng sản phẩm, trong đó đẩy mạnh số hóa các sản phẩm nông nghiệp… công ty Atalink và Liên minh HTX tỉnh Yên Bái xây dựng kế hoạch triển khai các giải pháp đến các HTX và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, giúp nâng cao năng lực kết nối với đối tác, với thị trường, từ đó, thúc đẩy phát triển kinh tế hợp tác, HTX, hướng tới nâng cao giá trị nông sản khi tích hợp vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Ông Nguyễn Thế Hưng, trưởng đại diện khu vực miền Bắc, công ty Atalink nêu giải pháp: “Thông qua công nghệ điện toán đám mây, Atalink giúp mỗi HTX, doanh nghiệp có cơ hội truy cập, thấu hiểu bức tranh đa chiều về chuỗi cung ứng, hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh thông qua các ứng dụng như: Giải pháp quản trị chuỗi cung ứng với những tính năng quản trị mua hàng, bán hàng, quản lý kho. Sàn thương mại điện tử B2B giúp kết nối khách hàng với nhà cung cấp. Nền tảng chia sẻ, quảng bá, kết nối giữa doanh nghiệp, doanh nhân và chuyên gia”.

Làm gì giúp số hoá các HTX?

Mặc dù biết rõ những ưu thế trong việc ứng dụng công nghệ trong sản xuất, số hoá để định vị giá trị sản phẩm, truy suất nguồn gốc, kết nối các chuỗi cung ứng toàn cầu trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển mạnh mẽ hiện nay là rất quan trọng, nhưng thực tế việc ứng dụng công nghệ số của các HTX ở Việt Nam còn rất hạn chế. Điều này đã cản trở phân phối, quảng bá, xây dựng thương hiệu và nâng cao giá trị sản phẩm đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Số hoá để thúc đẩy phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã - 2

Ứng dụng công nghệ trong sản xuất kinh doanh giúp HTX nâng cao hiệu quả hoạt động.

Theo khảo sát của Trung tâm Khoa học Công nghệ và Môi trường (Coste) - Liên minh HTX Việt Nam, 100% các HTX Vận tải, HTX chợ, HTX Tiểu thủ công nghiệp, TM và DV có trang bị thiết bị máy tính và đều sử dụng các phần mềm quản lý như kế toán, thư điện tử, lưu trữ dữ liệu. Tuy nhiên chưa đến 15% số HTX có website giới thiệu quảng bả sản phẩm, dịch vụ. Ngoài ra, việc sử dụng các ứng dụng thương mại dịch vụ phục vụ hoạt động mua bán sản phẩm rất hạn chế, chỉ chiếm khoảng 30%. Riêng với khu vực các HTX nông nghiệp, chỉ có khoảng 14% có trang bị hệ thống máy tính nhưng chủ yếu để quản lý kế toán, lưu trữ dữ liệu, gửi thư điện tử. Còn lại hầu hết vẫn chưa có website, chưa sử dụng công nghệ số để quản lý chất lượng, truy suất nguồn gốc, kết nối thương mại điện tử.

Ông Lê Tuấn An, Tổng Giám đốc Trung tâm Khoa học Công nghệ và Môi trường, Liên minh HTX Việt Nam cho biết, nông sản của hơn 14.800 HTX nông nghiệp trong tổng số hơn 24.600 HTX của cả nước hiện nay rất đa dạng, phong phú, đảm bảo sản xuất an toàn và chất lượng. Trong sản xuất hàng hóa quy mô lớn chỉ có ứng dụng công nghệ 4.0 hiện nay mới xây dựng được chuỗi liên kết mới thúc đẩy HTX và doanh nghiệp Việt phát triển thương hiệu sản phẩm. Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ 4.0, số hoá trong sản xuất nông nghiệp, áp dụng thương mại điện tử trong hoạt động sản xuất kinh doanh tại các HTX ở Việt Nam hiện nay rất hạn chế. Nguyên nhân chủ yếu do trình độ nhân sự quản lý HTX nói chung và nhân sự chuyên sâu về công nghệ thông tin, về xúc tiến thương mại điện tử ở các HTX chưa có.

“Trung tâm Khoa học Công nghệ và Môi trường đã xây dựng một số chương trình nhằm hỗ trợ các HTX ứng dụng công nghệ thông tin để truy xuất nguồn gốc, giao dịch thương mại điện tử, quản lý chất lượng hàng hoá, nông sản. Tuy nhiên, nếu bản thân mỗi HTX, doanh nghiệp nông sản không chủ động nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, số hoá trong sản xuất, kinh doanh, ứng dụng thương mại điện tử trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu đang diễn ra mạnh mẽ, gay gắt hiện nay thì việc quảng bá thương hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm của các HTX, nhất là các sản phẩm nông nghiệp sẽ rất hạn chế. Điều này chắc chắn sẽ dẫn đến bất lợi cho nông sản của các HTX trên cả trị trường trong nước và quốc tế, nhất là trong bối cảnh thiên tai, dịch bệnh đang diễn ra bất thường như hiện nay”, ông An phân tích.