Không có ngoại lệ
Việt Nam là đối tác quan trọng của Nga ở khu vực Đông Nam Á. Cùng với lịch sử quan hệ ngoại giao, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Nga chiếm khoảng 1/3 tổng kim ngạch của Nga với ASEAN, tăng trưởng trung bình khoảng 30%/năm, kể từ khi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á - Âu (EAEU) có hiệu lực.
Năm 2020-2021, dù chịu tác động của Covid-19, thương mại song phương vẫn tăng trưởng hơn 8% so với cùng kỳ 2019, đạt 4,85 tỷ USD. Các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu chính sang Nga gồm điện thoại và linh kiện, máy vi tính, sản phẩm điện tử, nông sản, thủy sản, hàng dệt may, da giày; chiều ngược lại là các loại sắt thép, than các loại, phân bón, sản phẩm từ dầu mỏ, hóa chất, chất dẻo, gỗ và sản phẩm từ gỗ, lúa mỳ, thịt, thủy sản.
Nga chiếm vị trí 25 trên tổng số 140 nền kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp vào Việt Nam với 150 dự án, tổng vốn đầu tư đạt 953,7 triệu USD, chủ yếu tập trung trong lĩnh vực dầu khí, năng lượng, nông nghiệp, công nghiệp chế biến, thông tin, vật liệu xây dựng mới.
Trong khi đó, từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao (23/1/1992), quan hệ hợp tác Việt Nam - Ukraine cũng không ngừng được mở rộng và phát triển trên nhiều lĩnh vực. Năm 2021, Ukraine đứng thứ 36/140 nước có FDI vào Việt Nam, với 26 dự án, tổng 30 triệu USD. Việt Nam xuất khẩu 344,6 triệu USD, nhập khẩu 375,8 triệu USD từ Ukraine.
Ngoài cộng đồng đông đảo Việt kiều ở hai nước Nga và Ukraine, hiện tại, doanh nghiệp Việt Nam đã có hơn 15 dự án đầu tư vào Nga với số vốn khoảng 3 tỷ USD.
Những động thái phức tạp liên tiếp diễn ra gần đây xung quanh quan hệ căng thẳng về ngoại giao, chính trị, quân sự và kinh tế giữa Nga với Ukraine, Mỹ, các nước NATO, cũng như nhiều nước khác trên khắp thế giới đã và đang làm dấy lên nhiều quan ngại và dự báo về những hệ lụy quy mô toàn cầu và nhiều mặt.
Những hệ lụy đang được ghi nhận nổi bật là xu hướng tăng nhanh hơn giá xăng dầu, khí đốt, giá vàng và áp lực lạm phát; sự trồi sụt mạnh và nhanh trên các thị trường chứng khoán quốc gia và quốc tế; những gián đoạn và đứt gãy trong chuỗi cung ứng hàng hóa và dịch vụ tài chính, tiền tệ, du lịch, vận tải xuyên quốc gia, tổ chức, doanh nghiệp quốc tế có liên quan đến Nga và Ukraine.
Việc loại Nga ra khỏi Hiệp hội viễn thông liên ngân hàng và tài chính quốc tế (SWIFT) và đóng băng tài sản của Nga tại Mỹ đồng nghĩa với việc nhiều ngân hàng cụ thể từ Nga sẽ bị ngắt kết nối với hệ thống tài chính quốc tế và thu hẹp khả năng hoạt động trên toàn cầu.
Đồng thời, nhiều hoạt động thanh toán quốc tế của Nga với các đối tác nước ngoài bị đình trệ (trừ các giao dịch thanh toán năng lượng). Điều này có thể thu hẹp dòng thu nhập ngoại hối của Nga, cũng như hạn chế khả năng hỗ trợ đồng Rouble của ngân hàng trung ương Nga.
Những diễn biến thời gian qua cũng gây tác động rất lớn đến giá cả nhiều mặt hàng trên thế giới, như dầu mỏ, nguyên liệu kim loại và hàng nông sản trên thị trường thế giới.
Tác động ngắn, trung và dài hạn
Theo ASEANstats, năm 2020 Nga chiếm 0,53% tổng giá trị thương mại hàng hóa của ASEAN (trong đó chiếm 9,74% giá trị nhập khẩu phân bón) và chiếm 0,046% đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ASEAN, còn Ukraine lần lượt chiếm 0,1% (riêng lúa mì, yến mạch và các loại ngũ cốc khác chiếm 9,21% tổng giá trị thương mại) và 0,003%. Việc gián đoạn nguồn hàng nhập khẩu từ hai nước này có thể dẫn tới việc các mặt hàng nông nghiệp tại nhiều nước ASEAN bị tăng giá trong thời gian tới.
Nhiều doanh nghiệp và cộng đồng người Việt đang đầu tư, làm ăn ở Nga, Ukraine và các nước đông Âu cũng có thể chịu những thiệt hại nhất định (như khó khăn trong thanh toán ngoại hối; tăng phí chuyển tiền; thiếu hụt ngoại hối và áp lực các đồng tiền giảm giá, tăng lạm phát ở Nga, Ukraine) gắn với sự gián đoạn chuỗi cung ứng và thanh toán quốc tế của Nga với các nước Đông Âu và thế giới. Giá vàng biến động mạnh là một chỉ báo trực tiếp và dễ thấy về tác động kinh tế của xung đột Nga - Ukraine đến Việt Nam.
Quan hệ căng thẳng Nga - Ukraine đã tạo chấn động mạnh trên thị trường chứng khoán quốc tế. Sự hoảng loạn chứng khoán toàn cầu gắn với căng thẳng Nga - Ukraine cũng khiến VN-Index rơi hơn 30 điểm ngay khi mở cửa phiên giao dịch ngày 24/2, đóng cửa giảm 17,45 điểm (1,15%) xuống 1.494,85 điểm, toàn sàn HoSE có 396 mã giảm.
Thời gian tới, có thể thấy rõ hơn xu hướng dòng tiền đầu tư xã hội sẽ chuyển dịch theo hướng không mong muốn từ kênh đầu tư chứng khoán, tiền số, sang vàng, bất động sản...
Việc một số nước châu Âu đưa ra các biện pháp trừng phạt và bị Nga đáp trả về vùng cấm bay, đóng cửa không vận lẫn nhau sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đến giờ bay, chi phí bay cho các tuyến vận tải hàng hóa và du lịch hàng không quốc tế có liên quan đến không phận các nước này.
Hoạt động du lịch từ nhiều nước đi và đến cả Nga và Ukraine phải tạm dừng hoặc gia tăng chi phí, giảm sức hấp dẫn trên thị trường cạnh tranh quốc tế. Đặc biệt, giá năng lượng tăng có thể làm tăng áp lực lạm phát và tiêu dùng. Việt Nam vừa xuất khẩu dầu thô, vừa nhập khẩu xăng dầu và chi phí xăng dầu hiện chiếm khoảng 3,4-4% tổng chi phí sản xuất nền kinh tế và chiếm tới 35-40% chi phí đầu vào của lĩnh vực vận tải.
Bởi vậy, giá dầu thô tăng từng ngày, đạt mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây sẽ có những tác động hai chiều tới kinh tế Việt Nam, nhưng ảnh hưởng tiêu cực nhiều hơn do làm tăng chi phí đầu vào của nhiều hoạt động sản xuất và tiêu dùng xã hội, cũng như kéo theo tăng nhập siêu từ mặt hàng này.
Việc tăng giá xăng dầu sẽ kéo theo việc tăng giá các dịch vụ logistic, vận tải và nhiều mặt hàng thiết yếu khác có liên quan; làm giảm thu nhập và tiêu dùng của người dân, giảm lợi nhuận của doanh nghiệp và giảm cả tiến trình phục hồi tăng trưởng kinh tế của Việt Nam…
Tuy nhiên, về triển vọng trung và dài hạn, Nga sẽ gia tăng các quan hệ kinh tế phi USD với các đối tác.