Tác phẩm Bê Trọc của nhà báo Phạm Việt Long: Nhật ký chiến trường về một thời máu và hoa (PhầnXI)

09/08/2022 22:45

Bê trọc, còn gọi là Chuyện đời thường trong chiến tranh, là tác phẩm của Phạm Việt Long, do Nhà Xuất bản Thanh niên xuất bản vào đầu năm 1999.

NGÀY 13/2/1972

Sớm, nghe một anh gọi:

- Dậy, dậy. Nấu cơm ăn chớ không có ai nấu cho đâu.

Mọi người mở ruột nghé lấy gạo, tập trung vào một cái xoong nhỏ mà nấu. Một anh leo lên cây ổi cao quan sát. Đứng trên đó có thể nhìn rộng, xa dưới kia.

15/2/1972 - MỒNG 1 TẾT NHÂM TÝ

Con đường 5 hôm nay tràn ngập ánh nắng, nườm nượp người qua lại và rộn ràng tiếng xe chạy, tiếng cười nói. Con trai, con gái, quần áo đủ mầu cưỡi xe đạp đi ngược lên. Thỉnh thoảng, một chiếc Honda chở 4, 5 người lại phóng vụt lên. Phía trên đó là “điểm” tết của huyện. Huỳnh gặp mấy đứa nhỏ quen, mượn xe đạp. Cậu ta leo lên xe chở một chú nhỏ phóng vụt đi. Tôi chở một cô bé chừng 16, 17 tuổi. Cùng đi với chúng tôi còn có một toán 5, 6 cô gái chừng 16, 17 tuổi. Đi với họ, trước cảnh rộn ràng và những tiếng cười nói ríu rít, tôi lại nhớ những ngày còn là học sinh, những ngày lễ, chủ nhật đi chơi với bè bạn.

btt-1660059839.jpg

Bê trọc, còn gọi là Chuyện đời thường trong chiến tranh, là tác phẩm của Phạm Việt Long, do Nhà Xuất bản Thanh niên xuất bản vào đầu năm 1999.

Tôi hy vọng ở điểm Tết này sẽ khai thác được nhiều chuyện hay. Nhưng cách tổ chức của huyện làm tôi thất vọng. Một chiếc cổng chào dựng cẩu thả trên đường. Hàng khẩu hiệu căng trên đó rủ xuống, không đọc được chữ. Khi tôi tới, phần mít tinh đã xong, đồng bào đang chuẩn bị ra về, chỉ có thanh niên ở lại. Anh em cán bộ đang phát cho đồng bào thư của Uỷ ban Mặt trận tỉnh. Nhiều người cầm lấy, ngồi tại chỗ chăm chú đọc. Tuy nhiên, có một chị không nhận: “Tôi không dám, không dám”. Anh cán bộ đưa lần nữa: “Chị cứ cầm coi thử”, chị vẫn không nhận, lách đi.

Phải mất rất nhiều thì giờ mới tập hợp được một số thanh niên lại để Huyện uỷ nói chuyện. Chị Vân kêu gọi thanh niên ổn định chỗ ngồi rồi hô bài chòi. Dưới này, một cậu thanh niên mặc quần ống tuýp, chân đi đất, tay xách đôi giày da nhạo báng:

- Chà, bà ta mới mập làm sao!

Cậu ta và mấy cậu khác đầu tóc bù xù cứ lom khom đi lại giữa bãi, ồn ào. Cậu đi đất bắt từ trên cây một con sâu to tướng làm trò chơi cho mấy cậu kia. Nhiều cô, cậu khác cũng ngồi tản mạn khắp nơi tán gẫu. Trong số đó phần đông là thanh niên từ vùng địch lên. Những hình ảnh đó quá xa lạ với tôi.

Chiều, về thôn Mỹ Thành. Mấy anh bạn ở huyện đội đưa tôi vào chơi nhà người quen. Chui vào nhà dưới mái tôn thấy nóng hầm hập. Gia đình dọn cơm mời chúng tôi. Nói chung cũng khá đầy đủ, có thịt, cá, bánh tét nhưng có lẽ nấu không ngon như các món tết ngoài Bắc. Sau đó nhà bên cạnh mời chúng tôi ăn bánh ngọt. Đang ăn dở dang thì có người báo: “Địch lên”. Thế là tất cả đứng dậy, lui ra ngoài xóm. Tới rìa xóm thì ngồi lại nghe ngóng. Được biết có 8 tên lính lên tới máy nước. Có người lên cho biết chúng đã rút. Lại vào xóm. Đồng bào nói rằng tên quận trưởng vừa tới chúc tết và cho ảnh Thiệu. Anh em du kích đang đi thu ảnh đó lại.

Lại xóm Lò rèn. Xóm này nằm bên trục đường, cách cầu Bến Muồng mấy trăm mét - bọn địch đóng ở cầu này. Vào nhà một chị cơ sở. Chị vồn vã đón chúng tôi:

- Các anh không xuống sớm xem bọn lính gặp, bắt tay với cách mạng. Chà, đồng bào phấn khởi lắm.

Chị lại bàn thờ, bưng mâm cỗ xuống mời chúng tôi. Bàn thờ có đặt một bức ảnh của một người đàn ông còn trẻ - chắc là chồng chị.

Đang ăn thì nghe tiếng pháo dội tới - pháo nổ khá gần. Trên đồn, bọn địch bắn đèn dù sáng rực. Ra sân ngó lên thấy những quả đèn treo lơ lửng đang xuống thấp dần, xì khói trắng ra. Cả cái xóm này sáng bừng lên. Chị chủ nhà nói:

- Không sao đâu, các anh cứ ăn đi.

Chắc bọn địch sợ ta ém đồn nên bắn đèn quan sát. Chúng tôi tiếp tục ăn. Chị đi gọi 2 đứa con về. Tiếng pháo vẫn nổ, ùng oàng ở phía rìa núi. Đèn dù vẫn thay nhau thắp sáng bầu trời. Bọn địch trên đồn gọi loa xuống: “Đồng bào cứ yên tâm, chúng tôi bắn vào núi thôi”. Chúng tôi tránh vào bên đường mà đi. Một cậu bé đứng ở một góc sân nói:

- Bọn địch ăn rồi bắn đèn hầu mấy anh cho mấy anh thấy đường đi!

THƯ GIA ĐÌNH

Hà Nội ngày 19 tháng 2 năm 1972

Long thân mến!

Anh tốt nghiệp về nước đã gần 2 năm rồi mà chưa có bức thư nào thăm em, kể cũng tệ quá, anh thành thực nhận khuyết điểm nhé.

Thời gian thấm thoắt, thế mà đã 8 năm trôi qua, anh em mình không gặp nhau rồi. Tám năm qua đã nhiều thay đổi, anh em mình đều lớn lên, trưởng thành lên nhiều, riêng Long đã có nhiều tiến bộ vượt bậc, anh rất mừng.

Nhà vừa nhận được thư em gửi về. Thế là cũng từ tết năm ngoái nay mới lại nhận được thư em. Ai cũng mừng cả, nhất là bố mẹ. Em đã trở thành nguồn tự hào của gia đình đấy. Bố mỗi khi nói chuyện với các bác, các chú vẫn hay nhắc đến em, bố rất yêu quí, thường kể về những tiến bộ của em: sống trong gian khổ, thiếu thốn nhưng vẫn lạc quan tin tưởng. Nay em đã được đứng trong hàng ngũ của Đảng, đó là món quà quí nhất từ tiền tuyến em gửi về cho bố mẹ, cho gia đình đấy.

Long thân mến! Từ khi tốt nghiệp về, anh được phân công công tác tại phòng máy tính điện tử thuộc Uỷ ban Khoa học Nhà nước. Anh học về cơ khí chính xác, học lý thuyết để làm việc trong phòng thiết kế, còn công việc ở đây thì chủ yếu là bảo dưỡng và sửa chữa máy móc cơ khí trong phòng. Như vậy thì công việc cũng không phải là thích hợp lắm nhưng đó cũng là tình hình chung, những ngành đi học thì công nghiệp nước nhà chưa có, nên đòi hỏi phải có chỗ làm thật thích hợp thì không thể nào thoả mãn được. Việc làm của anh tuy vậy cũng còn đụng chạm đến chuyên môn phần nào, và trong vài năm tới thì chắc là sẽ có những thay đổi, tiến triển tốt hơn.

Chỗ anh làm việc cũng ở ngay gần chỗ bố làm, ở 39 Trần Hưng Đạo. Hàng ngày anh ở tập thể, ở khu Kim Liên, cuối tuần anh mới lại về nhà.

Còn em thì thế nào? Công tác thì tiến bộ như vậy rồi, còn việc riêng thì ra sao? Có định ở rể ở trong ấy không đấy? Đời sống có thiếu thốn, vất vả lắm không?

Còn ở nhà thì mọi người đều khoẻ mạnh cả. Phúc vẫn đang thực tập ở Liên Xô, Việt đã đi tòng quân từ tháng 9 năm 1971, đang tập luyện ở Hà Tây. Ngọc đã học lớp 10 rồi, lớn và khoẻ lắm. Các em nhỏ đều ở nhà, học khá cả.

Long thân mến! Tết năm nay nói chung cũng bình thường, vẫn là cái tết tiết kiệm, tết chống Mỹ cứu nước. Tuy vậy cũng không phải là kém vui. Tết năm nay lại thiếu Việt nữa. Ăn tết, cả nhà đều nhắc đến Phúc, đến Việt, đến em. Nay mỗi em một nơi, đến khi nào đất nước toàn thắng, các em đều về sum họp được thì cái tết mới thực sự vui vẻ.

Thôi Long nhé, thư này anh tạm dừng ở đây. Chúc em thật khoẻ mạnh, phấn khởi công tác và càng ngày càng thu được nhiều kết quả lớn hơn, viết được nhiều bài, nhiều tin sinh động, có chất lượng tốt hơn nữa.

Anh

Phạm Mạnh Đức

Phòng Toán học tính toán UBKH và KTNN

39 Trần Hưng Đạo - Hà Nội

Hà Nội, ngày 20/2/1972

Long yêu dấu của bố mẹ!

Nhà đang mong thư của con, nhất là ngày tết sắp tới, thì dồn dập nhận được 3 thư của con, 1 thư do cơ quan của con gửi chuyển tiếp, 1 thư do đ/c Thanh Hà đưa qua Bộ Đại học, 1 thư do anh Tuấn San bạn thân của con trực tiếp mang tới nhà. Bố mẹ và các em nhận được thư của con trong lúc đang mong đợi, đúng vào ngày 29 tết, gặp Tuấn San chẳng khác gì được gặp con. Mẹ con và các em hỏi Tuấn San về tình hình của con, hỏi tỉ mỉ từng ly, từng tí. Tuấn San rất vui tính, hồn nhiên và nhanh nhẹn, kể cho gia đình nghe về công tác của con, về cuộc sống của con và các đồng chí trong đó. Tuấn San nói chuyện với gia đình rất vui vẻ, ăn cơm sáng với gia đình, nghe San nói cũng biết San ra ngoài này bận lắm, công tác khẩn trương, và cho biết con đang chuẩn bị đi công tác một thời gian khá lâu.

Tình hình ngoài này nhân dân ăn tết vui lắm. Tuy miền Bắc vừa qua bị lũ lụt nặng, song Đảng và Chính phủ rất quan tâm đến đời sống nhân dân, lương thực thực phẩm, hàng tết cung cấp cho nhân dân trước tết và hiện nay, không những không bị giảm mà còn đầy đủ hơn trước. Nhà nào cũng có hoa nở trên bàn; đêm giao thừa pháo nổ khắp nơi. Hoa nhiều hơn mọi năm, pháo lại càng nhiều, thời tiết cũng thuận, hơi rét và có mưa xuân.

Cũng như khi con ở nhà, mẹ con chuẩn bị tết cho gia đình rất chu đáo, ngoài tiêu chuẩn cung cấp về mứt, kẹo, thuốc lá, bánh, thịt các loại của bố mẹ, anh Đức, em Ngọc, mẹ còn làm thêm mứt và tất nhiên là nấu bánh chưng, mua sắm áo tết cho 3 em. Nhẽ ra mẹ làm thịt con lợn đang nuôi (50kg) nhưng mẹ con lại nói vì vắng 3 thằng con trai, nhất là thằng con thứ hai đang sống trong gian khổ, mẹ con lại hoãn để nuôi tiếp. Mẹ con tổ chức ăn tết thật là tốt vào chiều 30 và ngày mồng một và cũng như trước kia khi con còn ở nhà, mẹ con để dành từ lúc nào không biết các loại tiền mới, và gói sẵn cho mỗi em một gói kèm theo bánh, mứt, kẹo để đúng lúc giao thừa mừng tuổi cho các em Ngọc, Diệp, Lan, Thuỷ.

Ngày mồng 2 tết, bố mẹ và em Thuỷ đi thăm em Việt ở đơn vị vũ trang nhân dân. Cái anh sinh viên gày, do lười thể dục trước kia, gặp bố mẹ ngày tết thật là vui như tết. Việt khoẻ ra, da mặt hồng hào, nhanh nhẹn và rắn rỏi hơn xưa, và đã xác định được cho mình một phương hướng phấn đấu cụ thể trên con đường cách mạng.

Còn anh Đức vẫn giữ được phong thái của anh học sinh trước kia, hiền lành song đôi khi "cục", suy nghĩ không sâu sắc, biết thương các em và nể bố mẹ, tình cảm tốt với gia đình song lười viết thư cho bất cứ ai, tính lười viết thư cũng giống như mẹ con, tuy rất thương rất nhớ những người thân ở nơi xa xôi.

Ngọc thì vẫn lì sì như trước, vui lắm cũng chỉ mỉm cười, trừ khi đùa với em Thuỷ, cao, to, và chăm học, học trưa, học tối, nấu cơm cũng học, đạt được 3 tiên tiến: học sinh tiên tiến, đoàn viên tiên tiến, ngoại ngữ tiên tiến. Tháng 5/1972 em thi lớp 10, xong sẽ thi vào Đại học Sư phạm ngoại ngữ.

Em Diệp thì nhộn suốt ngày, nói cả ngày, bực cái gì chỉ thoảng qua, có khi bị mẹ mắng, xong lại hát liền, cũng đạt học sinh tiên tiến.

Em Lan khoẻ, béo, giống chị Ngọc, dõng dạc và nói chuyện như người lớn, bây giờ là cô nuôi lợn giỏi và chăm của mẹ, học thông minh và khá. Còn Thuỷ học tiến bộ hơn trước.

Bố tuy già đi một chút, song khoẻ hơn trước, mấy năm nay chưa phải nằm viện ngày nào. Mẹ con vẫn thế, người ta bảo "bà ấy trẻ lâu", đỡ lo hơn trước, và đang chuẩn bị gửi quà cho con khi Tuấn San trở vào.

Mong con khoẻ mạnh, phát huy được khí thế cách mạng của tuổi trẻ, sáng suốt mưu trí và tận tuỵ.

Bố.

TB: Ngoài này bố mẹ và bạn bè có theo dõi các bài con viết gửi cho báo và đài. Con viết tốt, ý bắt nguồn từ cuộc sống và biến thành tình cảm trở về cuộc sống là đúng song khó nhất là tình cảm sao cho chân thành, tránh suy diễn chủ quan và lời văn sao cho phù hợp với tình cảm chân thành ấy. Bố mong con đạt nhiều kết quả tốt về mặt này.

Hà Nội, ngày 20 tháng 2 năm 1972

Long yêu quý của mẹ!

Hôm nay, mẹ viết thư cho con ngắn thôi là vì anh San có nói là con đi vắng do đó mẹ viết vắn tắt vài lời vì sợ con không nhận được, thư sau anh San vào mẹ sẽ chuẩn bị gửi các thứ theo con dặn và mẹ sẽ kể tỷ mỉ chuyện gia đình cho con nghe.

Mỗi một Tết đến mẹ nhớ con vô cùng, chả muốn bầy vẽ Tết nhất gì cả, nhưng còn vướng các em bé thành mẹ phải chuẩn bị Tết tương đối cho chúng nó khỏi buồn. Hôm vừa rồi 29 tết anh San đến, bố mẹ và gia đình mừng quá, giữ anh San ăn cơm sáng với gia đình xong anh San về, từ hôm ấy đến nay chưa được gặp lại anh San. Mồng 2 tết vừa rồi bố mẹ và em Thuỷ cũng đi Sơn Tây thăm em Việt, em béo và khoẻ lắm. Mới có 5 tháng mà đã lên được 4kg rồi, em học hết tháng 4 thì phân công công tác thực tế một thời gian, còn sau thế nào chưa rõ. Hôm 28 tết ở cơ quan con cũng đến thăm gia đình và đưa thư chúc tết và biếu kẹo bánh gia đình. Còn ở cơ quan mẹ cũng đến thăm gia đình B, C và chụp ảnh gia đình, biếu mứt tết. Khi nào anh San vào mẹ sẽ gửi ảnh cho con. Con ở trong ấy mẹ chỉ mong con giữ gìn sức khoẻ tốt và con đừng chủ quan con ạ, mẹ nghĩ lắm lúc mẹ cũng lo cho con lắm nhưng rồi lo mãi cũng chả được gì, nhiều khi phải xua đuổi những ý nghĩ vơ vẩn đi nhưng dù sao nó vẫn cứ luẩn quẩn bắt buộc phải lo, nhưng rồi mẹ nghĩ con cũng đã lớn rồi và tự con cũng phải biết bảo vệ con thành mẹ lại yên tâm.

Hè vừa rồi bố mẹ và anh Đức cũng lên thăm cụ, gia đình cậu Hiếu và ông bà trẻ, nói chung là gia đình vẫn khoẻ, cụ vẫn khoẻ và cậu Hiếu đã được 3 con rồi - 2 trai 1 gái, sinh hoạt của cậu cũng khó khăn con ạ.

Thôi gọi là có vài chữ cho con yên tâm và biết tin gia đình, bố mẹ và các em vẫn khoẻ cả, mẹ chúc con khoẻ mạnh, công tác tốt. Tết con và anh em trong ấy ăn tết ra sao kể cho mẹ nghe mấy.

Mẹ

Hạnh.

Hà Nội, ngày 20 tháng 2 năm 1972

Anh Long kính mến của em!

Dịp tết vừa rồi, anh ăn tết ở trong ấy có vui không, ở nhà ăn tết rất vui anh ạ, chỉ thương anh không về nhà ăn tết được. Anh Long ơi, bao giờ anh về ăn tết ở nhà được thì vui lắm nhỉ. Mẹ bảo, bao giờ anh về thì mẹ sẽ ăn tết thật to. Thịt lợn nữa cơ mà, ở nhà cũng nuôi được con lợn khá to anh ạ, chúng em để dành cho anh đấy, anh Long ạ. Về phần học tập thì em học cũng khá, em được bầu là học sinh tiến tiến và là học sinh A3. Anh Long ơi! em rất mừng vì thấy anh công tác tốt, sức khoẻ tốt.

Thôi cuối thư em chúc anh mạnh khoẻ, đạt nhiều thành tích lớn trong công tác, em xin có lời hỏi thăm những người đồng đội của anh nhé.

Người em ngoan của anh.

Phạm Thuý Lan.

- Em Thuỷ thương nhớ anh Long lắm!

Chúc anh khoẻ mạnh, em mừng.

Em mong thư của anh.

Thuỷ.

Hà Nội, ngày 20 tháng 2 năm 1972

Anh Long kính mến!

Hôm nay, em lại cầm bút biên thơ cho anh sau bao tháng. Trước tiên em hỏi thăm sức khoẻ của anh, có khoẻ em mừng, còn chúng em và bố mẹ khoẻ cả.

Ở ngoài này nói chung gia đình ăn tết vui cả. Tết này ở nhà nuôi được một con lợn cũng to, nhưng không giết thịt. Mẹ bảo để lấy tiền cưới vợ cho anh Đức với lại tết năm nay vắng anh với anh Phúc nên mẹ không muốn ăn to, chờ khi nào gia đình đủ cả, mẹ mới làm một cái tết thật to.

Anh Long kính mến! nhận được thư của anh, biết anh tiến bộ nhiều và khoẻ mạnh, gia đình vui lắm. Hôm nọ anh San có đến thăm gia đình. Trông anh ấy cũng khoẻ mạnh, nghe nói anh cũng khoẻ như anh ấy nên gia đình cũng yên tâm. Về tình hình học tập của chúng em, để em báo cáo cho anh rõ: năm nay em học lớp 8, chị Ngọc học lớp 10, em Thuỷ học lớp 4, em Lan học lớp 5. Nói chung tình hình học tập cũng tốt. Còn anh Việt thì đang học khoa văn năm thứ 3 thì đã khám trúng tuyển và đã đi Công an vũ trang. Anh học 6 tháng thì ra trường. Hôm mồng 2 tết bố, mẹ và em, Thuỷ cũng lên thăm anh ấy, anh ấy khoẻ, đen hơn hồi ở nhà, lên được 4-5 cân. Còn anh Đức thì mỗi tuần về nhà một lần, chị Ngọc cũng vậy. Cô Chung và chúng nó vẫn khoẻ mạnh và vẫn ở chỗ cũ. Thỉnh thoảng cô Chung vẫn hay vào chơi trong nhà, cô nhớ anh lắm đấy. Anh ở trong ấy nhớ giữ gìn sức khoẻ, khi nào thống nhất anh về nhà, lúc ấy gia đình vui vẻ lắm nhỉ.

Thôi đêm đã khuya, em xin dừng bút tại đây, một lần nữa, sang năm mới, em chúc anh mạnh khoẻ, đạt nhiều thành tích mới trong công tác, được nhiều các cô các chú yêu mến.

Cho em gửi lời hỏi thăm, chúc sức khoẻ tới các anh chị cùng công tác, các gia đình đồng bào nơi anh công tác.

Em của anh

Phạm Bích Diệp.

NGÀY 22/2/1972

Lên đường đi Hoài Nhơn. Đi dọc theo một thung lũng dài. Cả thung lũng là một cánh đồng lớn bị bỏ hoá mọc đầy cỏ dại. Phía bên kia sông, thỉnh thoảng có ít vạt bắp xanh rì, thấp thoáng bóng mấy người cuốc xới.

NGÀY 23/2/1972

Quá trưa thì đặt chân lên đất Hoài Hảo (Hoài Nhơn). Đi qua mấy lèn đá gớm ngã quá. Ở đây phần lớn là đồi sim, cỏ.

NGÀY 24/2/1972

Lên tới đỉnh đồi, thấy đồng bằng đột ngột hiện ra trước mắt. Đồng bằng ở xã Hoài Hảo này hẹp - nhìn ra xa một chút đã thấy biển. Tất nhiên vẫn phải đi theo các quả đồi chứ không thể tràn ngay xuống dưới đó được. Đi ở một sườn đồi, thấy thấp thoáng bên quả đồi kia một bóng áo xanh. Sơn - giao liên - hú nhỏ một tiếng và lấy tay vẫy vẫy. Bóng kia hơi dừng lại nhìn. Sơn cằn nhằn, gắt gỏng trong miệng: “Đi vậy có chết không! Nó chấn cho mấy tràng pháo thì teo. Lại đây tao dấn cho mấy bạt tai!” Quả đồi đó trống quá, địch dễ nhìn thấy. Chúng tôi men theo sườn đồi, núp sau những bóng cây lúp xúp mà đi xuống.

Đứng trên đỉnh một quả đồi nhìn rõ khu Nhà thờ Dốc nằm trên một vùng đất rộng bị cày ủi đỏ lừ. Thực ra đây là một căn cứ quân sự. Nằm riêng ra một góc là một khu nhà trắng toát của trường huấn luyện của địch.

May gặp anh Mai - huyện uỷ viên, người mà tôi quen từ hội nghị nổi dậy tỉnh - nên không phải chờ đợi gì. Nghỉ lại tại “trụ sở” xã Hoài Tân để sáng đi. Nơi này tấp nập những người: cán bộ xã, khách qua đường, cán bộ các ngành về họp và có cả mấy phạm nhân ở trại giam tề đi cõng gạo nữa.

NGÀY 25/2/1972

Tới chỗ họp của huyện - họp Huyện uỷ mở rộng để tổng kết đợt hoạt động vừa qua, rà lại quyết tâm mới.

Vì một số cán bộ phía Đông đường chưa lên được nên phải chờ.

NGÀY 26/2/1972

Theo tin báo và nhận định của Huyện uỷ, nơi họp có khả năng bị uy hiếp. Phía Tây Nam, giáp với Hoài Ân, có bọn Cộng hoà đang càn, có khả năng sục qua. Phía Đông Bắc và Đông cũng có bọn thám kích, dân vệ. Nơi này đã bị lộ vì có mấy tên đầu hàng đã từng ở. Bởi vậy, xế trưa bắt đầu di chuyển. Leo lên một đỉnh dốc cao rồi tụt xuống. Khu rừng non này rất nhiều cây dầu rái. Những cây to bị vạc ở gần gốc, ứa đầy nhựa trăng trắng, trong trong, thơm phức. Lên một sườn đồi ngồi nghỉ. Khoảng 40 phút sau lại có lệnh mới: quay lại chỗ cũ! Sau khi bàn bạc, thấy bộ phận võ trang có khả năng canh gác, bảo vệ được, nếu địch đến vẫn rút lui được an toàn nên Huyện uỷ quyết định như vậy.

Tối, bắt đầu vào cuộc họp. Như lệ thường, đầu tiên là phần sắp xếp tổ chức, phổ biến giờ giấc, nội quy. Cả phần này đều tập trung vào vấn đề: cảnh giác, đề phòng tổn thất.

Anh Quý - phó bí thư - đọc bản tổng kết đợt hoạt động. Sau đó anh Vân - Thường vụ Tỉnh uỷ - phát biểu thêm. Rồi đến phần thảo luận.

NGÀY 27/2/1972

Hội nghị xoáy vào tìm nguyên nhân của những mặt yếu, và đã đi đến kết luận: Nói với nhân dân chưa đạt lý, thấu tình để nhân dân nhận thức được rõ quyết tâm to lớn, quan điểm quần chúng của Đảng, yêu cầu về tinh thần độc lập, tự chủ. Biện pháp tư tưởng làm chưa triệt để, việc giáo dục tư tưởng quần chúng bằng hành động cụ thể của cấp ủy còn thấp. Quản lý lực lượng chưa chặt - quản lý tổ chức, quản lý chỉ tiêu còn chuệch choạc. Nghiêng về lực lượng bất hợp pháp, chưa có biện pháp táo bạo nâng cao vai trò và đẩy mạnh hoạt động của lực lượng hợp pháp trong lòng địch. Kinh nghiệm cũ kỹ, công tác bồi dưỡng cán bộ chưa đáp ứng được yêu cầu của phong trào. Tập dượt cho quần chúng đấu tranh còn ít. Đội ngũ chưa thuần khiết.

Có một điều đáng chú ý: anh Vân nhắc lại lời phát biểu của anh Đức - bí thư Hoài Châu: “Sau khi nhận phương án của huyện về” và nói: “Như vậy là đã hé ra trong hành động, ý nghĩ của chúng ta còn sai sót, không đúng với đường lối quần chúng của Đảng. Phương án là phải xây dựng từ dưới lên, từ hành động của quần chúng chứ không phải nhận từ trên xuống”. Phát hiện của anh Vân quả là sự nhạy bén của người lãnh đạo.

Hội nghị nhận định về địch: Sẽ tăng cường hệ thống phòng ngự, điên cuồng ngăn chặn tấn công và nổi dậy, điên cuồng phản kích bằng các hành động đánh nhỏ ăn chắc, thanh lọc quần chúng, khui trục cả lực lượng bất hợp pháp và bán hợp pháp của ta, phát triển lực lượng.

Chiến dịch sắp tới của chúng ta sẽ có quy mô lớn, tính chất quyết liệt, dài ngày, phải phát huy sức mạnh tổng hợp của cả 3 thứ quân (chủ lực, bộ đội địa phương, du kích) và 3 mũi giáp công (chính trị, binh vận, quân sự); phải có sự hợp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng.

Thay mặt Huyện ủy, anh Quý trao tặng Bằng khen cho xã Hoài Châu về thành tích võ trang, xây dựng lực lượng, đóng góp nghĩa vụ, và cho xã Tam Quan Bắc về thành tích ba mũi giáp công, cho xã Hoài Sơn về thành tích thu mua lương thực, huy động dân công. Huyện cũng đề nghị cấp trên tặng thưởng Huân chương giải phóng cho lực lượng du kích đã đánh tiêu diệt các chốt An Quý, Cầu 99, Thiện Chánh (Hoài Châu), Đồi Chùa (Hoài Xuân) và tiêu diệt các trung đội địch trài ra ở Hoài Tân, Hoài Hương.

NGÀY 29/2/1972

Xong họp, tôi về xã Hoài Châu. Khi tới Hội Phú thì trời đã tối. Nhìn về “hố tiểu đoàn” thấy có những đám cháy lớn. Anh em đoán đó là do địch đốt. Sợ chúng phục kích, phải cho người đi trước bám đường. Ngồi chờ mất gần 2 giờ đồng hồ. Gió lồng lộng làm chúng tôi rét run.

Tình hình yên ổn, chúng tôi lại đi. Trăng, mặc dù bị mây che, vẫn sáng tỏ, soi rõ đường cho chúng tôi. Phía “hố tiểu đoàn”, một đám cháy đang leo lên dốc, thỉnh thoảng lại bốc cao lên, hừng hực. Lửa tạo thành hình vòng cung đỏ rực ầm ầm leo lên dốc. Còn chúng tôi thì xếp hàng một leo lên, thở phì phò, toát mồ hôi. Lên đến đỉnh núi, muốn ngạt thở vì gió. Tới chỗ ngủ, đã 1 giờ sáng. Dưới ánh sáng trăng, chúng tôi quơ củi nấu cơm ăn - đói quá mà. Đêm nay là đêm rằm.

NGÀY 1/3/1972

Đường chạy theo các quả đồi đất sỏi khô cằn, cây cối thưa thớt, phần lớn là sim, mua, lổm chổm những tảng đá. Dọc phía Tây Hoài Nhơn này - Từ Hoài Thanh, qua Hoài Hảo tới đây - đều một loại đất cọc cằn như vậy. Bọn giặc còn thả bom xăng xuống đốt trụi từng đám cỏ, từng bụi cây tội nghiệp. Những “bọt xăng” vàng bám trên những hòn đá xám đen, những đám đất bị đốt cháy xém, những cây bị sức nóng làm chết từ lâu giơ những cành khòng khoeo trắng phếch lên trời càng làm cho mảnh đất vốn khắc khổ này thêm khắc khổ. Có lẽ rồi đây, khi chiến tranh kết thúc, cũng khó trồng trọt được loại cây gì khả dĩ làm giàu được cho con người ở vùng này.

Cùng đi với chúng tôi có anh Huỳnh Chi Đức, bí thư xã uỷ Hoài Châu. Anh to, mập, tóc húi cua, mắt một mí, trông giống như người Trung Quốc. Thật là một người “ăn sóng nói gió”. Trong buổi họp, khi anh phát biểu, anh em cứ phải giật áo anh nhắc “Nói nhỏ chứ”. Anh hạ giọng xuống một lúc rồi hăng lên lại nói oang oang. Anh phát biểu trung thực, thẳng thắn, dứt khoát. Huyện khen xã anh nhiều mặt (xã vốn được tặng danh hiệu “Thành đồng”, hiện cũng đứng nhất nhì trong huyện) và cũng phê phán một số mặt, trong đó có mặt hoạt động võ trang, vấn đề dân công và cái máy chữ. Về cái máy chữ, một số đồng chí phát biểu: “Tôi thấy cái văn phòng của xã Hoài Châu ngang với văn phòng huyện. Có lẽ nên thôi cái máy chữ đi, để tiền giấy pô luya mua mắm cho du kích ăn”. Anh Đức liền nói:

- Các đồng chí phát biểu đều đúng cả, tôi xin nhận hết. Nhưng mà (mọi người cười ồ lên khi anh nói hai chữ này), nhưng mà tôi cũng có ý kiến. Về mặt hoạt động võ trang, tháng 2 xã tôi yếu, cái đó tôi có tội, tôi xin nhận. Nhưng về mặt dân công, xã tôi đi đủ, đúng lệnh chứ không thiếu sót. Nhưng mà huyện làm chúng tôi rất khó. Lệnh xuống, chúng tôi điều dân công tới chỗ hẹn, nhưng không có người đón. Chúng tôi phải đưa về, chứ để đấy được ạ? Để đấy, rủi địch đánh tổn thất thì ai chịu trách nhiệm? Còn nữa, lệnh gì mà cứ liên tiếp xuống, thay đổi luôn. Mới nhận lệnh này, lại có lệnh khác. Chúng tôi là cấp dưới, chúng tôi phải chấp hành chớ sao? Nhưng chấp hành lệnh nào cho đúng? Còn cái máy chữ, có anh nói bán nó đi, lấy tiền nuôi du kích. Tôi nói thế này. Chúng tôi trình độ thấp, viết được một dòng thì nẫu (người ta) đã rồi một trang. Có cái máy, nó đánh bộp bộp một lát là rồi. Ví như lệnh huy động dân công, đánh một chút là có hàng chục bản. Như vậy nó nhanh, nó bớt thời giờ để mình lo vệc chung. Các anh nói như thế, tôi hờn.

Trên đường về, lúc ngồi nghỉ, anh nói chuyện rất say sưa, vừa nói vừa làm điệu bộ rất ăn khớp. Anh kể:

- Năm khó khăn, mình bật lên núi, râu ra dài 2 lóng tay. Bữa về nhà, bà già ôm tôi khóc (anh nhắm mắt, mếu miệng, hai tay vuốt vuốt vào không khí), bảo tôi: “Bay làm sao chứ, cực khổ mãi vậy nè”. Tôi liền la (anh trừng măt, la thật): “Bà còn khóc a? Bà có biết tôi khổ, là bà có tội không? Hồi trước, bọn thực dân phong kiến bảo bà quỳ, bà quỳ, bảo bà làm cho nó ăn, bà làm cho nó ăn, bà không chịu đấu tranh, nó mới còn đến bây giờ, nó áp bức tôi. Vậy tôi phải đấu tranh, chớ làm sao?”.

Anh kể tiếp:

- Bà chị tôi lên thăm, đem bánh, kẹo, cho 200 bạc và mếu máo: “Em ơi, em làm sao chớ nẫu chết hết rồi, chị ngó bộ em đi phiêu lưu quá”. Tôi liền hét: “Dẹp hết, dẹp hết (anh quờ mạnh tay), tôi không ăn. Tôi ăn, để chị chiêu hồi hả? Đem về hết. 200 bạc, chị đem về mua sắm thêm bày trong nhà cho đẹp”.

Anh em cười:

- Anh nói vậy, rồi cũng ăn chớ?

- Ăn sao được? Tôi không thèm một chút.

- Anh chê ít, muốn nhiều chớ gì?

- Ừ, ít thì có ít. Chị ruột cất cái nhà tôn to ầm mà cho em 200 bạc thì ăn nhằm gì. Nhưng không phải tôi đòi thêm, tôi ghét, tôi không thèm.

Anh nói qua chuyện khác:

- Hồi đầu thằng địch đến hỏi nhà tôi: “Thằng Đức đâu?” Nhà tôi trả lời: "Bữa trước thấy ổng về làm việc. Bữa nay không thấy nữa, chắc ổng chết rồi”. Tôi liền nộ nhà tôi: “Bà rủa tôi hả? Tôi sống mà biểu chết? Cứ nói với nó rằng tôi đang sống, đang tìm cách diệt nó, xem nó làm gì được mình?” Nhưng nghĩ cũng tội, mỗi khi mình hoạt động, nó bị thiệt hại, nó lại lôi vợ con mình ra đánh. Có hồi, nhà tôi mới sanh, nó bắt lên đánh máu chảy đầy mình. Nhưng Đức đâu có chịu. Tôi liền họp gia đình bọn nó lại: “Tôi nói cho mấy người biết, tôi với chồng mấy người là thù, thù không đội trời chung. Tôi chết, chồng các người đạp lên xác tôi mà đi. Mà tôi cũng đạp bể sọ chồng các người, tôi đi. Nhưng các người với vợ tôi là hàng xóm láng giềng, có thù hằn gì? Tôi không thèm động đến các người. Tại sao chồng các người đánh đập tàn ác vợ tôi? Về nói với chúng thả ngay ra, không sẽ biết tay”. Mấy thằng ác ôn đi trốn ngủ, sáng mò về kiếm miếng ăn, liền bị vợ thộp ngực la: “Hồi hôm ông Đức về hỏi tội đó. Liệu mà thả vợ ổng ra. Không thì con cái đây, tôi trả, tôi đi, tôi không dám ở đây nữa!” Mấy đứa ậm ừ: “Thả thì cũng có ngày có tháng chứ!”. Nói vậy, nhưng rồi chúng cũng phải thả liền.

Bây giờ, nhà anh Đức vẫn nằm trong vùng địch kẹp. Bọn địch đi qua nhà anh thường nói: “Nhà thằng Huỳnh Chí Đức đấy, đốt đi bay” nhưng không đứa nào dám đốt cả. Thỉnh thoảng, bọn ác ôn lại lôi mấy đứa con anh lên đánh. Anh liền kéo 2 đứa con lớn ra, đưa lên tỉnh công tác. Nghe nói, thỉnh thoảng vợ anh có lên thăm anh, anh em liền chọc:

- Này, thế mỗi lần chị ấy lên thăm, anh cũng nói giọng quân sự như vậy à?

Anh cười mủm mỉm:

- Ấy, mình có cách nói chứ. Mỗi lần lên, mình mới hỏi: “Sao, mình lên đây có mấy yêu cầu?”

Anh nháy mắt, cười:

- Nói mình cho thân mật mà.

- Kêu em thân hơn chứ?

- Em gì nữa, già rồi.

- Thế bà vợ ông trả lời thế nào?

- Trả lời là lên thăm, lên đem cho gạo, mắm.

- Nói chế, chắc là còn thiếu?

- Thiếu chứ, lần nào cũng phải bổ sung, chứ họ không tự giác nói đâu. Làm mình bổ sung hoài.

Anh Đức cười lớn và mọi người cũng cười vang.

Kỳ này Huyện uỷ rút của Hoài Châu một lúc 2 cán bộ. Kể ra, vì lo việc, anh cũng ấm ức, nhưng không dám nói ra. Nhưng lúc anh Cường - phó Chủ tịch huyện - nói: “Nếu để ở Hoài Châu ông Đức làm việc Đảng, ông Đặng làm việc chính quyền, ông Thảo làm việc quân sự thì vững lắm”, anh liền hưởng ứng ngay: “Chu cha, anh Cường nói tôi mới thấm chứ, thấm vào tận gan ruột. Ai cũng như anh thì tôi cũng được nhờ”. Trong buổi họp xã uỷ mở rộng, anh nói: “Chúng ta cũng phải tự lực đào tạo cán bộ, không có huyện đưa quyết nghị về, cứ điều ba là mình phải chấp hành, không có là gay lắm”. Anh vừa nói vừa liếc nhìn anh Phong - Thường vụ Huyện Uỷ - ngồi bên cạnh. (Trong quyết nghị, điều 3 nói: “Địa phương chiểu quyết nghị thi hành”, nên anh thường dùng “điều ba” để nói về việc ấy).

(Còn nữa)

Phạm Việt Long