Tác phẩm Bê Trọc của nhà báo Phạm Việt Long: Nhật ký chiến trường về một thời máu và hoa (Phần V)

Bê trọc, còn gọi là Chuyện đời thường trong chiến tranh, là tác phẩm của Phạm Việt Long, do Nhà Xuất bản Thanh niên xuất bản vào đầu năm 1999.

NĂM 1970
THƯ GIA ĐÌNH
Hà Nội, ngày 5-1-1970
Anh Long thân mến!
Hôm nay em cầm bút viết thư cho anh, trước tiên em hỏi thăm sức khoẻ của anh có được khoẻ thì em mừng, chúng em và bố mẹ vẫn được khoẻ mạnh. Nhà ta chuyển xuống Hà Nội sau ngày Bác mất, bây giờ chúng em đã đi học cả, cậu Hiếu xuống Hà Nội công tác hơn một tháng, bây giờ cậu lại về Hà Giang rồi. Em Thuỷ, em Lan và em đều học ở trong làng Phùng Khoang. Thuỷ năm nay lên lớp hai. Lan lên lớp 3, còn em thì học lớp 6. Chị Ngọc đáng lẽ chị học lớp 8 nhưng chị thi đỗ trường năng khiếu ngoại ngữ, bây giờ chị ở huyện Từ Sơn, thỉnh thoảng chị được nghỉ dài ngày thì chị lại về nhà, mà bây giờ chị béo lắm, còn anh Việt bây giờ anh ở Trường Đại học Tổng hợp văn, ngày chủ nhật nào anh cũng về nhà được, bây giờ anh ở trong Hà Đông, anh cũng chỉ vừa thôi chứ chưa béo lắm, còn anh Phúc anh đi Liên Xô được độ hai tháng nay rồi, anh Đức cũng sắp về nước rồi nếu như bình thường thì anh có thể ăn tết được ở nhà nhưng bây giờ có thể độ tháng 2,3 anh mới về được. Cô Chung bây giờ cũng được khoẻ, thằng Quang, Chiêu bây giờ về ở với cô rồi còn Tiến vẫn ở trên nhà. Thư em viết đã dài, còn để giấy cho các em viết nên em tạm dừng bút ở đây, cuối cùng em chúc anh mạnh khoẻ, lập nhiều thành tích.
Em của anh
Phạm Bích Diệp
Phạm Thúy Lan
Anh Long kính mến của em!
Em là Lan, hôm nay em viết thư hỏi thăm sức khoẻ của anh, anh có khoẻ không, còn về phần em thì em học cũng tiến bộ nhiều, nhà mình đã được chuyển về Hà Nội chỉ mong đến ngày anh về để đón anh.
Thôi cuối thư em chúc anh mạnh khoẻ, công tác tốt.
Em của anh
Phạm Bích Thuỷ
Em Bích Thuỷ hỏi thăm anh Long. Em chúc anh mạnh khoẻ. Em vẫn được khoẻ, học tập tiến bộ. Em đang học lớp 2. Em nhớ anh lắm lắm. Mong ngày đón anh về.
Em

pvl1-1658192137.jpg
Tác phẩm Bê Trọc của nhà báo Phạm Việt Long: Nhật ký chiến trường về một thời máu và hoa (Phần V)

NGÀY 4/2/1970
Ở nhà chuẩn bị đón xuân mới. Năm nay cơ quan chuẩn bị vật chất khá đầy đủ: có heo, nếp, kẹo... Điều thú vị nhất là cơ quan tổ chức gói bánh chưng. Vượng đảm nhận việc đó. Trên chiếc bàn to trong nhà, chúng tôi chất đầy nếp, đậu xanh, thịt, lá... trông thật vui mắt. Vượng ngồi gói bánh một cách say sưa, tự hào. Quả thật anh đáng tự hào ở cái tài gói bánh chặt chẽ, vuông vắn của mình.
Đêm, chúng tôi chất lửa nấu bánh. Nồi bánh sôi sùng sục, sùng sục và ánh lửa bập bùng làm căn nhà trở nên vui và ấm.
NGÀY 5/2/1970
Đêm nay là đêm giao thừa. Toàn tiểu ban Tuyên truyền chúng tôi ngồi quây quần bên bếp lửa trò chuyện, đón giao thừa. Có bánh bích quy, cà phê hẳn hoi. Trong hoàn cảnh chiến trường này, thế là sang lắm.
Chúng tôi vui tết, song lòng không khỏi đượm buồn khi nhớ tới Bác Hồ. Giao thừa này là giao thừa đầu tiên chúng tôi không được nghe Bác chúc tết, đọc thơ mới. Nghe đài truyền lại lời Bác chúc tết năm ngoái, cảm thấy Bác vẫn sống, vẫn đang tươi cười...
NGÀY MỒNG 1 VÀ MỒNG 2 TẾT
Chúng tôi đón Tết Nguyên đán trong không khí bận rộn, khẩn trương vô cùng. Họp suốt sáng, tối mùng một và sáng mùng 2. Chủ yếu là bàn việc sản xuất. Vấn đề lương thực vẫn luôn là vấn đề trọng yếu. Phải tích cực sản xuất, tự túc lương thực, nếu không sẽ đói ngay. Phải coi sản xuất ngang chuyên môn. Với tinh thần khẩn trương đó, ngay trưa mùng 2 tết, chúng tôi toả đi các ngả đường: cõng gạo, sản xuất. Tôi vào nóc ông Chanh tham gia sản xuất ở cơ sở một.
NGÀY 9/2 ĐẾN 30/2/1970
Đây là cơ sở mới nên gặp nhiều khó khăn. Thiếu đủ thứ, từ lương thực, thực phẩm đến nơi ăn chốn ở.
Tham gia phát rẫy 2 ngày rồi lại đi cõng gạo. Gai góc cào rớm máu cả hai bàn tay.
Chúng tôi cõng gạo ở Sơn Ba. Đường đi dọc theo sông - hai bên bờ có những cánh đồng lúa rộng dài tít tắp, trông đến sướng mắt. Đợt này tôi đã đưa mức cõng gạo lên 40 kg - giá như sức khoẻ cứ phát triển theo chiều hướng đi lên thế này thì đáng mừng lắm.
TỪ NGÀY 10/3/1970
Bắt đầu những ngày phát rẫy dai dẳng. Trời nắng ong ong, nóng điên người. Phơi mình dưới trời nắng, chúng tôi dùng rựa phát cây, dứt dây. Những bụi mâm xôi rậm rì, đầy gai, bò ngùng ngoằng, cào nát hai bàn tay chúng tôi. Chúng tôi phải dùng cây dài làm đòn bẩy, đánh vòng, đi từ phía sau bụi mâm xôi đánh xuống. Nhờ vậy, gốc nó phải phơi ra cho chúng tôi chặt.
Vắt cũng thi nhau hút máu. Ngày nào máu cũng đổ vì vắt. Rồi còn ruồi mòng đốt nữa. Thứ ruồi này to, đốt buốt thon thót. Cơ thể mỏi mệt, đau nhức. Chân, tay mụn xưng đỏ tấy. Phải có ý chí chiến đấu - cứ vươn tới, vươn tới, lấn dần với cái mỏi mệt. Và rồi cũng qua đi. Đây, một ngày mới lại đến. Ăn cơm sáng trong ánh đèn dầu leo lét. Xách rựa ra rẫy trong cái lành lạnh của sương sớm. Ánh bình minh đón ta. Nó sáng lên với ánh sáng hơi xanh dịu hoặc ửng hồng, lan tràn trên các đỉnh núi. Mặt trời đỏ mọng như quả mâm xôi chín gặp chúng tôi khi nhô lên khỏi ngọn núi phía bên trái rẫy. Và những đám mây dầy đặc bao giờ cũng đem lại cho tôi một cảm giác khoan khoái, mênh mông... Mây trắng đục như sữa tràn đầy không gian, đầy ắp các thung lũng, tràn phủ cả lưng những ngọn núi cao, làm ngập lút cả những ngọn núi thấp. Đứng trên núi nhìn về phía xa ấy, trông như một dòng sông mênh mông. Mây tạo thành dòng sông lớn, có những đoạn uốn lượn duyên dáng, có cả ngã ba bát ngát. Những mỏm núi nhô lên xanh xanh như những hòn đảo nổi giữa sông. Rồi ta bước vào rẫy và bị rẫy bưng lấy tầm mắt. Đó: cây, lau lách, gai góc, dây dợ đó, hãy xông tới mà chặt, mà dứt, mà cào. Con rựa, con rựa có cái mấu khoằm khoằm ở đầu tha hồ tung hoành. Rồi trưa đến với cái nắng cháy da. Ăn cơm trưa ngay tại rẫy. Xong, nghỉ tạm bợ dưới bóng cây, trên nền đất lởm chởm cho dãn xương cốt một chút rồi lại dậy làm. Khi mặt trời khuất sau những dãy núi trùng điệp và bầu trời chỉ còn sáng với ánh sáng thoi thóp, chúng tôi ra về. Len qua những khu rừng, khe suối, vượt qua vài cái dốc nhỏ rồi về nhà. Nhào vào nước rửa ráy hoặc tắm ào, rồi mài rựa, rồi ăn cơm trong ánh đèn dầu. Tối đến với những buổi họp bàn công việc, những giờ học văn hoá say sưa. Đấy, cuộc sống sản xuất của chúng tôi cứ diễn ra đều đặn, bình thản như vậy.
NGÀY 19/5/1970
Nhanh thật, đã sản xuất 3 tháng rồi. Ba tháng qua đi với những ngày lao động khẩn trương vô cùng. Cuộc sống hối hả xốc tới như con tàu đã mở hết ga. Hầu như ngày nào cũng vậy, chúng tôi làm việc ít nhất là 9 giờ đồng hồ, có khi tới 10, 11 giờ. Tối cũng ít nghỉ sớm - thường là 21 giờ vì còn học văn hoá, họp.
Những ngày dọn rẫy thật đáng nhớ. Phơi mình dưới cái nắng lửa suốt ngày, không một bóng cây nhỏ. Vác những cây gỗ cháy nham nhở vứt khỏi rẫy hoặc xếp gọn lại. Dùng rựa cào cây nhỏ, dây dợ cho sạch. Chao, lúc ấy tro bụi tung lên mù mịt, thộc vào mồm, mũi nồng nặc. Đến ngột lên vì tro, vì nắng, nóng. Rồi trỉa lúa, bắp. Tất nhiên là với phương thức rất nguyên thuỷ: dùng gậy thọc lỗ rồi tra hạt, lấp đất. Kể cũng lạ thật, làm thế vậy mà lúa ngô vẫn vươn lên xanh tốt - đặc biệt là ngô.
Không bao lâu bắp đã được ăn. Trái bắp to, mẩy hạt, ngọt ngào. Có những buổi đi coi rẫy, tôi bẻ những trái bắp non quăng vào đống lửa. Khi lớp vỏ ngoài cháy gần vào trong, là lúc bắp chín. Bắp dẻo, thơm, ngọt lừ, tôi chỉ ăn 3 - 4 trái là no căng, thay cho bữa cơm. Thật là sung sướng khi được hưởng thành quả lao động do chính tay mình làm nên. Bắp được thu về, chật nhà cửa. Chúng tôi lột bao rồi chất lên dàn, tối đốt lửa sấy. Lẽ ra có thể phơi, song lũ máy bay lượn dữ quá, sợ chúng phát hiện ra.
NGÀY 9/6/1970
Chúng tôi vừa thu hoạch bắp vừa làm cỏ lúa. Trời hay mưa chiều - cứ xế trưa là trời chuyển mình, mây dồn lại đen kịt và rắc mưa xuống. Có khi mưa suốt buổi, ủ ê, buồn tẻ.
Giữa những ngày mưa giông dữ dội này, tôi nnhận được một tin thật đau lòng: vừa qua, trong đợt chuyển gạo, cơ quan chúng tôi bị hy sinh 3 đồng chí: Đinh Thành Lê, Kiều Thị Nghị và Bình. Ngày 4/6, Lê, Bình, Nghị và Minh chuyển gạo từ sông Giang lên. Tới Trà Lãnh, Bình bị bọn địch từ máy bay trực thăng HU1A bắn chết bằng một quả rốc két. Trong khi máy bay vẫn quần lượn và đổ quân, 3 người còn lại hỳ hục tìm cách chôn cất Bình. Xong, Lê và Nghị lại chỗ để bao gạo để sửa soạn, chuẩn bị đi. Minh còn nán lại sửa mộ cho Bình. Bất thần anh nghe 2 tràng đạn nổ liên hồi, đạn bay riu ríu qua đầu. Anh vội nhảy vào rừng, luồn xuống suối và chạy thoát với bộ quần áo lót trên người, cái ăng gô hỏng xách trong tay. Anh chạy như trong cơn mê sảng, tay luôn nắm chặt chiếc ăng gô hỏng. Cứ chạy bừa trong rừng mà cũng về tới cơ quan, khi ấy râu anh bạc hết. Còn Lê và Nghị, hai người đồng chí thân yêu của chúng tôi, vĩnh viễn nằm lại đó, giữa đường xuyên núi lạnh lẽo. Thật đau lòng, khi mọi người đến chôn thì thi thể Lê và Nghị đã trương lên, không mang đi được. Đành phải tấp ni lông rồi lấp đất, giữ nguyên vị trí và tư thế của 2 người lúc tắt thở: Lê nằm nghiêng gần bụi lách bên vệ đường, Nghị nằm ngửa giữa đường.
Tôi nhớ Đinh Thành Lê, một con người rất hiền hậu và siêng năng. Anh hay tâm tình với tôi - từ chuyện gia đình, vợ con tới chuyện văn thơ, báo chí. Anh là người rất dễ xúc động. Dạo Hồng bị gió độc ngã ngất, anh đã oà khóc! Vợ anh ở miền Bắc, bị chết vì bệnh ung thư, anh khóc, khóc mãi và anh tâm sự rằng có lúc tưởng không sống nổi nữa, anh đã mang súng ngắn vào rừng định tự sát, song lại thôi. Cuộc sống chiến đấu đã vực anh dậy, anh bước qua đau khổ mà đi lên. Anh lao vào công tác với những bài báo, bài thơ đầy tình cảm, với những ngày sản xuất, gùi cõng vất vả. Tôi nhớ mãi những ngày cùng anh và anh Lý chuyển cơ quan. Hồi ấy, 3 anh em đi sau cùng. 3 người sống với nhau gắn bó như anh em mà tôi là em út. Lê thường cặm cụi đi mò ốc, câu cá, thường lúi húi thổi lửa nấu cơm. Đi đường tôi sốt, Lê và Lý làm hết thảy mọi việc: lo dựng lều, kiếm củi, rau, nấu ăn và dành cho tôi cả đường, sữa của mình. Mới đây Lê có viết thư cho tôi và động viên tôi rất nhiều. Vừa qua, khi đi cõng gạo, gặp người về chỗ tôi, Lê gửi lời thăm và hẹn sẽ viết thư dài, kể nhiều chuyện vui cho tôi nghe. Thư chưa kịp viết kể chuyện vui thì Lê đã ra đi, để lại nỗi đau xót quằn quại trong trái tim tôi!
Tôi nhớ Kiều Thị Nghị, một thiếu nữ rất hồn nhiên, sôi nổi và đầy nghị lực. Tôi thường gọi Nghị bằng họ của em “Kiều” và coi Kiều như em tôi - Kiều bằng tuổi đứa em trai kề tôi. Lúc nào Kiều cũng hoạt bát, vui vẻ. Nụ cười rất tươi có điểm hai lúm đồng tiền nhỏ, luôn đem lại cho tôi niềm vui - ngay cả trong lúc khó khăn vất vả. Đôi mắt Kiều đẹp như mắt bồ câu và rất trong sáng. Cái nhìn lúc nào cũng như lấp lánh, lấp lánh những niềm vui làm xáo động lòng người. Tuy sống ở rừng núi bị sốt rét huỷ hoại nhiều, Kiều vẫn có vẻ đẹp phảng phất của một phụ nữ châu Âu.
Tôi nhớ Kiều những lúc cùng phát rẫy, hai anh em thường đi chung một lối. Tối về sưởi chung một bếp lửa. Em thường đòi tôi dậy học và dậy hát. Nhớ những buổi trưa nằm võng nghe em đọc những truyện ngắn trong tập văn nghệ giải phóng. Đặc biệt, tôi rất nhớ những chuyến gùi cõng đầy vất vả cùng Kiều. Những lúc ấy Kiều luôn tỏ ra là người có nghị lực phấn đấu mạnh. Hồi cõng hàng ở nước Oa, Kiều rẽ vào kho cõng dầu, còn bọn tôi cõng bắp, hẹn gặp nhau ở sông Tranh. Tới sông, chúng tôi dăng tăng, ăn cơm và đợi mãi mà vẫn chưa thấy Kiều đến. Anh em đoán Kiều gặp khó khăn gì đó, chắc là ngủ lại kho. Nhưng tới khi trời nhoà tối và lất phất mưa thì mọi người ngạc nhiên thấy Kiều cắm cúi cõng thùng dầu đi tới. Đúng là Kiều gặp khó khăn: thùng bị chảy. Xoay sở mãi tới 4 giờ mới có thùng thay, song Kiều vẫn quyết tâm đi. Tôi ngồi nhìn Kiều ăn cơm - những hạt cơm lạnh ngắt - với chút xì dầu mặn chát, cười nói vui vẻ mà thấy lòng trìu mến lạ.
Kiều đi sản xuất trước tôi 2 tháng. Khi tôi vào, gặp Kiều và Nhơn trỉa bắp ở gần rẫy Nóc ông Chanh. 4 người giở bánh chưng ra ăn rồi cùng xén tỉa, dọn xong rẫy đó. Kiều ơi! Cái rẫy bắp em trỉa đó, giờ bắp đã chín rồi. Khi cõng bắp về, anh không khỏi ngậm ngùi nhớ tới em. Anh nhớ khi về cơ quan, em hẹn khi nào ăn bắp nhớ để phần em với. Anh mong có ngày em vô, bắp non đó em tha hồ nướng mà ăn. Giờ đây bắp trỉa đã ra trái vàng rồi, mà em không trở lại, mà em mãi mãi đi xa!...
Anh nhớ khi cùng Kiều đi cõng gạo Sơn Ba, em rất cố gắng bước kịp theo anh và Tạo. Đường bằng, em nói đi quá tức chân nên đi chậm. Những lúc ấy anh muốn chờ em, song đường dài quá, trời sắp tối, anh phải bước nhanh cho kịp để em lấy đó làm đích mà bước tới. Đi trước, thỉnh thoảng ngoái lại nhìn bóng em lúi cúi bước theo phía xa, nhoà nhoà trong ráng chiều đen đỏ, ngập chìm trong cái vắng lạnh mênh mông, anh thấy thương em lắm. Anh về trước, còn em ở lại mang thêm chuyến gạo nữa. Sáng đó, nhìn về hướng em đi, thấy máy bay quần và bắn dữ, anh lo cho em. Một mình thân gái dặm trường. Một mình một cõng gạo, vượt sông, vượt con đường 5 trống trải và vắng vẻ, liệu có sao không em? Song, em đã vượt qua được tất cả. Anh vui mừng khi chuyển gạo chuyến sau, anh được cùng em đi. Hôm đó em có kinh, song em không hề phàn nàn gì và vẫn ráng mang gần 40 kg gạo theo kịp anh em. Đường qua nhiều sông, anh cố gắng tìm thuyền hoặc tìm chỗ cạn lội qua cho em khỏi ướt. Buổi trưa nắng, anh chú ý dừng lại những nơi có thể dừng để em giặt giũ quần áo. Anh cố gắng giúp em cho em đỡ vất vả, song làm sao bù đắp được những gian khổ mà em - cũng như các chị em khác ở miền Nam này - phải chịu đựng. Có lẽ em hiểu được điều đó nên em rất bình thản vượt qua mọi gian khổ. Nhiều lúc anh bật cười khi ngồi nghỉ chờ em, em cõng gạo đến, mồ hôi nhỏ giọt trên trán mà vẫn nói đùa: “Tưởng anh đi nữa không nghỉ. Anh cứ đi đi, em chẳng sợ đâu!”. Cũng có lúc em gắt gỏng đôi chút, song chỉ độc một câu: “Bực mình quá đi!”. Những lúc ấy anh thường trêu em: “Tưởng bực người, chứ bực mình thì kêu lên làm gì cho khổ”. Và em lại cười. Em cũng hay trêu anh, đặc biệt là hay nhại tiếng miền Bắc của anh. Anh nói “sông Tranh”, “nhất trí” mà phát âm sai vần “Tr”, em liền hỏi lại: “sông Chanh hả anh? Nhất chí hả anh?” làm anh bật cười.
Hôm em trở về Ban, anh đi cõng gạo và cùng đi với em một buổi đường. Bữa cơm trưa hôm đó, anh em mình ăn ở đỉnh dốc trên nước Lon, giáp sông Tang. Thức ăn cũng chỉ là ít xì dầu trộn muối rang, củ nén. Giờ đây, mỗi khi ăn thứ lương khô đó, anh lại nhớ tới em nhiều. Ăn rồi chúng ta chia tay nhau. Anh bắt tay em và hẹn ngày gặp lại. Ngờ đâu em ơi, bữa cơm đó là bữa cơm tiễn biệt, cái bắt tay đó là cái bắt tay cuối cùng, tạm biệt mà thành vĩnh biệt. Em đi một mình về Trà Niêu và lo phải ngủ rừng một mình, sợ cọp. Cọp không có, không hại em, song giặc Mỹ giết mất em! Cái loài cọp dữ đó giết hại bao người đồng chí thân yêu của tôi rồi.
Nghị ơi, cái bình đông nhựa của em - cái bình đông từng đựng nước cho hai anh em mình uống chung - bọn biệt kích Mỹ cũng lấy lê đâm thủng rồi em ạ. Thật tan nát lòng anh!
Tấm đi mưa của em thủng mấy lỗ, anh dán giùm em, giờ đắp cho em đó. Em đã gặp lại gia đình chưa? Hình như không em nhỉ, vì gia đình em bị giặc lùa vào khu dồn rồi mà. Nằm dưới lớp đất mỏng, dưới trời mưa dữ dội này, có lạnh lắm không em? Giông tố cuồng loạn trong lòng anh!
Nghị ơi, anh mong rằng khi về Ban, anh sẽ gặp lại em, sẽ lại chép cho em bài hát, sẽ cố dạy em học văn hoá để em lên được một lớp cùng với anh em khác, vậy mà em đã đi xa rồi, xa mãi. Bài hát Em là hoa Pơ Lang anh chép cho, em đã thuộc chưa và có mang theo không? Tiếng nói của em vang mãi trong lòng anh!
Khi viết thư cho bạn, em viết: “Cố gắng xứng đáng với quê hương hơn nữa!..” Em ạ, em đã xứng đáng với quê hương rồi đó. Anh nguyện sống sao cho xứng đáng với em, với sự hy sinh của em. Khi em đi vào cõi vĩnh hằng, cũng là lúc em sống trong trái tim anh mãnh liệt nhất. Không ngày nào anh không suy tưởng đến em. Không ngày nào anh không nhắc tên em! Em đã đi qua 21 mùa xuân của cuộc đời, và giờ đây, em sẽ đi vào mùa xuân bất tận của tâm hồn anh!
NGÀY 12/6/1970
Cầm đến tấm tăng, anh lại nhớ đến em nhiều Nghị ạ. Tấm tăng của anh bị đứt đường chỉ nối giữa, em đã ngồi cắm cúi khâu lại đó. Nhìn những đường chỉ quấn quýt, anh lại nhớ tới đôi tay khéo léo của em. Nhớ hôm em đứng cắt, may quần áo ở chỗ sản xuất này. Lúc em về Ban rồi, anh định gửi nhờ em may cho anh một cái áo, song em đi quá xa mất rồi.
Anh đi qua bãi dong riềng bữa hai anh em mình đào củ đó, thấy nghẹn ngào lắm Nghị ơi. Em có nhớ không, bữa đó rừng núi đã hết ánh mặt trời. Song cùng em đào dong, trước cái vui tươi hồn nhiên của em, anh vẫn thấy nó sáng láng vô cùng. Giờ đây bãi dong đó đã nứt mầm mới, lên rất xanh tốt. Còn em, sao em không trở lại?
Những hình ảnh của em cứ sống lại trong anh mãi. Đó, em đang ngồi chèo đò ở sông nước Mỹ đó. Hôm ấy cơ quan di chuyển, khi qua sông thiếu người chèo đò, em đã hăng hái ngồi đằng mũi chèo. Đôi tay em khoan thai đưa mái chèo đẩy chiếc thuyền lướt tới giữa dòng sông cuồn cuộn nước chảy, còn trên miệng thì điểm một nụ cười vừa bối rối vừa bẽn lẽn trước những câu nói đùa của anh em khác. Em đã từng tâm sự với anh, quê em ở miền biển thuộc huyện Sơn Tịnh, cha em làm nghề cá. Em bảo khi nào thống nhất anh về quê em chơi, em sẽ cho ăn cá biển thoả thích. Vậy mà em ra đi đột ngột quá, đi không hẹn ngày về. Cha, mẹ em chắc đang trông tin đứa con gái độc nhất của mình. Nhớ ghé về thăm gia đình em nhé!
NGÀY 14/6/1970
Chúng tôi dồn sức vào việc trồng sắn. Phải phấn đấu cho được 80 nghìn gốc! Rất gay go là hom sắn ở xa quá, phải đi một ngày mới có. Sáng dậy, ăn cơm xong, mỗi người mang một nắm cơm, một con rựa xuống phía Đắc Lon, rúc vào các rẫy sắn cũ mà chặt cây sắn. Rồi bó thành bó khoảng 100 cây mà cõng về. Leo dốc, leo dốc chí tử, thở phì phò. Gùi cây sắn đè mọp lưng xuống.
Gặp đồng bào đi lấy nước đót và họ cho uống đến say. Ở rừng núi có thứ đót thật hay. Khi nó ra buồng, người ta chặt buồng gần sát cuống, xẻ rãnh rồi hứng ống tre ở dưới. Nước trong cây đót chảy ra một cách nhỏ giọt, mỗi ngày được khoảng 1, 2 lít. Thật kỳ lạ, thứ nước đó vừa ra không khí là lập tức lên men, nồng như bia và pha vị ngọt. Uống ngon và say như nước rượu nếp vậy. Tôi uống một ống nhỏ, vậy mà mặt cũng đỏ bừng, người chuyếnh choáng.
Chúng tôi trồng sắn xen trong lúa, mỗi công được khoảng trên 1000 gốc.
NGÀY 17/6/1970
Giữa lúc công việc đang dồn dập thì Ban lại rút 3 người. Chỉ tiêu sắn rút xuống còn 60.000 gốc, các thứ khác vẫn giữ nguyên. Phải ráng hết sức
Lan và Cứu hết sức bịn rịn lúc chia tay chúng tôi. Anh em từng chung lưng đấu cật vượt gian khổ gây dựng cơ sở, nay xa nhau sao khỏi thương nhớ? Chuyện trò tâm tình với nhau tới 11, 12 giờ đêm. Rồi ghi lưu niệm. Tặng vật kỷ niệm cho nhau. Tôi thấy cái tập thể này rất đáng yêu. Ai cũng vậy, đều hăng hái, biết lo lắng việc chung và rất thương yêu, đùm bọc nhau.
NGÀY 1/7/1970
Tôi đón ngày sinh thứ 24 của mình ở cơ sở sản xuất. Nhanh thật, đã 3 lần rồi tôi đón sinh nhật của mình ở môi trường sống mới - nơi đầy gian khổ. Rất đáng mừng là trong hoàn cảnh đó, tôi vẫn đương đầu chịu đựng được và vẫn lớn lên.
Hồi này chúng tôi tập trung vào việc làm cỏ lúa, giữ bắp, trồng sắn. Công việc quá dồn dập, người lại ít nên chúng tôi phải làm rất căng. Ngày làm suốt, không nghỉ trưa, tối về lại lẫy bắp hoặc làm các công việc linh tinh khác. Giữa những ngày bận rộn này, đồng bào đã đến làm giúp chúng tôi - chúng tôi giúp lại muối, vải, rựa... Đồng bào ở đây thuộc dân tộc Kà Dong. Bà con rất nghèo, thiếu ăn và thiếu mặc. Tôi không khỏi ái ngại khi thấy những cô gái đang ở tuổi dậy thì mà phải mặc những chiếc áo rách rưới, hở cả da thịt. Có những em bé chỉ khoảng 8, 9 tuổi cũng đến làm - làm như người lớn vậy. Tôi thấy thương chúng vô hạn. Ở cái tuổi đó, đáng lẽ các em chỉ việc ăn, học và chơi. Song cuộc sống khắc nghiệt quá, nó đòi hỏi các em phải vươn tới quá sức mình. Tôi trò chuyện với đồng bào và thấy thông cảm với họ. Tôi cũng học tiếng Kà Dong và nói được đôi câu.
Bắp trỉa trong lúa của chúng tôi rất tốt, cây vươn cao, trái mập mạp. Nhưng lũ sóc phá quá. Chúng leo lên cây, gặm lấy gặm để những trái đã căng hạt. Do vậy, chúng tôi phải thay nhau đuổi chúng. Lũ sóc rất khôn, cứ thập thò ở cửa rừng, gọi nhau sọc sọc, hễ thấy vắng là phóc ra rẫy ăn bắp liền. Đặc biệt là một loại sóc nhỏ, chúng tôi gọi là con đồi. Chúng chỉ to hơn con chuột nhắt một tý, lông mầu xám, có 3 sọc đen dọc sống lưng, nhanh nhẹn vô kể. Thoắt cái, chúng đã điu vào trái bắp mà gặm nhấm, thấy động, thoắt cái, chúng đã vọt mất vào rừng, không làm sao bắn được.
Mùa này dễ đau ốm quá. Nắng rất dữ dội. Song lại có những cơn mưa đột ngột. Hơi đất xông lên nồng nồng khó chịu. Muỗi và dãn phát triển với mức độ kinh khủng. Ngồi ăn cơm trưa ở rẫy, muỗi lao vào chích khắp người. Dãn bu đầy chân, đập một cái phải chết hơn chục con. Đập hết những con này thì lập tức hàng chục con khác lại bu vào liền và thi nhau đốt.
THƯ GIA ĐÌNH.
Hà Nội, ngày 1 tháng 7 năm 1970
Con yêu dấu!
Mỗi lần cầm bút viết thư cho con, bố lại đặt câu hỏi: liệu thư này có đến tay con không và bao giờ gia đình lại nhận được thư của con? Có thể nói không tháng nào gia đình, bố mẹ không biên thư cho con và từ 7/1969 đến nay 7/1970 bố mẹ chỉ nhận được 2 thơ của con. Có lẽ gia đình, nhất là mẹ con, được gặp con, nói chuyện với con trong giấc mơ nhiều hơn, sau những ngày mong mỏi tin tức của đứa con yêu dấu! Bức thư dịp Tết của con gửi về khu sơ tán của trường, sau một thời gian đi nơi này nơi khác, cuối cùng mới đến tay bố mẹ. Gia đình được thư của con sau 5,6 tháng lo nghĩ, bố mẹ và các em con rất phấn khởi. Các em con thay phiên nhau đọc thơ của con, vì đứa nào cũng muốn đọc trực tiếp thơ của anh Long của nó. Con sống, lao động, công tác trong hoàn cảnh khó khăn như vậy, mà vẫn giữ vững được ý chí phấn đấu, tinh thần lạc quan cách mạng, bố mẹ và các em rất vui mừng.
Trước hết bố báo tin để con rõ gia đình ta cùng với trường đã chuyển cả về Mễ Trì - Hà Nội, ở địa điểm cũ, cho nên con đừng viết thư về khu sơ tán nữa. Tình hình sản xuất, lao động ở ngoài này chắc con cũng đã theo dõi được, bố chỉ nói thêm là ở ngoài này mọi người, kể cả các học sinh của bố, đang ra sức đóng góp phần trực tiếp của mình vào việc sản xuất ra của cải vật chất, ngoài việc hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn của từng người.
Gia đình ta, cùng với sự biến chuyển chung, cũng có những điểm mới, phấn khởi.
Anh Đức sau khi tốt nghiệp đại học cơ khí chính xác vào loại ưu đã về nước hôm 2/4 và hôm nay công tác ở Uỷ ban Khoa học kỹ thuật, Hà Nội. Anh không béo song rất khoẻ mạnh, anh có mang được ít quà về, chỉ tiếc là con ở xa nên không gửi quà cho con được.
Em Phúc, sau mấy năm công tác tốt, được chọn đi thực tập ở Liên Xô. Em lên đường từ 10/1969 và hiện nay đang ở Liên Xô, cách Kiép 100km. Em thường xuyên biên thư về. Em rất khoẻ mạnh, và sẽ thực tập trong 3 năm, sau 6 tháng học tiếng Nga, em sẽ về nước vào khoảng 6/1973.
Em Việt hiện nay là sinh viên trường Đại học Tổng hợp. Em học ngôn ngữ, khoa văn. Em học vào loại khá, đang học thi học kỳ II 1969 - 1970 trước khi nghỉ hè. Em học hệ 4 năm 1/2. Em được học bổng như toàn thể sinh viên của trường đại học ở miền Bắc.
Ngọc có những tiến bộ đặc biệt. Em đang học chuyên ngoại ngữ, tức lớp năng khiếu ngoại ngữ, em học vào loại giỏi cả về phổ thông và ngoại ngữ. Em học tiếng Anh. Cuối năm vừa tổng kết xong, em là học sinh tiên tiến, được xếp vào loại ưu tú, được ghi âm tiếng Anh để phát ra trong hội nghị tổng kết. Em được học bổng mỗi tháng 22đ và có rất nhiều triển vọng
Em Diệp cũng là học sinh tiên tiến cuối năm. Em học khá toàn diện.
Lan học vào loại xuất sắc, nhất là về văn và toán (được khen thưởng cuối năm).
Em Thuỷ được lên lớp 3, em học vào loại trung bình khá. Em hơi gầy, yếu, nên cũng không muốn ép em học nhiều.
Bố mẹ vẫn công tác với hết khả năng của mình, dĩ nhiên cùng với thời gian, có già hơn trước, nhất là sau 3, 4 năm sơ tán, nhưng rất phấn khởi vì các con mau chóng trưởng thành. Gia đình, nhất là mẹ con, nhớ con và thương con nhiều lắm. Câu hỏi thường đặt ra là: "Bao giờ con trở về với gia đình?". Lẽ dĩ nhiên là bao giờ con hoàn thành vẻ vang nhiệm vụ, và có thể là đến ngày Nam Bắc thống nhất. Mong con về, tuy cũng không mong con về quá sớm mà chưa hoàn thành nhiệm vụ cách mạng.
Cùng với sự trưởng thành của các con, kinh tế gia đình đỡ vất vả hơn trước con ạ. Em Ngọc, em Việt, anh Đức và bố đều có xe đạp đi cả con ạ. Nhà có Radio để nghe tin tức và ca nhạc hàng ngày.
Bố mẹ nói để con yên tâm, đừng lo nghĩ gì về gia đình.
Cô Chung, chú Phương và các em Tiến, Quang vẫn khoẻ mạnh, bình yên. Quang được lên lớp. Em Tiến đang theo lớp 7. Ngoài này đang nâng cao chất lượng giáo dục nên các kỳ thi cuối cấp đều tiến hành chặt chẽ hơn trước, quy mô vào các trường đại học cũng vừa phải đi để có điều kiện nâng cao chất lượng đào tạo.
Nhân dịp anh Đức về, bà Chắn và cậu Hiếu có về thăm gia đình ta. Cụ nội, bà Chắn, trẻ Nghiêm, ông Thành vẫn được bình yên và thường nhắc tới con luôn.
Con yêu dấu, thời gian đi mau thực. Thấm thoắt bố đã sắp 55 tuổi rồi con ạ. Vui mừng vì các con mau chóng trưởng thành. Bố đặt nhiều hy vọng ở con, đứa con được tôi luyện trong thực tế đấu tranh cách mạng.
Nhớ con lắm, mong thư con nhiều lắm. Con nhớ biên thơ về địa chỉ cũ ở Hà Nội, cho bố hoặc cho mẹ ở trường Đại học Ngoại ngữ - Thanh Xuân (Mễ Trì, Hà Nội).
Chúc con luôn luôn mạnh khoẻ, vượt được hết khó khăn, gian khổ, phấn đấu tốt và đạt được nguyện vọng tốt đẹp của con.
Bố của con
Phạm Đức Hoá.
TỪ NGÀY 23/7 ĐẾN 14/8/1970
Tôi và Giáo đi Kỳ Long (Tam Kỳ Quảng Nam) mua hàng và tuyển người. Thật là một chuyến đi hết sức chật vật.
Khi mới bước chân xuống đường thì đã nghe tin địch càn ở Trà My. Song chúng tôi quyết bám đường đi bằng được. Tới nơi, mới biết địch đã rút rồi.
Tới sông Trường, đi trên đường chiến lược, tôi thấy dưới bờ sông có một cô gái đang vội vã bước đi. Trông dáng người, tôi biết ngay là giao liên. Tôi hỏi:”Về trạm Hoà đi đường nào đồng chí?”. Cô ngước nhìn lên: “Đi đường nớ!” và vẫn hối hả bước. Đoạn sông này địch rất chú ý: Moranh chúng lượn suốt, hễ thấy gì khả nghi là chúng gọi pháo dập tới vô hồi, gọi rọ, HUIA tới cắn xé. Dọc sông, đất đai đầy thương tích. Cây cối nát nhừ. Những nấm mộ còn nằm rải rác đó đây. Đó chính là nguyên nhân làm cô giao liên đi như bị ma đuổi vậy. Cô đi quá nhanh, gần như là chạy. Chúng tôi theo hút cô, bàn chân dường như không bám đá sỏi và cát ven bờ, song lại đạp nước bắn tung toé, khiến quần áo ướt mèm mỗi khi phải lội ngang sông. Thật chết tiệt, cái bao mang của tôi bị sút quai. Đành phải ngồi cột lại. Thế là mất hút cô giao liên, bị lạc mất gần buổi đường. Tới 3 giờ chiều mới tìm được vào trạm. Cũng may, lúc đó trời mới giáng cho một cơn mưa đá, mưa rào dữ dội. Những viên nước đá to bằng đốt ngón tay rào rào rơi xuống, lóng lánh như những giọt nước mắt khóc cho cuộc đời của nó ngắn ngủi quá, vì chỉ một lúc nó đã tan biến thành nước và bị đất hút lấy hút để... Tôi lượm mấy viên đá cho vào miệng, cố tìm lại cảm giác mát lạnh và thú vị khi còn ở Hà Nội ăn kem, uống cafê đá. Song vô hiệu. Mát lạnh thì có, nhưng chẳng thú vị gì. Lạt lẽo.
Phải chờ trạm một ngày mới có trực (ôi, chờ và trực). Tôi và Giáo vào cơ sở sản xuất 2. Được biết tin Cẩm mới hy sinh - vì địch phục kích bắn chết trong đợt càn vừa rồi. Nơi này chỉ có 3 người. Chi lại về cơ quan nên còn 2. Tiến ốm. Một mình Mai lủi thủi đi làm cỏ lúa. Gặp Phạm Hồng ở đây. Vui quá, 2 đứa ôm lấy nhau. Hồng chiêu đãi chúng tôi một bữa thịt gà rừng (Hồng bẫy được) và một bữa chè đỗ đen sữa. Hồng cho xem những bức tranh vẽ từ khi xuống Quảng Nam. Phần lớn là ký hoạ và tương đối có sức sống. Hồng đi B trước tôi, đã giúp đỡ tôi rất nhiều lúc tôi mới vào, từ việc dạy cho cách buộc gùi tới cách phát rẫy hoặc chống trả với những cơn sốt rét. Dạo ở A9, Vượng vào Quân Khu, tôi và Hồng ở cùng nhà, thường cùng Nga nghe chương trình sân khấu truyền thanh vào các tối thứ 7, mà vở kịch chúng tôi thích nhất là Tiền tuyến gọi.
Bắt đầu theo trạm đi. Giao liên dẫn đường cho chúng tôi là cô Xuân. Chân Xuân đi hơi cà nhắc vì bị tiêm ký ninh quá nhiều, song cô đi rất nhanh. Có điều cô biết chờ khách chứ không bỏ khách như cô bữa trước.
Khi đi từ trạm 25 xuống trạm 24, tôi theo một giao liên nhỏ. Đó là Ba, em mới chừng 13, 14 tuổi. Khi ngồi đợi giao trực, tôi được nghe cô giao liên ở trạm 25 kể rằng Ba bé xíu thôi và còn ngây thơ lắm. Có lần, dẫn một số khách đi, thấy khách đi quá chậm, hay nghỉ, Ba khóc lóc, van nài: ”Các chú ơi, đi nhanh lên, không quá giờ, trạm trên bỏ trực, con bị phê bình đấy!”. Tôi hình dung Ba yếu đuối lắm. Song không phải vậy, Ba ở trước mặt tôi đó: vui tươi, nhanh nhẹn. Em dẫn đầu đoàn người, đầu đội mũ Giải phóng, lưng mang bao bột mì đựng công văn, vai còn khoác một cái túi giúp một chị đi sau. Ba chào chúng tôi bằng nụ cười rất tươi. Gặp lại mấy anh quen, Ba liến thoắng: “Ôi, anh Thoại sao ốm nhom vậy? Anh Lang có nặng, sớt bớt đồ tôi mang cho!”. Và Ba mang bớt một số vải cho Lang. Đi đường, Ba luôn chuyện trò. Đủ thứ chuyện ngộ nghĩnh: “Chui, mấy trứng gà rừng cho ấp nở ra mấy con gà đen thui như Mỹ đen, trông phát phiền!”, “Con Liên mới đi đồng bằng về, dẫn theo mấy đứa chút chun!”..
Sáng sau, Liên dẫn chúng tôi đi. Liên mới chừng 16 tuổi, nước da hơi xanh, yếu và nét mặt có gì hơi già dặn, khắc khổ của người phải lo nghĩ quá sớm. Liên bảo chúng tôi đi trước vì em còn phải đi nhận hàng. Liên dặn: “Các anh ráng đi sớm, đi nhanh qua mấy bãi trống ven sông nghe!”.
Đoạn đường này địch dùng B57 đánh dữ. Thỉnh thoảng lại gặp vài hố bom - thường là hai hố một chỗ. Nhiều hố bom trúng giữa đường khiến chúng tôi phải đi vòng, luồn trong cây cối mà đi.
Gần trưa, Moranh quần dữ. Đường chúng tôi đi qua rừng non, theo suối nên nhiều chỗ trống trải. Liên luôn nhìn lên bầu trời quan sát máy bay và ra lệnh cho chúng tôi: “Nó tới đó, đứng im”, “Nó quần đó, rúc sâu vào bụi”, “Đi nhanh!”... Chúng tôi răm rắp làm theo lời Liên như theo lệnh người chỉ huy vậy.
Ăn cơm trưa rồi Liên tạm biệt chúng tôi để dẫn khách về trạm. Liên nói: “Chào hết mấy anh nghe!”. Rồi thoăn thoắt bước đi, rồi lại nói với lại: “Tôi chào rứa đó!”. Những lời nói của Liên có gì hơi cộc cằn đôi chút và có nhiều khi không hợp với một cô gái ở lứa tuổi Liên. Song tôi không cho Liên là một con người cộc cằn. Khi Liên nói: “Tôi chào rứa đó!” và cười cười thì tôi hiểu rằng em đang bối rối trước những câu nói của chính mình. Chắc em cũng muốn nói những câu tế nhị hơn song tìm không ra. Ở những nơi ác liệt như thế này, người ta quen nói ngắn, gọn rồi. Khi máy bay địch quần lượn, bắn phá thì giao liên làm sao có thể nói những câu dài dòng, văn vẻ ngoài mấy câu: “Dừng lại!”, “Núp kín nghe!”, “Chạy nhanh!”, “Nằm xuống!”... Nhưng chính trong những câu cộc lốc đó, tôi lại thấy chứa chất biết bao tình cảm rộng lớn, sâu sắc. Những lời nói xuất phát từ đáy lòng thương yêu anh, che chở, bảo vệ anh đó!
Càng đi xuống gần đồng bằng, tình hình càng căng hơn. Địch càn ở Kỳ Yên đã gần tháng rưỡi rồi. Quân của chúng lết khắp nơi: Xóm Mới, Nhà thờ, Dương Bông, Bầu Tre... và sáng nay chúng lại đổ quân ở Danh Sơn - nơi chúng tôi định đi qua.
Được cái giao liên rất thạo đường. Đoàn đi lại có mấy giao liên thuộc tuyến này đi mua hàng nên tôi thêm tin tưởng ở sự dẫn dắt của họ. Sang, một thanh niên khoảng 23, 24 tuổi - có dáng người to, khoẻ, da ngăm đen, là linh hồn của đoàn. Sang thuộc đường và rất xông xáo. Ít nói, nhưng hay nói vui, cởi mở, Sang thu hút được tình cảm của tôi ngay từ đầu. Tay cầm chắc khẩu AK báng xếp, Sang luôn đi đầu bám đường. Gần tới con sông Kỳ Yên, bọn tôi phải đi tách ra xa nhau vì ở đây dễ gặp địch. Chúng mới đi khỏi nơi đây. Giấy tờ, sách báo lố lăng, lon đồ hộp còn vứt bừa bãi. Nơi này là một thung lũng khá phẳng và rộng, cây cỏ thấp, thưa. Chúng tôi vừa thận trọng vừa khẩn trương vượt qua bãi trống đó. Nắng chói chang, bầu trời cao rộng, in hình mấy cái trực thăng phía xa. Chúng tôi lội ào qua khúc sông cạn, nước tới mắt cá chân. Đạp nước bắn tung toé, ướt cả hai ống quần. Rồi vượt qua một bãi cát lẫn đá sỏi. Ở mé sông, cát, sỏi bị nhuộm đỏ thẫm vì máu. Lại lội qua sông. Đoạn này nước chảy mạnh. Khi tôi vừa định bước chân trái lên một hòn đá to thì nước cuộn tới cướp phăng chiếc dép. Bỏ vậy mà đi thôi. Đi khỏi bờ sông một quãng, chúng tôi gặp một số dân. Họ ngồi tản mát trong các bụi cây, quanh đó là một vài thứ đồ đạc dùng hàng ngày. Họ cho biết máu ở bờ sông là của 2 anh bộ đội bị bọn Mỹ phục kích bắn chết từ chiều hôm kia. Một anh khác bám ra chôn lại bị HU1A của Mỹ bắn chết. Du kích mới chôn 3 cái xác chiều qua.
Đây là một thôn thuộc xã Kỳ Yên. Ở đây, đồng bào trồng sắn trên luống cao, to, rất đẹp, sạch cỏ. Lác đác có những đám bắp, đậu. Vài rẫy lúa. Có rẫy lúa bị chất độc hoá học cháy vàng. Bọn Mỹ hồi này rải chất độc với diện rất nhỏ chứ không tràn lan như trước, nhưng toàn nhằm vào nương rẫy. Thật là thâm độc!
Đi loanh quanh một hồi, chúng tôi gặp rất đông người - phần lớn là cán bộ, bộ đội. Họ ùn lại ở một đám rừng non thưa thớt, đứng ngồi lộn xộn. Họ cho biết còn phải chờ du kích bám đường mới đi được. Chúng tôi cũng ngồi lại. Mỏi quá, ngồi lê la trên cát, cỏ. Thỉnh thoảng, vài chiếc trực thăng lại quần lượn trên đầu, khiến chúng tôi phải nép vào bụi. Có những tiếng pháo, tiếng súng liên thanh, tiếng đạn cối nổ rải rác đó đây. Rồi đi, đúng là lối đi “bám”. Có một số đi trước dò đường. Rồi mọi người theo sau, đi cách xa nhau. Súng đạn sẵn sàng. Đi chậm rì. Thỉnh thoảng phải dừng lại nghe ngóng, đợi chờ. Thỉnh thoảng vượt qua một quãng đồng trống, phải chạy cho nhanh, đồng thời phải giữ khoảng cách cho thưa nhau. Với cách đi như vậy, chúng tôi vượt qua nhiều quãng đồng trống, nhiều khu nhà dân. Nói là khu nhà dân, thực ra chỉ là từng cụm nhà thưa thớt. Nhà, thực ra là những túp lều nhỏ, dựng tạm bợ che mưa nắng cho hầm. Có mấy ngôi nhà bị đốt cháy, tro còn nóng. Hầm cũng bị bọn giặc quẳng lựu đạn, lựu đạn lân tinh xuống khiến sập lở hoặc tanh lợm.
Đường Hố Nước, Bầu Tre có địch, bọn tôi phải vòng qua đường Danh Sơn. Lúc này đi rất nhanh, gần như là chạy. Vượt qua vài khu ruộng. Ở một bờ ruộng, văng đầy cát tút đạn AR15 - chứng tỏ bọn Mỹ đã có mặt ở đây và bắn rất dữ. Trời nhập nhoạng tối. Trên trời, vài chiếc trực thăng vận tải bay nặng nề, in bóng đen sẫm, to xù và nổ máy ầm ĩ. Khát nước vô kể. Đạp qua vài thửa ruộng đầy cỏ, sình bùn. Nhập vào đường Danh Sơn. Con đường này tương đối lớn, chạy qua những khu đồi sim thấp và toàn đá sỏi. Chân tôi không dép, đạp lên đó đau ê ẩm. Tuy nhiên, phải ráng chịu đau mà đi cho nhanh. Đi như chạy trong bóng tối nhập nhoạng. Đường chỉ hiện ra mờ trắng dưới chân. Thỉnh thoảng lại bước hẫng xuống một hố nhỏ hoặc vấp vào mô đá điếng người. Chẳng thèm suýt xoa, cứ cắn răng mà bước tới. Sang đi đầu. Mọi người đi sau, im lặng hoặc chỉ nói chuyện nho nhỏ.
Rồi nghe tiếng đài văng vẳng ở phía đồi trước mặt - đài Tiếng nói Việt Nam. Như vậy là không có địch. Chúng tôi mạnh dạn bước tới. Băng qua một khu ruộng nhỏ. Lội qua một con sông - lội mò mẫm, chẳng biết nông sâu ra sao. Lại dò dẫm bước lên bãi cát sỏi. Tiếp qua một con sông nhỏ. Rồi chui vào một thôn xóm. Ở đó im lặng như tờ. Tối như bịt mắt. Người đi trước bỗng sụp xuống một cái hầm. Xì xào lộn xộn một lát rồi lại đi. Tôi cứ bám theo người đi trước mà tiến, chẳng rõ đường xá quanh co ra sao. Rồi bỗng thấy ánh đèn dầu hắt ra từ một ngôi nhà. Hoá ra đó là trạm. Chúng tôi bước vào. Những người trong nhà đang ăn cơm. Lúc này đã gần 8 giờ tối. Nhà thật đơn sơ, không phên vách, không bàn ghế. Dưới nền nó là một căn hầm rộng, có thể cột võng được. Chúng tôi lên nhà trên ngủ. Ngôi nhà đó đã bị pháo bắn sập, người ta đã dỡ đi và cắm 4 cây lớn vào chỗ 4 cây cột để nguỵ trang. Tuy nhiên, cái hầm vẫn tốt. Trời nóng như nồi rang. Muỗi vo ve, vo ve, ùa vào đốt. Phủ bọc võng vào, nóng vô kể. Mà hất ra thì muỗi đốt, không chịu được. Đành phải đưa võng hoài. Rồi cũng thiếp đi trong cái mệt nhọc. Đêm nay im tiếng pháo.
Sáng dậy, tuy chẳng đi đâu cũng phải nấu cơm 2 bữa từ sớm. Ăn cơm xong rồi cột bao gọn gàng. Và cứ ngồi đó đợi. Trạm cũng làm như vậy. Những đồ dùng không sát với thân thể lắm như con rựa, thùng nước.v.v. thì quẳng bừa ra bụi bờ, bãi cỏ. Đó là một kiểu nghe ngóng xem địch có càn không, nếu có thì có thể lánh kịp và không để đồ đạc cho địch phá.
Nghe tiếng động cơ xe tăng rú phía xa xa. Đó là đồn địch. Vài chiếc tàu rọ quần lượn cao cao. Vài chiếc tàu vận tải bay qua bay lại. Có những tiếng pháo điểm cầm chừng. Xa xa có những tràng liên thanh nổ. Như vậy là buổi sáng yên lành. Ăn cơm trưa rồi có thể đi làm mọi việc cần thiết.
Chúng tôi đi Kỳ Long mua ít hàng. Phải chú ý đi nhanh qua những chỗ trống để rọ khỏi thấy, khỏi kít xuống bắn chết hoặc bắt sống. Trên trời, một chiếc mô ranh hai thân lượn vòng miết trên cao và dùng loa cực đại để chiêu hồi. Tiếng nói ve vãn bị át đi một cách thảm hại bởi tiếng ù ù của động cơ máy bay.
Đi băng ngang qua con đường lớn - nó chạy về phía đồn Chóp Chài. Vết xe hằn rõ trên đường. Vượt qua những bãi trống. Ở đây, cỏ tranh bị địch đốt cháy trụi. Bình yên một cách kỳ lạ. Băng qua một cánh đồng lúa, chúng tôi lọt vào vùng 4 Kỳ Long. Xóm nhà thưa thớt, ít dân. Trẻ con ở đây quần áo mầu sặc sỡ. Nhiều người la hét gọi chúng tôi đi nhanh hoặc núp vào bụi vì có địch ở Dương Tranh, cách xóm đó vài phút đi bộ. Từ ngọn đồi đó, địch có thể thấy rõ và bắn trúng chúng tôi. Lúc này tôi thấy tiếng mìn nổ ở đó, đất bụi bay mù mịt. Rồi một quả mù của địch nổ, tung khói mầu tím mù mịt. Ngay sau đó, có 2 HUIA bay tới, lượn quanh quả đồi. Tôi thấy cửa máy bay mở toang. Một chiếc rà sát rồi hạ ngay xuống đám mù tím và cất cánh lên sau đó một lúc. Chiếc kia cũng làm như vậy.
Chúng tôi đi tìm hàng để mua. Rất hiếm và rất đắt. Họ đòi gần 600 đồng (bằng 30 đồng miền Bắc) một bao gạo ( nặng 6 kg ) - nếu tính ra tiền miền Bắc là 5 đồng một kg, gấp hơn 10 lần gạo ngoài đó ! Thị trường tư bản thật kinh khủng.
Lại nghe tiếng mìn nổ, thấy khói mù đỏ và 2 trực thăng xuống, lên. Đồng bào bảo rằng bọn Mỹ mới lên đồi đó, bị vấp mìn của du kích và phải gọi máy bay tới chở những tên chết, những tên bị thương.
Quẩn quanh mua hàng, trời đã tối. Chúng tôi nấu cơm ăn - thứ gạo máy trắng muốt mua ở vùng địch chuyển ra. Ngồi giữa sân mà ăn cơm - nhà ở đây bị địch đốt cháy trụi, bà con chỉ dựng mấy túp chật chội, tấp mấy tấm tranh vào tạm bợ để dễ vứt ra bụi mỗi khi địch càn đến. Đang ăn cơm, chúng tôi giật mình vì những tiếng súng nổ loạn xạ. Đạn bay veo véo trên đầu, đỏ lừ. Đó là đạn do địch ở trên xe bắn tới. Tầm đạn đi hơi cao. Lại có tiếng súng nổ phát một chắc chắn ở phía gần đó - đạn của du kích “bia” Mỹ Nguỵ.
Tôi vào một ngôi nhà nhỏ mua gạo. Trong nhà chật ních người - toàn là cán bộ, miền Bắc có, miền Nam có. Một cô bé chừng 14, 15 tuổi đang bán gạo. Cô bé nói rằng chỉ còn một ang thóc thôi. Tôi vội bảo “Mua gạo chứ ai mua thóc làm gì?”. Cô bé giải thích: “Ang thóc tức là nửa ang gạo chứ không phải là thóc chưa giã”.
Khoảng 8, 9 giờ tối, chúng tôi ra về. Không thể ở lại đây qua ngày sau, vì xe tăng địch có thể lên rất sớm. Dấu vết của nó còn hằn lên đó: chằng chịt trên các thửa ruộng lúa khô nước. Lúa đang thì con gái, bị hạn, xơ xác, bị xe nghiền nát. Sang vẫn cắp AK đi đầu. Giáo lăm lăm súng ngắn đi thứ hai. Tôi đi liền đó. Trăng lờ mờ. Khi đi qua ruộng, chúng tôi không dám đi theo con đường mờ trắng mà phải đi ven nó vì sợ địch ở phía quả đồi gần đó phát hiện. Khi đi khỏi khu ruộng, chúng tôi thấy những bóng đen lố nhố phía trước. Sang ghìm súng, khẽ hỏi: “Ai?”. Có tiếng đáp khẽ: “Chúng tôi!”. Thở phào nhẹ nhõm. Không phải địch mà là anh em đi về, thấy rợn quá đang chần chừ ở đó, chờ người cùng đi lên. Lại bám đường đi. Nhiều khi phải nép vào bụi hoặc nằm rạp xuống đường nghe ngóng từng động tĩnh nhỏ. Rồi vượt qua đường xe. Con đường này chạy về đồn Chóp Chài - đi bộ mất chừng 20 phút là tới đồn thôi. Vượt vào dãy đồi bát úp, cây cối lúp xúp và đường lạo xạo đá sỏi. Vấp liên tục và luôn đạp lên những hòn đá sắc cạnh, đau điếng. Khuya mới về tới nhà. Lại cột võng trên nóc hầm. Ngủ trằn trọc trong cái nóng hầm hập, trong tiếng vo ve của muỗi và trong tiếng pháo cầm canh.
Trưa nay, ăn cơm xong thì Giáo đi Kỳ Long, còn tôi ở nhà giữ đồ. Giáo đi một hồi lâu thì tôi nghe mấy tràng súng máy nổ phía đường cái gần thôn Kỳ Qúy. Rõ ràng là tiếng súng địch bắn. Tôi bồn chồn không yên. Giữa lúc ấy thì Giáo chạy về, nói gấp: “Báo một tin buồn: Phước hy sinh rồi!”. Tôi sững người vì bất ngờ quá. Phước là trạm trưởng trạm giao liên vùng dưới - giáp thị xã, đi chỉnh huấn về. Trưa nay, Phước cùng đi xuống với đoàn của Giáo, Sang. Phước mang AK đi đầu, tới đường cái thì gặp địch phục. Chúng bắn Phước gãy chân. Ngã xuống rồi, Phước còn dùng AK quạt lại bọn địch. Chúng ném tới một trái lựu đạn làm nát cả mình mẩy anh. Sang cũng dùng AK bắn lại mấy loạt rồi mới chịu chạy. Cũng may, đoàn có tới gần chục người, đi liền nhau, gặp đạn địch bắn loạn xạ mà chỉ bị một ngưòi.
Tối, tôi vác cuốc cùng mấy anh em trong trạm 24 đi chôn Phước - người ta đã khiêng Phước về để gần nhà ông Phán. Trời tối thui. Trong ánh đèn dầu nhập nhoạng, tôi thấy xác Phước được cột dọc theo một cây tre, đặt nằm dài dưới bãi cỏ. San - cô giao liên của trạm 24 - soi đèn sát mặt Phước rồi thốt lên: “Trời ơi, tội quá anh Phước ơi!”. Tôi không khỏi bùi ngùi xúc động. Mới đó thôi, Phước còn sống vui tươi, khoẻ mạnh. Phước vào loại hơi xấu trai - cao và gầy, hàm răng khấp khểnh, miệng quá rộng so với khuôn mặt nhỏ, xương xương. Song Phước rất hay cười, nụ cười rất tươi và cởi mở, dễ chiếm được tình cảm của mọi người. Sáng nay, Phước còn đứng nói chuyện với chúng tôi. Sang trách Giáo là sáng nay không xin đôi dép của một nông dân bị chết vì lựu đạn về cho tôi. Tôi bảo: “Thôi đồng bào họ nói cho. Nếu như anh em mình thì được, mình sẽ vỗ vai anh bạn hy sinh mà xin đôi dép, chắc anh ta cũng thông cảm !”. Lúc ấy Phước đứng gần tôi, cười cười: “Ừ. anh em mình thì thông cảm thôi, chắc anh bạn đó sẽ đồng ý!”. Vậy mà bây giờ Phước nằm đó, cứng đờ, lạnh ngắt.
Khoảng 8, 9 giờ tối, chúng tôi bắt tay vào đào huyệt cho Phước. Trời mưa bụi lất phất. Ánh đèn dầu hắt lên một vùng sáng nhỏ vàng vàng giữa khoảng trời đất đen thẫm. Rồi chúng tôi khiêng Phước tới. Tôi đi cuối đoàn, sát với đầu Phước. Mùi máu người tanh vô cùng. Hình Phước cứ liền liền trước mắt tôi. Cánh tay trái anh nắm chặt, hơi giơ lên trong tư thế cầm súng. Cánh tay phải bị mảnh lựu đạn làm gẫy nát, lủng lẳng, lủng lẳng phía dưới, mỗi khi đi qua một bụi cây, vướng phải cây, cỏ, lại đung đưa, đung đưa, lạnh ngắt. Chúng tôi lót bộ quần áo của Phước dưới huyệt. Xong, tôi cùng một anh giòng giây ở đòn khiêng, đưa Phước xuống huyệt. Xác anh đã cứng khừ, lạnh ngắt. Máu đẫm quần áo, đẫm cả tấm dù bọc xác anh. Ngọc cố ấn cánh tay trái của Phước xuống, song không được. Đành để Phước nằm dưới huyệt với cánh tay trái giơ lên trong tư thế cầm súng bắn. Rồi lấp đất, đắp mộ cho anh. Im lặng tiễn Phước đi. Mưa lâm thâm. Lạnh lẽo vô cùng !
Ra về trong mưa lạnh và trong nỗi buồn thương Phước. Đôi dép cao su của Phước giờ đây đang nâng bước tôi. Một cô giao liên ở trạm 23 có thân hình mập mạp nói: "Thật tội nghiệp anh Phước, trưa nay còn đi với bọn mình mà giờ đã nằm đó. Nhưng cũng còn may là chôn cất kịp”. Lan (nữ giao liên) bảo: “Anh Phước sống tội lắm, luôn thông cảm với mọi người, luôn tươi cười, vui vẻ." Tôi đi sau 2 cô, nghe họ thì thầm trong hơi gió lạnh:
- Anh Phước được công nhận đảng viên chính thức ...
- Ừ, mới cánh đây 3,4 bữa.
- Mới 20 tuổi chứ mấy.
- Công tác tiến bộ lắm.
- Anh ấy tội lắm, chỉ lo cho công tác thôi. Anh ấy bảo đi xa trạm có mấy ngày mà nhớ quá, chỉ muốn bay về trạm mà công tác thôi. Mỗi khi nghe nói có địch, mọi người hỏi thì anh trả lời: “Cứ đi, gặp địch thì đánh, không thể đứt liên lạc được “ và đội mũ, xách súng đi liền.
Không thể chờ mua tiếp hàng nữa, chúng tôi phải đi lên. Ở nhà, mọi người đang chờ, công việc đang chờ. Lại theo giao liên lên theo đường Danh Sơn. Lên đèo, ngồi nhìn lại miền xuôi. Phía xa, ở ngọn đồi cao nhất, đồn Chóp Chài phơi mình dưới nắng. Cả khu đồi trọc lốc, đỏ lói và xen vào những khu nhà trắng. Một con đường ngoằn ngoèo theo triền dốc lên đó.
Lên khỏi nước Y, chúng tôi định nghỉ một ngày. Song thật dáng ghét, khi mới nấu cơm sáng ăn xong một lát thì lũ trực thăng ở đâu đột ngột bay tới. Chúng bay thấp tới mức chúng tôi nhìn thấy cả những thằng Mỹ lố nhố trong máy bay qua khung cửa mở toang. Chúng bắn rốc két, đại liên, cối xuống đồi tranh gần đó. Sợ bọn địch đổ quân thì phiền, bọn tôi vội thu dọn đồ đạc, tiếp tục hành quân.
Về tới nóc ông Chanh, không khí thật dễ chịu. Lũ trẻ ùa ra ôm lấy tôi. Chúng bảo bọn con gái đã khóc vì tưởng tôi chết rồi. Tôi thường dạy chúng hát và được chúng rất mến. Chị Lý gọi tôi vào nhà, lấy chuối và đưa nước đót cho tôi. Chị Chanh vội đi nấu cơm. Đồng bào đã thu hoạch lúa, nhà nhà đều no. Ai cũng tíu tít gọi tôi vào nhà, mừng mừng, rỡ rỡ. Tôi rất cảm động trước tình cảm đó.
Về nhà trước sự mừng rỡ của anh em, kết thúc chuyến đi 21 ngày đêm nhọc nhằn và căng thẳng.
THƯ GỬI GIA ĐÌNH
Trung Trung bộ. Ngày 2/9/1970.
Bố mẹ và các em yêu quý!
Hôm nay có người ra Bắc, con tranh thủ viết thư thăm gia đình. Đang trên đường công tác, con viết vội ít chữ thôi.
Lá thư con nhận của gia đình mới nhất là lá thư bố mẹ và Diệp, Lan, Thuỷ viết ở Hà Nội. Cho tới nay, con chưa nhận được lá thư nào khác. Con rất mong thư gia đình.
Hồi này con vẫn khoẻ, con đã thực sự quen với cuộc sống ở trong này và đã ít sốt. Việc công tác, phấn đấu của con có nhiều tiến bộ. Vừa rồi, chi bộ đã xét đơn xin vào Đảng của con và nhất trí 100%, quy định thời gian dự bị cho con là 9 tháng. Tuy nhiên, còn phải đưa lên đảng uỷ duyệt để có quyết nghị, Ở trong này giao thông khó khăn nên hiện chưa có quyết nghị gửi tới. Con báo tin như vậy để gia đình mừng.
Con muốn viết thư cho gia đình nhiều, song việc gửi rất khó khăn, gửi đường dây không bảo đảm đến nơi nên con chỉ gửi khi có người ra Bắc. Đó là lý do vì sao nhà nhận được thư con thưa thớt như vậy.
Nhận được thư bố báo tin như vậy con rất mừng. Hiện anh Đức đã về nước chưa và công tác ở đâu? Phúc đi Liên Xô thực tập gì? Ngọc học có giỏi không? Hàng ngày con đều nhớ tới bố mẹ, các em, cụ, bà, cô Chung, cậu Hiếu.
Cho con gửi lời thăm cô chú Sen, Thìn, Chín và các cô chú khác.
Con vội nên viết được ít, mong bố mẹ thông cảm. Có dịp con sẽ viết thư dài hơn, nói nhiều chuyện hơn về cuộc sống của chúng con trong này.
Con rất mong thư gia đình
Con của gia đình
Việt Long
TB: Bố mẹ gửi cho con ảnh của gia đình chụp thời gian gần đây nhất.
NGÀY 4-9-1970
Lúa sớm đã chín vàng rực nương rẫy. Ban cử thêm người vào suốt lúa, càng thêm vui. Giữa những ngày bận rộn này, giặc Mỹ lại tới quấy nhiễu. Hôm trước, chúng cho B.52 rải bom ở Nước Boa. Và hôm nay, mới hơn 7 giờ sáng, chúng đã tới đấm lưng chúng tôi. Tôi sốt, đang nằm mơ mơ thì nghe hàng tràng tiếng nổ như sấm động nối nhau. Vội nhào xuống hầm. Hai đứa trẻ khóc thét lên.
Hết loạt bom, tôi ra rẫy nhìn, thấy phía Nước Lon và phía rẫy 3 của chúng tôi bụi đất, khói bom bay mù mịt. Chúng tôi rất lo lắng cho sinh mạng mấy anh em đang làm kho lúa phía đó.
Một lúc sau, Bá chạy về. Chưa tới ngõ, anh đã nói: “Kho bắp hư hết rồi!” – Như vậy có nghĩa là người không ai việc gì. Rồi Tạo, Hiến chạy về. Hiến bị một vết xước nhỏ trên đầu, máu ri rỉ như bị vắt cắn; anh em xúm lại rửa thuốc và băng cho anh. Tạo ngồi thở, mồ hôi ra đầm đìa. Cậu ta đột ngột cười to, nói trong tiếng cười: “ Khỏi chết. B52 chụp trên đầu vẫn khỏi chết”. Rồi thì Huy, Tám chạy về, bình an cả. Anh em cho biết lũ B52 bắt đầu rải ”tấm thảm bom” của chúng từ rẫy 2, kéo qua rẫy 3 và nối dài qua Nước Lon, qua giải núi bên kia. Anh em đều nằm giữa “tấm thảm” đó. Hiến nằm giữa triền dốc, gần bụi lồ ô. Phía đó, một quả bom đào đã làm bay cả bụi lồ ô đi mất. Phía sau Hiến vài mét, hai quả bom khác đào hai lỗ sâu hoắm. Vậy mà không giết nổi Hiến, chỉ làm anh bị trầy da đầu và mất một chiếc dép cao su. Tạo, Bá cũng nằm gần mấy hố bom, nghe bom nổ chát chúa mà không hề gì hết.
Bom làm sập kho bắp của chúng tôi và hư một số lúa của rẫy 2, 3. Cũng may mà bắp chỉ sập xuống đất, không bay mất trái nào. Huy động toàn lực lượng đi cõng hết số bắp về nhà. Đông người nên chỉ qua chiều hôm sau là đã chuyển hết bắp. Hai mái gà cùng một đàn gà con cũng được chuyển về. B52 dù sao cũng giết được hai con gà nhỏ của lũ tôi. Tuy nhiên, bầy gà con vẫn điềm tĩnh chiêm chiếp theo mẹ kiếm ăn, không tỏ ra sợ hãi gì.
Công việc lại đi theo nếp của nó. Suốt xong lúa rẫy 5, chúng tôi kéo về rẫy 3 (vì trời mưa nên suốt lúa ở rẫy 5 lâu, nếu không, chúng tôi đã kéo qua rẫy 3 từ 9 giờ sáng rồi, chắc là bị đội B52 đông lắm). Hai quả bom nổ ở bìa rẫy làm hư nhiều lúa của chúng tôi. Ngoài số bị đào bới tung ra, bị đất lấp, còn có nhiều khóm lúa bị sức ép làm cho tả tơi, nát nhừ tận gốc. Những cây ở xa cũng bị chấn động, rụng rất nhiều hạt. Bọn tôi phải cặm cụi nhặt từng bông lúa dưới đất lên.
Ngóng đợi những đợt B52 tiếp theo, song không có. Như vậy là khu nhà của chúng tôi vẫn bình yên - “tấm thảm huỷ diệt” của bọn Mỹ rải cách đó tới 20 phút đi bộ.
Lũ máy bay trực thăng hồi này cũng tích cực đi rải chất độc. Nước Tong, Nước Ngheo, Trà Niêu... đã bị rải rồi. Khi đi làm rẫy, chúng tôi mang theo súng đạn, sẵn sàng nện cho lũ quỉ độc đó những đòn đích đáng nếu chúng mò đến hà hơi độc vào nương rẫy của chúng tôi.
Mặc dù bận rộn với việc nương rẫy, mệt mỏi vô cùng, tôi vẫn thức đêm để viết truyện - những xúc cảm từ cuộc sống hối thúc tôi phải cầm bút.
THỨ SÁU, NGÀY 9/10/1970
Sáng nay đánh dấu một bước tiến quan trọng của đời tôi. Tôi được kết nạp vào Đảng nhân dân cách mạng Việt Nam - cũng là Đảng Lao động Việt Nam. Đó là điều tôi ấp ủ từ lâu và cũng là niềm mong đợi của gia đình tôi, nhất là cha tôi.
Buổi lễ kết nạp được tổ chức đơn giản, đúng với nếp đơn giản thường có ở chiến trường. Giữa rừng già kín đáo, trong căn nhà tranh tối tranh sáng, anh em căng một cái tăng rồi treo cờ Đảng, chân dung Hồ Chủ Tịch, khẩu hiệu “Đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại!”. Tôi đứng trang nghiêm nghe đọc quyết nghị kết nạp của Đảng uỷ cơ quan. Rồi tôi đứng lên trước anh em đọc lời tuyên thệ. Xúc động nhiều, tôi nói được ít. Tuy nhiên, đó là những lời nói xuất phát từ trái tim cháy bỏng nhiệt tình của tôi. Từ nay tôi đã là đảng viên dự bị của Đảng. Tôi phải phấn đấu hơn nữa để sau 9 tháng thử thách trở thành đảng viên chính thức. Sự tiến bộ này của tôi, có công lao của anh Lý, anh Vượng. Nhớ có một lần, sau khi vào chiến trường được khoảng một năm, nhân chuyến đi cõng gạo, tôi có hỏi anh Bí thư Chi bộ xem Chi bộ có ý kiến gì về ưu, khuyết điểm của tôi, anh trả lời là chưa ai bàn đến. Lúc ấy, tôi buồn quá. Sự ghẻ lạnh mới đáng sợ làm sao! Nhưng từ khi có anh Lý, tôi đã được quan tâm, dìu dắt. Anh Vượng luôn sát cánh bên tôi, thông báo ý kiến của Chi bộ để tôi biết mà phấn đấu. Cách đây ít hôm, Vượng viết thư cho tôi, báo tin Đảng uỷ đã duyệt trường hợp của tôi, viết rằng khi có ý kiến nhận xét khuyết điểm lớn nhất của tôi là luộm thuộm, anh Sâm (Khu Uỷ viên, Trưởng Ban Tuyên huấn của chúng tôi) cười rất to.
Trưa, tôi và 4 đồng chí khác lên đường đi cõng muối, mua hàng. Trời mưa suốt. Qua Trà Niêu, thấy lúa ở đây bị chết rụi vì chất độc của Mỹ. Máy bay HUIA cũng mới bắn chết 2 con trâu của đồng bào. Họ xẻ hết thịt nhưng còn để lại đó một cái đầu to tướng.
Tới ngày thứ ba, chúng tôi đi qua nơi anh Lê, Bình và Nghị hy sinh. Đây là một đoạn đường trong rừng non, lẫn lau lách, khá bằng - nằm ở đỉnh dốc. Mộ của Lê và Nghị nằm gần nhau, cách nhau một con đường mòn, Nghị nằm chếch phía dưới một chút. Nấm mộ của Lê đắp không cao lắm, hình hơi vuông - có lẽ Lê chết trong tư thế nằm co. Con đường đi hơi lấn xuống nấm mộ của Nghị. Bọn tôi dừng lại lấy rựa phát quang những cây lách, dọn sạch phía trên cho mọi người đi tránh mộ Nghị, rồi lấy cây rào quanh nấm mộ. Tôi lặng lẽ làm, suy nghĩ mông lung. Nhớ thương lắm! Mộ của Bình nằm dưới đó vài chục mét, được rào cẩn thận, song đất đắp hơi ít nên rất nhỏ bé. Ở giữa rừng này, cuốc xẻng không có, làm sao có thể đắp to hơn được Bình ơi!
Về, cõng muối đi trong mưa dầm dề. Người ướt rượt. Bao muối trên lưng ướt mèm, nước nhỏ giọt, nhỏ giọt vào lưng áo, rát vô cùng. Tới bờ sông Tang, bọn tôi phải dừng lại - nước lũ đã chắn đường chúng tôi. Sông không rộng lắm, song nhiều đá. Ngày thường, nước chỉ tới bắp chân, chảy khá mạnh, song vẫn lội qua được. Mưa nhiều, nước trở nên lớn và hung dữ tợn. Dòng nước đục ngầu, nhấn chìm rất nhiều những mỏm đá trước đây vẫn nằm khô. Nước xoáy vào đá, tung bọt trắng xóa. Chúng tôi cứ ngồi đó nhìn mức nước đang xuống một cách chậm chạp, hy vọng có thể qua được vào buổi trưa. Song, trời đã sầm mặt lại, chuẩn bị một cơn mưa khác. Đành căng tăng ở lại.
Cũng may, đêm không mưa. Trời trong và trăng sáng lạnh lùng. Sáng, nước đã rút bớt, trong lại, song còn chảy rất xiết. Dù sao cũng phải vượt qua. Hàng chục người bị ứ ở hai bên bờ sông đều kéo ra xem xét, la ó. Tạo cởi trần lội dò nước. Cậu ta to, khoẻ nên đã băng được qua dòng sông, dò ra lối lội. Những người đi không theo đó lội qua. Có anh lội qua được một khúc thì bị trôi, nhưng lại dạt được vào mỏm đá gần giữa sông. Có mấy anh nắm chặt tay nhau, cứ thậm thà thậm thụt ở bờ nước, không dám nhào ra. Mấy anh dân tộc lội ào ào, dùng gậy chống đỡ với dòng nước, cứ băng qua và miệng thì la lối, cười nói liên hồi. Những tốp đã qua được bên kia bờ nối nhau thành một cái dây để kéo người đi sau vượt qua đoạn cuối. Họ la: “Cố lên, nhanh lên!”. Có cô gái dân tộc bám chặt trên lưng một anh - anh ta khoẻ, lội băng sang. Một anh dân tộc nắm tay một cô gái Kinh dìu qua sông. Song khi vừa nhớm chân xuống nước, cô ta liền thụt lại và kêu lên mấy tiếng “choé, choé!” như tiếng vượn vậy. Anh thanh niên đã lội xuống nước, cứ lội tới và kéo tay cô gái. Cô ta vẫn kêu choe choé, vùng vẫy. Khi qua được bờ rồi, để mặc quần áo ướt sũng dính bết vào người, cô ta đứng cười ngặt ngẽo và kêu lên: “Khỏi chết, khỏi chết rồi!”. Nhộn nhà nhộn nhạo khắp khúc sông.
Tạo vác bao muối của tôi lội qua trước. Có lúc cậu ta bị trượt chân, lao đao dưới nước làm tôi lo thót tim. Song cậu ta vẫn gượng được, lướt sang bờ bên kia. Cứ thế, Tạo vác 3 bao muối sang. Tôi bị sốt nên chỉ lội người không cũng đủ mệt.
Ngày 15, tôi về đến nhà. Vò đang sốt nặng. Cậu ta nằm ở sạp, thở khò khè. Tôi ngồi bên cậu, cầm tay và gọi: “Vò ơi, Vò ơi!” song cậu chẳng biết gì cả. Người Vò lạnh ngắt, chân tay co lại, chẳng cử động gì. Đôi mắt Vò mở, song chẳng nhìn vào đâu cả. Tôi nắm tay Vò giật giật và gọi: “Vò ơi, có lạnh không?”. Cậu hơi cựa quậy một chút, nhưng không nói được mà chỉ: “Ự, ự” trong họng. Kiểu này gay đây.
Anh em cho biết Vò đau từ ngày tôi đi tới nay. Cũng sốt rét thôi, nhưng kèm cả đi lỏng. Không có thuốc. Cũng chẳng đủ người để chuyển Vò vào viện. Đến sáng nay thì Vò không dậy được nữa. Chúng tôi thu xếp cáng Vò đi bệnh viện. Khi được đưa vào cáng, Vò cũng chẳng biết gì. Thật đau xót, buổi chiều 15, khi đưa Vò tới viện thì cậu ta đã tắt thở.
Vò quê ở Ninh Giang Hải Dương. Mới 19 tuổi, Vò đã được kết nạp vào Đảng - kết nạp ngay trên đường vào Nam. Khi chuyển sang cơ quan chúng tôi, Vò bị sốt rét nhiều, người xanh xao, cơ teo lại. Song cậu ta rất cố gắng. Nhiều buổi trời mưa lạnh, Vò vẫn đi chăn trâu, về còn hái rau cho nhà bếp. Vò rất chịu khó khâu vá, tuy đường kim của cậu ta rất vụng về, chỉ như đường may lược của các cô gái. Giờ đây chiếc mũ Vò may còn đó, chiếc quần cậu ta may bằng vải xé từ ruột nghé ra đang còn dở dang... Bệnh tật cướp Vò đi một cách dễ dàng quá. Trước đó ít ngày mà đưa Vò đi bệnh viện hoặc chỉ cần có ít kí ninh ống, ít Cacofe, B12 tiêm cho Vò là có thể giữ cậu ta lại được. Đơn giản vậy đó, song thật đau xót, không thể làm như vậy được. Thuốc quá thiếu thốn, không có một ống, mà thuốc viên cũng hết nhẵn. Chúng tôi đi vắng, ở nhà chỉ còn mấy phụ nữ và mấy cậu đau ốm khật khừ, lấy ai khiêng Vò đi được? Cách đây ít lâu, nhìn da Vò xanh dợt, bủng beo, nhìn thân hình Vò gầy nhom, khật khưỡng, tôi nghĩ rằng cậu ta khó mà trụ được với cuộc sống khắc nghiệt này. Có ít viên sâm Triều Tiên, tôi đưa cho cậu ta dùng. Song ăn thua gì kia chứ? Còn đau xót nào hơn nỗi đau xót khi biết trước rằng đồng chí mình có thể chết, lại biết cách để cứu đồng chí mình, nhưng không có điều kiện để cứu, đành chịu thua thần chết?
TỪ NGÀY 20/11/1970
Tôi trở về Ban công tác. Thế là đã qua một mùa rẫy rồi. Phút nào còn bỡ ngỡ với nhát rựa đầu tiên trên rẫy mà bây giờ đã cùng anh em làm nên cả một mùa lúa vàng, mang mùa vàng no ấm chất đầy kho! Ra về, lòng không khỏi lưu luyến. Vì nơi đó đã thấm mồ hôi của mình trên từng khóm lúa, nương ngô, gốc sắn. Vì ở đó, mình đã rèn luyện trong lao động nặng nhọc và đã trưởng thành.
Lên đến đỉnh dốc cao rồi, tôi quay nhìn lại nơi ở. Nổi lên giữa màu xanh bạt ngàn của rừng núi là một bãi xanh bằng bặn của rẫy sắn lớn của chúng tôi. Tôi rất nhớ những ngày đổ mồ hôi, phát, ráng sức cõng hom để trồng nên 14.000 gốc sắn xanh tốt đó.
Đồng bào nóc ông Chanh bùi ngùi tiễn tôi đi. Tối đó, tôi ngủ lại nóc, dạy bọn trẻ hát và cùng ngủ sạp với chúng. Bà con cho tôi nào nếp, gạo, nào mè, chuối để đi đường ăn.
Ban làm nhà ở gần nóc đồng bào Kà Đong thuộc thôn 4 xã Íp.
Lại bắt tay vào chuyên môn. Tôi được phân công đi các ngành lấy tài liệu viết một số tin tổng hợp nhân dịp 20-12. Quả thật, lâu ngày mới cầm bút viết, cũng chật vật.
Tôi cùng các anh Lý, Vượng, Ca ở một nhà, rất thú vị vì hợp “gu” nhau. Bọn tôi quen nhà ông Xây và quan hệ rất mật thiết. Mấy đứa nhỏ con ông Xây rất dễ thương. Chúng tôi kiếm vải may áo cho chúng. Ông Xây rất quí chúng tôi, nhà có gì ngon lại gọi ra cho ăn, thỉnh thoảng lại bảo con đem vào cho bọn tôi ít gạo, sắn hoặc chuối... Bởi vậy, bọn tôi tối nào cũng có thứ để xì xụp với nhau.
Lương thực hồi này khá hơn. Ngoài số chúng tôi tự sản xuất ra, còn được cấp gạo "Xã hội chủ nghĩa". Ở bến xe, chúng tôi còn 2 tấn gạo, song không có người chuyển về. Cứ chuyển lần hồi vài cõng một.
Trời mưa tầm tã hoài. U ám và mọng nước mãi. Mưa kéo dài cả chục ngày. Tạnh một chút, tưởng đã nắng, lại mưa. Bọn tôi ở cao, trời quánh đặc một thứ mù ẩm ướt. Giá lạnh vô cùng. Đêm nào cũng chất cả một đống lửa to tướng giữa nhà.
Theo chủ trương của Ban, đông đảo cán bộ, nhân viên sẽ đi nước Ta sản xuất lang, rau đông xuân và đi nóc ông Thiên vỡ đất làm ruộng, đến tết sẽ về.
Ngày 26/12, tôi lên đường đi nóc ông Thiên. Trời vẫn mưa dai dẳng.
THƯ GỬI GIA ĐÌNH
Miền Trung Trung Bộ. 1/12/1970 .
Bố mẹ và các em yêu quý !
Hôm nay có anh Thành và anh Dân ra Bắc, con tranh thủ viết thư thăm gia đình.
Hồi này con vẫn khoẻ. Qua gần 3 năm công tác ở chiến trường, con đã già dặn, cứng cáp lên nhiều và cũng đã có những bước tiến đáng mừng. Ngày 9-10-1970 con đã được kết nạp vào Đảng Nhân dân Cách mạng Việt Nam. Bố mẹ ạ, để có ngày vinh quang đó, con đã phải cố gắng rất nhiều. Như bố mẹ biết đó, hồi con đi do không có thì giờ, không lấy kịp giấy sinh hoạt đối tượng nên vẫn là quần chúng trơn. Khi đi trên đường, sinh hoạt của Đoàn cũng lỏng lẻo nên mặc dù con rất cố gắng vẫn không được chú ý tới và khi vào cơ quan, con vẫn chỉ là một đoàn viên thường. Tuy nhiên, con luôn xác định cho mình là phải kiên trì phấn đấu nên trong công tác, sinh hoạt con vẫn luôn hăng hái, phấn khởi, không tỏ ra sốt ruột, thắc mắc. Ở đây, khó khăn, gian khổ đã thử thách con và tạo điều kiện cho con phấn đấu, thể hiện bản chất của mình. Các đồng chí Đảng viên và các đồng chí lãnh đạo cũng luôn giúp đỡ con. Đặc biệt có anh Huỳnh Ngọc Lý (có vợ người miền Bắc, ở Hải Phòng) rất tận tình giúp đỡ con từng ly từng tý và rất tích cực nêu vấn đề của con ra trước chi bộ. Tới tháng 10/1969, đáng lẽ con được chuyển lên đối tượng, song thời gian đó, trong dịp di chuyển cơ quan, con lại sơ ý để mất của cơ quan một cái đài bán dẫn nên bị để lại. Sau đó con được phân công đi sản xuất, tự túc lương thực cho cơ quan. Khi gác bút, cầm rựa, con phải vượt qua bao bỡ ngỡ, mệt nhọc để làm quen với công việc. Tại đây, con được anh Bá (cũng là chi uỷ viên như anh Lý) hết sức gíup đỡ. Con đã thắng mọi mệt nhọc, khó khăn, luôn là cá nhân xuất sắc của đơn vị, là đoàn viên 4 tốt nên chỉ sau 3 tháng sản xuất (tháng 5/1970) con đã được chuyển lên đối tượng và tới tháng 7 thì được chi bộ kết nạp. Toàn chi bộ nhất trí 100% về việc kết nạp con và cho con hưởng thời gian dự bị là 9 tháng (lẽ ra đối với một tiểu tư sản học sinh là phải 12 tháng). Do giao thông liên lạc khó khăn, việc chuyển hồ sơ của con lên Đảng uỷ và nhận Quyết nghị của của Đảng uỷ về bị chậm trễ nên hơn 2 tháng sau con mới được kết nạp. Hiện nay, con đã trở về cơ quan làm công tác chuyên môn và tiếp tục phấn đấu để trở thành Đảng viên chính thức. Trong dịp bình bầu khen thưởng cuối năm, con được bầu là Chiến sĩ quyết thắng (thấp hơn chiến sĩ thi đua một bậc). Hiện nay con được cử làm Bí thư chi đoàn thanh niên của cơ quan. Con luôn tự nhủ phải cố gắng hết sức và khiêm tốn học hỏi các đồng chí lớn tuổi để làm thật tốt nhiệm vụ của mình, trở thành người cán bộ thật tốt của Đảng.
Bố mẹ kính yêu! Sống xa gia đình con luôn nhớ đến bố mẹ và các em. Tuy nhiên, gần một năm nay con không nhận được lá thư nào của gia đình cả. Bố mẹ cố gắng hỏi chị Tú ở VNTTX cách gửi thư cho con sao cho nhanh nhé. Hiện anh Đức đã về chưa và công tác ở đâu? Việt, Ngọc có hay về thăm nhà không? Diệp, Lan, Thuỷ học có giỏi không? và lớn nhiều chưa? Con rất mong gia đình gửi ảnh cho con.
Con có mời anh Thành, anh Dân đến thăm gia đình. Hai anh này sẽ trở vào chỗ con sau khi nhận máy móc. Bố mẹ nhớ gửi thư để 2 anh ấy cầm vào giúp. Nếu anh Đức có đồng hồ thì mẹ gửi cho con một cái, con rất cần vì đi rừng núi không có đồng hồ khổ lắm. Con cũng cần một ít tiền để mua sắm đồ dùng và bồi dưỡng, bố mẹ gửi cho con với (gửi tiền 10đ của miền Bắc, vào đây con sẽ đổi ra tiền miền Nam). Anh Thành là bạn thân của con nên nếu gửi anh ấy mang được là rất chắc chắn, hoặc nhờ anh ấy nhờ người mang hộ cũng tốt.
Cuộc sống của chúng con vẫn rất gian khổ, giá sinh hoạt đắt đỏ, nên khó có điều kiện cải thiện đời sống. Ăn uống chủ yếu vẫn là sắn, bắp và rau rừng. Bắp được coi là gạo chứ không phải là thức ghế. Chúng con đang cố gắng sản xuất, đánh cá, săn bắn để nâng cao mức sống của mình. Sang năm, chúng con có thể được phát tiền ăn gấp đôi mức hiện nay. Nếu vậy thì mức ăn uống có thể khá hơn.
Bố mẹ ạ, điều đáng mừng là con đã gắn bó được với đồng bào Thượng ở căn cứ như hồi ở Sơn La con gắn bó với đồng bào Thái. Con đã nói được tiếng Kà Dong và được đồng bào rất thương yêu. Nói chung, cuộc sống của bà con ở đây còn khổ lắm, còn thiếu mặc và lạt muối. Đồng bào đã tổ chức được những tổ vòng công, hợp tác để đẩy mạnh sản xuất.
Con rất nhớ cụ, bà ngoại, ông bà trẻ, cô Chung, cậu Hiếu và các em. Con rất mong nhận được thư của những người thân thích trong gia đình.
Bố mẹ không nên quá lo lắng cho con, vừa qua chị Sáu ở cơ quan con có viết thư nói gia đình hay đến hỏi tin con và nói con ít viết thư về nhà. Thực tế, con cũng rất tranh thủ viết, song việc gửi rất khó nên thư ít tới tay gia đình. Do vậy việc bặt thư con dăm bảy tháng là chuyện thường, bố mẹ chớ lo.
Con gửi lời thăm các cô chú trong cơ quan bố.
Con của gia đình.