Tác phẩm Bê Trọc của nhà báo Phạm Việt Long: Nhật ký chiến trường về một thời máu và hoa (Phần XXIII)

Bê trọc, còn gọi là Chuyện đời thường trong chiến tranh, là tác phẩm của Phạm Việt Long, do Nhà Xuất bản Thanh niên xuất bản vào đầu năm 1999.

THƯ GỬI NGÂN

Ngày 3 tháng 7 năm 1973

Thương em hơi thở cũng thương

Một làn tóc cũng vấn vương tơ lòng

Em thân yêu!

Em duy nhất của anh!

Không ngờ hôm nay anh lại nhận được thư em, lá thư chứa đựng biết bao tình yêu thương nồng thắm. Anh tưởng như không phải là đọc thư em, mà đang ngồi nói chuyện với em, em ngả vào lòng anh, phả  hơi thơm và ấm áp vào anh, còn anh thì nhẹ vuốt làn tóc mượt mà của em, hít lấy hơi thở nồng nàn của em. Em ở xa, nhưng em vẫn gần gũi với anh quá!

11-1661140065.jpg

Long Ngân ở Trà Mi, 1973

Em của riêng anh ơi! Em có biết không, lá thư của em gửi anh đề địa chỉ chẳng rõ ràng gì hết, vậy mà vẫn đến tay anh. Có lẽ tình người gửi tha thiết quá nên lá thư đã chiều lòng người, cố tìm đến tận tay người nhận. Và cũng vì người đi xa thương nhớ người ở nhà vô hạn nữa đấy. Đêm hôm qua là đêm anh nghĩ đến em nhiều nhất, và đến trưa hôm nay thì anh được đọc thư em - hình như lá thư em gửi đã nghe tiếng gọi của anh nên đã bay gấp tới tay anh ấy em nhỉ?

Anh rất mong được gặp em trong giấc ngủ. Nhưng thật buồn, chẳng khi nào anh gặp cả. Có mỗi một lần anh mơ thấy em, nhưng sắp đến gần em thì em lại vụt đi mất. Ôi, giấc mơ sao lại giống thực tế đến thế, nó khắt khe với chúng ta quá. Thế là anh không dám mơ gặp em trong những giấc mơ nữa. Anh tìm gặp em trong ý nghĩ của anh vậy. Bắt đầu nằm là anh nghĩ về em, dòng suy nghĩ dài vô tận xuyên hết màn đêm, và anh cũng chẳng muốn bắt nó dừng - anh thầm nói chuyện với em,  thầm gọi tên em. Còn ban ngày thì anh đọc đi đọc lại những lá thư của em, kể cả lá thư đã làm anh mất ngủ hẳn một đêm vì lo buồn ấy! Đối với anh, không một tác phẩm văn học nào hấp dẫn bằng những lá thư của em, tuy rằng anh rất mê đọc sách. Anh nói thế không phải vì anh cho rằng em viết hay quá, không ai viết được như thế, mà vì những dòng chữ ấy là tình em dành riêng cho anh, chỉ có anh mới được hưởng thôi. Sau khi đọc thư, anh đem ảnh em ra ngắm mãi. Bực quá đi, không một tấm ảnh nào đẹp bằng em bên ngoài cả, tuy rằng so với ảnh của biết bao cô gái anh quen nó vẫn trội hơn hết. Anh ngắm mãi và anh lại hôn lên ảnh em nữa. Em thì cứ cười hoài, dường như chỉ biết cười thôi, chẳng hôn lại anh gì hết. Này, nếu cứ như vậy mãi thì anh giận đấy, cô gái xinh đẹp của anh ạ. Nhưng anh nói đùa thôi, anh chẳng giận gì em đâu, bởi vì anh hiểu rằng em yêu anh biết bao, tình yêu của em cao quý biết bao.

22-1661140083.jpg

6 anh em trong tiểu ban Thông tấn xã Giải phóng Khu V tại căn cứ Dốc voi, 1972. Từ trái qua phải: Phú (tổ ảnh), Long, Vũ Đảo (Trưởng Tiểu ban), Hồng Phấn (phụ trách tổ ảnh, nay đã qua đời), Ngọc (tổ ảnh), Phước Huề (Phóng viên).

Thật là tuyệt diệu khi được cùng một người con gái vun đắp một mối tình. Anh thấy lòng mình tràn trề hạnh phúc, dường như không ai được hạnh phúc như anh. Em có nghĩ như vậy không? Giá như chúng ta cùng đọc được suy nghĩ của nhau như cùng nghĩ bằng một bộ óc, giá như những dòng suy nghĩ ấy là những sợi dây để chúng ta bện chặt nó vào nhau thì thú vị biết bao nhỉ. Nhưng thôi, chẳng cần đọc được suy nghĩ của nhau, chúng ta vẫn hiểu nhau rồi cơ mà, chẳng cần biến những ý nghĩ ấy thành sợi dây, chúng ta vẫn làm cho chúng quyện chặt vào nhau rồi cơ mà!

Đọc thư em, anh hiểu rằng em đã hoàn toàn yên tâm về những điều mà trước đây làm em lo lắng nhiều. Biết vậy, anh rất vui. Anh thương em vô bờ bến em ạ, và chính vì vậy mà khi thấy em vui, thấy em hạnh phúc là anh thấy mình sung sướng vô hạn. Anh yêu em với tình yêu không sao diễn đạt hết đưọc, anh tưởng rằng chỉ có cách hoà tan cơ thể anh vào cơ thể em mới có thể biểu hiện được một cách rõ ràng tình yêu nồng thắm ấy. Em thân yêu ơi! Tại sao em lại nghĩ rằng anh không nhớ đến em, anh thờ ơ với em? Có lẽ nào như thế được! Có lẽ nào anh lại lãng quên em! Ý nghĩ của anh luôn luôn quấn quýt bên em, dõi theo từng nhịp thở của em. Có lúc anh nằm nghĩ: không biết giờ này em của anh đang làm gì nhỉ, có phải cũng đang suy nghĩ về anh không? Hình ảnh em như ánh trăng ấy, càng về khuya càng sáng tỏ trong tâm hồn anh. Anh không gửi thư cho em bởi vì cái đường dây của chúng ta lôi thôi quá, chạy linh tinh, sợ lạc mất thư. Mà thư viết cho em thì chỉ để cho em đọc thôi, chứ có phải bài báo đâu mà có thể công bố cho mọi người đọc? Không gửi nhưng vẫn viết, rồi em sẽ được đọc no nê. Em hãy tin rằng dù có cách em bao xa, xa em bao lâu, anh vẫn luôn luôn thương nhớ em và tình anh vẫn luôn luôn ấp ủ em, sưởi ấm trái tim em.

33-1661140101.jpg
Long làm việc ở căn cứ Dốc Voi, Trà Mi, Quảng Nam, 1972

À này, cô bạn nhỏ, yên tâm về sức khoẻ của mình nhé! Gầy vẫn gầy song khoẻ lắm, máy móc chạy khoẻ, đều đặn và chính xác, đạt tiêu chuẩn quốc tế đấy! Chưa chắc cô bạn đã khoẻ bằng mình đâu, đừng chủ quan đấy !

Riêng cái chân thì xấu, rất xấu,  này nhé: trên đùi 4 vết sẹo do bị lấy da, còn dưới ống chân thì một sẹo lớn. Tuy nhiên, đó là những bông hoa trời ban cho, anh chẳng đổi cho em đâu. Anh nói như vậy không phải là anh giàu tính hy sinh, luôn nhận phần xấu về mình đâu, mà là anh rất ích kỷ đấy! Em biết chứ, em là của anh, những gì đẹp trên cơ thể em đều thuộc quyền sở hữu của anh, do vậy nó càng đẹp thì anh càng được hưởng thụ nhiều và vì vậy nên anh dại gì mà đổi cho em những thứ xấu cơ chứ?

Ngược lại, nếu anh có gì đẹp là anh đổi cho em liền để em càng đẹp thêm. Tiếc quá, anh  chẳng có gì đẹp cả, mà em lại đẹp lắm rồi. Tuy thế, em đừng chê anh, đừng chê anh nhé!

Con bồ câu nhỏ của anh ơi, đôi hàng mi em đã dài và cong lại như trước chưa? Anh rất oán trách ai đã xui em cắt nó đi. Mong rằng nó sẽ chiều lòng anh mà mọc lại như cũ. Đôi hàng mi cong cong, lúc nào cũng như một dấu hỏi về tình yêu ấy.

44-1661140115.jpg
Ngân ở sông Trường, Trà Mi, 1973

THƯ CỦA GIA ĐÌNH

Hà Nội, ngày 10 tháng 7 năm 1973

Long thân mến!

Mẹ mới đến Thông tấn xã được biết tin có đoàn vào mẹ vội viết mấy chữ về tình hình gia đình cho con biết. Hồi tháng 4, mẹ mới nhận được thư của con, cả gia đình cũng mừng cho con là con vẫn khoẻ và lại nhận công tác mới hiện nay.

Hôm qua ngày 9/7 mẹ đến Thông tấn xã để gặp anh ổn và muốn gặp anh Tùng nhưng anh đi vắng, anh ổn cho mẹ gặp anh gì, tên mẹ không nhớ chỉ biết anh ổn bảo anh Phó Tổng biên tập, mẹ nói chuyện cũng gần một tiếng và cũng đề nghị là muốn con ra thăm gia đình ít lâu vì hoà bình đã nửa năm rồi, và mẹ cũng được tin là con mới sốt và phải nằm quân y 20 hôm, mẹ cũng thấy lo cho sức khoẻ của con vì nếu sốt lại thì cũng gay go, nhất là đề phòng bệnh gan.

Em Việt có gửi cho con lá thư mẹ gửi vào đấy, mẹ mới gửi cho em 30đ để nó bồi dưỡng, độ đến tháng 10, 11 em sẽ được về phép thăm gia đình.

Còn vợ chồng Phúc thỉnh thoảng vẫn ra nhà. Hôm nay mẹ viết thư vội, nó không biết mà viết, vì mẹ bảo nó là chuẩn bị khi nào gửi thì mẹ bảo.

Còn tình hình công tác của con thì thế nào? Mẹ thấy hoà bình rồi những gia đình có chồng con đi xa phần nhiều là về thăm gia đình cả rồi.

55-1661140129.jpg
Long ngân ở sông Trường, 1973, trước khi chia tay, Long ra Trà Nô.

Còn con xem có hoàn cảnh thuận tiện thì con cũng nên tranh thủ mà về thăm gia đình ít bữa, chứ bố thì cũng già yếu rồi, mẹ thì tuy chưa già nhưng sức khoẻ cũng sút đi nhiều, công tác cách mạng còn lâu dài con ạ, mẹ thấy liên miên lắm, không bao giờ nói là hoàn thành hoặc là xong cả, chỉ có cái là người ta biết tính toán thời gian làm sao cho vừa công tác mà vừa có lúc xả hơi hoặc là tình cảm gia đình, chứ mẹ thấy nhiều khi ai vùi đầu vào công tác cứ vùi, còn ai không vẫn không vì mẹ thấy kinh nghiệm bố con còn thanh niên, công tác cũng say sưa hơn con ấy chứ. Mẹ nói thế để con tự suy nghĩ và sắp xếp thời gian, kẻo một ngày kia tình thế thay đổi rồi con lại ân hận mãi là không được về thăm gia đình. Còn số tiền 50 đồng mẹ gửi anh San vào từ năm 72 con đã nhận được chưa? Con trả lời cho mẹ biết mấy. Nếu con gửi thư về con cứ gửi về Kim Liên hoặc chỗ bố cũng được.

Bố có cố gắng cũng chỉ hết năm nay thôi, sang 74 có khi về hưu thôi.

Gia đình chúc con khoẻ mạnh, công tác tốt.

Mẹ

Hạnh.

        THƯ GỬI GIA ĐÌNH.

Ngày 15/7/1973

Bố mẹ kính yêu của con!

Người chuyển giúp con lá thư này là anh Tấn Thành, người quen của con. Anh ấy ra công tác một thời gian rồi lại vào, do vậy bố có thể gửi anh ấy đem thư gia đình vào cho con. Anh Thành sẽ nói chuyện thêm với gia đình, và anh ấy sẽ là cái hòm thư đáng tin cậy của con đấy.

Con cứ hình dung rằng trong những ngày tháng này, gia đình ta đang được sum họp, đông vui và con thấy lòng con tràn đầy hạnh phúc, tuy rằng trong không khí ấm áp ấy thiếu mặt con. Giá như con, em Việt  cũng có mặt trong những ngày này, cùng gia đình vui liên hoan thì gì bằng nữa. Con vẫn hằng ao ước như vậy. Song, con chưa thể thực hiện được niềm ước ao đó.

Bố mẹ kính yêu! Hiện nay, cùng với đồng bào miền Nam, chúng con đang ra sức xây dựng lực lượng, củng cố hoà bình. Trước sức lớn lên vùn vụt của căn cứ, con thấy sung sướng vô cùng. Nhớ lại những ngày chui rúc trong gai góc kiếm từng bụi sắn, bị giặc càn lên tận căn cứ phải chạy lên tận vùng cao, nhớ lại những người bạn thân của con bị chết gục trước làn đạn của tụi biệt kích trên những con đường mòn vắng vẻ giữa rừng sâu, nhớ lại tất cả cảnh cơ hàn ấy, con càng thấy vô cùng yêu quý cuộc sống hiện nay. So với những ngày ấy, những ngày này đã trở thành thần tiên rồi bố mẹ ạ. Bây giờ, chúng con xuống ở vùng thấp hơn, được tự do tiếp xúc với ánh nắng chan hoà, được tự do dựng nhà cao cửa rộng. Con đường ô tô xẻ dọc Trường Sơn đã chạy suốt từ hậu phương lớn, dọc sau lưng chúng con, vào sâu hơn nữa và vươn dài những cánh tay xuống đồng bằng. Các cơ quan quanh Khu đều có đường xe đến tận nơi, có xe ô tô để vận chuyển. Nhờ đó mà việc lao động bằng chân tay được giảm nhẹ đi, lương thực, thực phẩm có dồi dào hơn, đời sống được cải thiện rất nhiều. Các cơ quan đều có hội trường lớn để họp hành, chiếu phim, biểu diễn văn công, có sân bóng chuyền, bàn bóng bàn để rèn luyện và giải trí... Cuộc sống vui sôi động và đang đi vào nền nếp chính quy. Các khu tập thể cơ quan được xây dựng khá đàng hoàng, nhà nào cũng cao ráo, sạch đẹp, không những có bàn ghế hẳn hoi mà còn có hoa phong lan làm cảnh nữa. Cuộc sống thay đổi như vậy là nhờ sự nỗ lực rất lớn của mọi người ở đây, và nhờ sự chi viện rất mạnh mẽ của hậu phương lớn. Rồi đây, những người ở căn cứ sẽ tiếp tục xây dựng lực lượng vũ trang thật lớn mạnh, xây dựng cả những nông trường và đẩy mạnh các mặt kinh tế khác để giải quyết thật tốt, thật cơ bản đời sống ở vùng căn cứ và vùng giải phóng đồng bằng. Những công việc đó đòi hỏi mỗi người  chiến sĩ - trong đó có con - phải nỗ lực rất nhiều. Không trực tiếp đóng góp vào những công việc đó, nhưng với khả năng chuyên môn của con, con có thể đóng góp một phần động lực nhỏ bé, thúc đẩy nó phát triển lên. Nhất là lại được đi trong đoàn đại biểu quân sự của ta làm nhiệm vụ trực tiếp đấu tranh với địch nhằm bảo vệ và củng cố hoà bình, con càng thấy trách nhiệm nặng nề của mình. Con tin rằng sự có mặt của con trên trận tuyến đó là rất cần thiết, rất có ích. Con không thể cho phép mình vắng mặt trong đội ngũ vào những ngày này. Bởi vậy, tuy thương nhớ gia đình da diết, con vẫn chưa thể xin phép về thăm gia đình được. Rồi đây, khi tình hình cho phép, con sẽ về thăm gia đình, nhất định như thế rồi, nhất định là khi nào con xin phép, khi ấy cơ quan con sẽ đồng ý cho con đi và bố mẹ sẽ được đón con trở về, người vẫn khoẻ mạnh và hoạt bát như xưa. Con biết rằng bố mẹ rất mong con về, nhưng chỉ mong con về với tư thế của người chiến thắng, có đúng không bố? Chắc rằng khi gặp con, bố mẹ sẽ thấy con tuy có già dặn hơn (năm năm trôi qua rồi còn gì), đã cứng cáp lên về nhiều mặt nhưng đặc biệt vẫn cứ hồn nhiên, tươi trẻ y như hồi còn học sinh - con vẫn giữ được tính lạc quan, yêu đời mà bố đã truyền và nuôi dưỡng cho con.

Con cũng có thể nói cho mẹ hoàn toàn yên tâm là tuy thể trạng bẩm sinh của con là gầy còm, song con rất chắc chắn, con là một luỹ thép rất khó đột nhập đối với các loại vi trùng. Qua 1, 2 năm đầu lao đao trước những đợt tấn công ào ạt của ký sinh trùng sốt rét, con đã rút được nhiều kinh nghiệm chiến đấu và bây giờ đã đánh bại nó rồi. Thế là con không còn bị một bệnh tật nào hết, kể cả bệnh sốt rét là bệnh phổ biến ở căn cứ. Vì mẹ ở ngành Dược - Y, con có thể khoe với mẹ mấy con số để mẹ yên lòng: Hồng cầu 4 triệu 20 vạn, bạch cầu 7..500, huyết sắc tố 105%, phản ứng Hero của gan: 1,7, Mạch 83, nhiệt 37oC. Như vậy, mẹ có thể cấp cho con huân chương chữ thập đỏ rồi chứ?

Chắc gia đình ta đã về ở khu tập thể Kim Liên rồi phải không bố? Ở mãi đó, mẹ đi làm tận Mễ Trì, xa quá, mẹ lại không đi được xe đạp thì làm thế nào? Chắc mẹ  yếu hơn trước phải không mẹ? Mẹ đã bỏ hút thuốc lá  chưa? Sao mẹ không nói gì về việc này cho con biết. Con tha thiết yêu cầu mẹ bỏ thuốc lá và tích cực bồi dưỡng bằng chất ngọt, chất đạm. Bố hàng ngày về khu Kim Liên hay chỉ chủ nhật mới về? Con nghĩ bố nên ăn ngủ tại cơ quan, chủ nhật hãy về nhà để giữ sức khoẻ, vì bố cũng  luống tuổi rồi.

Anh Đức đã cưới vợ chưa? Trong mọi chuyện anh đã ít lời, trong chuyện này anh càng ít lời. Em chẳng có thể góp ý với anh gì về cái việc mà anh nói là "ít được mọi người tán thành" ấy - em chỉ biết chúc anh hạnh phúc.

Phúc và Thành có ở riêng không, hay vẫn ở chung với gia đình? Hai em sắp có cháu bế chưa? Thế là cô cậu  đã đoạt giải nhất trong cuộc đua không tuyên bố đến cái đích lớn của cuộc đời rồi đấy. Đã đến đích ấy rồi thì cần củng cố lực lượng mà tiến lên các đích quan trọng khác chứ đừng dừng tại chỗ nhé.

Em  Việt con hiện đóng quân ở đâu, có viết thư về gia đình không? Đọc thư nó, con rất mừng vì nó đã tiến bộ rất dài về tư tưởng, sức khoẻ.

Các cô Ngọc, Diệp, Lan, Thuỷ chắc lớn lắm rồi nhỉ, học hành chắc vẫn giỏi chứ? Cô Ngọc 19 tuổi đã có thể coi là lớn rồi đấy, song chớ vội nghĩ đến chuyện gia đình riêng nhé, để tốt nghiệp đại học, ra công tác hẵng hay.

Còn Diệp, Lan, Thuỷ thì anh chẳng phải dặn gì nữa vì anh biết các em  rất chăm ngoan, chăm ngoan hơn anh hồi bé (thực ra hồi bé anh  hư lắm, lười và hay làm phiền bố mẹ). Các em tiếp tục học cho giỏi nhé.

Bố mẹ có nhận được thư của trên nhà không? Nhiều khi nằm nghĩ, con thấy thương các bà và ông vô hạn, thương đến quặn thắt lòng lại. Ông, bà vất vả quá, đến cuối cuộc đời vẫn còn vất vả. Nhất là ông bà trẻ, khi còn khoẻ thì làm đầu tắt mặt tối nuôi các cháu, khi già rồi lại sống cô độc trên rừng núi hiu quạnh, lấy ai chăm sóc khi đau yếu? Không hiểu ông, bà trẻ bây giờ sinh sống bằng công việc gì, có túng thiếu lắm không? Thương vậy, nhưng con cũng chỉ biết để trong lòng hoặc nói ra miệng mà thôi chứ không thể biến thành việc làm được. Bởi vì con biết rằng, con còn phải ở miền Nam lâu dài - thời gian cống hiến còn lâu dài, chưa đến thời gian vừa cống hiến vừa hưởng thụ để lấy cái phần được hưởng thụ của mình san sẻ cho người ruột thịt.

Cô Chung, chú Phương và các em có khoẻ không? Cô Chung đã công tác ổn định hẳn ở một cơ quan chưa? Nếu công tác không ổn định, nay cơ quan này, mai cơ quan khác thì khó tiến bộ lắm. Cháu không biết rõ địa chỉ của cô ở đâu nên không biên thư riêng cho cô được. Cô biên thư cho cháu với nhé.

Bố mẹ yêu quý của con! Trong khung cảnh hoà bình của đất nước, bố mẹ hãy tin rằng không còn có gì đe doạ tính mạng đứa con của bố mẹ nữa nhé. Trong chiến tranh, nó đã vượt qua được nhiều bước hiểm nghèo rồi, và nay nó vẫn cảnh giác, biết xông pha nhưng cũng biết tự bảo vệ tính mạng của nó. Nó hiểu rằng đó là trách nhiệm đối với chính nó và đối với cả những người mà nó yêu quý vô bờ bến nữa. Nó không có quyền cẩu thả để đến nỗi làm tắt hy vọng của những người ruột thịt của nó ở nơi xa đang ngóng về nó từng giờ, từng phút.

Về mọi mặt đời sống, con trình bày như thế, bố mẹ yên tâm rồi chứ? À, nếu như sau này con gặp một cô gái nhỏ dễ thương, con kết nạp vào gia đình ta thì bố mẹ có cho phép không?

Con sống khá đầy đủ, mẹ đừng gửi gì cho con ngoài thư và ảnh.

Cho con gửi lời thăm các cô chú ở cơ quan. Con vẫn chờ đợi để triển khai công tác theo đoàn đại biểu quân sự của ta trong Ban Liên hiệp quân sự hai bên khu vực hai - Đà Nẵng. Bố mẹ nhờ anh Thành chuyển thư cho con. Địa chỉ như cũ.

Kính chúc bố mẹ mạnh khoẻ.

Đứa con lúc nào cũng yêu quý gia đình.

Việt Long

THƯ ĐỒNG CHÍ

Hữu Quả - Bình Định, ngày 18/7/1973

Thân gửi các anh  Vũ Đảo, Dương Đức Quảng, Hồng Phấn - Thông tấn xã Giải phóng.

Tổ phóng viên Bình Định hành quân đã tới đích an toàn, viết thư này về báo cáo với anh mấy nét:

Anh em ở nhà ra đi ngày 20/6 và tới Bình Định (Ban Tuyên huấn) ngày 13/7. Như thế là quá chậm có phải không anh? Lý do chậm là anh em bị sốt dọc đường. Cả 4 anh em đều sốt. Thoa sốt một lần đi được, Minh sốt 2 lần, có một lần phải nằm lại mất 5 ngày, Quả sốt kéo dài, lách sưng to nhưng vẫn ăn được và đi được; còn Mạch thì sốt 3 lần rồi, có một lần phải dừng lại 3 ngày. Hiện nay sức khoẻ anh em: Quả, lách vẫn còn sưng, Minh và Thoa đã bình thường, riêng Mạch khá gay. Theo y sĩ cơ quan sơ chẩn thì Mạch có thể bị sưng gan, có lẽ vài hôm nữa phải cho Mạch đi bệnh xá nằm điều trị đã, bao giờ khoẻ về mới phân công công tác, như thế cơ bản hơn.

Hôm đi xuống đường lo quá anh ạ, cứ sợ có đồng chí nào sốt  ác tính thì nguy. Nay đến nơi có cơ quan, có địa phương rồi nên bớt  lo hơn.

Anh em về Bình Định đúng vào thời kỳ cơ quan đang di chuyển, nhà cửa chưa làm được, chỗ ăn, chỗ ở chưa ổn định, 4 anh em tự làm một cái nhà tăng để ở. Tình hình sức khoẻ anh em như vậy, cộng với tình hình khách quan là địa phương đang di chuyển cơ quan nên chưa thể bắt tay ngay vào công việc được. Thông cảm hoàn cảnh của địa phương, tất cả anh em đều phấn khởi khắc phục khó khăn, không hề kêu ca phàn nàn gì và bước đầu tranh thủ được thiện cảm của anh em trong cơ quan.

Các đồng chí trong cơ quan Ban Tuyên huấn tỏ rõ sự quan tâm đối với anh em. Ngay khi nghe tin đoàn mới về, mặc dầu cả cơ quan mới chỉ dựng xong một cái nhà ăn, nhưng các đồng chí trong ban lãnh đạo cho người ra đón anh em vào. Tất cả các đồng chí có trách nhiệm tỏ vẻ ái ngại, lo sức khoẻ anh em, lo chưa có nhà cho anh em ở để anh em phải tự làm, lo chưa ổn định nên ăn uống kham khổ.v.v.. Kể ra Bình Định mà ăn uống như thế cũng kham khổ thật, chưa bằng mức ăn ở nhà (Ban Tuyên Huấn Khu). Nhưng vấn đề quan trọng là ở chỗ: "Một lời nói chân tình còn hơn nghìn mâm cao cỗ đầy". Tất cả anh em trong tổ đều thấy rõ điều đó và nhắc nhau lấy chuyện đó làm nguồn động viên nhau, khích lệ mạnh trong công tác. Riêng Quả thì có lẽ đây là lần đầu tiên được tiếp xúc với cơ quan địa phương K5 chân tình như vậy cho nên không thể không xúc động.

Sau vài ngày tắm giặt nghỉ ngơi, ban lãnh đạo cơ quan đã làm việc với anh em trong tổ: Truyền đạt nghị quyết Thường vụ Tỉnh uỷ, báo cáo một số nét về truyền thống và phong trào, địa phương. Xong, Quả và đồng chí phụ trách Ban sang gặp Thường vụ để báo cáo nội dung công tác và xin ý kiến giúp đỡ .

Qua mấy ngày tiếp xúc và làm việc với cơ quan địa phương, Quả thấy rõ sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo đối với công tác thông tấn báo chí, bước đầu tạo thuận lợi cho anh em hoàn thành nhiệm vụ. Quả đã kịp thời lấy ngay chuyện này họp anh em lại nhắc nhở nhau cố gắng hết sức mình làm tốt công tác, góp phần tuyên truyền cho phong trào địa phương, đáp lại sự chân tình mong mỏi của cấp uỷ, của ngành ở đây. Xin nói thêm là trong khi làm việc với các đồng chí trong ban lãnh đạo Ban, các đồng chí có nêu lên 3 yêu cầu là: sau khi đoàn công tác của ta ra về xin để lại cho địa phương 3 cái: một là tập phim có giá trị tuyên truyền cho địa phương, hai là một tập các mẩu chuyện và người tốt việc tốt, ba là giúp tỉnh đào tạo được một lớp thông tin viên và cộng tác viên biết làm công tác thông tấn báo chí.

Nói chung 3 yêu cầu của các đồng chí nêu lên trên đây cũng là phù hợp với công tác của mình nên bọn tôi hứa sẽ đáp ứng anh ạ. Tôi nghĩ làm được cái gì có lợi cho ngành, có lợi cho cách mạng thì cứ làm thôi, không nề hà từ chối.

Tuy vậy cũng lo, lo tài liệu thành văn không có, không biết chuẩn bị "giáo án" như thế nào đây để "lên lớp". Lâu quá lý luận cũng quên dần hết rồi.

Căn cứ nhiệm vụ, căn cứ tình hình sức khoẻ của anh em trong tổ cùng với sự gợi ý của địa phương, tôi tạm phân công công tác hai tháng 7 và 8 như sau:

Thoa + Mạch (nếu Mạch khoẻ) hoạt động các ngành xung quanh tỉnh, viết tổng hợp các vấn đề: Đấu tranh thi hành hiệp định (tố cáo địch nống lấn vùng giáp ranh và vùng giải phóng, tố cáo địch lập ấp gom dân, bắt bớ bình định, không thực hiện 12 điều dân chủ ở vùng địch kiểm soát. Đặc biệt nêu bật, sau 1 tháng có tuyên  bố, địch vẫn không thi hành được khoản nào của Hiệp định mà còn gây  nhiều vụ vi phạm  mới). Viết về phong trào nhân dân trong vùng địch tạm kiểm soát rời bỏ khu dồn trở về làng cũ làm ăn, hoặc  trài ra sản xuất ở những vùng trắng. Viết tổng hợp về các mặt xây dựng như sản xuất (chủ yếu là nông nghiệp mà trước mắt là khai hoang phục hoá), thương nghiệp, y tế giáo dục, xây dựng lực lượng vũ trang giữ gìn hoà bình (tòng quân nhập ngũ). Riêng  Minh thì đi giao thông vận tải, vừa lấy hình ảnh công trường làm đường (hiện có vài nghìn dân công tập trung làm), vừa giao Minh viết luôn tin tổng hợp về giao thông. Sau khi đi giao thông về Minh sẽ đi thể hiện một số ảnh phong trào sản xuất  nông  nghiệp, trước mắt là khai hoang và thuỷ lợi.

Riêng Quả thì lúc đầu Quả định ở tại tỉnh khoảng 1 tháng, ít nhất cũng nửa tháng, vừa để viết một vài mặt tổng hợp, vừa để nắm tình hình chung đã. Thế nhưng Ban Tuyên huấn tỉnh yêu cầu Quả đi Hoài Nhơn với lý do là sắp tới có Uỷ ban Quốc tế về điều tra vụ Tam Quan cho nên cần có phóng viên ở đó, mà đi thì cần có đồng chí có kinh nghiệm chứ mới e khó khăn. Mặt khác các đồng chí ấy nói Hoài Nhơn là nơi có phong trào khá nhiều mặt cần được báo chí phản ánh. Với hai lý do  trên nên Ban Tuyên huấn tỉnh và Thường vụ nhất trí yêu cầu Quả đi Hoài Nhơn, vậy báo cáo để anh rõ. Một lý do phụ nữa cũng cần cân nhắc là, Hoài Nhơn cũng có ác liệt hơn một chút so với các nơi khác nên nếu mình chần chừ do dự, e địa phương sẽ hiểu một cách tế nhị lắm anh ạ.

Thời gian ít, công việc đang thúc sau lưng, anh cho phép Quả tạm dừng đây, chúc anh luôn mạnh.

Thân yêu!

Xiết chặt tay anh

Địa chỉ:

Hữu Qủa TTXGP đang công tác tại Ban tuyên huấn Hùng Cường.

NGÀY 24/7/1973

Ra viện, ồ ra viện mà cũng trở thành một niềm vui sướng. Tạm biệt, không, vĩnh biệt mới phải, cái khu rừng tù túng với bầu không khí sặc mùi thuốc tây. Vọt ra đường đón bầu trời khoáng đãng, nắng vàng rực rỡ, đi trên con đường ô tô đỏ tươi và thở phào khoan khoái.

Muốn ghé về thăm Ngân nên tôi đi theo đường mòn xuyên núi. Nằm mãi một chỗ nay mới đi bộ thấy mệt ghê gớm. Chật vật leo lên cái dốc lách nắng hầm hập. Khoảng 10 - 15 phút lại phải nghỉ lấy hơi.

Sự việc không diễn biến đúng theo điều tôi dự kiến: anh San không có nhà mà vẫn ở bệnh viện, Ngân đi thăm anh ấy chưa về.

Xế chiều Ngân về, song không qua C8 gặp tôi. Cô bé của tôi sao lại ngại ngần làm vậy? Buổi tối Ngân mới qua và tôi đã được sống những giờ êm ấm bên em - tới mãi 11 giờ khuya.

Sáng 25, đến bệnh viện thăm San. Tôi giật mình sửng sốt đến mức hoảng sợ vì thấy San gầy hốc hác, già xọm đi. Chiếm ưu thế trên khuôn mặt anh là đôi mắt to và đôi gò má cao. San nắm tay tôi, khóc rưng rức. Tôi ngồi bên võng anh, vuốt nhẹ bàn tay anh và an ủi: “Đừng khóc, đừng khóc”. Anh nói: “Không, từ ngày vào viện, mình không khóc, thấy Việt Long mình thích quá mới khóc!”. Thương San quá, lòng rưng rưng cũng muốn khóc theo.

Trưa lại về Điện ảnh và tất nhiên lại được quấn quít bên người yêu. Hôm nay, Ngân kể lại tường tận cuộc đời của mình, từ những ngày thơ ấu tới những ngày lớn lên trên căn cứ và đặc biệt đã nói lên cả những điều thầm kín của mình nữa.

Trước đây, trong quan hệ với Ngân, tôi có nhận xét rằng chắc Ngân đã từng có những va vấp trong tình yêu và chắc em đã từng chịu khổ đau trong những va vấp ấy. Tôi nghĩ thế, song không khi nào tôi hỏi Ngân về chuyện này cả - vì đó là chuyện cũ, tôi không có quyền bới móc ra, và nếu tôi hỏi, chắc sẽ xúc phạm đến lòng tự trọng của Ngân. Khi nghe mọi người dư luận xấu về quá khứ của Ngân, tôi không tin, song cũng có phần băn khoăn, thắc mắc! Nhưng tôi lại nghĩ chắc rồi sẽ có ngày Ngân kể cho tôi nghe về những điều đó.

Bây giờ thì Ngân đang kể về những chuyện ấy. Hồi ở với Ba, Ngân quen anh Truyền, công vụ của Ba. Anh ấy khá lớn tuổi nên Ngân gọi bằng chú. Sau này Ngân lớn mới gọi bằng anh. Anh Truyền rất cần cù, rất hiền nên Ngân rất mến. Tôi hiểu rằng trong quan hệ giữa một người con gái và một người con trai, khi quá thân tiết với nhau, thì dù không có quan hệ yêu đương, cũng không thể khẳng định là không yêu - Tình yêu ở đây không thể hiện rõ ràng, nhưng vẫn in bóng trong tình cảm 2 người, lúc ẩn, lúc hiện, trộn lẫn vào tình cảm anh em, đồng chí. Đúng là Ngân cũng có một tâm trạng như vậy. Khi anh Truyền sắp đi nơi khác nhận công tác mới, Ngân đưa cho anh ấy một chiếc nhẫn, sau đó lại một chiếc bút máy của Ba. Ba phát hiện ra, hỏi dồn mãi và cuối cùng thì Ngân trả lời: “Con yêu anh ấy!”. Ba hỏi: “Tại sao mày lại yêu anh ấy?” Ngân trả lời: “Anh ấy đã phục vụ ba trong bao nhiêu năm, anh ấy rất tốt, chắc con yêu anh ấy Ba cũng đồng ý”. Ba nổi giận, la mắng và đưa Ngân ra chi đoàn, ra đơn vị kiểm điểm. Tiếng xấu về Ngân bay khắp Trung đoàn. Sau đó Ba ra Bắc, Ngân ở lại. Lúc này, cuộc đời Ngân đầy mây đen, Ngân sống bơ phờ, chán đời, quần áo rách không vá mà chỉ lấy dây cột lại.  Lúc này, anh Truyền  cũng đã đi xa.

Về sau, được cơ quan động viên, Ngân mới trở lại được với cuộc sống bình thường. Sau này, có một số người muốn yêu Ngân, song Ngân không yêu họ. Tuy nhiên, Ngân vẫn nhận thư của họ và không tỏ rõ tình cảm của mình cho họ rõ nên họ vẫn hy vọng. Đó là một nhược điểm của Ngân. Chính điều đó lại đưa thêm những điều tiếng xấu đến cho Ngân. Gần đây, khi Ngân đã yêu tôi, vẫn có một anh bác sĩ viết thư tấn công Ngân. Tôi không ngăn cấm Ngân gì hết, song yêu cầu Ngân phải tỏ thái độ rõ ràng: “Có yêu thì nói rằng yêu, Không yêu thì nói một điều cho xong”, đừng để anh ta hy vọng một cách vô ích. Còn nếu muốn yêu anh ta, cứ tự do, tôi sẵn sàng rút lui. Ngân khẳng định rằng Ngân không yêu anh ta, Ngân chỉ yêu tôi mà thôi, yêu trọn đời, nếu không lấy được tôi thì chỉ có chết mà thôi.

Tôi hiểu rằng Ngân nói rất chân thực, Ngân yêu tôi rất tha thiết. Trong 2 tháng rưỡi xa tôi, Ngân viết tới 14 lá thư dào dạt tình yêu và chứa đựng bao nỗi lo ấu phấp phỏng, riêng điều đó cũng tỏ rõ Ngân yêu tôi biết nhường nào. Chà, bây giờ tôi mới hiểu rằng một người con gái lại có thể yêu một người con trai một cách dữ dội, nồng nhiệt như thế. Bây giờ đây tôi đã hoàn toàn yên tâm, hoàn toàn tin tưởng ở Ngân. Không một người con trai nào có thể thay thế tôi trong cuộc đời của Ngân cả. Tôi yêu Ngân vô bờ bến, không lời nào diễn tả hết được, và cũng không một người con gái nào có thể thay thế Ngân trong cuộc đời của tôi.

Tối, lại ở bên Ngân tới 11 giờ khuya.

THỨ 7 - 27/7/1973

Tôi trở về Ban công tác, do địch lật lọng, chúng ta không triển khai được hoạt động của Đoàn Liên hiệp  quân sự hai bên.

Ở Ban, ai cũng hỏi tôi về quan hệ với Ngân, đều tỏ ra quan tâm, muốn vun đắp cho tình yêu của chúng tôi. Đã đến lúc cần báo cáo việc này ra cơ quan, chi bộ, đưa tình yêu của chúng tôi ra công khai. Tôi viết thư nhắn Ngân sang. Tối, Ngân đã tới.

Tối, chúng tôi dẫn nhau đi thăm những anh quen thân, dẫn nhau đi xem văn công. Rồi tôi đưa Ngân về ngủ với mấy cô gái khác ở một ngôi nhà cạnh nhà tôi.

Ngân nằm trên võng, còn tôi ngồi trên một chiếc ghế cạnh đó. Chúng tôi thủ thỉ tâm tình với nhau trong màn đêm tịch mịch, trong ánh sáng dào dạt của tình yêu. Bây giờ tha hồ mà ngắm nhìn khuôn mặt thân yêu của Ngân. Tôi vuốt nhè nhẹ trên mái tóc Ngân, trên má Ngân, trên sống mũi Ngân, trên làn môi âm ấm của Ngân. Em thân yêu, cả tâm hồn cháy bỏng yêu thương của em đã thuộc về anh, cả thân thể ngọc ngà của em đã thuộc về anh, thuộc về riêng anh tất cả. Anh sẽ giữ gìn, nâng niu nó suốt cuộc đời anh!

Tôi hỏi ý kiến Ngân về việc báo cáo với cơ quan, chi bộ quan hệ giữa 2 đứa, Ngân bảo: “Em đồng ý với anh, song em sợ người ta cười!”

CHỦ NHẬT - 28/7/1973

Sáng, cùng Ngân sang nhà Nguyễn Khắc Phục, Dương Hương Ly  và các anh trong chi Hội văn nghệ chơi. Lần đầu tiên dẫn người yêu đến nhà bạn bè, đón nhận nhiệt tình vun đắp của bạn bè với tình yêu của mình, sống trong không khí vui vẻ, thân mật, thấy thật sung sướng. Có những bạn gặp tôi, chào: “Chào con người hạnh phúc nhất cơ quan!”

Hơn 8 giờ sáng, Ngân ra về.

Tôi bắt đầu tiến hành công việc báo cáo. Thật là ngại ngùng, biết nói thế nào với các đồng chí lãnh đạo bây giờ? Tôi nhờ anh Nhị nói giúp. Anh Nhị nhận lời ngay. Sau đó, anh đã nói chuyện với anh Phi và Nam Sơn. Tình hình nói chung là ổn. Tôi nói chuyện với anh Hoài Nam - Bí thư chi bộ Thông tấn - Tuyên truyền. Anh Hoài Nam tán thành nhiệt liệt, tỏ ý sốt sắng giúp chúng tôi xây dựng quan hệ ngày một bền đẹp hơn. Bây giờ chỉ còn chờ Ngân báo cáo với cơ quan bên ấy thôi. Mong rằng mọi việc sẽ tốt đẹp.

Tối, đến nhà Nguyễn Khắc Phục chơi với mấy cậu bạn văn công. Tiếng đàn ghita bập bùng, tiếng viôlông réo rắt, tiếng hát êm đềm tạo nên một không khí âm nhạc thật hay, làm cho tâm hồn con người vừa bay bổng lên, vừa đi vào chiều sâu thăm thẳm, gợi nên nhiều suy nghĩ tốt đẹp. Giá như Ngân còn ở đây nhỉ. Tôi vừa nghĩ thế thì Phục đã nói: “Cô Ngân mà được sống trong không khí này nhỉ”. Cảm ơn Phục, người đã quan tâm rất nhiều đến việc làm đẹp cho tâm hồn người yêu tôi. Đi vào thế giới âm nhạc, tâm hồn người ta như được tắm bằng một thứ nước trong mát, trở nên sạch sẽ, thơm tho hơn. Rồi đây, tôi sẽ cố tìm cách làm cho Ngân được sống trong không khí âm nhạc, văn học, giúp Ngân nâng bổng tâm hồn của Ngân lên.

Những ngày này được tin Hoàng Chung không chết mà bị bắt, hiện đã được địch trao trả và đang ở Hà Nội.

THƯ GỬI NGÂN

Ngày 3 tháng 9 năm 1973

Em thân yêu của anh!

Anh gửi trả em lá thư của anh Bản, nó nằm lạc trong cuốn sổ của anh. Nhân đây, anh nói thêm một số suy nghĩ của anh về tình yêu.

Về tâm lý mà nói, anh cũng như mọi người con trai khác, đều muốn yêu một người con gái ngây thơ, chưa trải qua mối tình nào. Tuy nhiên, nhiều khi cuộc sống không cho phép như vậy, thì cũng vui lòng yêu một người con gái đã trải qua đôi lần yêu thương và được yêu thương. Nhưng phải là người con gái có quan niệm đúng đắn về tình yêu, nghiêm túc và có trách nhiệm trước tình yêu chứ không coi tình yêu là một thú vui, muốn hưởng tình yêu của tất cả mọi người con trai.

Đọc thư anh Bản viết cho em, quả thực là anh không thích thú gì. Anh cứ nghĩ: Không hiểu quan hệ trước đây giữa em và anh ấy thân thiết đến mức nào mà bây giờ anh ấy còn tha thiết đến thế? Không hiểu trước đây em đã hứa hẹn với anh ấy những gì mà anh ấy hy vọng nhiều như vậy, oán trách lắm như thế?

 Chuyện cũ của em, thuộc về em, anh không có quyền ghen tức. Song, để xây dựng hạnh phúc với anh,  em cần phải làm theo những lời khuyên của anh. Với người yêu, phải trung thực, có vậy mới chung thuỷ với người yêu. Có nghĩa là trong mọi chuyện, từ chuyện cũ đến chuyện mới, đều không nên dấu người yêu, càng không nên nói dối người yêu. Đã có người yêu rồi thì trong quan hệ với người khác, phải hết sức thận trọng, nghiêm khắc, tránh sa ngã, tránh cả chuyện hiểu lầm. Tuy chưa cưới em, song từ khi yêu em, anh vẫn tự coi mình là trai đã có vợ cho nên anh đã tự kiềm chế tình cảm của anh để giữ mối quan hệ trung bình (không quá thân thiết) đối với bạn gái. Do vậy, ngay trong chuyện thư từ, tâm sự, đi thăm hỏi với bạn gái, anh cũng giảm bớt, để thời gian và tình cảm dành riêng cho em, dành thật nhiều cho em. Phải nói rằng vì vậy mà anh ít nhận được thư bạn gái, hoặc nhận thì lời thư có phần nào lạnh nhạt hơn trước, ít có bạn gái thăm hỏi, đến chơi... Nghĩ qua thì thấy có lúc cũng buồn đi chút ít, song nghĩ kỹ thì lại thấy đó là điều đúng đắn, cần thiết. Còn nếu như cứ mơn trớn bạn gái, thì biết đâu, khi điều kiện cho phép, lại chẳng mắc phải sai lầm? Và thế có nghĩa là tự đập phá hạnh phúc của mình. Với cách công bố về người yêu của mình cho bạn gái rõ, thực sự anh đã tự lập một hàng rào để giữ cho mối quan  hệ với họ được ở một khoảng cách cần thiết.

Với em, anh nghĩ đó cũng là điều cần thiết. Em hãy tự coi mình là gái đã có chồng, tự nghiêm khắc với mình và với bạn trai hơn nữa. Trong quan hệ hàng ngày, hoặc trong thư từ, đừng để cho họ hiểu lầm mình, tưởng rằng mình yêu hoặc có cảm tình đặc biệt với họ.

 Em có lúc tỏ ra thương hại người con trai yêu thương mình mà thất vọng, muốn an ủi họ, làm họ đỡ tủi thân. Em nên nhớ rằng, với những người con trai đứng đắn, tự trọng, họ không cần sự thương hại đó. Họ chỉ cần tình yêu của em. Khi không được yêu, thì họ cần sự dứt khoát. Khi có sự dứt khoát rồi, họ sẽ tự rút lui và đi tìm hạnh phúc cho họ. Thái độ thương hại của em không đem lại hạnh phúc cho họ, chỉ đem lại nỗi hy vọng khắc khoải rồi thất vọng, đem lại sự phiền hà cho họ, cho em, cho người yêu của em.

Anh không cấm em có quan hệ với anh Bản, song anh không cho phép em quan hệ một cách mập mờ với anh ấy. Khi người ta đã chịu sự vuốt ve của người con trai bằng lời, thì khi gặp, họ cũng dễ dàng chịu sự vuốt ve của người con trai bằng hành động.

Khi đã không yêu, thì cách tốt nhất là hãy dập tắt hy vọng ở người con trai yêu mình,

Chuyện về anh Bản chỉ là một trường hợp cụ thể, em nên từ đó mà rút ra bài học chung của cuộc đời để từ đó có một cách sống đúng đắn.

Với anh Bản, em nên viết thư giới thiệu anh cho anh ấy, nói rõ quan hệ của chúng ta, anh sẵn sàng làm một người bạn tốt của anh ấy. Khi cần, anh có thể viết thư cho anh ấy.

Em suy nghĩ cho kỹ đi, rồi nói cho anh nghe.

Hôn em rất nhiều

Anh của em.

THƯ ĐỒNG CHÍ

Triệu Thị Thuỳ. Ngày 6/9/1973

Anh Phấn, anh Long kính mến!

Ngày qua chúng em ra tới sông Tranh thì đi nhờ được ôtô. Đêm qua chúng em tới đây lúc 10 giờ. Trời đã khá chu đáo cho bọn em một trận ướt hết quần áo. Các chú muỗi, vắt đón tiếp chúng em rất tốt. Em bị ngã hai cái điếng người. Tuy nhiên em vẫn béo như cũ.

Chỗ mình ở trong tương lai thì đẹp đấy hai anh ạ, còn giờ thì cũng hơi ngán vì rận, vắt, dốc và nghe nói là có cả hổ nữa. Quả là cũng không ngon lắm. Tuy nhiên chỗ ở của mình ngay sát sông Trà Nô, nuớc trong vắt, lắm sỏi đá nên cũng rất thú vị.

Mọi tình hình chắc anh Quảng đã kể với 2 anh cả, em chỉ muốn báo thêm cho hai anh biết một tin buồn nhất trên đời là 13 bé gà xinh của nhà mình trên đường đi ôtô đã "hy sinh" cả. Em buồn đến phát khóc lên ấy. Mặc dù thịt gà kho với khế, em cũng không làm sao nguôi được. Các anh làm sao xin được gà đem lại để nuôi chứ còn trên này chúng em không biết xoay xở vào đâu cả.

Bữa cơm chúng em gồm có canh chuối, canh khế, ốc thì rất nhiều, nghĩa là cũng khá tươi. ổ đây nắng ghê gớm hai anh ạ, mà anh Quảng thì trêu em suốt ngày. Đến phát khóc lên được. Nếu có hai anh ở đây chắc sẽ bênh em, còn bây giờ thì chẳng ai bênh em cả, họ lại còn cười rất thú vị nữa.

Em đã được bầu là béo ngang Ấn rồi (nghĩa là nhất Thông tấn xã đấy).

Em định gửi khế  cho các anh nhưng không kịp, thôi để lần khác vậy.

Em ngừng bút, mong hai anh khoẻ, chóng lên với chúng em.

Em . Triệu Thuỳ

TỐI 23 - 24/9/1973 (THỨ 7-CN)

Sang với Ngân - ở bên em để rồi tạm biệt, sẽ di chuyển đến chỗ mới, còn Ngân vẫn ở chỗ cũ. Sống với nhau những giây phút thiết tha, nồng cháy.

Không khỏi băn khoăn khi biết rằng Ngân gặp những trở ngại khi yêu tôi. Trở ngại lớn nhất là anh bí thư chi bộ đơn vị Ngân công tác. Anh ấy lớn tuổi hơn tôi, đã có vợ, con, nhưng vợ đã chết. Anh ấy tấn công Ngân nhưng không được, bèn gây khó khăn đối với Ngân trong công tác, phấn đấu. Mặc dù làm việc đầy trách nhiệm, Ngân vẫn chưa được đưa vào diện đối tượng kết nạp Đảng.

THƯ GỬI NGÂN

Ngày 25 tháng 9 năm 1973

Thuý Ngân thương yêu của anh ơi!

Chỉ còn 2 ngày nữa thôi anh sẽ tạm biệt mảnh đất đã nuôi dưỡng biết bao tình cảm yêu thương của chúng ta. Anh sẽ xa em để rồi sẽ mang nặng trong lòng mình niềm thương nỗi nhớ em da diết

Những ngày ngắn ngủi gần gũi em đã để lại cho anh biết bao kỷ niệm êm đềm và ấm áp. Chắc rằng trên đời này không có ai yêu thương em như anh. Chắc rằng trên đời này không có ai yêu thương anh như em. Ôi, em đã yêu chiều anh biết bao, em đã cho anh đắm mình trong một biển sóng yêu thương. Sống trong biển sóng ấy, anh vừa thấy đắm say, ngây ngất, vừa thấy tỉnh táo, sáng suốt!. Anh đã làm tất cả những gì mà một người con trai có thể làm đối với người yêu, làm bằng một tình cảm rất cuồng nhiệt, cuồng nhiệt tới mức có thể làm em phát sợ lên. Nhưng, em thân yêu của anh ạ, chỉ đến mức ấy thôi, chưa bao giờ anh có ý định vượt quá cái mức ấy, ngay cả trong lúc anh gần gũi em nhất. Bởi vì anh muốn giữ cho tình yêu của chúng ta thật trong sáng, thật đẹp đẽ, để cho ngày cưới của chúng ta sẽ là ngày huy hoàng nhất của hạnh phúc lứa đôi, là ngày cả hai anh em đều bước vào bước ngoặt lớn nhất của cuộc đời riêng tư. Chắc em cũng mong muốn như thế.

Em yêu thương vô bờ bến của anh! Có phải chăng trong khi yêu anh và xa anh, em vẫn mang trong lòng một nỗi lo sợ, day dứt? Chắc rằng em đã lường đến những khó khăn sẽ đến với em? Đúng vậy, em ạ, trên đường đi đến hạnh phúc toàn vẹn của chúng ta còn nhiều khó khăn lắm, nhất là đối với em. Giá như anh ở bên em, anh sẽ cùng em suy nghĩ, hợp sức lại để vượt qua nó. Tiếc rằng anh lại đi xa. Nhưng em đừng vì thế mà cảm thấy bị cô độc. Quanh em còn có nhiều người tốt có thể giúp đỡ em. Chỉ cần em biết tin, mến họ, tranh thủ được tình cảm của họ. Em ơi, nếu như sắp tới em có gặp điều gì buồn, thì em hãy đừng quá bi quan, em hãy nghĩ rằng đó là điều phải đến và rồi sẽ phải đi. Em tin rằng anh vẫn luôn luôn theo dõi, giúp đỡ em, đem hết khả năng của anh để tạo điều kiện tốt nhất cho em đi lên trong cuộc đời. Em vô vàn yêu thương của anh hãy nghĩ rằng bây giờ em sống không phải chỉ vì em, mà còn vì anh nữa, cuộc sống của em là nguồn sống của anh, bởi vậy trong bất kỳ hoàn cảnh nào em cũng nên sáng suốt, đừng bi luỵ hoặc làm liều... Khó khăn sẽ đến, rồi khó khăn sẽ qua và sau đó là hạnh phúc. Chúng ta đã vượt qua một phần khó khăn rồi. Chúng ta sẽ vượt qua phần khó khăn còn lại. Rồi chúng ta sẽ đi đến hạnh phúc toàn vẹn. Em cứ tin rằng rồi cuộc đời em sẽ sáng sủa, hạnh phúc. Đó là sự thật. Không một kẻ xấu xa nào có thể phủ nhận sự thật ấy. Em hãy tin vào anh, tin vào những người tốt, tin vào cuộc đời, tin vào tương lai tươi sáng của em.

Thật kỳ lạ là tình yêu của con người. Bước vào rồi anh mới hiểu rằng đó là mảnh đất đầy hoa thơm quả ngọt, song cũng đầy gai góc, rác rưởi. Muốn hái hoa và ăn quả, thì chúng ta phải quét rác, nhặt gai đi. Cho nên, khi yêu rồi, gặp khó khăn thì chỉ còn có cách vượt qua nó thôi. Đừng vì sợ khó khăn mà sợ tình yêu. Đừng vì gặp khó khăn mà quay ra oán trách tình yêu. Không, một tình yêu chân chính không bao giờ có lỗi cả, không bao giờ đáng trách cả. Chỉ những người ngăn cản nó, muốn phá vỡ nó thì mới có lỗi và đáng trách. Anh nghĩ chắc rằng trên đời này không có một đôi lứa nào xây dựng hạnh phúc lại không gặp khó khăn. Cho nên, việc chúng ta gặp khó khăn là lẽ thường tình, chúng ta cứ thản nhiên bước qua nó em nhé!

Em yêu thương duy nhất của anh. Trong giấc ngủ  trưa nay, anh nằm mơ thấy anh và em đang ở nhà thì bố mẹ vào. Anh ôm lấy mẹ mà khóc. Sau đó thì mẹ nói với anh rằng mẹ đã biết hết chuyện của chúng ta, mẹ gọi em là con. Cả nhà đều cười sung sướng. Rồi anh chợt tỉnh, tiếc ngẩn tiếc ngơ. Anh lại nhớ bố mẹ vô vàn. Anh lại nhớ em vô cùng.

Đến xẩm tối hôm nay anh đem chiếc áo của em ra mặc thử. Thế mà anh mặc chật đấy em ạ. Rồi anh nằm trên võng ôm ấp chiếc áo ấy, hít hơi thơm của chiếc áo ấy, tưởng rằng đang ở bên em. Đêm nay anh sẽ đắp chiếc áo  ấy mà ngủ. Chiếc áo ấy sẽ ủ ấm cho anh. Bởi vì nó là chiếc áo của em, đem theo hơi thơm và ấm của em.

Còn có bao điều muốn nói với em mà anh không thể nói hết được. Anh mong muốn em khoẻ, vui, luôn tiến về phía trước của cuộc đời. Anh luôn luôn ở bên em.

Gửi tặng em mấy tấm ảnh anh chụp trong những ngày sắp xa em.

Tạm biệt, tạm biệt và hẹn ngày gặp lại.

Hôn em nhiều như biển sóng mênh mông.

Anh duy nhất của riêng em.

TB: Em cố gắng học hết chương trình văn hoá. Nếu kiểm tra, lấy giấy chứng nhận được thì tốt.

NGÀY 28/9/1973

Lên đường đi chỗ mới - vùng sông Trà Nô. Tạm biệt Trà My, nơi đã sống những ngày êm đẹp của tình yêu. Tạm biệt em thân yêu, bao giờ gặp lại?

Còn nữa)