Tác phẩm Bê Trọc của nhà báo Phạm Việt Long: Nhật ký chiến trường về một thời máu và hoa (Phần XXVII)

Bê trọc, còn gọi là Chuyện đời thường trong chiến tranh, là tác phẩm của Phạm Việt Long, do Nhà Xuất bản Thanh niên xuất bản vào đầu năm 1999.

NGÀY 14/9/1974

Việc các tổ trưởng phóng viên ở các tỉnh về Phân xã trao đổi kinh nghiệm đã thành nền nếp. Hôm nay, tổ Quảng Nam về làm việc với chúng tôi. Tuy anh em đã bám sát chiến trường, thâm nhập sâu vào đời sống chiến sĩ, nhưng chỉ viết được, còn chụp ảnh rất khó khăn, vì không có ánh sáng, vì đạn pháo nổ mạnh, gây chấn động, ảnh bị nhòe. Đặc biệt, chụp ảnh về nổi dậy chưa được, vì anh em chưa nắm vững nổi dậy là thế nào. Kinh nghiệm rút ra là trang bị phải gọn nhẹ, bám sát trọng điểm, nắm chắc ý đồ chiến dịch, bám sát mũi chủ công. Riêng về nổi dậy, có rất nhiều chủ đề, như sự chuẩn bị của quần chúng, việc phá khu dồn, san đồn bốt, xây dựng vùng giải phóng. Ngoài ra, rất cần ống kính tê-lê cho anh em chụp cảnh chiến đấu - cần phải điện gấp xin Tổng xã.

qq1-1661569073.jpg

THƯ ĐỒNG CHÍ

Nguyễn Thành Vinh. Ngày 18/9/1974

Anh Việt Long kính nhớ!

… Em ốm đau lai rai từ 11/8 nhưng cứ thấy việc bề bộn nên làm cố. Sức khoẻ ngày càng yếu và từ ngày 2, 3/9 là sốt nặng (41oC). Sau 5 ngày không ăn uống chi, thế là đành phải vào bệnh viện quân y tiền phương. Các thầy thuốc cho biết vì sốt rét ác tính nên ảnh hưởng lớn làm rối loạn tiêu hoá và sưng gan. Suốt mấy ngày em chỉ uống được vài thìa sữa thôi. Những ngày đầu vào các thầy thuốc thấy rất lo ngại về bệnh gan của em. Nay có đỡ đi một ít. Đang tiếp tục tiêm sirepa và truyền huyết thanh ngọt.

Anh Việt Long, thật em không ngờ bệnh lại đến hiểm nghèo như vậy. Em quá bi quan, may có Phi động viên, giúp đỡ nên ít lo, phiền não.

Anh!... Có thể giữa tháng 10 mới có thể ra viện. Lúc nào ra thì em về ngay K để có thể điều trị kịp thời. Em nóng ruột quá.

Nhận được thư này anh biên thư kẻo em mong anh nghe. Em gửi lời thăm chị và các bạn.

Em. Vinh.

THƯ GỬI GIA ĐÌNH.

Ngày 24/9/1974.

Bố mẹ và các em yêu mến!

Có lẽ sau lá thư này, gia đình sẽ lâu nhận thư con, vì đã bắt đầu mùa mưa rồi, xe không chạy được.

Hiện nay con và Ngân đều khoẻ. Sau khi cưới, Ngân lại về nhà in công tác, cách chỗ con khoảng 3,4 cây số. Chúng con vẫn hay gặp nhau, sống vui, hoà trong cuộc sống tập thể. Anh em có làm cho con ngôi nhà tranh xinh xắn, cũng có bàn, ghế, giường chiếu đàng hoàng. Ở chiến khu này, được như thế là sung sướng lắm rồi.

Dạo này do ta đánh mạnh, địch co lại, nên tình hình yên hơn. Tại cơ quan thì chúng con được sống trong không khí khá hoà bình. Đời sống vật chất được cải thiện dần. Nhờ có cơ giới, chúng con khỏi phải gùi cõng vất vả. Tuy nhiên, nhằm tiến tới tự túc hoàn toàn lương thực, thực phẩm, chúng con cũng tham gia sản xuất khá nhiều.

Con đỡ bận hơn trước, các anh ngoài cơ quan tăng cường vào đảm nhận nhiều việc, bây giờ con chỉ còn lo việc chuyên môn và chi bộ thôi. Con mong có nhiều thời giờ để viết. Vừa rồi mất nhiều thời gian vào công việc sự vụ quá, chẳng viết được gì.

Thời gian càng trôi đi, con càng thương nhớ gia đình da diết. Do hoàn cảnh chưa cho phép con phải nén tình cảm lại. Và càng nén lại, càng đau xót. Có lẽ, trên đời này không một ai lại không mong được sum vầy trong gia đình. Nhưng, cuộc đời cũng ít chiều theo sự mong muốn của con người. Tuy nhiên, con vẫn hy vọng có ngày sẽ về gặp lại gia đình. Chắc rằng tổ chức sẽ không quên những người đáng nhớ.

qq2-1661569080.jpg

Chắc bố, mẹ, anh Đức và các em đã xem ảnh, nghe băng ghi âm buổi lễ thành hôn của chúng con. Gia đình có hài lòng không? Hôm nay con gửi thêm mấy cái ảnh nữa.

Nghe gia đình vẫn sống hoà thuận, vui vẻ, các em tiến bộ, con rất mừng. Mong rằng tất cả các em đều tiến vững chắc. Còn anh Đức đã "vận động" được chị Hoà tiến hành xây dựng tổ ấm chưa? Viết thư nói kỹ cho em biết và mừng với. Cháu Trang mũm mĩm quá nhỉ. Tuy nhiên, chú Phúc phải đi vào kế hoạch đấy nhé, kẻo mà vất vả lắm, Phúc có học hàm thụ đại học không?

Cứ nhìn hàng hoá - từ cây kim sợi chỉ - ở miền Bắc ùn ùn vào, con biết hậu phương phải thắt lưng buộc bụng lo cho chiến trường, con cũng hiểu phần nào những khó khăn mà đồng bào, trong đó có gia đình ta ngoài ấy, phải vượt qua.

Bố mẹ có đi xem phòng triển lãm một số hình ảnh miền Nam đấu tranh và xây dựng vùng giải phóng không? Con có ảnh "Nhân dân miền Nam trong vùng địch kiểm soát phá ấp chiến lược Mỹ - Thiệu trở về làng cũ làm ăn" trưng bày ở đó đấy. (Báo Nhân dân ngày 9/6/1974 có đăng ảnh giới thiệu).

Gia đình đừng gửi gì cho con cả, con sống tương đối đầy đủ rồi.

Cuối thư, con hẹn sẽ có ngày sum họp trong gia đình.

Con gửi thư này nhờ anh Phương, phó Ban Tuyên huấn khu, chuyển. Gia đình hỏi thêm anh Phương, sẽ biết thêm nhiều chuyện. Anh Phương đã xa vợ và con 15, 16 năm trời, nay mới được ra đấy.

Con của gia đình.

THƯ NGÂN GỬI GIA ĐÌNH

Bố mẹ kính yêu!

Thư này là thư thứ tư con viết cho bố mẹ, nhưng chưa có thư nào con viết dài và thư riêng cho anh Đức và các em.

Lần này, cơ quan có người ra, con viết thư cho bố mẹ đây. Trước tiên con xin gửi đến bố mẹ lòng chân thành, mong bố mẹ mạnh khoẻ vui tươi trong tuổi già.

Bố mẹ ạ! Tuy chưa gặp mặt bố mẹ, anh Đức và các em, song con cảm thấy tình cảm của gia đình ấy vẫn sưởi ấm tâm hồn con trong những ngày sống công tác nơi chiến trường.

Bố mẹ của con!... Chắc về phần con thì anh Việt Long đã biên thư và nói cụ thể cho gia đình rõ về con rồi nhỉ?... Con sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh trong vùng tạm chiếm, cha hoạt động cách mạng đã hy sinh, mẹ bị ốm chết năm 1962. Được 4 anh chị em, tất cả sống cùng ông bà nội. Con đã thoát ly gia đình từ hồi 15 tuổi. Trong điều kiện khó khăn của tập thể đã nuôi con lớn, rèn luyện cho con nhiều năm, nay con đã 22 tuổi, cho nên sự học tập như mọi người khác ở Bắc thì không có, con chỉ học hết 4 thôi.

Bố mẹ kính yêu!...

Chắc trong thâm tâm của ai cũng vậy, gia đình đàng hoàng thì cũng muốn tìm cô con dâu đàng hoàng như chị Hoà hay chị Thành chẳng hạn, và con thì học hành thì ít, cuộc sống va chạm thì không có mới lại sớm sống công tác nơi chiến trường nên bệnh tật khá nhiều. Trước anh Việt Long con cảm thấy con quá kém cỏi. Bên cạnh lúc con quen anh Việt Long thì con cảm thấy rất quý anh ấy, nhưng thấy anh ấy cũng rất quý con từ đó chúng con thân nhau, hiểu nhau nhiều, từ đó con được xem ảnh và thư của gia đình bố mẹ, các em, lòng con rộn lên bao niềm vui sướng.

qq3-1661569085.jpg

Ước mơ sẽ có ngày con được đứng vào bên cạnh tấm ảnh ấy. Thế ước mơ đã đem đến sự thật ngày nay con đã nhận được những cái thư của bố mẹ, anh Đức viết cho con hay là thư của các em nữa.

Bố mẹ của con!... con viết thư cho gia đình làm sao con nói lên hết tình cảm của con đối với gia đình hả bố mẹ, con rất biết ơn bố mẹ đã đẻ ra và nuôi dưỡng trưởng thành cho con một nguời chồng đáng yêu quí. Chúng con sẽ sống và công tác thật xứng đáng công nuôi dưỡng và sự mong ước của bố mẹ.

Anh Long nhận quá nhiều quà và thư, sự quan tâm lớn của gia đình rồi, nên lần khác bố mẹ cũng đừng nên gửi gì cho con cả để bố mẹ ăn uống cho khoẻ, các em ăn bận đầy đủ. Con trong này chỉ khao khát tình ấp ủ của bố mẹ và các em còn vật chất thì không thiếu thốn lắm đâu.

Chỉ vậy, con chúc bố mẹ, anh Đức, các em khoẻ .

Con dâu

Nguyễn Thị Kim Ngân

TB: Qua thư Bố mẹ cho con gửi lời đến thăm gia đình cô Chung và bà con nội ngoại.

NGÀY 26 - 28/9/1974

Làm việc với tổ trưởng các tổ Quảng Đà, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Bình Định. Lần này, ngoài việc trao đổi về kinh nghiệm nghiệp vụ, anh em còn cung cấp cho Phân xã tư liệu về từng địa phương - khá đầy đủ và chi tiết, rất có ích cho công tác biên tập. Nói chung, các tổ phóng viên bám sát nhiệm vụ, gắn bó với địa phương, được sự giúp đỡ và phối hợp của Ban Tuyên huấn các tỉnh. Riêng tổ Quảng Nam gặp khó khăn hơn, còn có một số cán bộ lãnh đạo chưa hiểu rõ vai trò, tác dụng của công tác báo chí - tuyên truyền nên chưa nhiệt tình tạo điều kiện cho phóng viên nắm tình hình làm tin tức. Anh Sĩ - Phó trưởng ban Binh vận tỉnh - nói: "Có phóng viên Khu xuống thì Quảng Nam vẫn là mảnh đất trung dũng kiên cường, không có phóng viên Khu xuống cũng vẫn kiên cường trung dũng". Có một việc cần rút kinh nghiệm là phải giải quyết tốt mối quan hệ giữa phóng viên và điện báo viên, làm sao cho phóng viên viết thật nhanh, nhậy, còn điện báo viên thì phải nhanh chóng chuyển về Khu bằng máy 15 WAT. Có lẽ do ngại đánh mooc dài, cậu Huệ - điện báo viên ở Quảng Nam - đã tự "sáng tác" ra điện của Phân xã gửi xuống: Quảng Nam viết dài lê thê, cần viết thật ngắn! Vừa buồn cười vừa giận anh bạn điện báo viên trẻ người non dạ, đã dám làm cái việc tày đình ấy. Một mặt, tôi dặn anh em phóng viên phải viết cô đọng, tránh dài lê thê, mặt khác bàn với anh Hồng Sinh, trưởng Đài Minh ngữ, động viên anh em điện báo viên phối hợp chặt chẽ với phóng viên để làm thật tốt công tác.

qq4-1661569088.jpg

NGÀY 1 ĐẾN 4/10/1974

Ban Tuyên huấn tổ chức nghiên cứu Nghị quyết 02 hội nghị A15.2 của Khu ủy. Chúng tôi được nghe phổ biến khá sâu vê tình hình, nhiệm vụ, phương hướng của toàn Khu trong thời gian tới.

Về tình hình địch - ta trong Khu:

- Từ tháng 1 đến tháng 4 năm 1973, địch tiếp tục chủ nghĩa thực dân mới, tiến hành chiến tranh, dùng chiến thuật bình định, lấn chiếm. Ta chưa thấy hết âm mưu địch; bộ đội chủ lực của ta đi vào huấn luyện. Ta có khuyết điểm trong chỉ đạo - đối phó ít, kết quả ít, biện pháp chưa thật thích hợp. Địch đạt được một số kết quả - lấn chiếm được một số vùng, giành được một số dân, "bình định" được một số vùng mới.

- Từ tháng 4 đến tháng 7 năm 1973: Khu ủy có Nghị quyết 21. Thấy rõ địch hơn, nhất là về âm mưu chiến lược và bản chất ngoan cố của đế quốc Mỹ, đặt nhiệm vụ trung tâm là chống bình định, lấn hiếm. Địch tiến hành chiến tranh, ta phát động chiến tranh nhân dân đánh lại địch.

- Từ tháng 9 năm 1973 trở đi: Có bước chuyển biến mới, thắng lợi lớn. Tình hình đã sáng tỏ về khả năng ta đánh bại bình định lấn chiếm của địch, nhất là các thủ đoạn cơ bản như đóng chốt, dồn dân. Bộ đội chủ lực của ta có khả năng tiêu diệt đơn vị tương đối lớn, chi khu quan trọng có công sự khá vững, giữ được trận địa, mở ra từng mảng vùng giải phóng, căn cứ cách mạng được củng cố, phát triển. Bộ đội địa phương và quần chúng tấn công tiêu diệt, áp đảo địch. Trong chiến dịch hè - thu, ta loại khỏi vòng chiến đấu 41.000 tên địch, 40 tiểu đoàn, 549 lượt đồn bốt, giải phóng 31 xã, 99 thôn. Tính chung 8 tháng của năm 1974, toàn Khu loại khỏi vòng chiến đấu 55.000 tên địch (có 13.000 tên rã ngũ, trong đó có 700 người về vùng giải phóng), 4 quận lỵ, chi khu, nổ ra 85 vụ binh biến trong quân ngụy, 14 vạn dân được giải phóng, giành quyền làm chủ. Đây là thời kỳ mà bọn địch xuống dốc ngày càng nhanh hơn.

Trong vùng giải phóng, chúng ta khai hoang, phục hóa 6.700 héc ta, gieo trồng 100.000 héc ta, chăn nuôi 47.000 con trâu bò, thu nghĩa vụ 600 tấn lương thực, mua 3.000 tấn gạo, làm mới 1.224 ki lô mét đường giao thông, 5 vạn người đi học, có 118 bệnh viện, bệnh xá.

Dự kiến tình hình sắp đến: Mỹ vẫn tiếp tục thực hiện âm mưu cơ bản - giữ miền Nam trong quỹ đạo chủ nghĩa thực dân mới, nhưng trước mắt không đưa quân vào miền Nam. Địch tiếp tục suy yếu về chính trị, quân sự, kinh tế, mâu thuẫn nội bộ phát triển thêm. Ta có điều kiện tiếp tục giành thắng lợi lớn hơn, tạo ra so sánh lực lượng có lợi cho ta. Phải qua nhiều nỗ lực nữa ta mới tạo được ưu thế rộng rãi hơn đối với địch.

Hướng sắp tới của chúng ta: Phải nắm vững quan điểm bạo lực. Phát động chiến tranh cách mạng đánh bại Việt Nam hóa chiến tranh của địch. Phải nắm vững tư tuởng tấn công, tấn công ở phía trước, tấn công trong xây dựng. Phải bám dân, bám địa bàn. Quần chúng phải nổi dậy bằng 3 mũi giáp công. Phải kết hợp 3 thứ quân, đẩy mạnh 3 mũi giáp công, 3 quả đấm, đánh bại một bước quan trọng âm mưu bình định lấn chiếm của địch.Từng bước hoàn chỉnh căn cứ cách mạng ở miền núi. Đưa phong trào cách mạng ở thành thị lên, tiến tới tạo ra một cuộc khủng hoảng sâu sắc của địch ngay trong lòng địch.

Mục tiêu trước mắt của chúng ta là: Đánh bại bình định, lấn chiếm. Mở rộng và xây dựng vùng giải phóng, vùng căn cứ cách mạng. Nhiệm vụ trọng tâm số một là tấn công, nổi dậy, số hai là xây dựng vùng ta.

Nói chuyện với chúng tôi, anh Bảy Hữu - Ủy viên thường vụ Khu ủy - hệ thống hóa lại vấn đề giành dân trong lịch sử Khu Năm thời chống Mỹ như sau: Từ năm 1961 trở về trước: Phá rào vi, đánh tháp canh, đánh dân vệ. Từ 1961 đến 1962: Diệt kẹp, giành dân, phá khu dồn, đánh bọn ứng chiến. Từ khi Mỹ đưa quân vào miền Nam: Diệt ác, phá kèm, phá khu dồn, đập vỡ tuyến phòng thủ, đánh bại mọi cuộc ứng chiến. Anh nhấn mạnh: Thời cơ hiện nay, chúng ta tạo ra sau 19 năm kháng chiến và 15 tháng thi hành hiệp định Pari, là vô cùng thuận lợi, phải chớp lấy để giành thắng lợi mạnh mẽ nhất, đầy đủ nhất, tiến tới toàn thắng.

Tôi nhận ra anh Bảy chính là anh Lợi, người cán bộ lãnh đạo mà tôi đã được gặp và làm việc trong thời gian ở Bình Định năm 1972 tại Ban chỉ huy tiền phương - vẫn dáng người cao to, khuôn mặt vuông cương nghị, bộ râu quai nón cạo nhẵn và đôi mắt sáng, giọng nói sang sảng... Còn anh Ba, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định hồi đó, bây giờ lấy tên là Tám Lý, được giao trách nhiệm Trưởng ban An ninh khu.

Cả căn cứ rộn ràng lên trong không khí thi đua thực hiện bằng được Nghị quyết của Khu ủy, biến tinh thần Nghị quyết thành hành động cụ thể. Đối với Phân xã Thông tấn xã của chúng tôi, đây là ánh đèn pha tập trung soi rọi thực tiễn để chúng tôi làm tin, chụp ảnh có kết quả cao.

NGÀY 12/10/1974

Phân xã đã tổ chức các bộ phận chuyên môn để có điều kiện hoạt động tập trung hơn, có hiệu quả hơn: Tổ tin phổ biến, Tổ tin tham khảo, Tổ ảnh... Tôi vừa phụ trách chung, vừa trực tiếp làm tổ trưởng Tổ tin phổ biến.

Chúng tôi họp Tổ tin phổ biến để bàn biện pháp thực hiện Nghị quyết 02 A15.2. Tổ có tôi, Hoàng Chu, Hồ Phước Huề, Kim Thoa, Thế Phương, Nguyễn Xuân Soạn, Phạm Đức Yên. Nhiệm vụ cụ thể đưọc xác định là:

- Ra Bản tin hàng ngày phục vụ Khu và điện ra miền Bắc. Tin quân sự khai thác từ nguồn của Quân khu. Tin nổi dậy dựa vào các tổ phóng viên và tổng hợp tình hình của Khu ủy. Tin binh vận chú ý cả tin thời sự, mẩu chuyện và tin tổng hợp. Tin kinh tế chú ý tin thời sự, điển hình về sản xuất, xây dựng vùng giải phóng. Tin thành phố dựa vào các tổ phóng viên, vào Ban đấu tranh chính trị. Tin văn hóa xã hội khai thác từ nhiều nguồn, cần đều hơn, có tổng hợp. Chú ý đưa tin về hoạt động của Chính phủ và các đoàn thể.

- Liên hệ chặt chẽ với các cơ quan quanh Khu. Dự đều giao ban Khu ủy. Cử phóng viên trực ở 2 khối - chính quyền và dân vận, mặt trận, vừa làm tin chung vừa đi chuyên đề.

- Biên tập viên phải nhận xét từng tin, nhận xét chuyên môn của phóng viên theo định kỳ và thông báo cho các tổ phóng viên. Hướng dẫn các tổ phóng viên về hoạt động nghiệp vụ.

- Xây dựng tư liệu.

- Tổ chức thông tín viên, cộng tác viên.

Tôi trực tiếp phụ trách Bản tin hàng ngày, và cùng với Xuân Soạn biên tập tin. Phước Huề phụ trách khối chính quyền. Hoàng Chu phụ trách khối dân vận, mặt trận.

NGÀY 7/11/1974

Họp tổ tin phổ biến. Trong tháng 10, chúng tôi phát 87 tin, nội dung tương đối bám sát tinh thần chỉ đạo của Khu, tương đối kịp thời, tuy vậy, tin còn ít, tin về xây dựng lực lượng vũ trang còn yếu. Chúng tôi cũng đã hoàn chỉnh một bộ tư liệu về thành phố. Hướng đưa tin tháng 11, 12 là: Phải làm nổi vấn đề văn hóa, xã hội, kinh tế. Đưa nhiều tin tổng hợp, trong đó có tổng kết thành tích các đơn vị, cá nhân tiêu biểu. Chú ý đưa tin về phong trào đấu tranh ở thành phố. Xây dựng tư liệu về phong trào cách mạng ở thành phố và về hoạt động tấn công, nổi dậy toàn Khu năm 1974.

TỪ CUỐI THÁNG 12/1974

Năm nay mưa muộn lạ kỳ. Tháng 10, 11 là tháng mọi năm mưa sầm sập thì năm nay mưa rất ít. Cuối tháng 11 mới có lụt. Nước thấp hơn mọi năm. Vậy mà cũng cuốn mất Hà Xuân Phong.

Hôm ấy nước bắt đầu rút, Phong cùng Thảo đi thuyền do Nghiêm, Thi chở qua sông Trà Nô. Nước xiết quá, thuyền vừa được đẩy ra, chưa kịp chèo thì đã lật nhào. Thảo không biết bơi, được Tiến vớt. Phong bơi giỏi, vượt qua bờ bên kia. Vậy mà gần đến bờ thì chìm mất luôn. Đoạn sông này có nhiều ghềnh đá. Hơn một tuần sau mới vớt được xác.

Vậy mà từ 7/12 - mọi năm bắt đầu dứt mưa - lại mưa dầm dề, dai dẳng. Mưa không to hạt nhưng liên tục, làm nước dâng lên cao không kém mưa lớn.

Tôi vừa biên tập, vừa xử lý những tài liệu đã khai thác được trong khi dự Đại hội anh hùng, chiến sĩ thi đua Khu, trong đó có bài như sau:

DŨNG SĨ TRƯƠNG VĂN HOÀ SAU KHI ĐƯỢC TUYÊN DƯƠNG ANH HÙNG.

Hà Nội (VNTTX 17-12-74) Gặp Trương Văn Hoà trong đại đội liên hoan đơn vị anh hùng, anh hùng, chiến sĩ thi đua các lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng khu Trung Trung Bộ lần thứ tư, tôi nhớ ngay tấm ảnh anh, với nụ cười hồn nhiên, in trên báo Quân đội Nhân Dân cách đây mấy năm. Hồi ấy cả nước biết tên anh với danh hiệu dũng dĩ diệt Mỹ và thành tích diệt 167 tên Mỹ trong 6 tháng. Năm 1967 anh được Chính phủ Cách mạng lâm thời tuyên dương danh hiệu Anh hùng các lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng. Sau đó, trong một trận chiến đấu tại quê hương Quảng Đà, anh bị thương, rồi bị địch bắt. Bọn Mỹ - Thiện đã đưa anh qua khắp những trại giam của chúng từ Đà Nẵng vào Nam Bộ, ra tận đảo Phú Quốc. Chúng không thể ngờ rằng chính tại hòn đảo chơi vơi giữa biển này, anh đã tự thoát khỏi nanh vuốt của chúng, trở về đội ngũ, cầm súng tiếp tục chiến đấu tiêu diệt chúng. Bây giờ, anh lại đã đứng trên mảnh đất quê hương. Những chặng đường mà người anh hùng đã vượt qua biết mấy gian truân... vậy mà anh kể lại bằng giọng nói trầm trầm, hiền hiền, nghe thật bình dị.

"... Sau khi đánh đập, tra khảo đủ cách, buộc tôi phải ký vào bản cung không được, cuối tháng 8-1968, bọn địch đưa tôi ra đảo Phú Quốc. Chúng bắt tôi phải khai là "tù phiến cộng". Tôi đáp:

- Tôi làm cách mạng, không phải làm phiến loạn, các ông không được gán tầm bậy!

Chúng xúm vào hành hạ tôi. Vẫn những ngón đòn tàn ác mà quen thuộc: quay điện, đổ nước vôi, nước ớt, đấm đá... hồi nớ, người tôi rất mập, mạnh, nên sau những trận đòn của chúng tôi chưa đuối sức. Nhìn vào tình hình chung ở trại giam, tôi thấy đáng lo. Ngày nào bọn địch cũng sục vào trại giam đánh đập tù nhân. Phong trào đấu tranh trong tù yếu. Do vậy chúng càng thả sức hoành hành. Có ngày, chúng đánh chết 3,4 tù nhân một lúc. Phải tổ chức đấu tranh. Muốn vậy, phải tìm được những đồng chí trung kiên nhất lập ban lãnh đạo trại giam. Tôi bắt đầu theo dõi. Ở trong tù, khí tiết người cách mạng được biểu hiện rất rõ, ngay trên những hành động cụ thể: chịu đựng mọi cực hình, không khai báo, không khuất phục kẻ thù, thương yêu, chăm sóc đồng chí. Chẳng bao lâu, tôi liên lạc được với 5 đồng chí trung kiên khác và lập ban lãnh đạo trại giam. Chúng tôi nhận định: "Phong trào đấu tranh còn gặp khó khăn vì tình hình trại giam còn phức tạp. Ngoài thì bọn quân cảnh đàn áp. Trong thì bọn "chiêu hồi" (tức bọn đầu hàng) chỉ điểm. Muốn đẩy phong trào lên, phải diệt bọn chỉ điểm trà trộn trong tù nhân". Chúng tôi phân công nhau phụ trách từng khu vực rồi bố trí tiêu diệt địch. Tối hôm ấy, chúng tôi phục trên đường ra cầu tiêu, dùng cọc lều đập chết 6 tên, gồm 1 trưởng ban an ninh, 1 đại diện "chiêu hồi" và 4 tên chỉ điểm khác. Sau một thời gian, chúng tôi đã diệt sạch bọn chỉ điểm trà trộn trong tù nhân. Phong trào đấu tranh lên mạnh. Trong suốt quá trình này, tôi đều ở trong ban lãnh đạo trại giam...".

Trương Văn Hoà ngừng kể, đứng dậy hít liền mấy hơi dài. Biết anh mệt, tôi không hỏi gì thêm. Lát sau, anh ngồi xuống, kể tiếp:

"Chắc anh rõ, ai ở trong tù mà chẳng khao khát được trở về cuộc sống tự do. Chúng tôi luôn luôn tìm cách vượt ngục. Lần đầu tiên, vào đầu năm 1971, tôi và một số đồng chí định vượt rào ra ngoài. Bọn địch giăng tới 11 lớp rào. Chúng tôi bò. Ánh đèn pha luôn quét qua, quét lại. Và bọn lính gác thỉnh thoảng lại bắn vu vơ mấy tràng đại liên. Tôi trườn tới, trườn tới. Ý nghĩ duy nhất của tôi lúc này là trườn cho khéo, mau mau ra khỏi hàng rào. Nhưng, thật không may, một đồng chí làm lộ. Đèn pha tập trung rọi tới, sáng như ban ngày. Đại liên rít chiu chíu, đan dày sát hàng rào. Mặc, tôi cứ bò. Qua khỏi hàng rào thứ 5 rồi. Cố lên! Song không được, bọn địch đã đến...

Bọn địch đưa tôi về trại giam, đánh đập, hỏi:

- Tại sao mày dám vượt ngục?

Tôi trả lời:

- Con người có một lần chết. Vượt ngục, nếu thoát, lại được cầm súng chiến đấu diệt bọn bay. Còn không, thì thà chết ngoài rào còn hơn sống trong rào.

Địch tăng cường kiểm soát trại giam. Nhưng chúng tôi không chịu bó tay. Chúng tôi đào địa đạo. Lần này lại bị lộ. Địch bắt 2 đồng chí, đánh đập thậm tệ, bắt khai ra người lãnh đạo. Hai đồng chí này còn non nớt, có thể sẽ không chịu đựng được. Nhận định như thế, tôi bàn với ban lãnh đạo để tôi đứng ra nhận, bảo tồn cơ sở. Các đồng chí nhất trí. Từ trong khám, tôi bước ra cửa rào, nói:

- Đừng đánh hai anh ấy nữa. Chính tôi là người tổ chức, chỉ huy.

Như bầy thú dữ bắt được mồi, bọn địch nhào cả lại xâu xé tôi. Gậy giáng lên lưng. Gậy giáng vào ống chân. Một trận mưa gậy phủ kín người tôi. Tôi lịm đi. Chúng đưa tôi lên phòng nhì, dẫn 8 đồng chí khác đến, hỏi:

- Những người này ở trong tổ chức của mày, mày có biết không?

Tôi lắc đầu:

- Không phải! Chỉ có 2 người kia thôi.

Chúng đe doạ:

- Mày không khai thì phải chịu đòn của cả 8 thằng này.

Tôi nói:

- Bọn bay đánh cả ngàn gậy ta cũng chẳng nề hà.

Chúng xô đến đánh tôi ngã ngửa ra, lấy dây điện quấn vào chân tôi, quay máy. Luồng điện truyền nhanh quất vào từng mạch máu, thớ thịt tôi. Tôi không nói một lời. Chúng đánh chừng chừng cho thấm đòn. Chúng gõ côm cốp vào gót chân tôi, bảo:

- Đánh thế này cho mày hết cách chạy.

Rồi bọn quân cảnh tới, đứng bao quanh tôi, đánh tôi nhào qua, nhào lại.

Không khai thác được gì ở tôi, chúng đưa tôi đi biệt giam. Ở đây, điều kiện sống thật khắc nghiệt. Riêng chuyện chật chội, thiếu không khí cũng đủ làm những đồng chí yếu bị ngất xỉu. Chúng tôi lại tìm cách vượt ngục. Lần này thì thành công. Tôi và 27 đồng chí khác ra tới khu du kích trên đảo. Liền sau đó, chúng tôi phối hợp với anh em địa phương lập đơn vị chiến đấu. Tôi được cử vào ban tham mưu, chuyên đi chuẩn bị chiến trường và vạch phương án tác chiến".

Trương Văn Hoà ngừng nói, suy nghĩ một lát rồi hỏi tôi:

- Dạo cuối năm 1971, anh có nghe đài nói ta tấn công vào thị trấn Phú Quốc không?

Tôi trả lời:

- Có, nhưng chưa rõ đơn vị nào đánh vào.

Anh kể tiếp:

- Chính là đơn vị chúng tôi đấy. Suốt 29 năm nay, bọn địch ở thị trấn Phú Quốc chưa bị tấn công lần nào. Rứa là chúng tôi quyết định vào nơi mà bọn địch tưởng là an toàn nhất, đánh vào bọn trùm ác ôn trên đảo. Tôi được phân công đi trinh sát, chuẩn bị chiến trường. Tuy đi vào địa bàn lạ, bỡ ngỡ, dày đặc quân địch, song tôi vẫn lợi dụng được những sơ hở của chúng, vẽ sơ đồ tỉ mỉ về cùng anh em lập phương án tác chiến rất cụ thể. Trận này, chúng tôi đã giành thắng lợi: tiêu diệt 2 đại đội Bảo an, 1 trung đội "chiêu hồi", giết chết tên quận trưởng cùng vợ hắn là thiếu tá an ninh, và tên quận phó, phá huỷ 1 tàu quân sự.

- Sau đó, các anh hoạt động ra sao? - Tôi hỏi:

Trương Văn Hoà đáp:

- Chúng tôi đánh lai rai suốt, lúc thì chặn bọn địch đi lùng sục, lúc thì tập kích vào nơi chúng sơ hở. Tính ra, trong khoảng hơn 2 năm, lực lượng vũ trang đảo đã loại khỏi vòng chiến đấu 700 tên địch, thu 400 khẩu súng.

Câu chuyện của TrươngVăn Hoà đã để lại trong lòng tôi những ấn tượng thật sâu sắc. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, người anh hùng ấy cũng ở tư thế tấn công và luôn luôn chiến thắng. Giờ đây, anh đang sát cánh cùng đồng bào, đồng chí tại quê hương chiến đấu đánh bại bọn "bình định" lấn chiếm.

Việt Long (TTXGP)

(Còn nữa)