Tập huấn sản xuất lúa theo tiêu chuẩn SRP tại tỉnh Sóc Trăng

Tiêu chuẩn SRP là tiêu chuẩn sản xuất lúa gạo bền vững đầu tiên trên thế giới, có thể áp dụng toàn cầu cho các hộ nông dân sản xuất nhỏ và những cánh đồng diện tích lớn, góp phần giảm thiểu tác động môi trường vào sản xuất, thúc đẩy hiệu quả sử dụng tài nguyên và khả năng phục hồi với biến đổi khí hậu trong hệ thống lúa gạo đồng thời củng cố thu nhập cho hộ nông nhỏ và góp phần vào an ninh lương thực.

Trong sản xuất lúa, bên cạnh các kỹ thuật canh tác 1 phải 5 giảm, 3 giảm 3 tăng khá quen thuộc đã được nông dân áp dụng vào trong sản xuất đạt hiệu quả thì sản xuất theo tiêu chuẩn SRP (Sustainable Rice Platform) vẫn còn khá xa lạ với người nông dân tỉnh Sóc Trăng. Vụ Đông Xuân 2022-2023 này, trong khuôn khổ hoạt động của dự án Các Trung tâm đổi mới sáng tạo xanh (GIC) năm 2022 do Tổ chức hợp tác phát triển Đức (GIZ) tài trợ sẽ tổ chức 06 lớp tập huấn (30 nông dân/lớp) kỹ thuật canh tác lúa theo tiêu chuẩn SRP tại 3 huyện Thạnh Trị, Mỹ Tú và Châu Thành, tại mỗi huyện xây dựng 01 mô hình trình diễn (05ha/mô hình) nhằm theo dõi khả năng áp dụng các kiến thức đã học vào đồng ruộng, tính toán phát thải khí nhà kính trong canh tác lúa, đánh giá tính điểm SRP.

lua1-1672345945.jpg
Tập huấn sản xuất lúa theo tiêu chuẩn SRP tại tỉnh Sóc Trăng

Tiêu chuẩn SRP tập trung vào cải thiện quy trình sản xuất chứ không phải là một tiêu chuẩn sản phẩm. Tiêu chuẩn SRP có nhiều phiên bản được cải thiện qua từng năm, hiện đang sử dụng phiên bản 2.1 và sẽ được tái xem xét trong năm 2022, phiên bản này có 8 chủ đề chính là: Quản lý đồng ruộng; Chuẩn bị xuống giống; Sử dụng nước; Quản lý dinh dưỡng; Quản lý dịch hại; Thu hoạch và sau thu hoạch; An toàn - sức khỏe và Quyền lao động. Các chủ đề được chia thành 41 yêu cầu, mỗi yêu cầu được chấm điểm thông qua việc đánh giá mức độ tuân thủ của nông dân trong quá trình sản xuất. Do đó tiêu chuẩn SRP không mang tính chất quy định, cho phép nông dân áp dụng có bước khởi đầu và từng bước cải thiện dần điểm số để hướng tới các thực hành tốt nhất cho sản xuất lúa bền vững.

Hệ thống bảo đảm tuân thủ canh tác lúa bền vững SRP cũng đồng thời cho phép các bên tham gia thể hiện được mức độ tuân thủ các tiêu chuẩn canh tác lúa bền vững và đo lường được mức độ tác động thông qua các tiêu chí thực hành. Có 3 cấp độ đảm bảo tuân thủ, trong đó cấp độ 1: Nông dân tự đánh giá; Cấp độ 2: một bên thứ hai đánh giá; Cấp độ 3: Một bên thứ ba đánh giá.

Có 2 mức công bố SRP: “Sản xuất lúa gạo theo hướng bền vững” nếu điểm số tối thiểu đạt 33 điểm và “Sản xuất lúa gạo bền vững” tương ứng với điểm số tối thiểu đạt 90 điểm đồng thời phải đạt điểm số tại ngưỡng tuân thủ cần thiết của các yêu cầu bắt buộc tuân thủ.

So với các tiêu chuẩn sản xuất khác thì tiêu chuẩn SRP chỉ cần được xác thực mà không cần chứng chỉ nên giá thành sản xuất không bị tăng lên do phải trả phí cho việc cấp chứng chỉ. Sự xác thực mức độ tuân thủ SRP của một bên độc lập thứ ba có giá trị tương tự như một cơ quan cấp chứng chỉ. SRP đã phê duyệt và kiểm soát hoạt động của các đơn vị làm dịch vụ xác nhận thuộc bên thứ ba do vậy mà giảm được chi phí xác nhận.

Theo kế hoạch các hoạt động của dự án Các Trung tâm đổi mới sáng tạo xanh (GIC) sẽ được triển khai đến năm 2024, cùng với đó diện tích sản xuất lúa theo tiêu chuẩn SRP tại Sóc Trăng sẽ ngày càng được nhân rộng, góp phần nâng cao thu nhập và giảm thiểu các tác động tiêu cực lên môi trường trong canh tác lúa.