Những nhiệm vụ trọng tâm trong Chương trình "Không còn nạn đói" đến năm 2025

Theo Cục Kinh tế hợp tác và PTNT - Bộ Nông nghiệp và PTNT, đến năm 2025 cơ bản hoàn thành các mục tiêu của Chương trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 172/QĐ-TTg ngày 12/6/2018, gồm: (1) 100% dân cư có đủ lương thực quanh năm; (2) không còn trẻ em dưới 2 tuổi bị suy dinh dưỡng, (3) toàn bộ các hệ thống lương thực, thực phẩm bền vững, (4) 100% nông hộ nhỏ tăng năng suất và thu nhập đặc biệt là phụ nữ và (5) không còn tổn thất, lãng phí lương thực, thực phẩm”. 

Mục tiêu cụ thể đến năm 2025: Tiếp tục xây dựng và ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn để hoàn thiện khung pháp lý nhằm thực hiện thuận lợi Chương trình; Thực hiện hoàn thành các nội dung, nhiệm vụ của các Bộ, ngành các tổ chức được Thủ tướng phân công tại Quyết định 712/QĐ-TTg ngày 12/6/218; Xây dựng cụ thể các nội dung mới để đáp ứng và phù hợp với nhiệm vụ mới theo chủ trương, chính sách của Nhà nước và Chính phủ đối với phát triển kinh tế xã hội vùng khó khăn; Triển khai đồng bộ thực hiện chương trình ở tất cả các xã thuộc đối tượng trong vùng dự án để đảm bảo đến năm 2025 cơ bản các xã vùng dự án đã được triển khai có hiệu quả Chương trình.

dac-1670977096.jpg
Các lớp đào tạo tập huấn cho bà con nghèo vùng sâu vùng xa có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại Đắc Nông

Để đạt được những mục tiêu đó, trước hết các cơ quan có liên quan cần phải đánh giá đầy đủ chính xác kết quả đã thực hiện 4 năm từ 2018 đến 2021 để làm cơ sở cho việc xây dựng kế hoạch thực hiện cho các năm tiếp theo.Xác định rõ những nhiệm vụ cần thực hiện cho giai đoạn tiếp theo trong đó có nhiệm vụ của các Bộ ngành ở Trung ương và đặc biệt là nhiệm vụ của các địa phương trong việc thực hiện Chương trình. Đề xuất được nguồn lực có tính khả thi để có kinh phí thực hiện đáp ứng được với kế hoạch đã được xây dựng để đảm bảo hoàn thành mục tiêu của Chương trình đã đề ra.

Bộ Nông nghiệp và PTNT đánh giá, giai đoạn 1 là giai đoạn hoàn thiện khung pháp lý để tổ chức thực hiện và xây dựng các mô hình điểm để làm cơ sở đánh giá nhân rộng Chương trình. Giai đoạn 2022-2025 là giai đoạn 2 (bắt đầu từ năm 2021) của Chương trình hành động Quốc gia “Không còn nạn đói”. Do tiến độ thực hiện nhiệm vụ ở giai đoạn trước nhìn chung chậm so với yêu cầu nên giai đoạn này cần đẩy mạnh thực hiện để đảm bảo mục tiêu đã đề ra, trong đó Chương trình vừa phải tiếp tục triển khai các nhiệm vụ được xác định là làm mới vừa phải xác định cụ thể các Chương trình được lồng ghép theo phân công trong QĐ 712/QĐ-TTg ngày 12/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ với 05 nhiệm vụ này được cụ thể hóa thành các nội dung cụ thể (đang thực hiện và làm mới).

Tuy nhiên, theo như phân tích các kết quả đạt được của giai đoạn trước, phần lớn các nhiệm vụ lồng ghép chưa được hệ thống hóa và báo cáo đầy đủ trong khi Chương trình lại chủ yếu được thực hiện qua lồng ghép. Vì vậy, việc lên kế hoạch chi tiết nội dung lồng ghép, phương án, cơ chế, theo dõi, đánh giả, tổng hợp là rất cần thiết trong giai đoạn 2. Các nhiệm vụ cần được thực hiện trong giai đoạn 2 cụ thể như sau:

Nhiệm vụ 1: Cơ bản các hộ có đủ lương thực, thực phẩm đảm bảo dinh dưỡng hợp lý quanh năm, với các nội dung sau: Xác định nhu cầu về dinh dưỡng hợp lý cho các độ tuổi của người dân trong hộ gia đình: Căn cứ vào kết quả của cuộc tổng điều tra về dinh dưỡng toàn quốc 2017-2020, việc xác định nhu cầu này cũng cơ bản hoàn thành. Quan trọng nhất là từ nhu cầu xác định các biện pháp can thiệt theo từng vùng, miền và từng đối tượng. Thực hiện các mô hình sản xuất nông nghiệp dinh dưỡng theo kế hoạch phù hợp với điều kiện sinh thái của từng vùng đảm bảo dinh dưỡng cho người dân: Nội dung này đã được thực hiện khá tốt trong giai đoạn trước, cần được tiếp tục được nhân rộng ra các Tỉnh thực hiện chương trình. Nội dung mô hình nông nghiệp đảm bảo dinh dưỡng, gồm lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản…gắn với chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật về giống mới năng suất cao, chất lượng tốt vào sản xuất đảm bảo phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của từng vùng. Trong đó chú trọng phát triển các vùng sản xuất lương thực, thực phẩm ở các vùng khó khăn vùng sâu, vùng xa đáp ứng nhu cầu sử dụng tại chỗ. Đảm bảo ổn định lương thực, thực phẩm cho nhu cầu tiêu dùng của người dân: Lên các dự báo và kế hoạch dự trữ về nhu cầu lương thực thực phẩm theo từng khu vực, vững, miền để có thể lên kế hoạch và điều tiết. Có tổng kết về kết quả thực hiện chính sách xuất, nhập khẩu lương thực.

Nhiệm vụ 2: Suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới hai tuổi không còn là vấn đề có ý nghĩa sức khỏe cộng đồng hoặc ở mức thấp: Cập nhật hiện trạng dinh dưỡng của trẻ em dưới 2 tuổi và tổng kết về các biện pháp cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho trẻ em giai đoạn 1, các giải pháp và thực hiện các giải pháp. Cải thiện tình trạng vi chất dinh dưỡng của bà mẹ và trẻ em: Trên cơ sở cập nhật kết quả giai đoạn 2017-2020, lên biện pháp cải thiện và thực hiện theo vùng miền. Đảm bảo dinh dưỡng cho các đối tượng ưu tiên: Tổng hợp các mô hình đảm bảo dinh dưỡng ở các khu vực đặc thù như khu công nghiệp, chế xuất, vùng sâu vững xa. Hoàn thiện chính sách xã hội cần thiết nhằm hỗ trợ cho bà mẹ mang thai và trẻ nhỏ được tiếp cận các dịch vụ dinh dưỡng. Giám sát dinh dưỡng: Nội dung này cần tiếp tục làm thí điểm rồi tổng kết và áp dụng đại trà, áp dụng công nghệ trong theo dõi giám sát.

 Nhiệm vụ 3: Phát triển hệ thống lương thực, thực phẩm bền vững, với các nội dung sau: Hoàn thiện kế hoạch chiến lược quốc gia để chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm mà Chính phủ Việt nam đã chính thức công bố, theo đó có thể có lộ trình hành động tương ứng. Giai đoạn 2022-2025 được coi là giai đoạn đầu cho cho quá trình phát triển phát triển hệ thống này. Phát triển hệ thống sản xuất lương thực, thực phẩm thích ứng với biến đổi khí hậu; lên kế hoạch lồng ghép với các chương trình hiện hành. Xây dựng năng lực dự báo, cảnh báo, chủ động phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai. Phát triển hệ thống cung ứng và tiêu dùng lương thực, thực phẩm bền vững. Phát triển kinh tế tập thể và kinh tế hợp tác trong nông nghiệp.

Nhiệm vụ 4: Phần lớn các hộ nông dân sản xuất nhỏ tăng năng suất và thu nhập, với nội dung sau: Tăng thu nhập cho người sản xuất nhỏ để tăng phúc lợi nông thôn và giảm nghèo bền vững: Triển khai áp dụng các mô hình tăng thu nhập và tổng hợp theo vững miền và các hộ nông dân nhỏ. Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ và khuyến nông: Ban hành các văn bản chính sách về cơ chế cho nghiên cứu khoa học công nghệ và khuyến nông.

Nhiệm vụ 5: Phấn đấu không còn thất thoát hoặc lãng phí lương thực, thực phẩm, với các nội dung sau: Hoàn thiện cơ chế, chính sách giúp cho công tác quản lý, áp dụng khoa học công nghệ nhằm giảm tổn thất và lãng phí lương thực, thực phẩm; Khuyến khích áp dụng khoa học công nghệ, phương thức quản lý nhằm giảm tổn thất trong quá trình thu hoạch, bảo quản, chế biến; Đẩy mạnh tuyên truyền giúp người dân sử dụng hợp lý, tiết kiệm chống lãng phí lương thực, thực phẩm; Tăng cường năng lực chế biến, kiểm soát an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh, vệ sinh môi trường trong sản xuất lương thực, thực phẩm.