Tây Ninh: Hơn 120.000 lượt hộ nghèo tiếp cận kịp thời vốn chính sách

PV
Theo TTXVN: Tín dụng chính sách không chỉ là cánh tay nối dài của Nhà nước trong công cuộc giảm nghèo mà còn là động lực giúp những hộ nghèo, học sinh, sinh viên có thêm cơ hội để vươn lên trong cuộc sống.
Chú thích ảnh Chị Ên Ha Sina, chăm sóc bò sinh sản từ nguồn vốn vay tín dụng chính sách. 

Tại Tây Ninh, nhờ nguồn vốn vay ưu đãi với lãi suất thấp, thời gian qua, đã có hơn 120.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận nguồn vốn kịp thời. Không chỉ giúp người dân ổn định cuộc sống, phát triển sinh kế, mà còn chắp cánh cho những giấc mơ học đường tiếp tục bay cao, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh.

“Đòn bẩy” cho những giấc mơ thành hiện thực

Giữa con hẻm nhỏ yên bình trong xóm bà con người dân tộc Chăm ở phường 1, thành phố Tây Ninh, căn nhà của chị Ên Ha Sina, 38 tuổi giờ đây đã khác xưa rất nhiều. Tường gạch kiên cố, mái tôn sáng mới thay cho vách lá tạm bợ ngày nào. Trong căn nhà ấy, niềm vui như đang lan tỏa từng ngóc ngách với tiếng "bi bô" của đứa cháu nhỏ mới vài tháng tuổi hòa lẫn với tiếng trò chuyện rôm rả của người thân quây quần sau một ngày làm việc. Ít ai biết rằng, khởi đầu cho cuộc sống đổi thay hôm nay của gia đình chị Sina lại đến từ một “tài sản” tưởng chừng quá đỗi bình thường – một con bò cái sinh sản, được mua từ khoản vay giải quyết việc làm của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Tây Ninh vào năm 2018.

Chị Sina xúc động kể, từ số vốn vay, chị mua một con bò mẹ. Từ bò mẹ đẻ ra bò con, chị nuôi lớn rồi bán con, lấy tiền lo cái ăn cái mặc, sửa lại nhà cửa. Nhờ có nguồn vốn đó mà gia đình chị gây dựng được cuộc sống dần ổn định. Trẻ con trong nhà chị đều học hành đàng hoàng, không ai phải bỏ học nửa chừng.

“Giờ gia đình tôi đã có chiếc xe máy để đi làm, có cái nhà để che nắng che mưa. Đây cũng là niềm mơ ước lớn nhất của gia đình chúng tôi thành hiện thực”, chị Sina cho biết.

Với bà con dân tộc thiểu số như chị Sina, tiếp cận được vốn vay ưu đãi chẳng khác nào được trao cho một cơ hội thay đổi cuộc đời. Từ niềm tin được trao tay này, nguồn vốn đã giúp nhiều gia đình như chị Sina tự đứng dậy, vươn lên từ khó khăn bằng chính sức lao động và ý chí của mình, đồng thời, hướng tới cuộc sống no ấm, vững bền.

Không chỉ là trợ lực vững chắc cho các hộ gia đình trong việc phát triển sinh kế, nguồn vốn tín dụng chính sách còn mở ra cánh cửa hy vọng cho hàng ngàn sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Nhờ những khoản vay ưu đãi, các em có thể trang trải học phí, chi phí sinh hoạt từ đó tiếp tục theo đuổi ước mơ trên giảng đường đại học.

Với gia đình bà Phan Thị Thùy Dương, 52 tuổi, ngụ cùng phường 1, thành phố Tây Ninh đã tưởng chừng bế tắc khi có hai con sinh đôi cùng lúc bước vào giảng đường đại học. Bà Dương kể, ngày cánh cổng đại học mở ra với 2 con cũng là lúc gánh nặng tài chính đè xuống.

“Nghe con vào đại học, tôi vừa mừng nhưng lại vừa rất lo và hoang mang vì biết rõ sẽ không thể lo cho hai con đi học cùng lúc. May mắn, gia đình được địa phương giới thiệu nên đã tiếp cận được nguồn chính sách vay vốn sinh viên”, bà Dương nhớ lại.

Theo đó, bà Dương vay được mỗi em 40 triệu đồng/năm, từ đó xoay sở được học phí, tiền nhà trọ và chi phí ăn uống cho tụi nhỏ học tập ở Thành phố Hồ Chí Minh. Không giấu được niềm xúc động, bà Dương chia sẻ rằng nếu không có khoản vay ấy, có lẽ một trong 2 con bà đã phải gác lại giấc mơ giảng đường. Không chỉ giúp giảm bớt gánh nặng tài chính cho gia đình, nguồn vốn này còn tiếp thêm động lực, giúp các em an tâm học tập, rèn luyện và từng bước xây dựng tương lai vững chắc.

Đồng hành để không ai bị bỏ lại phía sau

Chú thích ảnh Tín dụng chính sách không chỉ là cánh tay nối dài của Nhà nước trong công cuộc giảm nghèo mà còn là động lực giúp những hộ nghèo, hộ khó khăn vươn lên trong cuộc sống. 

Theo bà Nguyễn Thị Minh Hằng, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Tây Ninh, nguồn vốn tín dụng chính sách hiện nay không chỉ là điểm tựa tài chính quan trọng cho người nghèo và các đối tượng chính sách, mà còn là công cụ hữu hiệu góp phần thực hiện mục tiêu lớn: “Chung tay vì người nghèo – không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Theo bà Nguyễn Thị Minh Hằng, tính đến nay, tổng dư nợ của chi nhánh đã đạt gần 4.500 tỷ đồng, cơ bản đáp ứng được nhu cầu vay vốn của người dân trên địa bàn tỉnh.

Thống kê riêng trong năm 2024, thông qua nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã giúp 34.220 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Qua đó, đã thu hút, tạo việc làm cho 11.291 lao động; tạo điều kiện cho 2.819 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng gần 37.000 công trình cấp nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn; xây dựng 27 căn nhà ở xã hội.

Trong khi đó, không chỉ hướng dẫn thủ tục vay, những cán bộ chi nhánh ngân hàng còn tư vấn người dân cách sử dụng vốn hiệu quả. Năm 2025, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Tây Ninh tiếp tục mở rộng nguồn vốn, cải cách thủ tục, nâng cao chất lượng dịch vụ, để mỗi đồng vốn vay thực sự trở thành hạt giống hy vọng, nảy mầm trên những mảnh đất khó khăn.

Để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn theo Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thị Minh Hằng, ngân hàng đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác ở các cấp, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đảm bảo dòng vốn đến đúng đối tượng, đúng mục đích. Đặc biệt, trong thời gian qua, chi nhánh đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong hoạt động tín dụng – nổi bật là việc triển khai ứng dụng Mobile Banking cho khách hàng thông qua các Tổ Tiết kiệm và vay vốn. Nhờ đó, người vay có thể chủ động theo dõi thông tin khoản vay, lãi suất, số tiền phải trả và số dư tiết kiệm, góp phần minh bạch hóa thông tin và tạo thuận tiện trong quá trình sử dụng dịch vụ.