Tại “Kế hoạch hành động thúc đẩy công tác khuyến nông giai đoạn 2023-2027” ban hành hồi tháng 11/2021, Chính phủ Thái Lan đã đề ra tầm nhìn chiến lược, mục tiêu, nhiệm vụ triển khai trọng tâm nhằm thúc đẩy hoạt động khuyến nông, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống người nông dân, hiệu quả quá trình sản xuất hàng hoá trong nông nghiệp, thúc đẩy phát triển của nông dân, hợp tác xã và các doanh nghiệp cộng đồng.
Cũng tại kế hoạch này, Chính phủ Thái Lan đánh giá, trên thế giới, việc ứng dụng công nghệ hiện đại trong canh tác, sản xuất nông nghiệp đang làm thay đổi xã hội nông thôn và hoạt động kinh tế nông nghiệp, nhất là trong thời kỳ bùng phát đại dịch Covid-19.
Việc làm này đã mang lại nhiều cơ hội gắn phát triển kinh tế nông nghiệp trực tiếp với người nông dân, làm tăng nhu cầu về hàng hoá dịch vụ, thực phẩm lành mạnh phù hợp với xã hội già hoá cùng với nhận thức người tiêu dùng đối với các sản phẩm an toàn về sức khoẻ sau đại dịch Covid-19.
Trong khi đó, tại Thái Lan, nông nghiệp với gần 30% lực lượng lao động, là một trong những ngành kinh tế quan trọng tại Thái Lan khi đóng góp gần 10% GDP cả nước.(Ảnh: Hải Xanh)
Bên cạnh đó, đại dịch Covid-19 cùng với nhiều yếu tố như: gia tăng dân số toàn cầu, các hiện tượng thời tiết cực đoan liên quan đến biến đổi khí hậu, bất ổn chính trị,... đã gây đứt gãy chuỗi cung ứng trong lĩnh vực nông nghiệp, làm trầm trọng thêm về vấn đề an ninh lương thực.
Tuy nhiên, do năng suất lao động nông nghiệp vẫn ở trình độ thấp so với các ngành khác nên đóng góp của ngành nông nghiệp trong tổng sản phẩm quốc nội tiếp tục giảm, bộc lộ nhiều hạn chế cản trở việc tăng năng suất và giá trị gia tăng.
Đảm đương nghề nông hiện nay do người lớn tuổi phụ trách, vì vậy, phần lớn chưa sẵn sàng tiếp nhận kiến thức và ứng dụng công nghệ hiện đại.
Bên cạnh đó, việc hỗ trợ của các tổ chức nông dân canh tác và kinh doanh thiếu hiệu quả, nhiều tổ chức chưa thực hiện đầy đủ chức năng hỗ trợ của mình.
Vì vậy, để thúc đẩy và phát triển năng lực sản xuất sản phẩm nông nghiệp, thúc đây hiệu quả hoạt động khuyến nông trên tất cả các lĩnh vực, khuyến khích nông dân phát triển mạnh mẽ và tự lực,...Chính phủ Thái Lan hướng tới mục tiêu hệ thống hoá các chính sách, chiến lược và kế hoạch từ trung ương tới địa phương, làm khuôn khổ cho hoạt động khuyến nông giai đoạn 2023-2027, nâng cao chất lượng cuộc sống và thu nhập người nông dân tăng ít nhất 10%, hình thành các tổ chức, doanh nghiệp nông dân hiệu quả, ngày càng phát triển.
Để đạt được mục tiêu và tầm nhìn trên, Kế hoạch tập trung triển khai thực hiện 5 giải pháp trọng tâm bao gồm: Ổn định nghề nghiệp cho nông dân, đẩy mạnh hoạt động sản xuất và quản lý các sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi giá trị (thúc đẩy nông nghiệp mang bản sắc địa phương, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp thông qua mô hình kinh tế "xanh- tuần hoàn- sinh học", tăng cường năng lực cá nhân, tổ chức cũng như cộng đồng nông dân (nâng cao vai trò nông dân cao tuổi, hình thành và phát triển tầng lớp nông dân trẻ trở thành nông dân thông minh,..); thúc đẩy sản xuất thân thiện với môi trường và phát triển khả năng tổ chức, quản lý tập trung, tăng cường ứng dụng kỹ thuật số và phát triển cơ sở dữ liệu trong công tác khuyến nông.
Nhằm thực hiện các giải pháp trên, ngày 9/6, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o -cha đã chủ trì buổi ký kết cải cách giáo dục với tiêu đề “Nông nghiệp là một phần phát triển trẻ em Thái Lan trong thế kỷ 21” nhằm đào tạo “lớp nông dân trẻ 4 H” (head – hand – heart – health) “Thông minh, giỏi giang, khéo léo, mạnh mẽ”.
Đảm đương nghề nông hiện nay do người lớn tuổi phụ trách, vì vậy, phần lớn chưa sẵn sàng tiếp nhận kiến thức và ứng dụng công nghệ hiện đại. (Ảnh: Hải Xanh)
Một chương trình cải cách giáo dục có sự tham gia của 12 Bộ ngành, bao gồm: Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã; Bộ Lao động; Bộ văn hóa; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Du lịch và Thể thao; Bộ Giáo dục; Bộ Y Tế; Bộ Nội vụ; Bộ Phát triển Xã hội và An ninh Con người; Bộ Kinh tế Kỹ thuật số và Xã hội; Bộ Tư pháp và Bộ Giáo dục Đại học, Khoa học, Nghiên cứu và Đổi mới.
Việc Chính phủ Thái Lan triển khai các công tác khuyến nông được đánh giá là biện pháp quan trọng nhằm đổi mới toàn diện ngành nông nghiệp, góp phần giải quyết khó khăn, thách thức mà ngành nông nghiệp của nước này đang phải đối mặt.
Đây cũng được coi là biện pháp hệ thống hoá chính sách, chiến lược, kế hoạch từ Trung ương tới địa phương của Thái Lan, làm khuôn khổ đổi mới hoạt động khuyến nông của cả nước, cải thiện thu nhập, chất lượng cuộc sống người nông dân, nâng cao hiệu quả quá trình sản xuất hàng hoá trong nông nghiệp, đóng góp tích cực vào sự phát triển của nông dân, hợp tác xã và các doanh nghiệp khu vực nông thôn.
Tại Việt Nam, công tác khuyến nông có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc hỗ trợ nông dân đổi mới và phát triển sản xuất nông nghiệp, tiếp cận và áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập, góp phần thực hiện mục tiêu xoá đói giảm ngèo của Chính phủ.
Công tác khuyến nông đã đóng góp tích cực vào tăng trưởng của ngành nông nghiệp nói chung và tăng trưởng kinh tế đất nước nói riêng, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia, góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong những nước xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới.
Mặc dù vậy, công tác khuyến nông của Việt Nam hiện vẫn tồn tại nhiều hạn chế, trong đó có thể kể đến như: Cơ chế chính sách hoạt động khuyến nông chưa đồng bộ, còn nặng về thủ tục hành chính; hệ thống tổ chức khuyến nông còn thiếu đồng bộ từ Trung ương tới địa phương; nặng về chuyển giao kỹ thuật; chưa chú trọng đến yếu tố kinh tế, thị trường, bảo vệ môi trường, cải thiện đời sống khu vực nông thôn, nâng cao năng lực người nông dân, nguồn lực đầu tư cho hoạt động khuyến nông còn hạn chế.
Bên cạnh đó, tại một vài địa phương, chương trình khuyến nông chưa mang tính bền vững. Việc dạy nghề cho lao động nông thôn, vốn vay giải quyết việc làm còn chưa đáo ứng so với yêu cầu đặt ra. Năng lực cán bộ khuyến nông còn hạn chế, đặt biệt thiếu các kiến thức, kỹ năng quản lý, quản trị, chuyển đổi số…