Thế giới đối mặt một cuộc khủng hoảng phân bón mới

Liên Hợp quốc đang hối thúc các nỗ lực nhằm hạ nhiệt giá phân bón toàn cầu để tránh rơi vào một “cuộc khủng hoảng trong tương lai” về nguồn cung phân bón.

Một kho chứa phân bón của tập đoàn Uralkali ở thành phố Berezniki, cách thủ đô Moscow trên 1.200 km về phía đông. Ảnh: AFP

Một kho chứa phân bón của tập đoàn Uralkali ở thành phố Berezniki, cách thủ đô Moscow trên 1.200 km về phía đông. Ảnh: AFP

Một quan chức thương mại cấp cao của Liên Hợp quốc đang tham gia vào các cuộc đàm phán nhằm thúc đẩy hoạt động xuất khẩu phân bón của Nga cho biết, xung đột Nga- Ukraine đã gây ra cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu và kéo theo giá phân bón tăng vọt.

Trong khi đó cả Nga và Ukraine đều là những quốc gia xuất khẩu ngũ cốc chủ chốt trên thị trường lương thực thế giới, ngoài ra Nga còn là một trong những nước xuất khẩu phân bón lớn nhất.

Bà Rebeca Grynspan, Tổng thư ký Hội nghị Liên hiệp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) nói với các phóng viên tại Geneva: “Nếu chúng ta không thể hạ nhiệt giá phân bón ngay từ lúc này, thì một cuộc khủng hoảng trong tương lai là không thể tránh khỏi”.  

Thống kê của UNCTAD cho biết, Nga là một trong những nhà cung cấp kali, phốt phát và phân đạm lớn nhất thế giới – ba sản phẩm này là những chất dinh dưỡng quan trọng của đất và cây trồng - sản xuất ra 13% tổng sản lượng lương thực toàn cầu. Tuy nhiên hoạt động xuất khẩu phân bón từ Nga đã sụt giảm 7% trong nửa đầu năm 2022.

Mặc dù ngày 22/7, Liên Hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ đã đứng ra làm trung gian để tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu lương thực và phân bón của Nga theo một thỏa thuận trọn gói, đồng thời tái khởi động các chuyến hàng ngũ cốc và phân bón ở Biển Đen của Ukraine. Tuy nhiên đến nay Nga vẫn phàn nàn rằng việc xuất khẩu của họ vẫn bị cản trở.