Tổng quan về sự phát triển vùng ĐBSCL
Theo các nhà phân tích, ĐBSCL có lợi thế và tiềm năng rất lớn song phát triển chưa tương xứng. Đây là khu vực đất đai có độ phì nhiêu, bằng phẳng lớn nhất cả nước, đặc biệt là lợi thế về vận tải đường thủy để phát triển nhiều hoạt động kinh tế.
Trong thời gian gần đây, vùng bước đầu được quy hoạch phát triển, từ đó đã từng bước khai thác vị trí địa lý và lợi thế đất đai phù hợp với điều kiện tự nhiên. Tuy nhiên, tính liên kết giữa các khu vực chưa rõ nét. Đặc biệt, là thiếu liên kết giữa vùng với các khu vực xung quanh để tận dụng lợi thế, đồng thời phát huy được sức mạnh của các tỉnh thành trong khu vực, nhằm tạo sức mạnh mang tính hỗ trợ, tận dụng lợi thế của nhau.
So với nhiều khu vực trong cả nước, ĐBSCL có lợi thế kinh tế-xã hội rất lớn, vùng có quỹ đất phì nhiêu, màu mỡ cùng với hệ thống giao thông thủy với sông ngòi chằng chịt, đất đai và đường thủy ven biển lớn nhất cả nước. Nhiều nghiên cứu cho thấy, trong hơn một thập niên gần đây, tốc độ phát triển của vùng có chiều suy giảm. Về kinh tế, dường như tăng trưởng chậm lại với GRDP đạt thấp; làn sóng di dân đã trở ngược, với số người rời khỏi ĐBSCL để đi tới những vùng khác như Đông Nam Bộ, phía Bắc, thậm chí là cả miền Trung nhiều hơn nên nguồn nhân lực ngày càng suy giảm, kết cấu hạ tầng còn thấp do thiếu đầu tư. Nên kết nối trong vùng còn gặp khó khăn cả về giao thông đường thủy, đường bộ, đường sắt và đường hàng không.
Người dân Đồng bằng sông Cửu Long đang phải đối mặt với tác động ngày càng nghiêm trọng của BĐKH. Suy thoái môi trường đã đe dọa cuộc sống và sinh kế của hàng triệu người dân.
Về những bất cập trong vùng được thể hiện rõ trên các mặt thiên tai và BĐKH. Lũ lớn, hạn hán khắc nghiệt, xâm nhập mặn, sạt lở bờ sông, bờ biển và sụt lún đất là những vấn đề cơ bản thường xảy ra.
Là vùng trọng điểm sản xuất nông - ngư nghiệp lớn của cả nước, ĐBSCL đang phải gánh chịu tất cả những loại hình thiên tai. Mặc dù là một trong những vùng đa dạng sinh học phong phú nhưng môi trường đồng bằng này đang bị suy thoái nghiêm trọng. Thích ứng được cho là vấn đề cơ bản để tồn tại đối với con người và cộng đồng có sinh kế phụ thuộc vào nguồn tài nguyên thiên nhiên. Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, mỗi năm ở đây đã mất đi khoảng 500 ha đất do xói lở. Ngoài ra, hoạt động quản lý đất và nước không bền vững đang gây ô nhiễm nghiêm trọng mạng lưới sông ngòi và các kênh rạch. Vào mùa khô có thời điểm xâm nhập mặn đã tăng đến 4g/lít, cao gấp 4 lần so với ngưỡng chịu mặn của các loại cây trồng, gây khủng hoảng thiếu nước ngọt nghiêm trọng đối với cả vùng.
BĐKH và nước biển dâng cao là nguyên nhân của những thay đổi lớn, song hoạt động của con người như xây dựng đập ở thượng nguồn, khai thác cát và nước ngầm ồ ạt đã tác động tiêu cực đến cả toàn vùng. Suy thoái môi trường đang đe dọa mạng sống và sinh kế của hàng triệu dân đang sống ở cả 13 tỉnh, thành. Để ĐBSCL tiếp tục phát triển mạnh mẽ và là nguồn sống cho các thế hệ tương lai, các cộng đồng địa phương phải tìm cách sống hòa hợp hơn với thiên nhiên.
Từ năm 2016, Ngân hàng Thế giới đã hỗ trợ hơn một triệu dân trong vùng chuyển đổi sinh kế, thích ứng với BĐKH và sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên. Việc chuyển đổi đã tập trung vào tạo ra mạng lưới hạ tầng nền tảng và tăng cường hợp tác trong công tác quản lý tài nguyên đất và nước. Các dự sán thành công đã mang lại tác động tích cực trong phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, việc cần làm là đánh giá đúng thực trạng nhằm đề xuất những giải pháp thực thi hiệu quả.
Từ năm 2016, Thông qua Dự án Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững ĐBSCL. Ngân hàng Thế giới đã hỗ trợ Chính phủ Việt Nam đưa ra những điều quyết sách vĩ mô quan trọng đồng hành cùng với những chương trình cụ thể, đã giúp hơn 1 triệu nông dân chuyển đổi thành công sang mô hình sản xuất kinh doanh mới theo hình thức sản xuất thích ứng với khí hậu và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên.
Các tiểu vùng sinh thái và những mô hình sản xuất kinh doanh thích ứng
ĐBSCL có 4 tiểu vùng sinh thái với các đặc điểm thủy văn khác nhau, những dự án thực hiện đã hỗ trợ để thực thi chiến lược phù hợp với từng tiểu vùng. Vùng thượng lưu châu thổ các dự án nhằm vào chủ động điều tiết nguồn nước và hấp thụ lũ, đã góp phần giảm thiểu hạn hán và xâm nhập mặn ở phía hạ nguồn.
Ở vùng cửa sông với mục tiêu thích ứng với độ mặn ngày một gia tang, dọc theo bán đảo Cà Mau, việc bảo vệ vùng ven biển hiếm nước là những ưu tiên hàng đầu.
Về mô hình ở Thượng đồng bằng
Các dự án thực hiện đã tận dụng sự đóng góp của mạng lưới các nhà khoa học rộng khắp, họ đã cùng nông dân phát triển các mô hình sản xuất kết hợp lúa với sản vật mùa nước nổi. Những dự án này đã giúp giải quyết được thách thức về sinh thái nông nghiệp và kinh tế xã hội phù hợp đối với từng tiểu vùng, tạo thuận lợi để nhân rộng nhanh các mô hình. Nông dân ở tỉnh Đồng Tháp từng quen với việc trồng lúa ba vụ một năm. Hình thức canh tác này không tối ưu về kinh tế, chưa phù hợp về sinh thái. Thâm canh ba vụ dẫn đến suy thoái đất và phá vỡ cân bằng nước, giảm năng suất nông nghiệp và thu hẹp các vùng đất ngập nước, tăng nguy cơ lũ lụt và ô nhiễm. Các dự án thực hiện đã giúp nông dân chuyển sang các loại cây trồng hoặc giống vật nuôi khác trong mùa nước nổi, giảm sự phụ thuộc vào cây lúa, lại vừa tạo ra thu nhập cao hơn.
Theo những tính toán ban đầu, trồng lúa 2 vụ đông-xuân và hè thu lợi nhuận bình quân đạt từ 25 đến 30 triệu đồng/ha. Mô hình nuôi kết hợp trồng lúa 2 vụ - thuỷ sản - chăn nuôi vịt tận dụng được tối đa tiềm năng đất, nước và sức lao động, có thể nâng thu nhập lên tới 81 triệu đồng/ha. Bên cạnh việc gia tăng thu nhập, cách làm này còn giúp những người nông dân giữ được nước lũ và giúp hạn chế được xâm nhập mặn ở hạ lưu trong những tháng mùa khô.
Mô hình ở phía hạ lưu
Tại khu vực Bán đảo Cà Mau, Bán đảo đã bị xói lở bờ biển nghiêm trọng và sụt lún đất do trong nhiều năm nông dân đã phá rừng ngập mặn để nuôi tôm, khai thác quá mức nước ngầm đã gây ô nhiễm nước mặn. Nông dân ở đây đã được khuyến khích thử nghiệm các mô hình sinh kế dựa vào tự nhiên vốn có để khai thác giá trị, nhằm cân bằng giữa phát triển, mở rộng sinh kế với bảo vệ môi trường. Họ được hướng dẫn về mô hình nuôi thủy sản kết hợp (vọp, ốc len, sò huyết hay tôm) dưới tán cây rừng ngập mặn. Với mô hình này, hệ sinh thái rừng ngập mặn trở nên phong phú và là môi trường lý tưởng cho các loài thủy, hải sản sinh sống với việc cung cấp nguồn thức ăn tự nhiên và bảo vệ khỏi bệnh tật. Tôm trở nên khỏe hơn và rừng được bảo vệ. Tôm sinh thái trong mô hình bán được với giá cao hơn ở các thị trường vì đáp ứng được những tiêu chuẩn hữu cơ.
Nông dân ở tỉnh Bạc Liêu đã áp dụng mô hình nuôi tôm sú kết hợp với cá rô phi. Họ cho biết, cách làm này đã giúp cải thiện chất lượng nguồn nước, giảm ô nhiễm môi trường và mang lại hiệu quả kinh tế cho người nuôi tôm. Nông dân ở huyện Đông Hải, cho biết: “Lựa con giống chất lượng, không xài hóa chất, sử dụng cá rô phi làm sạch ao tôm sẽ cho hiệu quả kinh tế cao”.
Hạ tầng kỹ thuật cốt lõi để nhân rộng mô hình và tăng tính bền vững cho chuyển đổi sinh kế
Để nông dân duy trì những thực hành tốt ngay khi dự án kết thúc, Ngân hàng Thế giới đã hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo nền tảng cho quá trình nhân rộng mô hình bền vững, đồng thời tăng cường hợp tác, điều phối để quản lý tài nguyên đất và nước.
Theo các nhà quản lý, trong tổng mức đầu tư hỗ trợ của dự án 387 triệu USD, phần lớn đã được sử dụng để xây mới, nâng cấp các công trình thủy lợi và hạ tầng kỹ thuật đã xuống cấp. Ở vùng thượng nguồn, dự án đã cải tạo 61 km bờ bao và xây dựng 15 cống qua đê để nâng cao hiệu quả quản lý lũ, đặc biệt là đã thu được lợi từ nguồn nước lũ.
Dọc theo 27 km bờ biển của các bán đảo, dự án đã xây dựng nhiều công trình đê biển, đê chắn sóng và vành đai rừng ngập mặn. Các cửa cống và công trình thuỷ lợi khác cũng đã được xây dựng và hệ thống kênh mương được nạo vét để tăng cường điều tiết mặn và kiểm soát triều cường diễn ra ngày càng thường xuyên hơn. Tại các khu vực cửa sông, dự án đã xây dựng 4 cống kiểm soát triều lớn ven sông và ven biển để điều tiết độ mặn.
Thay lời kết luận
Chuyên gia môi trường và là Chủ nhiệm dự án của Ngân hàng Thế giới, Nguyễn Hoàng Ái Phương cho biết: “Điểm khác của những giải pháp công trình trong dự án là cách tiếp cận “không hối tiếc”. Với hàm nghĩa có tính đến những yếu tố bất định của biến đổi khí hậu. Các hoạt động đầu tư được thiết kế và vận hành dựa trên các tri thức khoa học về khí hậu và dữ liệu cập nhật cung cấp từ hệ thống thông tin và dữ liệu tích hợp mà dự án thu thập được.”
Từ kết quả thu nhận được Dự án hỗ trợ của W,B đang xúc tiến thành lập Trung tâm ĐBSCL, đóng vai trò là đầu mối về thông tin tích hợp liên quan đến nước, đất và tài nguyên cũng như các chỉ số môi trường và khí hậu khác. Trên toàn vùng của ĐBSCL, dự án đã thiết lập hơn 50 trạm quan trắc cung cấp thông tin cập nhật theo thời gian thực về tài nguyên nước và mở rộng bộ công cụ hỗ trợ ra quyết định, phục vụ việc vận hành hiệu quả mạng lưới hạ tầng quản lý tài nguyên nước trong vùng. Với sự hỗ trợ của dự án khả năng thích ứng với khí hậu đã được lồng ghép vào các văn bản chính sách đầu tiên theo quy hoạch vùng. Qua đó, thích ứng với khí hậu đã được đặt lên hàng đầu.
Quy hoạch ĐBSCL đã công nhận sự phụ thuộc lẫn nhau của đất, nước và khí hậu, đồng thời thúc đẩy cách tiếp cận tổng thể toàn vùng trong phát triển theo tinh thần, hợp tác và liên kết. Đây là mấu chốt để đảm bảo một tương lai thịnh vượng và thích ứng với khí hậu của ĐBSCL. Tất cả mọi người ở mọi cấp từ đồng ruộng đến công ty, từ địa phương đến trung ương, từ một tỉnh đến tiểu vùng và toàn bộ vùng, Thích ứng đó là chìa khóa để đảm bảo thành công./.