Thủ tướng Phạm Minh Chính: GDP của năm 2022 dự kiến đạt 8%

TH
Sáng 20/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính báo cáo trước Quốc hội về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và GDP dự kiến đạt 8%.

Thủ tướng Phạm Minh Chính báo cáo trước Quốc hội về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022. Ảnh: Quốc hội.

Thủ tướng Phạm Minh Chính báo cáo trước Quốc hội về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022. Ảnh: Quốc hội.

Báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) năm 2022, dự kiến Kế hoạch phát triển KTXH năm 2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, tình hình KTXH trong 9 tháng phục hồi tích cực và đạt những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực; ước cả năm đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Theo đó, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế phục hồi tích cực, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm trong điều kiện gặp nhiều khó khăn.

"Tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 8,83%; ước cả năm đạt khoảng 8% (mục tiêu là 6 - 6,5%). Tăng trưởng nông nghiệp đạt 2,99%, công nghiệp và xây dựng đạt 9,44%, dịch vụ đạt 10,57%; khu vực dịch vụ phát triển sôi động trở lại nhờ kiểm soát được dịch bệnh. Sự phục hồi kinh tế diễn ra khá đồng đều giữa các địa phương, trong đó nhiều địa phương đạt tốc độ tăng trưởng cao", Thủ tướng Phạm Minh Chính thông tin với các Đại biểu Quốc hội.

Về cán cân thương mại, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu 9 tháng đạt trên 558 tỷ USD, tăng 15%; xuất siêu 6,76 tỷ USD. Trong đó, lương thực, thực phẩm được bảo đảm, trong 9 tháng xuất khẩu trên 5,4 triệu tấn gạo, xuất khẩu nông sản đạt 40,8 tỷ USD.

Bên cạnh đó là những tồn tại, hạn chế như ổn định kinh tế vĩ mô đối mặt với nhiều thách thức, sức ép lạm phát lớn, giá xăng, dầu, nguyên vật liệu đầu vào biến động mạnh; các thị trường xuất, nhập khẩu lớn, truyền thống bị thu hẹp.

Giải ngân vốn đầu tư công, triển khai thực hiện một số chính sách thuộc Chương trình phục hồi và phát triển KTXH, 03 chương trình mục tiêu quốc gia và việc lập các quy hoạch còn chậm.

Ngoài ra, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản còn tiềm ẩn rủi ro; cơ cấu lại một số tổ chức tín dụng yếu kém còn nhiều khó khăn, hiệu quả chưa cao.

Từ nay đến cuối năm, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, cần theo dõi sát tình hình, tận dụng tốt thời cơ, hóa giải hiệu quả khó khăn, thách thức; bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định các loại thị trường, tận dụng tốt thị trường trong và ngoài nước. Bảo đảm ổn định cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu cho sản xuất, đời sống, nhất là dịp lễ, Tết và đầu năm 2023.

Bên cạnh đó, điều hành lãi suất, tỷ giá chủ động, linh hoạt, phù hợp; bảo đảm ổn định hệ thống tiền tệ, ngân hàng. Triển khai quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi và phát triển KTXH, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.

Mục tiêu tăng trưởng năm 2023 mà Thủ tướng nêu ra là 6,5%. Ảnh: Quốc hội.

Mục tiêu tăng trưởng năm 2023 mà Thủ tướng nêu ra là 6,5%. Ảnh: Quốc hội.

Với năm 2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu ra 15 chỉ tiêu chủ yếu về các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường; trong đó nổi bật như tăng trưởng GDP khoảng 6,5%; chỉ số giá tiêu dùng tăng khoảng 4,5%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 5 - 6%; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm 1 - 1,5%...

Người đứng đầu Chính phủ cũng nêu ra một số nhiệm vụ, giải pháp như tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Đẩy mạnh thực hiện thực chất, hiệu quả cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, tính tự chủ, khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế.

Tập trung hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng số, hạ tầng ứng phó biến đổi khí hậu; đẩy mạnh công tác quy hoạch. Chú trọng phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao gắn với đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng KHCN, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phong trào khởi nghiệp.