Thủ tướng nhấn mạnh điều này khi phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về “Nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân; chủ động thích ứng linh hoạt, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững”, diễn ra sáng nay 21/8. Hội nghị được thực hiện kết hợp hình thức trực tiếp tại Trụ sở Bộ Y tế với điểm cầu UBND 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Cùng dự tại đầu cầu Bộ Y tế có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Quyền Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan; Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh; Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc; lãnh đạo một số Bộ, ngành liên quan. Dự tại đầu cầu các địa phương có lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, sở Y tế và các sở, ngành liên quan.
Báo cáo tại hội nghị, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, trong những năm qua, công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Trong đó triển khai hiệu quả các biện pháp để kiểm soát tốt dịch COVID-19 trên toàn quốc; công tác hoàn thiện thể chế được chú trọng, đẩy mạnh; chất lượng khám chữa bệnh tiếp tục được duy trì; ứng dụng công nghệ thông tin được đẩy mạnh.
Nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra cho năm 2022 đạt và vượt, như: tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng là 19,0% chỉ tiêu là 20,4%; tỷ lệ dân số được quản lý sức khỏe đạt 70%; tỷ lệ trạm y tế xã, phường, thị trấn có bác sỹ làm việc là 94%; số bác sĩ trên 10.000 dân đạt 10 bác sỹ; số giường bệnh trên 1 vạn dân đạt khoảng 30,5 giường bệnh chỉ tiêu là 29,5/10.000.
Tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị chưa được xử lý dứt điểm
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước Thủ tướng chúc mừng những thành tựu mà ngành Y tế đã đạt được trong những năm qua, Thủ tướng đề nghị cán bộ, nhân viên y tế trên toàn quốc tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang, thực hiện hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là các Nghị quyết 20, 21 về bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân và công tác dân số trong tình hình mới.
Bên cạnh đó, Thủ tướng đã chỉ ra những khó khăn thách thức và những tồn tại, hạn chế của ngành y tế như: hệ thống thể chế, chính sách trong lĩnh vực y tế còn bất cập, nhiều quy định chưa rõ ràng, chưa bao quát được hết các khía cạnh như trong việc mua sắm, đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế, đầu tư….
Năng lực của hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng còn hạn chế. Tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến cuối, tuyến Trung ương. Công nghiệp dược, thiết bị y tế chưa đáp ứng yêu cầu, tính chủ động chưa cao, còn phụ thuộc vào nước ngoài. Thu nhập, chế độ, chính sách đãi ngộ đối với cán bộ y tế còn bất cập, đời sống một bộ phận cán bộ y tế còn nhiều khó khăn. Tình trạng thiếu thuốc điều trị, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế ở một số bệnh viện, địa phương chưa được xử lý dứt điểm.
Về nhiệm vụ thời gian tới Thủ tướng yêu cầu ngành y tế phải đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết. “Thương yêu, săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn. Lương y phải như từ mẫu”. Làm việc phải thực chất, “nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật, Nhân dân được thụ hưởng thật”.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu phải tiếp cận phát triển ngành y tế một cách tổng thể, toàn diện cả y tế công lập và y tế tư nhân, không phân biệt công lập hay ngoài công lập. Cần xác định rõ vị trí, tầm quan trọng đặc biệt của mình trong tiến trình phát triển bền vững của đất nước để có những bước đi, những đóng góp phù hợp, xứng đáng.
Các cán bộ, công chức, viên chức người lao động ngành Y cần chung sức, đồng lòng vì sức khỏe, tính mạng của đồng bào theo lời Bác Hồ đã dạy. “Trước hết là phải thật thà, đoàn kết. Đoàn kết là sức mạnh, vượt được mọi khó khăn, giành được nhiều thành tích. Đoàn kết giữa cán bộ cũ và cán bộ mới. Đoàn kết giữa tất cả những người trong ngành y tế từ các bộ trưởng, thứ trưởng, bác sĩ, dược sĩ cho đến các anh chị em giúp việc...” - Thủ tướng nói.
Ngành triển khai công tác có trọng tâm, trọng điểm; xác định những việc quan trọng, cấp bách, cần giải quyết ngay; bảo đảm thực hiện tốt những công việc thường xuyên; ứng phó hiệu quả với những vấn đề phát sinh; có lộ trình, kế hoạch và phân công trách nhiệm cụ thể đối với các nhiệm vụ trung hạn và dài hạn.
Mọi cán bộ, nhân viên y tế đều phải khắc ghi và hành động theo 12 điều y đức khi làm nhiệm vụ; không ngừng trau dồi kiến thức, chuyên môn nghiệp vụ, tăng cường y đức, làm giàu y lý, nâng cao y thuật.
Khuyến khích, bảo vệ những cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung
Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt, cùng các bộ, ngành, địa phương tiếp tục bám sát tình hình dịch COVID-19; triển khai đồng bộ, hiệu quả chương trình phòng chống dịch COVID-19 và các nội dung về y tế trong chương trình phục hồi và phát triển theo các Nghị quyết của Chính phủ; chủ động, sẵn sàng cho mọi tình huống, dứt khoát không để dịch bệnh bùng phát trở lại.
Nâng cao nhận thức về yêu cầu tiêm vaccine, tập trung đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine an toàn, khoa học, hiệu quả. Tiếp tục triển khai hiệu quả 03 trụ cột chống dịch là xét nghiệm, cách ly, điều trị; thực hiện nghiêm 2K+ vaccine, thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân + các biện pháp khác.
Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng Đảng bộ Bộ Y tế thực sự trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng, đảng viên. Đẩy mạnh học tập tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị.
Thủ tướng lưu ý tiếp tục quan tâm kiện toàn lãnh đạo Bộ và lãnh đạo y tế các cấp; khuyến khích, bảo vệ và phát huy vai trò của những cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung. “Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”. Các lãnh đạo Bộ phải thực sự là những tấm gương sáng về mọi mặt, từ đó xây dựng đội ngũ cán bộ, thầy thuốc thật sự bản lĩnh, vững vàng về chính trị, tinh thông về chuyên môn, giỏi về nghiệp vụ, hiệu quả trong công tác" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Cùng với đó khẩn trương rà soát, nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách y tế cho cả trước mắt và lâu dài; quan tâm động viên, nâng cao chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ y tế; quan tâm phát triển hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng kết hợp ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ. Thực hiện đổi mới mạnh mẽ tài chính, bảo hiểm y tế. Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; tiếp tục đổi mới lề lối làm việc, cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước. Tăng cường phân cấp, phân quyền, công khai, minh bạch và chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Phải đổi mới và nâng cao hiệu quả thông tin truyền thông liên quan tới bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khoẻ nhân dân
Thủ tướng nhấn mạnh, công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân thì nòng cốt là ngành Y tế nhưng đây cũng là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị. Các bộ, ngành, cơ quan cần tăng cường phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế, trước mắt là xử lý các vấn đề cấp bách như mua sắm, đấu thầu, đầu tư, thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, chế độ, chính sách đối với cán bộ, nhân viên ngành Y tế…; đồng thời phối hợp tham gia xây dựng thể chế, chính sách y tế./.