Cụ thể, sự chuyển dịch ấy trở nên rõ nét trong vài năm trở lại đây, khi tỷ lệ trang trại, khu công nghiệp đã chiếm trên 45% về quy mô sản xuất và trên 55% về sản lượng. Loại hình kinh tế này tạo ra được hàng triệu việc làm, góp phần cải thiện sinh kế cho người dân khu vực lân cận, đồng thời đóng góp vào việc hình thành, phát triển của nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, cũng như sự thay da đổi thịt của khu vực nông thôn.
Năm 2023, giá trị tăng trưởng của ngành chăn nuôi ước đạt gần 6%, đóng góp khoảng 26% vào GDP nông nghiệp. Chăn nuôi lợn, lĩnh vực chủ lực, tăng trưởng hơn 4%, giữ đàn lợn cả nước ở ngưỡng 30 triệu con. Ngoài ra, đàn gia cầm cũng tăng trưởng gần 3%, với tổng đàn lên tới hơn 550 triệu con. Từ chỗ phải nhập khẩu, ngành chăn nuôi đã đảm bảo nguồn cung ứng thịt, trứng, sữa cho 100 triệu dân và tăng dần giá trị xuất khẩu.
Bên cạnh để thúc đẩy chăn nuôi phát triển nhanh, bền vững, ngoài đẩy mạnh nghiên cứu khoa học để chọn tạo ra những giống vật nuôi có năng suất, chất lượng, sản xuất theo quy mô công nghiệp thì khai thác và phát triển nguồn gen giống vật nuôi bản địa theo hướng sản xuất hàng hóa cũng cần được quan tâm. Những cái tên như gà đồi Tiên Yên, gà đồi Phú Bình, lợn sạch Tân Yên; mật ong Hà Giang, vịt bầu Minh Hương… xuất hiện ngày một nhiều trên thị trường. Không hề quá khi nói rằng, nhóm đặc sản địa phương này định hình một bản sắc Việt Nam cho lĩnh vực chăn nuôi.
Tuy nhiên, do chủ yếu nuôi theo quy mô nông hộ, nên số lượng những sản phẩm có thương hiệu này hạn chế, khó tuân thủ theo quy trình chăn nuôi an toàn sinh học cũng như phòng chống dịch bệnh. Đặc biệt, giá thành phẩm cũng chưa thật sự khác biệt so với sản phẩm thông thường, khiến người nuôi dễ tâm tư.
Theo TS Nguyễn Văn Trọng, nguyên Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho rằng cơ quan quản lý, doanh nghiệp nên có những chương trình hỗ trợ người dân xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cho các giống vật nuôi bản địa chất lượng cao, có lợi thế gắn với du lịch sinh thái. Cùng với đó, quản lý và sản xuất giống vật nuôi theo tháp giống gắn với mã định danh quốc gia.
Đặc biệt, năm 2017, ngành chăn nuôi gây tiếng vang lớn khi nhân bản thành công lợn ỉ bằng kỹ thuật cấy chuyển nhân tế bào soma. Ngoài ra, ngành chăn nuôi cũng làm chủ được công nghệ cấy phôi tươi, phôi đông lạnh trên lợn nái sinh sản với kết quả lợn nái đã sinh trung bình 12 - 16 con/ổ. Kết hợp với việc nghiên cứu phân tích đa hình các gen ứng cử liên quan đến tính trạng sản xuất của vật nuôi như tốc độ sinh trưởng, chất lượng thịt và số con sơ sinh sống/lứa của lợn, khoa học công nghệ chắc chắn sẽ thổi một luồng sinh khí về công nghệ lai tạo cho đàn vật nuôi ở các địa phương.