"Tình cảm" chỉ là cách nói

Từ tối qua (4/4/2025) tới giờ, mặc dù là ngày nghỉ, chuẩn bị đón Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, nhưng trên báo chí và mạng xã hội nóng rần rật câu chuyện Tổng Bí thư Tô Lâm điện đàm tới Tổng thống Mỹ Donald Trump trao đổi về việc Mỹ áp thuế đối ứng quá cao đối với Việt Nam.

Ngay sau đó, ông Trump lại chia sẻ trên Truth Social về cuộc điện đàm này. Ông viết: “Vừa có cuộc điện đàm rất hiệu quả với Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm, người đã nói với tôi rằng Việt Nam muốn cắt giảm thuế quan xuống bằng KHÔNG, nếu đạt được thỏa thuận với Hoa Kỳ. Tôi thay mặt đất nước chúng tôi cảm ơn ông ấy và nói rằng tôi mong chờ một cuộc gặp gỡ trong tương lai gần”.

dt1-hd1-1743843120.jpg
 

Có thể nói những ai quan tâm chuyện kinh tế, chính trị đất nước đều bày tỏ hoan nghênh Tổng Bí thư đã xuất hiện đúng lúc. Ông Tô Lâm hiện là người có vị trí quyền lực nhất trong hệ thống chính trị Việt Nam. Nếu đúng như lời cựu Tổng thống Donald Trump chia sẻ thì đây sẽ là một bước tiến lớn trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Mỹ. Việc Việt Nam muốn cắt giảm thuế quan xuống bằng 0 cho hàng hóa Mỹ, nếu đạt thỏa thuận sẽ là một tín hiệu mạnh mẽ, cho thấy thiện chí và mong muốn tăng cường hợp tác hai chiều.

Ông Trump đã có phản hồi rất đúng “phong cách” thường ngày, ngắn gọn, rõ ràng, cảm ơn, hẹn gặp...

Nhưng phần lớn bạn bè tôi nghĩ rằng, ông ấy nói xã giao vậy thôi. Cũng có thể coi đây là “đòn gió” chiến lược để mở đường đàm phán, chứ chưa chắc đã phản ánh những bước đi sắp được triển khai. Nếu Việt Nam được giảm thuế xuống bằng 0 cho hàng hóa Mỹ, thì các nước trong khu vực như Lào, Campuchia, Thái Lan, thậm chí cả Trung Quốc sẽ nhìn nhận ra sao? Sẽ có chuyện mất cân bằng lợi ích, và Mỹ cũng sẽ phải đối mặt với áp lực từ các đối tác thương mại khác.

Ấy là trong bối cảnh Mỹ đang cạnh tranh gay gắt với Trung Quốc ở khu vực Đông Nam Á, những tuyên bố kiểu này có thể là một phần của “nước cờ” để kéo Việt Nam về gần hơn với Mỹ. Nó vừa mang tính chính trị, vừa là đòn bẩy thương mại.

Vì thế có chuyên gia nhận định, lúc này chúng ta phải “vừa công, vừa thủ”, tận dụng cơ hội nhưng không để mất thế chủ động. Vì sao phải tiến công, là vì Việt Nam đang có vị trí địa chính trị ngày càng quan trọng cả về kinh tế lẫn an ninh. Mỹ và nhiều nước đang muốn tăng cường quan hệ với chúng ta, nên phải biết tận dụng “thời thế” để đàm phán có lợi cho quốc gia. Nhưng đồng thời, nếu quá sốt ruột, lùi quá sớm, thì dễ rơi vào tình thế bị lệ thuộc hoặc nhượng bộ nhiều hơn trong các thỏa thuận thương mại, công nghệ, quốc phòng... Trên bàn đàm phán quốc tế, chuyện “tình cảm” chỉ là cách nói, lợi ích mới là điều quyết định.

H.Đ