Toàn tuyến đèo Prenn mới rộng thênh thang với mặt đường đẹp mắt đã chính thức thông xe

Sau 10 tháng tạm đóng cửa thi công, đúng 8 giờ sáng nay, 31/1, toàn tuyến đèo Prenn mới rộng thênh thang với mặt đường đẹp mắt đã chính thức thông xe, đưa vào phục vụ. Tỉnh Lâm Đồng kỳ vọng việc nâng cấp và mở rộng đường đèo Prenn không chỉ là một công trình giao thông mà còn là một dấu mốc quan trọng trong sự phát triển của Đà Lạt.
424643593-381418207814024-5621965816533035525-n-1706755167.jpg

Đèo Prenn Đà Lạt đã trở thành tuyến đường đèo có quy mô mặt đường rộng nhất trong các cung đường đèo ở Việt Nam

Sau khi nâng cấp, đường đèo có bề rộng mặt đường hơn 14m, dọc đường sẽ có nhiều điểm đỗ xe, ngắm cảnh. Dự án có tổng mức đầu tư 550 tỉ đồng, do Ban Quản lý dự án giao thông tỉnh Lâm Đồng làm chủ đầu tư. Trước khi có dự án này, đèo Prenn đã trải qua nhiều đợt nâng cấp, tuy nhiên bề rộng mặt đường không thay đổi nhiều, chỉ rộng khoảng 7m và dài 7,4km khiến tuyến đường đèo trở thành điểm nghẽn giao thông ngay cửa ngõ Đà Lạt.

424577211-6838828496246377-5449270419633603146-n-1706755167.jpg

Đúng 8 giờ sáng nay, 31/1, toàn tuyến đèo Prenn mới rộng thênh thang với mặt đường đẹp mắt đã chính thức thông xe

Đồng thời, đèo Prenn Đà Lạt đã trở thành tuyến đường đèo có quy mô mặt đường rộng nhất trong các cung đường đèo ở Việt Nam, với mặt đường rộng 14,5m, 4 làn xe - tương đương quy mô đường cao tốc hạn chế (đầu tư giai đoạn 1). Sau thời điểm ấn định thông xe toàn tuyến, cơ quan chức năng cho phép tất cả các phương tiện giao thông (trừ ô tô tải) lưu thông 2 chiều trên tuyến đường đèo Prenn Đà Lạt. Tốc độ lưu thông tối đa trên tuyến đường đèo Prenn không quá 60km/h.

Một số khúc cua ngoặt nguy hiểm trên đèo Prenn sẽ được nắn thẳng để mở rộng tầm nhìn. Đặc biệt, "khúc cua tử thần" tại lý trình Km224+854 được nắn thẳng bằng cầu cải tuyến, xóa sổ điểm đen tai nạn giao thông trên tuyến.  Bên cạnh cầu cải tuyến, 'khúc cua tử thần' chưa phá bỏ cho thấy hình ảnh đối nghịch giữa một đoạn đường dốc, ngoằn nghèo và một đoạn đường được làm trên mặt cầu cạn thẳng băng.

Vì cung đường đèo này đẹp, nên trong giai đoạn tiếp theo, tỉnh Lâm Đồng sẽ tính toán phương án để bổ sung các điểm vọng cảnh, điểm dừng đỗ xe để du khách có thể ngắm cảnh. Đây là hạng mục có trong dự án, tuy nhiên phải tạm dừng để đánh giá về tính an toàn giao thông trên đường đèo, cũng như đáp ứng sức ép tiến độ thông đèo.

Bên cạnh đó, công an tỉnh Lâm Đồng được giao có trách nhiệm chỉ đạo lập các chốt giao thông trên tuyến đường đèo Prenn để hướng dẫn giao thông; đồng thời trực đảm bảo an toàn và điều tiết giao thông từ ngày 31.1 đến hết ngày 3.2 và từ ngày 10.2 đến hết ngày 12.2 (mồng 1, 2, 3 Tết Nguyên đán 2024). Lực lượng Cảnh sát giao thông phải thường xuyên tuần tra, kiểm tra đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên tuyến đường đèo Prenn để kịp thời điều tiết, hướng dẫn, phân luồng giao thông phù hợp với tình hình thực tế.

Ngoài ra, đường đèo Prenn có vai trò quan trọng trong giao thông của TP Đà Lạt, là tuyến đường trục quốc lộ và đường giao thông đối ngoại. Với tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh và sự gia tăng của phương tiện lưu thông, việc nâng cấp và mở rộng đèo Prenn đã tạo ra một trục giao thông đối ngoại quan trọng, kết nối nhanh chóng giữa Cảng hàng không quốc tế Liên Khương với các tuyến đường nội đô thuộc trung tâm TP Đà Lạt. Cũng như, đèo Prenn không chỉ là cửa ngõ quan trọng ra vào thành phố Đà Lạt mà còn là cung đường có nhiều điểm du lịch hấp dẫn. Việc nâng cấp và mở rộng đường đèo này sẽ góp phần phát triển kinh tế - xã hội, văn hoá, du lịch và quốc phòng - an ninh trên địa bàn thành phố.

Hơn nữa, với việc thông xe toàn tuyến đèo Prenn này, "nút thắt" giao thông vào ra TP.Đà Lạt đã được tháo gỡ, giải quyết được tình trạng kẹt xe cục bộ nơi cửa ngõ TP này, nhất là trong các dịp lễ, tết thường rất đông khách du lịch đến đây.