TP. Đà Nẵng: Dấu ấn nông nghiệp đô thị

Mấy năm gần đây, nhất là khi Chỉ thị 12/2006/CT-UBND của UBND thành phố Đà Nẵng về cấm nuôi gia súc gia cầm ở khu vực nội thị có hiệu lực, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi diễn ra khá sôi động.

Nông nghiệp đô thị tạo ra lượng của cải trị giá khoảng 40 tỷ đồng/năm

Khai thác tối đa tiềm năng đất đai, phát huy lợi thế về thị trường, công tác khuyến nông đã mở ra nhiều hướng làm ăn mới cho khu vực đô thị và vùng ven. Thành quả đáng kể nhất phải kể đến đó là sinh vật cảnh, rau mầm, nấm ăn phát triển nhanh cả chất và lượng. Hàng trăm hộ nông dân không chỉ tạo ra sản phẩm giá trị mà còn có cơ hội làm giàu.

hoasung-1679444374.jpg

Ông Nguyễn Văn Quý ở phường Hoà Cường Bắc, quận Hải Châu là người đi tiên phong trong lĩnh vực hoa cây cảnh. Bằng bàn tay tài hoa, sự sáng tạo và cần mẫn, hàng chục năm nay ông dày công tạo nên vô số cây cảnh rất giá trị. Lần nào tham dự Hội thi nghệ thuật hoa viên, bon sai của ông cũng chiếm vị trí đầu bảng.

Là người nhạy bén với cơ chế kinh tế thị trường, nắm bắt kịp thời nhu cầu khách hàng, ông đầu tư hợp lý vào việc tạo dáng cây, dáng hoa. Nay công ty TNHH cây cảnh Văn Khoa do ông làm giám đốc là nơi sản xuất cây cảnh lớn nhất Đà Nẵng. Tại đó, liên tục có gần 30 nhân công suốt ngày cần mẫn chăm sóc hoa cây cảnh, lợi nhuận trên 1 tỷ đồng/năm. Cũng từ cơ sở ở số 3 đường Duy Tân này, hàng trăm nông dân tiếp cận với hoạt động sinh vật cảnh. Trung tâm Khuyến ngư nông lâm cùng Phòng Kinh tế quận Hải Châu đã mở hàng chục lớp tập huấn kỹ thuật hoa viên ngay tại khu vực sản xuất của công ty. Nhờ vậy, hoa cây cảnh ở Đà Nẵng phát triển rất nhanh.

Hiện, quận huyện nào cũng có Hội sinh vật cảnh và khu trưng bày sản phẩm. Có hộ trồng tới 10 nghìn chậu cúc/vụ, hơn 5.000 gốc mai cảnh, thu nhập 300-400 triệu đồng/năm. Phải nói rằng, sinh vật cảnh ở Đà Nẵng khởi sắc trông thấy kể từ ngày nông dân được đi tham quan học hỏi từ các địa phương khác, nhất là ở thành phố Hồ Chí Minh. Hiện, trên địa bàn thành phố có khoảng 300 hộ hoạt động trong lĩnh vực này, tạo ra lượng của cải trị giá 3-4 chục tỷ đồng/năm.

Cách đây dăm bảy năm, khi các đô thị lớn thú chơi cá cảnh đã thịnh hành thì ở Đà Nẵng chỉ lèo tèo vài ba chục cơ sở quy mô nhỏ. Không chần chừ, Trung tâm Khuyến ngư nông lâm, Hội nông dân đã khẩn trương vào cuộc. Hàng chục người đã vào thành phố Hồ Chí Minh tham quan học hỏi kinh nghiệm. Khi trở về họ không quên đem theo nhiều loại giống cá mới lạ, giá trị. Tiếp theo đó, các lớp tập huấn kỹ thuật được mở. Chẳng mấy chốc, cá cảnh, thú thưởng ngoạn hấp dẫn của người dân đô thị phát triển rất nhanh, từ vài chục cơ sở (2005), tăng lên trên 100 cơ sở (đầu 2008). Hàng chục cơ sở đã sản xuất được con giống và họ đang ăn nên làm ra nhờ hoạt động mới mẻ này. Cơ sở của anh Nguyễn Văn Trinh ở phường Thanh Bình (Hải Châu) mỗi năm xuất bán hàng vạn con cá giống la hán, thu 120-150 triệu đồng.

Ông Nguyễn Minh Trường, ở tổ 12 phường Bình Thuận (Hải Châu) có cách đi khá độc đáo khi sản xuất nông sản sạch ngay tại ngôi nhà mình trong hẻm sâu đường Hoàng Diệu. Đầu năm 2007, trong một lần vào thành phố Hồ Chí Minh, ông tiếp cận được với công nghệ sản xuất rau mầm. Không ngờ loại rau cực ngắn ngày ấy cho ông cơ hội làm giàu. Hiện mỗi ngày ông xuất bán 20-30 kg, thu 6-7 trăm nghìn đồng. Tại ngôi nhà không có gì rộng rãi cho lắm, khay đựng rau mầm chất trên giá đặt kín cả trên tầng, hành lang, ban công. 4-5 người suốt ngày tất bật vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu loại rau sạch này cho khách hàng. Tiếng lành đồn xa. Chương trình khuyến nông đô thị vào cuộc. Ông Trường trở thành người hướng dẫn kỹ thuật cho hàng trăm nông dân. Nay thì loại nông sản sạch này, nhiều hộ đã sản xuất với sản lượng không nhỏ. Ông Tường chuyển sang sản xuất đất sạch phục vụ nhu cầu trồng rau mầm.

Không thể kể hết các chương trình khuyến nông đô thị đã chuyển giao cho nông dân khu vực nội thị. Chỉ biết rằng chương trình nào cũng tạo được thành quả đáng phấn khởi. Ông Võ Đắc Tín, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến ngư nông lâm thành phố Đà Nẵng cho hay: Không cứ gì ở vùng nông thôn mới sản xuất ra nông sản mà ngay cả vùng nội thị cũng sản xuất rất thành công, nếu tận dụng tối đa không gian hẹp ở mỗi gia đình, thực hiện các chương trình phù hợp với khả năng điều kiện của họ. Hiện tại không ít hộ trồng rau sạch trên tầng thượng, quanh năm không những dư ăn mà còn cung cấp cho các hộ trong khu vực. Lĩnh vực sinh vật cảnh với việc tạo ra sản phẩm giá trị, độc đáo đáp ứng nhu cầu rất lớn của người dân đô thị, là cơ hội cho nhiều hộ làm giàu. Sắp tới, khuyến nông đô thị sẽ mở ra nhiều chương trình thiết thực hiệu quả hơn, để người dân làm ra nông sản chất lượng cao ngay không gian hẹp nơi ở của mình.