Tri thức hóa nông dân hướng tới nền nông nghiệp bền vững

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, cùng với sự chạy đua của cuộc cách mạng 4.0, đặt ra yêu cầu người nông dân phải là người vừa có tri thức, kỹ năng sản xuất, vừa có tư duy về kinh tế. Không còn con đường nào khác, phải tri thức hóa người nông dân. Cần có đội ngũ nông dân chuyên nghiệp để hình thành nền nông nghiệp chuyên nghiệp
ca-phe-6-1699325394.jpg

Nông dân thu hoạch cà phê

Với một nền nông nghiệp đang đi lên, giữ thế mạnh xuất khẩu nhiều loại nông sản ra thị trường thế giới, nông dân Việt Nam có vai trò rất quan trọng để thúc đẩy nông nghiệp phát triển theo nhu cầu thị trường. Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nông dân Việt Nam chiếm 70% dân số, là lực lượng cung ứng 89% lương thực, thực phẩm tiêu dùng cho cả nước, chiếm hơn 40% nhân lực lao động toàn xã hội. Do đó, để có một nên nông nghiệp bền vững, nguồn thực phẩm an toàn, nông dân phải phát huy vai trò của mình trong xu thế hội nhập hiện nay.

Tri thức hóa người nông dân

Nông dân chuyên nghiệp trước hết phải là người có tâm, biết nghĩ đến sức khoẻ của người khác, không là tổn thương lợi ích chung của cộng đồng, là người có kiến thức và hành động vì một nền nông nghiệp phát triển bền vững cho hôm nay và cho thế hệ tương lai. Đồng thời, nông dân chuyên nghiệp là người biết sản xuất ra những sản phẩm thị trường cần, chứ không phải sản xuất theo ý của mình; là người vừa có kiến thức, kỹ năng sản xuất, vừa có tư duy kinh tế”.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng nhấn mạnh, nông dân trước đây sản xuất manh mún, nhỏ lẻ. Với yêu cầu của thực tiễn hiện nay, phải mở rộng quy mô sản xuất. Muốn mở rộng quy mô sản xuất, thì phải biết hợp tác với nhau. Nông dân chuyên nghiệp là người hiểu rõ sức mạnh của tinh thần hợp tác, tự nguyện tham gia vào các tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã.

Mặt khác, người nông dân muốn suy nghĩ lớn, nhìn xa hơn thì phải vượt qua ranh giới làng xã, kết nối với không gian liên xã, liên huyện, liên tỉnh, liên vùng. Trong không gian kết nối đó, người nông dân được tiếp xúc với các nhà khoa học, chuyên gia, doanh nghiệp, được cung cấp kiến thức, kỹ năng, tư vấn… Do vậy, nông dân chuyên nghiệp là người có tư duy mở, luôn mong muốn mở rộng không gian giao tiếp, chủ động tạo lập các mối quan hệ xã hội.

Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi

Trải qua 34 năm, ​phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghiệp bền vững” đã phát triển trở thành phong trào quần chúng sâu rộng trong cả nước, từ đây xuất hiện nhiều gương sáng nông dân đã và đang đóng góp tích cực vào mọi lĩnh vực đời sống, xây dựng hình ảnh đẹp của người nông dân trong thời kỳ hội nhập.

Đặc biệt, ngày càng có nhiều hộ nông dân giỏi có quy mô sản xuất lớn, có vốn kinh doanh hàng trăm tỷ đồng, thu hút hàng chục, hàng trăm lao động, thu nhập hàng năm từ hàng trăm triệu đồng đến hàng chục tỷ đồng.

Theo ông Lương Quốc Đoàn, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam cho biết, trung bình hàng năm, số lượng hội viên nông dân đăng ký đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp tăng 4,3%, đạt 6,21 triệu lượt hộ đăng ký, chiếm 53,4% so với tổng số hộ nông dân cả nước. Tổng số hộ nông dân được công nhận danh hiệu hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp hàng năm của giai đoạn 2017 - 2023 là 3,61 triệu hộ, chiếm 58,1% số hộ đăng ký.

Cùng với nông dân cả nước, hàng năm, các nông dân giỏi đã đóng góp hơn 10.000 tỷ đồng, 3 triệu ngày công lao động và sẵn sàng hiến hàng trăm hecta đất để xây dựng nông thôn mới. Hiện, phong trào đã được đưa vào nội dung trong thực hiện “Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025”. 

Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức, đặc biệt là sau đại dịch Covid-19, song phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi vẫn thu được nhiều kết quả đáng tự hào, góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước và địa phương, nhất là khu vực nông nghiệp, nông thôn. Từ đó, tạo tiền đề đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và hội nhập quốc tế.