TS. Lê Thành Ý: Triển khai chính sách giao đất giao rừng để rừng có chủ

10/06/2022 13:45

Rừng là nguồn tài nguyên sinh thái, có giá trị to lớn cho sự phát triển kinh tế xã hội và đời sống của cộng đồng dân cư. Rừng đóng vai trò quan trọng trong thích nghi với biến đổi khí hậu (BĐKH) thông qua chức năng môi trường như chống xói mòn, đảm bảo tuần hoàn nước.

Lâm sản và lâm sản ngoài gỗ còn là nguồn dinh dưỡng quan trọng đối với người dân sống ở gần rừng. Rừng giữ vai trò xã hội quan trọng, góp phần tạo công ăn việc làm và nâng cao thu nhập. Ở Viêt Namkhoảng 25 triệu người sinh sống với 20% đến 40% thu nhập hàng năm đến từ rừng. Vai trò của rừng được thể hiện đặc biệt tại những vùng sâu, vùng xa. Trên vùng núi cao, nơi tới 10% dân cư sống bên trong hoặc gần các khu rừng trên diện tích khoảng 12 triệu hecta, họ là người dân tộc, số đông thuộc diện ngươi nghèo (Viện KHLâm nghiệp VN 2009; NDF/GEP 2017).

u1-1634114791.jpg Vẻ đẹp của Rừng Cúc Phương

Theo tổ chức FAO, Việt Nam là nước có tỷ lệ đất rừng và trữ lượng gỗ bình quân đầu người thấp trên thế giới. Giai đoạn từ 1943 đến1995, tỷ lệ rừng che phủ của Việt Nam đã giảm từ 43% xuống còn chỉ 27,2%. Từ năm 2001 đến 2017, thống kê trên 10 vùng trong cả nước, tổ chức Global Forest Watch (GFW) cho biết; khoảng 29% diện tích rừng, bao gồm cả rừng tự nhiên và rừng trồng đã bị mất (Opendevelopment 2020)

Vào cuối thập niên 1980, khi Chính phủ Việt Nam quyết định chuyển đổi nền kinh tế từ kế hoạch hóa tập trung sang theo định hướng thị trường, một số cải cách lớn đã diễn ra. Luật Bảo vệ và Phát triển rừng được thông qua năm 1991 có nhiều thay đổi, đã chuyển từ một phân ngành do nhà nước kiểm soát chẽ thành phân ngành do cộng đồng quản lý. Luật này được sửa đổi những năm sau này, đưa vào một số yếu tố phát triển rừng bền vững trong quá trình rà soát.Theo đó, đã và đang khuyến khích sự tham gia tích cực của các cá nhân. Rừng được giao cho cả tổ chức và cá nhân; khuyến khích sự tham gia của khối tư nhân trong việc bảo vệ rừng và sản xuất lâm nghiệp. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, diện tích rừng do nhà nước quản lý đã giảm từ 80,1% năm 2001 xuống còn 45,2% trong  năm 2015, trong khi đó, nhóm tư nhân có sự gia tăng tương ứng từ 19.9% lên 54.8%. Hộ gia đình và cá nhân đã được bàn giao 3.146 nghìn ha rừng và đất rừng. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề. Việc thay đổi và tái cấu trúc tổ chức còn chậm, các công ty lâm nghiệp còn chưa tự lực, nguồn lực tài chính không ổn định và người sở hữu rừng chưa có động lực để bảo vệ rừng.

u2-1634114823.jpg Rừng Khộp ở Yok Đôn

Trong thập kỷ qua, Việt Nam được ghi nhận đã nỗ lực đáng kể trong quản lý và bảo vệ rừng. Theo định nghĩa chính thức của Việt Nam, trong tổng diện tích rừng là 14.377,7 ngàn ha, có 10.242,1 ngàn ha diện tích là rừng tự nhiên và diện tích rừng trồng lại là 4.135 ngàn ha. Diện tích rừng bị tàn phá giảm 70% trong giai đoạn 2011-2015 so với giai đoạn 2005-2010. Nhờ đó, tỷ lệ che phủ rừng đã đạt 41,2% vào năm 2016, gần bằng tỷ lệ của năm 1943. Việt Nam hiện là nước duy nhất trong khu vực sông Mekong đã tăng trưởng liên tục độ tàn che trong ba thập kỷ vừa qua. Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 ổn định đất rừng tự nhiên ở mức tương đương với diện tích đạt được của năm 2020 và tăng tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc lên 45% (Opendevelopment 2020).

Nhìn chung, chính sách lâm nghiệp đã toàn diện hơn, quản lý nhà nước bằng luật pháp đã tiến triển và nhận thức xã hội về rừng được cải thiện. Cộng đồng đã và đang được hưởng lợi từ tăng trưởng rừng, thông qua cải thiện hỗ trợ tài chính và tạo thêm việc làm.Tuy vậy, không phải mọi mục tiêu phát triển, bảo vệ và quản lý rừng bền vững đều đạt được thành tựu như mong muốn. Một số chương trình và dự án quốc gia được triển khai kém và chậm; các cơ quan triển khai chính sách còn thiếu hụt về nhân lực cũng như kiến thức chuyên môn; chính sách sở hữu và sử dụng đất lâm nghiệp còn chưa đồng bộ.

Giao đất, giao rừng (GĐGR) là một trong những chính sách trọng tâm của Nhà nước, được thực hiện từ những năm1990. Theo Luật Đất đai, đất lâm nghiệp được giao cho các đối tượng khác nhau sử dụng, bao gồm nhóm thuộc Nhà nước, các đơn vị vũ trang có tổ chức, ngành nông nghiệp, khoa học công nghệ và các tổ chức ngoài Nhà nước, như hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư và doanh nghiệp…. Với mục đích. tất cả các mảnh đất đều phải có chủ để đảm bảo quản lý, bảo vệ, phát triển và phục hồi rừng hiệu quả. Đến nay, một diện tích lớn rừng và đất rừng đã được giao cho các chủ thể nêu trên.

30 năm đã qua kể từ khi thực hiện chính sách GĐGR,  mặc dù quá trình chưa kết thúc nhưng theo số liệu công bố, thì tiến trình GĐGR đã diễn ra không đồng đều ở các địa phương, Về hiện trạng, vẫn còn một số lớn diện tích rừng và đất rừng “chưa có chủ, hiện đang được các UBND các xã là những cơ quan quản lý nhà nước tại các địa phương quản lý và bảo vệ.

Số liệu được công bố năm 2009 cho thấy, toàn quốc có 2.3 triệu ha rừng được giao cho UBND các xã quản lý. Sau gần một thập niên, con số này không những không giảm mà lại có xu hướng tăng thêm. Vào năm 2020, diện tích rừng và đất rừng do UBND các xã quản lý đã lên tới 2.940.484 ha , tương đương 13% tổng diện tích đất có rừng tại Việt Nam, tăng khoảng 600 nghìn ha so với mười năm trước đó.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến diện tích rừng do UBND xã quản lý không giảm mà ngược lại gia tăng nhanh. Một trong những nguyên nhân quan trọng về quàn lý đất đai và lâm nghiệp là thiếu nguồn vốn và kỹ thuật hỗ trợ cho hoạt động giao rừng. Mặt khác, Chính quyền ở các địa phương, nhất là UBND cấp xã chậm triên khai hoạt động GĐGR để người dân được hưởng những lợi ích từ rừng.. Ngoài ra, trong một số trường hợp, người dân hoặc cộng đồng dân cư không muốn nhận những diện tích rừng nghèo kiệt hay không phù hợp.

u4-1634114855.jpg Rừng U Minh

Với mong muốn thảo luận về hiện trạng và đề xuất giải pháp phù hợp cho loại hình rừng do UBND xã đang quản lý, các tổ chức xã hội về môi trường và quản lý rừng bền vững đang phối hợp cùng Hội Chủ rừng Việt Nam hướng tới tổ chức những Hội thảo nhằm làm rõ hiện trạng rừng do UBND xã quản lý; xác định khoảng trống chính sách, thực tiễn quản lý và đề xuất giải pháp nhằm bảo vệ và phục hồi những diện tích rừng và đất rừng này.

Hy vọng những Hội thảo đề xuất sẽ góp phần tích cực, giúp các tổ chức quản lý nhà nước triển khai hiệu quả chính sách giao đất giao rừng tới người dân trong thời giam tới./.

 

TS. Lê Thành Ý
Bạn đang đọc bài viết "TS. Lê Thành Ý: Triển khai chính sách giao đất giao rừng để rừng có chủ" tại chuyên mục Góc nhìn chuyên gia. Hotline: 0846460404 - Liên hệ Quảng cáo: 0912563309