Trò chuyện với người đóng vai Lê Đức Thọ - Đặc phái viên Bộ chính trị, trong phim "Giải phóng Sài Gòn"

Bộ phim “Giải phóng Sài Gòn” của Đạo diễn Long Vân, được Hãng phim Giải Phóng sản xuất và công chiếu từ năm 2005. Đây là bộ phim sử thi của Việt Nam, với những cảnh quay kinh điển và đại cảnh về chiến trường… được đầu tư kỷ lục tới 12,5 tỷ đồng (số tiền rất lớn thời đó) và thời gian sản xuất dài tới 13 năm (tính từ khi kịch bản được duyệt).

Các nhân vật trong phim là những nhà chính trị, nhà quân sự lỗi lạc như Lê Duẩn, Phạm Hùng; các danh tướng dạn dày trận mạc: Võ Nguyên Giáp, Văn Tiến Dũng, Lê Trọng Tấn, Trần Văn Trà…

Trong phim “Giải phóng Sài Gòn”, vai “Lê Đức Thọ - Đặc phái viên Bộ Chính trị”, chỉ xuất hiện vài phút và thoại rất ít, nhưng đã để lại dấu ấn khó quên. Người đóng vai này không phải là diễn viên điện ảnh chuyên nghiệp, cũng không phải văn nghệ sĩ. Ông làm nghề hoàn toàn không liên quan gì đến diễn xuất và nghệ thuật: Bác sĩ đông y. Đó là GS.TS Dương Trọng Hiếu.

dt1dvh1q-1745982713.jpg

GS.TS Dương Trọng Hiếu (bên phải) và Nhà thơ Đặng Vương Hưng (bên trái).

 

dt2dvh2e-1745982862.jpg

Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Thì ra cơ duyên để Bác sĩ Hiếu được mời vào vai Lê Đức Thọ hết sức tình cờ. Một hôm, Bác sĩ Hiếu đang khám bệnh thì bất ngờ có hai người đàn ông vào gặp. Một người tự giới thiệu là đạo diễn Long Vân, người kia là đạo diễn Hải Ninh. Ông khá bất ngờ, không hiểu có chuyện gì mà hai Đạo diễn điện ảnh nổi tiếng tìm ông? (khi ấy đạo diễn Long Vân đang nổi tiếng với phim “biệt động sài Gòn”; Đạo diễn Hải Ninh nổi tiếng với “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”). Đạo diễn Long Vân bảo: “Chúng tôi tình cờ qua đây, thấy bác sĩ giống một nhân vật mà chúng tôi đang tìm. Chúng tôi trân trọng mời bác sĩ tham gia cùng đoàn làm phim. Rất mong được bác sĩ hợp tác”…

Bác sĩ Hiếu cứ tưởng đạo diễn Long Vân nói đùa. Ông tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội, đã đăng ký Sĩ quan dự bị, sau đó làm việc trong ngành Y đến năm ấy, có biết gì về điện ảnh, sân khấu đâu mà tham gia đóng phim! Thiếu gì diễn viên nổi tiếng sao đạo diễn không mời lại đi mời một ông bác sĩ sắm vai một nhân vật quá nổi tiếng trong lịch sử?

Không ngờ, mấy tháng sau, một cô gái đến Bệnh viện Y học cổ truyền ở phố Nguyễn Bỉnh Khiêm tìm ông, tự giới thiệu là Thư ký của đoàn làm phim truyện “Giải phóng Sài Gòn”. Cô gái cho biết: Đạo diễn Long Vân rằng đã quyết định mời Bác sĩ Dương Trọng Hiếu vào vai “Lê Đức Thọ - Đặc phái viên Bộ Chính trị” và chuyển cho ông kịch bản lời thoại để nghiên cứu trước.

Vai “Đặc phái viên Bộ Chính trị Lê Đức Thọ” được ghi hình tại trường quay Số 4 Thụy Khuê (Hà Nội). Tham gia cảnh quay này có diễn viên trong vai các đồng chí: Phạm Hùng, Lê Trọng Tấn, Trần Văn Trà… Vì cảnh quay ngắn, GS.TS Dương Trọng Hiếu lại quen trả lời trước camera khi làm các chương trình tư vấn sức khỏe trên các đài truyền hình nên đạo diễn chỉ cho quay một “đúp” là xong; không phải diễn lại, quay lại nhiều lần, như nhiều người lần đầu đóng phim.

Dĩ nhiên, là điện ảnh đã tái hiện lịch sử theo ngôn ngữ riêng. Theo nhiều sử sách ghi lại thì tại cuộc họp của Quân ủy miền Nam ngày 7/4/1975, đồng chí Lê Đức Thọ đã thông báo quyết định của Bộ Chính trị về việc thành lập Bộ chỉ huy chiến dịch giải phóng Sài Gòn- Gia Định và nhấn mạnh: “Ta đánh Sài Gòn lúc địch đang ở thế tan rã, không còn ở thế mạnh. Nhưng đây là sào huyệt cuối cùng của chúng. Chúng không có đường chạy, sẽ cụm lại để đối phó. Chúng có 5 sư đoàn, ta có 15 sư đoàn, chưa kể các lực lượng dự bị chiến lược khác. Như vậy chỉ cho phép chúng ta đánh thắng. Đó là ý kiến của Trung ương. Lúc tôi đi, các đồng chí trong Bộ Chính trị nói “Phải thắng, thắng mới trở về”. Đó là quyết tâm của Bộ Chính trị”. Trong hồi ký “Đại thắng Mùa xuân” của Đại tướng Văn Tiến Dũng cho biết: "Khi bàn đến vấn đề bảo đảm hậu cần, đồng chí Phạm Hùng (Chính ủy Chiến dịch) hỏi tình hình đạn dược của ta chuẩn bị đến đâu rồi? Đồng chí Đinh Đức Thiện (Phó tư lệnh, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần) đưa ra bản thống kê số đạn đã nhận được, cùng số đạn đang chở từ các nơi đến và nói: "Xin báo cáo với các anh là đạn của ta đủ bắn để chúng nó sợ tới… ba đời".

Gần đây, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng (từng làm Tổng trưởng Kế hoạch, thành viên nội các của Chính quyền Sài Gòn), hiện đang sống tại Virginia (Mỹ) đã gửi cho đài BBC một bài viết ngắn và cung cấp thêm một chi tiết thú vị: Ngày 1/4/1975 (trước cuộc họp của Quân ủy miền Nam chúng ta đúng một tuần), tức là 2 ngày sau khi mất Đà Nẵng, Tổng thống ngụy quyền Nguyễn Văn Thiệu đã triệu tập một cuộc họp khẩn, với các tướng lĩnh cấp cao nhất gồm Đại tướng Cao Văn Viên (Tổng Tham mưu trưởng), Trung tướng Đặng Văn Quang (Cố vấn Quân sự), Trung tướng Đồng Văn Khuyên (Chỉ huy Tiếp vận). Mục tiêu buổi họp là để bàn cách tái tổ chức lực lượng: chọn một số đơn vị địa phương quân để lập thành hai Sư đoàn bộ binh, nhằm cầm cự được lâu hơn, giúp có được một cái thế để hi vọng có thể điều đình với Quân giải phóng… Sau phần trình bày về tình hình chiến sự, Nguyễn Văn Thiệu bỗng quay sang hỏi trực tiếp Cao Văn Viên: "Hiện giờ này, đạn dược thực sự còn bao nhiêu?". Tướng Viên nói ngay: "Thưa Tổng thống, đạn trong cả bốn kho dự trữ chỉ còn đủ cho 14 đến 20 ngày". Câu trả lời ấy đã khiến Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu cùng cả phòng họp của chính quyền Sài Gòn chìm trong im lặng và đầy lo lắng...

Như vậy, từ số liệu của 2 cuộc họp tối mật, cấp cao nhất của Lãnh đạo Quân giải phóng và Chính quyền Sài Gòn cùng diễn ra trong tháng 4/1975, chỉ cách nhau có một tuần, đã phản ảnh sự bất cân xứng về tiềm lực quân sự và hậu cần vào thời điểm định mệnh, cho thấy so sánh thế và lực của 2 bên hoàn toàn trái ngược nhau. Chiến thắng 30/4/1975 của quân và dân ta là… tất yếu!

Phim “Giải phóng Sài Gòn” được công chiếu lần đầu cách đây tròn 20 năm và thường được chiếu lại vào dịp kỷ niệm 30/4 hằng năm. Nhờ thế, dù chỉ xuất hiện trong vai phụ có vài phút và nói vài câu thoại, nhưng bây giờ, thi thoảng có người gặp GS.TS Dương Trọng Hiếu, họ vẫn gọi vui ông là… “Cụ Lê Đức Thọ”!.

Cũng xin được giới thiệu thêm: GS.TS. Bác sĩ Dương Trọng Hiếu là người dành học vị Tiến sĩ đầu tiên của nền Y học cổ truyền Việt Nam. Trong hơn 50 năm làm việc trong ngành y, ông luôn tôn trọng lý luận kinh điển của y học phương đông kết hợp với kiến thức y học hiện đại nên đã biên soạn và được nhà xuất bản Y học xuất bản 20 tác phẩm (theo cuốn “45 năm Nhà xuất bản Y học Việt Nam, tác giả và tác phẩm”). GS.TS Dương Trọng Hiếu còn thường xuyên tham gia tư vấn sức khỏe trên các kênh truyền hình: VTV2, VTV3, O2TV, AVG, VTC16 và chương trình phát thanh của JoyFM (98,9MHz)… Các chương trình tư vấn sức khỏe của GS.TS Dương Trọng Hiếu đã giúp khán giả tìm hiểu về Y lý phương đông, chức năng các tạng phủ - phòng chữa bệnh thường gặp.

Sau sự kiện tham gia sự kiện tôn vinh và tri ân những người có công với nước của Họ Dương TP. Hà Nội, chúng tôi được mời tới dự bữa cơm thân mật tại nhà riêng của GS.TS Dương Trọng Hiếu tại phố Đặng Thai Mai, quận Tây Hồ và trò chuyện với ông về vai diễn “Lê Đức Thọ - Đặc phái viên Bộ Chính trị” hơn 20 năm trước. Nhân kỉ niệm tròn 50 năm, ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chúng tôi ghi lại câu chuyện này và xin đưa lại đoạn trích trong phim “Giải phóng Sài Gòn” có vai “Đặc phái viên Lê Đức Thọ” và cuộc trò chuyện của GS.TS Dương Trọng Hiếu với Nhà văn Đặng Vương Hưng, được ghi bằng điện thoại.

Ảnh đính kèm: Kỷ niệm với GS.TS Dương Trọng Hiếu và một số thành viên Hội đồng Họ Dương TP. Hà Nội (người ngồi thứ 2, bên phải qua, là Trung tướng Dương Xuân Vinh - nguyên Chính ủy Tổng cục 2 - Bộ Quốc phòng).

Hà Nội, 30/4/2025

TTNL