Truyền thông nên chấm dứt coi thương lái Trung Quốc như tội đồ

Ở chợ bên Trung Quốc có vải Úc, vải Thái nhưng hàng người ta đóng rất chỉn chu, không có chuyện bó lá như Việt Nam, báo chí, truyền thông ta phải hiểu điều đó.

Với tư cách là người trong cuộc, bao nhiêu năm làm hàng nông sản xuất khẩu đi Trung Quốc, bà Nguyễn Thị Thành Thực - Chủ tịch Công ty cổ phần Đầu tư Bagico chia sẻ với Báo Nông nghiệp Việt Nam như vậy…

Tâm lý rất mâu thuẫn

Từ trước đến nay nhiều người Việt Nam luôn ở trong trạng thái tâm lý rất mâu thuẫn, một mặt muốn bán nông sản cho Trung Quốc, một mặt lại ra sức nói xấu thương nhân Trung Quốc, nào là họ mua móng trâu, rễ tiêu, rễ điều, mua đỉa… thì liệu có âm mưu gì chăng? Ý kiến của bà như thế nào về chuyện đó?

Quốc gia nào, dân tộc nào đều có người tốt và xấu, đều có những người làm ăn phi pháp và lừa đảo. Trong lịch sử thì không chỉ có Trung Quốc xưa từng đánh chiếm Việt Nam mà cả Pháp, Nhật, Mỹ cũng đánh ta, cũng đã gây ra bao nhiêu tội lỗi với người dân.

Nhưng thế giới ngày càng đổi mới thì tư duy của ta cũng phải đổi mới theo, khép lại quá khứ để cùng nhau hợp tác, phát triển.

Phải cắt nghĩa tại sao lại có câu chuyện là thương nhân Trung Quốc không tốt, lừa đảo thế này thế nọ?Người ta tuyên truyền thế cũng có cái đúng nhưng không thể từ một vài hiện tượng mà quy kết, nối sâu mối thâm thù. Chưa kể sự tiến bộ của công nghệ, họ lợi dụng người dân, tạo ra những hình ảnh, video giả tạo trên mạng cốt để câu like kiếm tiền từ quảng cáo…

 Bà Nguyễn Thị Thành Thực - Chủ tịch Công ty cổ phần Đầu tư Bagico. Ảnh: Dương Đình Tường.

 Bà Nguyễn Thị Thành Thực - Chủ tịch Công ty cổ phần Đầu tư Bagico. Ảnh: Dương Đình Tường.

Chúng ta luôn mong muốn kết nối với thị trường toàn cầu mà Trung Quốc là thị trường lớn nhất thế giới, không những tiêu dùng trong nước của họ rất lớn mà còn là một trong những quốc gia dẫn đầu ngành thực phẩm chế biến.

Thứ nữa cộng đồng người Hoa trên thế giới chuyên phân phối thực phẩm cho cộng đồng người châu Á cũng như có các cửa hàng, chuỗi bán hàng. Chính vì thế mà họ là đối tác tốt để tiêu thụ nông sản Việt. Phải nhìn nhận khách quan, công bằng để định hướng thị trường và hợp tác với họ.

Sản phẩm của chúng ta cơ bản đều bán cho Trung Quốc trong khi đó hễ nhắc đến họ là ta luôn nhớ đến những cái xấu, cái lừa đảo của một số ít cá nhân thì là điều cực kỳ mâu thuẫn. Bản thân người Trung Quốc làm ăn với mình khi nghe thấy thế họ cũng cảm thấy tự ái chứ?

Chuyện tuyên truyền những sự lừa đảo của thương nhân Trung Quốc có từ chiến tranh tâm lý những năm 1979 trở đi. Khi tôi bắt đầu làm cán bộ ngân hàng ở một huyện miền núi thuộc tỉnh Bắc Giang năm 1987 cũng thấy họ đưa những hàng tâm lý chiến sang cùng với truyền đơn, điều đó khi ấy là rất bình thường.

Thế nhưng, sau này chuyện thương nhân Trung Quốc đi thu mua móng trâu, thu mua đỉa hoàn toàn không phải là lừa đảo bởi thị trường Trung Quốc thích sừng tê giác, nên họ mua móng trâu, sừng trâu về để làm giả sừng tê giác và đỉa khô là vị thuốc của họ. Nhu cầu tiêu thụ của họ là có nhưng theo kiểu một đồn mười, rồi đi buôn bán và lừa lẫn nhau chứ không phải mục tiêu chính là lừa người Việt.

Vải thiều Việt Nam - loại hoa quả người Trung Quốc rất thích. Ảnh: Tùng Đinh.

Vải thiều Việt Nam - loại hoa quả người Trung Quốc rất thích. Ảnh: Tùng Đinh.

Khi hai nước mở cửa thông thương trở lại, từ năm 1995-2005 Việt Nam chủ yếu nhập hàng trái cây Trung Quốc về chứ xuất đi rất ít. Ngược lại, hơn 10 năm nay hàng trái cây Việt Nam xuất sang được Trung Quốc là do người họ sang hợp tác, đặt hàng.

Như ngành thanh long của Việt Nam nếu không có người Trung Quốc thì sẽ không mạnh như vậy. Nhiều vựa trái cây người Việt Nam cũng làm gì có tài chính đủ mạnh? Người Trung Quốc đặt tiền cho mình xây vựa, rồi đặt tiền cho mình mua hàng, rất nhiều ngành hàng của ta đều như vậy.

Những năm 1997-2002, tôi vẫn bỏ tiền mua vải thiều để bán sang Trung Quốc nhưng bắt đầu từ năm 2002 trở đi người Trung Quốc tranh nhau sang Việt Nam mua và đưa tiền sang. Nói thật về cơ bản hàng xuất sang Trung Quốc là tiền của người Trung Quốc đặt tại Việt Nam, họ cho giá trước, họ đặt hàng, họ ứng tiền trước. Những thương lái Việt Nam gọi là thương lái cho sang mồm thôi chứ thực ra là điểm cân thuê lấy công thôi bởi tiền của người ta chuyển sang trả, tất cả chi phí như bao bì, xe, nước đá… người ta chịu, người ta còn trực tiếp đứng ở điểm cân rồi trả giá.

Khu trưng bày các loại trái cây của tỉnh Bắc Giang. Ảnh: Dương Đình Tường.

Khu trưng bày các loại trái cây của tỉnh Bắc Giang. Ảnh: Dương Đình Tường.

Thị trường Trung Quốc giờ đây không còn dễ tính nữa vậy nó khó tính với riêng Việt Nam hay là khó tính chung với các nước xuất nông sản vào họ, thưa bà?

Thật ra công bằng mà nói, cùng những mặt hàng như nhau thì hàng Việt Nam vẫn được ưu ái nhất vì liền biên giới, với những người làm ăn suốt bao năm quen thói quen cũ, không thể một sớm một chiều thay đổi được.

Thứ nữa người Trung Quốc sang đây mua và những người bao biên đem hàng về nói chung vẫn “luồn lách”, “này nọ” được. Thế nên nông sản của Việt Nam vẫn chưa bị giám sát chặt chẽ như nông sản của các nước khác nhập vào Trung Quốc đâu.

Nếu muốn biết rõ điều đó anh phải xâm nhập vào các chợ lớn của Trung Quốc ở sâu trong nội địa bởi các tỉnh biên giới giáp Việt Nam họ cũng tương tự như ta, chợ cũng thế, hàng rong cũng thế. Thế nhưng hệ thống phân phối lớn, tiêu dùng nhiều hàng xứ nhiệt đới nhất là phía Bắc Trung Quốc, khi đến đó anh sẽ thấy các sản phẩm nội địa của họ.

Chúng tôi cũng có đầu tư trồng trọt ở Trung Quốc nên hiểu rằng yêu cầu truy xuất nguồn gốc, mã vùng trồng, mã xưởng… cái mà họ đang yêu cầu Việt Nam phải tuân thủ ấy nói thật chỉ bằng cỡ 10% cái mà ở chợ Trung Quốc, hàng Trung Quốc chúng tôi phải tuân thủ.

Nói chung vẫn còn nhẹ nhàng lắm, vẫn còn nương tay lắm. Ví dụ như năm ngoái vải thiều của ta họ vẫn kiểm tra theo hình thức đầu đuôi, cụ thể đầu xe, đuôi xe, trên mặt xem đã sạch lá hay cắt cuống ngắn hay chưa. Đi đường Hà Khẩu vì chưa có máy móc hiện đại đôi khi hàng vẫn còn dễ qua, nhưng đi đường Tân Thanh, họ siêu âm cả container nên phát hiện ra ngay chuyện dân ta "làm trò".

Khu trưng bày các loại trái cây của tỉnh Bắc Giang. Ảnh: Dương Đình Tường.

Khu trưng bày các loại trái cây của tỉnh Bắc Giang. Ảnh: Dương Đình Tường.

Có những xe vải người Trung Quốc bốc ra kiểm tra, thấy dính có lá, cuống dài là bị trả lại, để đôi ba ngày đành phải đổ đi. Đó là vấn đề hoàn toàn thuộc về Việt Nam. Thế nên năm nay trong hội nhóm thu mua vải ở Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang đã rất kiên quyết bảo nhau, không cắt cuống ngắn, còn sót lá là không mua, có người còn sẵn sàng chấp nhận nghỉ buôn, để người dân phải thay đổi.

Báo chí cần phải hiểu để tuyên truyền chính xác

Thị trường càng khó tính thì khi hàng của ta “vượt rào” lọt qua càng được nâng cao giá trị đúng không, thưa bà?

Vấn đề ở đây là truyền thông, báo chí của ta cũng nhiều khi coi thương lái Trung Quốc như một tội đồ, cho rằng người ta gây khó khăn, làm chuyện nọ chuyện kia. Ví dụ như năm ngoái có lan truyền việc thương lái Trung Quốc chèn ép giá với nông dân Việt Nam nhưng thực ra là hàng của ta không đủ tiêu chuẩn.

Như quả vải, chúng tôi khi đóng hàng phải thuê mấy chục người ngồi nhặt lại lá, loại ra 20-30%, rất mệt. Mà không cân hàng thì nông dân bảo là kiếm chuyện và không đủ số lượng theo chủ Trung Quốc đặt hàng thì cũng không được.

Người dân thay vì cắt luôn cuống cho ngắn, làm sạch lá vải ở vườn, kể cả thống nhất giá cả có lên chút cũng không sao. Thế nhưng họ lại bảo bán theo giá chợ để rồi mua về chúng tôi phải dỡ ra, nhặt, rồi bó lại, rất tốn thời gian, công sức, tỷ lệ hàng hỏng nhiều, tính ra chi phí còn đắt hơn cả việc trả giá thêm mà đóng hàng đủ tiêu chuẩn. Lỗi hoàn toàn do chúng ta chứ không phải do thương nhân Trung Quốc. Ở chợ bên Trung Quốc có vải Úc, vải Thái nhưng hàng người ta đóng rất chỉn chu, không có chuyện bó lá như Việt Nam.

Báo chí, truyền thông cũng như các cơ quan quản lý Nhà nước phải hiểu được điều đó để tuyên truyền cho chính xác, tránh chuyện cứ nói là thương nhân Trung Quốc gây khó khăn này nọ cho nông dân Việt Nam.

Nói thật là không có thị trường Trung Quốc ta sẽ gặp nhiều khó khăn bởi đó là thị trường truyền thống, không chỉ quá tiện mà còn tiêu dùng rất nhiều. Nhưng ngược lại không có hàng nông sản Việt Nam, thị trường Trung Quốc gần như không ảnh hưởng gì cả bởi nguồn cung của ta so với nguồn cung các nước khác và nguồn cung từ nội địa của họ thì không thấm vào đâu.

Cây gì hầu như người Trung Quốc cũng trồng được bởi khoa học kỹ thuật phát triển, đất đai còn rộng mênh mông và chính sách hỗ trợ cho nông nghiệp rất tốt. Hơn thế nữa, hàng của ta bán tỷ lệ cao nhất cho thị trường Trung Quốc là trái cây, cũng không phải loại thiết yếu như lương thực, thực phẩm, không có là không được.

Thanh long của Việt Nam được người Trung Quốc ưa chuộng. Ảnh: TL.

Thanh long của Việt Nam được người Trung Quốc ưa chuộng. Ảnh: TL.

Quan điểm của tôi là phải nghiên cứu sâu hơn về thị trường, tâm lý tiêu dùng, các chính sách, hỗ trợ của Trung Quốc đối với những nguồn cung nhập khẩu và đối với thị trường của họ. Phải hiểu họ đang quản lý trong nội địa như thế nào để mà ta bắt kịp.

Trung Quốc quản lý ngay tại chợ bởi muốn sản xuất hàng hóa thì phải đem ra chợ bán. Chợ ở đây không chỉ là chợ vật lý mà còn là cả hệ thống bán lẻ, chợ online, Nhà nước kiểm soát hết. Ví dụ như vùng như Thọ Quang, Sơn Đông, nông sản mang ra chợ không có tem nhãn sẽ không được bán, và tem nhãn người ta chỉ cấp khi đủ điều kiện mã vùng. Khi không đủ điều kiện mã vùng theo pháp nhân riêng thì phải tham gia vào hợp tác xã (HTX). Mọi hỗ trợ đều thông qua HTX.

Hàng nông sản bán tại các chợ được quy hoạch rất rõ ràng về giao thông, tiền bán hàng đều qua tài khoản ngân hàng (chợ không dùng tiền mặt, phí chợ thu theo giá trị hàng hóa chứ không thu theo đầu tấn, đầu xe như ở ta). Có những hộ trồng cây mà chưa có niềm tin bán hàng xong còn bị giữ tiền trong tài khoản, nếu sau 5 ngày mà không thấy khách phản hồi có vấn đề gì về an toàn thực phẩm mới được trả tiền hàng.  

Những công ty có năng lực thì tích tụ đất của dân bằng cách mua lại, còn dân một là bán đất, hai là làm thuê gia công (trồng theo đơn đặt hàng). Chúng ta chỉ nghĩ đến chăn nuôi gia công, tức làm ra cái chuồng rồi cho các công ty đem con giống, thức ăn, thuốc đến thì trồng trọt của bên vùng Thọ Quang, Sơn Đông, Trung Quốc cũng đang làm như vậy.

Nông dân đầu tư nhà màng, doanh nghiệp đặt trồng cái gì, mang giống, phân bón, hệ thống tưới đến, khi thu hoạch xong lại có đội ngũ dọn vườn chuyên nghiệp tới. HTX có mã vùng trồng phải ký hợp đồng với người có chuyên môn có chứng chỉ về bảo vệ thực vật để theo dõi, quản lý chất lượng và ký hợp đồng với xưởng đóng gói để dán tem nhãn.

Việt Nam ta chưa xây dựng tiêu chuẩn và quản lý chặt được mã vùng trồng và mã xưởng dù Luật Trồng trọt đã được 3 năm rồi. Giờ nhiều đơn vị tư vấn làm VietGAP, GlobalGAP rồi xuất khẩu đứng luôn tên đại diện của mã vùng trồng cũng là điều bất cập. Quan điểm của tôi mã vùng trồng phải là đại diện của các hộ nông dân hoặc doanh nghiệp, HTX có đầu tư trong vùng trồng, liên kết với vùng đó đứng đại diện và cần đưa vào quy định khi cấp. Nhiều địa phương vẫn còn lúng túng trong việc xây dựng mã vùng trồng, mã xưởng đóng gói.

Dưa hấu là mặt hàng xuất khẩu nhiều của Việt Nam. Ảnh:Ảnh: TL.

Dưa hấu là mặt hàng xuất khẩu nhiều của Việt Nam. Ảnh:Ảnh: TL.

"Có lần Bộ trưởng Lê Minh Hoan có hỏi rằng, sản xuất nông sản của Trung Quốc có phụ thuộc nhiều về khí hậu, thổ nhưỡng không thì tôi trả lời gần như không. "Thế thì phụ thuộc cái gì?", Bộ trưởng hỏi tiếp. Tôi trả lời: Phụ thuộc vào quy hoạch vùng, như Vân Nam, Trùng Khánh…chuyên canh rau màu thì họ sẽ đầu tư từ vật tư, dịch vụ đi kèm theo, còn Quảng Đông, Quảng Tây, Phúc Kiến… chuyên canh cây ăn quả thì họ sẽ tập trung vào nghiên cứu giống, hạ tầng đi theo nó, vùng Sơn Đông, Nội Mông có nhiệt độ thấp, họ sẽ đầu tư nhà màng, nhà lưới để sản xuất nông nghiệp công nghệ cao", bà Nguyễn Thị Thành Thực.

Sức ép từ các nước lân cận

Vừa rồi Trung Quốc có hỗ trợ cho Lào làm tuyến đường sắt cao tốc có thể đưa nông sản từ Lào, Thái Lan, Campuchia về nước mình rất tiện, trong khi đó đường sắt của ta đã lạc hậu cả thế kỷ. Vậy bà thấy sức ép cạnh tranh sắp tới sẽ thế nào?

Đường bộ từ Lào sang Trung Quốc, đi từ Viên Chăn lên tới biên giới mất 2 ngày 2 đêm, chi phí đội lên cả trăm triệu/xe nhưng nếu đi tàu cao tốc thì sẽ rất tiện. Đó sẽ là bước đột phá với nông sản xuất đi từ Lào nhưng hàng Việt Nam sẽ khó có khả năng “xếp lốt” vào con đường sắt cao tốc này bởi người ta đã bao toàn bộ khả năng vận tải đó.

Ưu tiên số một là các chủ hàng Trung Quốc chuyên đánh hàng Thái Lan về, sau nữa là hàng của Lào, Camphuchia. Chúng tôi đang rất mong muốn các doanh nghiệp logistic của Việt Nam sớm có mặt ở khu vực tiềm năng này; Xây những khu logistic hay chợ đầu mối hàng Việt Nam tại Viên Chăn bởi đó sẽ là trung tâm giao thương Trung Quốc - Asean, nếu ta không nhanh tìm cách có vị thế thì sẽ bị bỏ lại phía sau.

Hơn thế nữa, Asean cũng là thị trường rất tiềm năng của chúng ta, đường bộ từ Việt Nam đi sang Lào, Thái Lan rồi sang Singapore, Malaysia được. Như riêng khu du lịch Phuket của Thái Lan cũng có 30 triệu du khách/năm, là con số ước mơ mà những sản phẩm của ta hoàn toàn hợp để bán ở đó thì tại sao ta không nghĩ đến trong khi hàng của Thái Lan tràn vào ta khắp các ngõ ngách.

Năm ngoái quả bơ của Việt Nam bán tiểu ngạch vào Thái Lan đã là 30.000 tấn. Nhưng có một thực tế là chi phí logistic, hậu cần, tiền “luật lá” để mang 1 kg bơ từ Tây Nguyên sang đến cửa khẩu của Thái Lan là 5.000đ, sao có thể chấp nhận được? Nếu nhập chính ngạch chắc chi phí chỉ còn 2.000-2.500đ/kg và ta phải xây dựng được thương hiệu cho nông sản của mình, mở kho tại Thái Lan để mà bán buôn nữa.

Ùn tắc xe hàng xuất khẩu cuối năm 2021. Ảnh: Tùng Đinh.

Ùn tắc xe hàng xuất khẩu cuối năm 2021. Ảnh: Tùng Đinh.

Tại sao ta bao nhiêu năm cứ bám vào xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc mà không chuyển sang chính ngạch, thưa bà?

Thực ra xuất chính ngạch không có gì khó khăn cả. Xuất chính ngạch phải có pháp nhân của Việt Nam xuất sang Trung Quốc bằng hợp đồng nhưng tiểu ngạch thì lên cửa khẩu Tân Thanh, chỉ cần một người có chứng minh thư biên giới là một ngày có thể xuất hàng trăm xe hàng.

Chúng ta đang lạm dụng chính sách cư dân biên giới, thứ vốn chỉ dành cho sản phẩm do cư dân hai bên biên giới làm ra, giao thương với nhau chứ không phải theo cách như thế này. Trong khi đó, một cư dân biên giới của Trung Quốc một ngày chỉ được nhập khẩu hàng hóa tương đương với 8.000 nhân dân tệ, chủ hàng bởi thế phải đi gom của rất nhiều người.

Tất cả xuất tiểu ngạch đều không qua dòng tiền chính thống, là kinh tế ngoài luồng mà Trung Quốc đang siết chặt lại, nếu Việt Nam không chuẩn bị cho việc đó thì sẽ rất khó khăn. Có nhiều doanh nghiệp của ta đang xuất sang họ theo dạng đường mòn, lối mở mà thực tế là xuất lậu, tiền chuyển về có nhiều vấn đề.

Xuất chính ngạch chủ hàng Việt Nam và Trung Quốc đều an toàn, đỡ vất vả, chúng tôi cũng muốn lắm chứ. Chi phí xuất khẩu tiểu ngạch tuy rẻ hơn chính ngạch nhưng thời gian, chi phí bốc hàng, sang hàng… nên suy cho cùng cũng không chênh lệch là bao nhiêu so với xuất khẩu chính ngạch. Với người trung gian ăn mấy phần trăm là lớn nhưng với Chính chủ phân phối nội địa thì nó không lớn…  

Ngay trong nội địa của ta còn để tràn lan cảnh bán hàng rong, bán ở lề đường với điều kiện tạm bợ, không an toàn vệ sinh cũng ảnh hưởng đến giá chung của nông sản. Phải làm nghiêm từ ngay trong nội địa thì xuất khẩu mới thuận lợi, còn một khi đã hình thành thói quen lộn xộn như thế là khó để xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt Nam.

Xin cảm ơn bà!