TS. Lê Thành Ý: Bình Liêu: Địa danh du lịch hấp dẫn của tỉnh Quảng Ninh

Nói đến Quảng Ninh, người ta thường nghĩ đến vẻ đẹp hùng vĩ của Hạ Long, Bãi Cháy, Cô Tô.., được nhiều người tìm đến du lịch và nghỉ dưỡng; nhưng ít ai biết được tỉnh này còn nhiều điểm đậm nét hoang sơ làm say đắm lòng người.

Một trong những địa danh đó chính là huyện biên viễn Bình Liêu.  Mới thoáng nghe, người ta thường nghĩ đến một miền nằm ở vùng sâu nào đó. Nhưng thực ra, Bình Liêu lại là huyện ở ngay cửa ngõ phía Đông, cách Hà Nội 270 km và thành phố Hạ Long chừng 110km. Đây là điểm đến lý tưởng cho những chuyến nghỉ cuối tuần của nhiều bạn trẻ Thủ đô.

Khác với vẻ đẹp “sông nước” của Hạ Long, Cô Tô và Vân Đồn nổi tiếng, Bình Liêu hấp dẫn với phong cách núi non trữ tình với điểm nhấn là những thác nước hùng vĩ, cột mốc biên giới lịch sử; những rừng hồi, rừng quế tỏa ngát hương thơm và những ruộng bậc tháng ánh lên sắc vàng trong mùa lúa chín. Song đó chưa phải là tất cả, Bình Liêu còn có những điểm đến mang tính “chinh phục” thu hút lòng người được ví như một “Sapa thu nhỏ”.

Mang trong mình vẻ đẹp thiên nhiên hoang dã, nơi có những ngọn núi cao hùng vĩ, ruộng bậc thang cheo leo và cả những cánh đồng bông lau thơ mộng. Bình Liêu đã đi vào lòng người một cách nhẹ nhàng và bình dị của miền viễn biên đẹp đến mê hồn

Khác với phố núi Sapa, Bình Liêu được coi là bộ sưu tập những con thác xinh đẹp và những cột mốc đáng nhớ. Trong đó, mốc giới 1300, 1302, 1305, 1327 mang ý nghĩa vô cùng quan trọng. Giới trẻ đam mê chinh phục Bình Liêu bởi đây chính là điểm đến với sức thu hút lạ kỳ, mà chỉ khi đặt chân đến người ta mới nhận ra được những điều thú vị.

Bình Liêu điểm đến không thể thiếu trên bản đồ du lịch Quảng Ninh.

Là một huyện ở miền Đông Bắc,  Binh Liêu giáp với huyện Ninh Minh, thành phố Sùng Tả và khu Phòng Thành, thành phố Phòng Thành Cảng  thuộc tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) ở phía Bắc; phía Tây giáp với huyện Đình Lập của  tỉnh Lạng Sơnphía Đông giáp huyện Hải Hà; phía Nam giáp huyện Tiên Yên và Đầm Hà  của tỉnh Quảng Ninh.

Bình Liêu là huyện có địa hình đồi núi được bao phủ bởi những cánh rừng hồi, rừng quế, rừng sở thơm ngát; những khu ruộng bậc thang, cao nguyên cỏ trùng điệp, tạo nên lớp phong cảnh kỳ vĩ. Trải rộng trên đất Bình Liêu còn có nhiều danh thắng thiên nhiên hấp dẫn, như thác Khe Vằn, bãi đá thần đỉnh núi Cao Ba Lanh, núi Cao Xiêm sừng sững, hay “sống lưng khủng long” tại cột mốc biên giới 1305 nổi tiếng.

 Là huyện miền núi, khí hậu Bình Liêu có sự khác biệt so với nền khí hậu chung toàn tỉnh.  Nhờ thiên nhiên ưu đãi, ở đây  khí hậu ôn hòa, mát mẻ; phong cảnh tươi đẹp cùng sự đa dạng về địa hình. Mùa hè, thời tiết mát mẻ nên Bình Liêu còn được ví như một Sapa thu nhỏmùa đông nhiệt độ khá thấp, không kém gì các vùng nổi tiếng về lạnh như  Mẫu Sơn hay ở Sapa.

xc-1654844577.jpg
Ruộng bậc thang ở Bình Liêu nhìn từ trên cao. Ảnh: Hùng Sơn

Thời phong kiến, Bình Liêu gồm hai tổng Bình Liêu và Kiến Duyên của châu Tiên Yên, thuộc phủ Hải Ninh. Phủ Hải Ninh gồm ba châu là Móng Cái, Tiên Yên, Hà Cối và tỉnh Quảng Yên.  Tháng 3 năm1883, thực dân Pháp đánh chiếm Quảng Yên, sau đó chiếm Bình Liêu. Đến tháng 12  năm 1906, phủ Toàn quyền Pháp tách 3 châu: Móng Cái, Hà Cối, Tiên Yên ra khỏi Quảng Yên, thành lập tỉnh mới Hải Ninh. Ngày16-12-1919, người Pháp lại tách hai tổng Bình Liêu và Kiến Duyên ra khỏi châu Tiên Yên, thành lập châu Bình Liêu gồm hai tổng: Bình Liêu và Kiến Duyên, thuộc tỉnh Hải Ninh trong Đạo quan binh thứ nhất.

Bình Liêu là huyện đa sắc tộc với trên 96% là đồng bào dân tộc thiểu số  gồm với 05 dân tộc anh em, bao gồm  người Tày chiếm 58,4%, Dao 25,6%, Sán Chỉ 15,4% Kinh 3,7% và Hoa khoảng 0,3%, tạo nên một bề dày văn hóa phong phú, đa dạng, mang bản sắc riêng.

Bình Liêu có tập quán và nhiều hình thức sinh hoạt văn hoá dân gian đặc sắc.Toàn huyện không có chùa, nhà thờ, mà chỉ có mấy ngôi đình nhỏ thờ Thành hoàng. Các gia đình, dòng họ ở đây có tục thờ cúng Tổ tiên. Sinh hoạt văn hoá tập trung nhất là lễ hội Au-pò của người Tày và người Sán Chỉ vào ngày 14,15,16 tháng 3 âm lịch hằng năm, Vào những ngày này, nam nữ thanh niên từ các bản kéo về thị trấn huyện lỵ gặp gỡ tâm tình, hát đối đáp giao duyên bằng các làn điệu dân ca gọi là “Chợ tình giao duyên”. Người Tày có các điệu sli, tì làu, then. Người Sán Chỉ có hát xoóng cộ và thường từng đôi bạn sẽ gặp gỡ nhau. Trong ngày hội Au-pò và ngày xuân đầu năm, ở  bản làng, bà con còn chơi đàn tính, ném còn, chơi gụ….

Xác định rõ tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch, từ năm 2014, huyện ủy Bình Liêu đã chủ trương phát triển du lịch trên địa bàn và coi đây là khâu đột phá để phát triển KT-XH . Cùng với việc tăng cường quảng bá tiềm năng, thế mạnh địa phương; huyện đã tiến hành kích cầu nội địa; ưu tiên đầu tư hạ tầng phục vụ khai thác du lịch; mời gọi nhà đầu tư để cùng xây dựng các sản phẩm của huyện... Từ đó, khách du lịch đã bắt đầu đến với Bình Liêu theo hình thức của các tuyến, tour du lịch…

Để tiếp tục xây dựng huyện trở thành trung tâm sinh thái, du lịch văn hoá cộng đồng và nghỉ dưỡng, thực hiện mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn từ tháng 7 năm  2015, Nghị quyết số 01-NQ/HU của Huyện ủy Đảng CSVN huyện  Bình Liêu đã mở ra những cơ hội phát triển mới cho ngành du lịch địa phương.

Những địa danh hấp dẫn ở huyện Bình Liêu

Thác nước Khe Vằn

Bắt nguồn từ dãy núi Khe Vằn-Thông Châu ở độ cao hơn 1000m so với mực nước biển. Thác  Khe Vằn có 3 tầng nước chảy , đổ xuống giữa cỏ cây chen đá. Vào mùa mưa, các dòng thác tung bọt trắng xóa, tạo thành những hồ nước trong vắt dưới chân.

Khe Vằn với rừng phòng hộ nguyên sơ, thảm thực vật phong phú là điểm tham quan thưởng ngoạn phong cảnh thiên nhiên rừng, suối trong lành, tạo cảm giác thư thái cho du khách mỗi khi được đắm mình  trong dòng suối thiên nhiên ,Thác nước kỳ vỹ với dòng chảy mạnh, có những tảng đá lớn nằm phủ phục hai bên bờ là các vách đá phủ rêu.

 

 

Nằm ở xã Húc Động, thác Khe Vằn cách thị trấn Bình Liêu khoảng 10 km về hướng Đông Nam; thác được xếp hạng di tích danh thắng cấp tỉnh vào năm 2011. Đường đến thác theo quốc lộ 18C, từ thị trấn Tiên Yên đi Hoành Mô. Đến thị trấn Bình Liêu thì chuyển sang đường liên xã đi Húc Động. Du khách thường tập kết ở thôn Khe Vằn  trước khi lên thác.

Thác  nước Khe Tiền

Khe Tiền gồm một quần thể với hệ thống thác Khe Tiền 1,2,3.  Hệ thống được hình thành từ những  mạch ngầm  dưới chân núi, tạo thành những dòng chảy đổ thành thác nước.

Bắt nguồn từ hệ thống núi Quảng Nam Châu cao trên 1500m so với mực nước biển, thác Khe Tiền nằm trọn trong khu rừng nguyên sinh thuộc thôn Khe Tiền. Từ  độ cao 750m đổ xuống, thác có độ ẩm không khí cao, quanh năm trong sương mù dày đặc; thác còn giữ được nguyên vẻ hoang sơ, đầy thi vị. Quần thể thác mang vẻ đẹp với các hình thù khác nhau. Thác Khe Tiền 1,2 là những dòng mước nhỏ chảy xối tạo thành hồ lớn; còn thác 3 lại tỏa ra thành nhiều dòng chảy nhỏ. Dân gian truyền rằng tại thác Khe Tiền có đá 7 màu; vì vậy, mỗi khi đặt chân đến thác, người ta thường cố tìm cho được đá có đủ màu

Thác nước Sông Moóc

Thác Sông Moóc là dòng chảy một tầng tư tầm cao 10m đổ xuống.Dưới chân thác là hệ thống bãi đá kỳ vĩ với các tảng đá to, nằm phủ phục tạo nên không gian rộng lớn. Điểm nhấn thu hút du khách khám phá sông Moóc là, thác nước với diện tích gần 4ha còn hoang sơ, mát lành, có tầng cao từ rừng rậm đổ vào; uốn lượn quanh bản Moóc tạo nên một khung cảnh thú vị mỗi khi phải len lỏi qua những mương, máng thủy lợi hoặc ruộng lúa bậc thang chín vàng để đến khám phá thác nước độc đáo này.

Sông Moóc bản lưng chừng núi với cảnh quan nên thơ, không khí trong lành.

Nằm ở lưng chừng núi, bản Sông Moóc thuộc xã Đồng Văn,được bao bọc bởi núi cao, mây phủ chập chùng; những ruộng bậc thang như dát một màu vàng lúa chín, thấp thoáng những ngôi nhà cổ và những thác nước hiền hòa từ phia xa xa

Với tổng diện tích tự nhiên trên 375 ha, 18,4% diện tích là đất nông nghiệp; bản sông Mooc nằm trọn trên sườn hệ thống núi Phiêng Chè - Cao Ba Lanh, cao trên 1000m. Đất đai ở đây chủ yếu là ruộng bậc thang; nơi thấp nhất cũng cao hơn khoảng 300m so với mực nước biển, đã tạo nên những thửa ruộng đẹp mắt với những ngôi nhà còn giữ nguyên kiến trúc bản địa giữa lưng chừng núi; bên những rừng quế, rừng hồi thơm ngát tạo nên những bản sắc đặc trưng riêng của vùng.

du5-1629510270.png
Bản Sông Moóc (Ảnh – Kết nối Bình Liêu)

Về dân cư, bản  Sông Moóc là địa bàn sinh sống của dân tộc Dao  với 719 nhân khẩu, 154 hộ gia đình. Cộng đồng dân cư ở đây giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống ,thấm đậm bản sắc dân tộc.

Bản Sông Moóc là điểm đến đang được quan tâm đầu tư phát triển. Tuy là bản cao vùng sâu vùng xa, nhưng đến với Sông Moóc không khó, bởi đường giao thông thuận lợi, bản chỉ cách trung tâm Bình Liêu khoảng 30km. Bản Sông Moóc được đầu tư đồng bộ đầy đủ về điện, đường, trường, trạm và hệ thống thông tin liên lạc...Đến với bản sông Mooc không chỉ là để thưởng ngoạn cảnh đẹp tự nhiên mà còn là dịp du khách hiểu biết thêm về đời sống và nét đẹp văn hóa của cộng đồng dân tộc vùng cao.

Những đỉnh núi đẹp kỳ vĩ ở huyện Bình Liêu

Trên địa bàn vùng cao Bình liêu, núi non không quá hiểm trở, đỉnh không cao vượt qua chẳng mấy khó khăn,, Những người ưa leo núi có thể chọn đây làm nơi  luyên tập để chinh phục những đỉnh cao hơn. Trong những đỉnh núi để lại nhiều ấn tượng phải kể đến Núi Cao Xiêm, Cao Ly, Kéo Lạn và  Quảng Nam Châu.

Đỉnh núi Cao Xiêm

Cao Xiêm được mệnh danh là vạn lý trường thành của vùng Đông Bắc với thời tiết mát mẻ và cảnh đẹp mê hồn. Nếu đến Bình Liêu mà không trải nghiệm vẻ đẹp của đỉnh Cao Xiêm thì đó là một điều đáng tiếc.

Đỉnh Cao Xiêm nằm ở xã Lục Hồn là đỉnh núi cao nhất ở vùng Đông Bắc. Với độ cao 1.429 mét, Cao Xiêm  được mệnh danh là “nóc nhà của tỉnh  Quảng Ninh”. Nhìn từ xa đã thấy đỉnh núi án ngữ cả một vùng núi rừng và biển cả mênh mông.

Để chinh phục ngọn núi nhiều kỳ thú này, du khách phải trải qua chặng đường cả đi lẫn về chừng 15km với những cung bậc cảm xúc kỳ lạ khi đi chiêm ngưỡng. Phải băng qua những cánh rừng thông vi vu bát ngát, đi trên những bãi cỏ mênh mông giữa lưng chừng núi và chứng kiến một thế giới mờ mờ ảo ảo với mây quyện quanh mỗi bước chân đi. Theo tài liệu xưa để lại, độ cao của núi Cao Xiêm khoảng 1.330 mét so với mực nước biển. Ngày nay, bằng công nghệ đo đạc bản đồ hiện đại, người ta xác định Cao Xiêm cao 1.429 mét.

Ngày xưa để thể hiện chủ quyền đất nước, người ta đã chọn đỉnh Cao Xiêm để cắm cờ đóng mốc. Vì vậy, núi Cao Xiêm còn có tên gọi là “Kèo Kăm Khây” (núi Cắm Cờ), Ngày nay, người dân Bình Liêu đã cùng nhau đóng góp để xây dựng một cột mốc 1.429 để đánh dấu chủ quyền. Cột mốc hình tháp sáng bóng trên đỉnh Cao Xiêm rất đẹp và vô cùng hoành tráng.

Núi Cao Ly

Còn được gọi là núi Cô Đơn, nằm trong vùng núi, cách trung tâm xã Húc Động trên 10km.Núi Cao Ly có độ cao 1000 mét so với mực nước biển. Trên đường Lục Ngù -Khe Tiền vào những ngày đẹp trời , đi qua núi du khách có thể nhìn thấy biển. Tuy nhiên phần lớn thời gian trên núi là sương và mây mù che phủ, Du khách đến đây thường để chiêm ngưỡng những phút giây kỳ ảo giao hòa đất- trời và thưởng ngoạn không khí trong lành, vừa có gió núi lại có gió biển thổi về.

Được thiên nhiên ưu ái, ban tặng nhiều phong cảnh hữu tình, khí hậu hài hòa là tiềm năng để phát triển các loại hình du lịch. Một trong những loại hình phổ biến đó chính là du lịch sinh thái, trải nghiệm và khám phá

 

Cao Ly là dãy núi cao, trải dài với diện tích trên 40km2. Một số khu vực trên núi là ranh giới tự nhiên của huyện Bình Liêu với huyện Hải Hà, Đầm Hà và các xã Đồng Văn, Húc Động, Hoành Mô, Đồng Tâm, Lục Hồn. Cao Ly có 8 ngọn núi cao, cao nhất là đỉnh Cao Xiêm (1.429m). Đây là nơi tài nguyên phong phú, giữ vai trò của rừng trò phòng hộ đầu nguồn , khí hậu  Cao Ly trong lành, mát mẻ; tới 1/3 số ngày trong năm mây mù bao phủ tạo nên cảnh quan  đa dạng. Đứng trên đỉnh núi có thể tận hưởng ánh nắng ban mai hiền hòa, chiêm ngưỡng phong cảnh làng mạc hữu tình với ruộng lúa, rừng hồi, rừng quế, những mái nhà đất, ngói âm dương của người  Dao hoặc nhà đá, lán dê của người Sán Chỉ. Không chỉ có vậy, Cao Ly còn  là điểm đến lý tưởng cho những người ưa thích săn mây. Vào ngày đẹp trời, có thể thỏa thích ngắm biển mây lãng đãng trôi như đang lạc vào chốn bồng lai tiên cảnh

Đỉnh núi Kéo Lạn

Không chỉ nổi tiếng với cung đường tuần tra biên giới tuyệt đẹp, những cột mốc biên giới “thiên đường”, sống lưng khủng long đầy thách thức, Bình Liêu còn có núi Kéo Lạn, điểm đến ví như một Hà Giang thu nhỏ nằm cheo leo, đầy thách thức những bước chân xê dịch.

Núi Kéo Lạn nằm ở độ cao 1.200m, thuộc địa phận thôn Phật Chỉ, xã Đồng Văn  nơi nổi tiếng có nhiều điểm du lịch đẹp.

Từ 2/3 chặng đường lên núi Kéo Lạn, những phiến đá bắt đầu xuất hiện. Rải rác rồi liên tục và cuối cùng là cả bãi đá với nhiều hình thù, kích thước khác nhau nằm đan xen giữa không gian rộng lớn. Đá ở đây la liệt và cũng không tuân theo quy luật sắp xếp nào; có chỗ đá to như tấm phản, dựng đứng như bức tường thành, chỗ lại chỉ lác đác nhô lên vài phiến đá vuông cao không quá đầu gối người.

du8-1629510359.png
Nhiều phiến đá to nhỏ đứng sừng sững tạo nên khung cảnh đẹp mắt.

Đứng giữa không gian bao la của núi rừng và chiêm ngưỡng bãi đá lạ lùng này, nhiều người liên tưởng đến phiên bản thu nhỏ của cao nguyên đá Hà Giang. Nhưng khác ở chỗ, đá núi ở đây tròn trịa và mềm mại. Được tận mắt ngắm nhìn bãi đá đẹp nguyên sơ này, không ít người phải ngỡ ngàng thốt lên những lời thán phục trước bàn tay sắp đặt của tạo hóa. Không chỉ có bãi đá, trên đỉnh núi này còn có cả những vũng nước mưa đọng, cỏ mọc um tùm tạo nên nhưng bức tranh sơn thủy hữu tình.

Để lên được núi Kéo Lạn, từ thị trấn Bình Liêu, du khách phải di chuyển theo hướng chợ Đồng Văn , lên cung đường 1327, đến khu bảo tồn dược liệu rẽ phải hơn 1km rồi mất thêm 30, 40 phút đi bộ men theo con đường mòn nhỏ dẫn vào rừng. Dọc đường đi, du khách sẽ được ngắm nhìn những bông hoa sim tím khoe sắc, đi bộ dưới tán thông và tận hưởng không khí trong lành của miền sơn cước. Đi hết cánh rừng thông, một không gian rộng lớn mở ra với những vạt hoa mua trải dài, xen vào đó là những phiến đá to không theo một hình khối nào, vượt qua đó mới tơi được đỉnh Kéo Lạn.

Núi Cao Ba Lanh

Đỉnh Cao Ba Lanh thuộc xã Đồng Văn,  ở độ cao 1.050m so với mực nước biển. Từ trên đỉnh núi có thể nhìn bao quát cả vùng biên ải với con sông biên giới uốn lượn giữa đôi bờ thanh bình, nhà sàn lưng đồi, ruộng bậc thang tầng tầng lớp lớp và những cánh rừng xanh lá ngút ngàn. Không chỉ có vậy, đỉnh Cao Ba Lanh còn được người dân coi là đỉnh núi thiêng, huyền bí với hệ thống các “bãi đá thần” có khả năng kỳ diệu. Địa chí tỉnh Quảng Ninh có ghi  “Trên đỉnh núi Cao Ba Lanh giáp biên giới có những hòn đá rất lạ, gõ vào đá phát ra tiếng kêu gần giống tiếng chuông và lại nghe tiếng vang ở cả các hòn đá khác”. Có truyền thuyết về những “hòn đá thần” với tiếng vang làm quân xâm lăng gục ngã. Lại có chuyện người dũng sĩ cưỡi ngựa đánh giặc nay còn ghi dấu ở nhiều địa danh như Bãi Dáo, Mạ Trạt (ngựa trượt) và chuyện về giống tre mọc ngược do lời thề của người dũng sĩ khi chống gậy dừng chân....

Người dân địa phương có  kể lại rằng, từ đỉnh Cao Ba Lanh có thể quan sát được các thôn bản xung quanh, vì vậy các thôn bản thường cử người lên núi quan sát động tĩnh. Mỗi khi xuất hiện quân giặc cướp, người dân có thể thông báo cho mọi người biết để phòng, tránh và gõ vào hòn đá giống hình một con vật phát ra tiếng vang lớn làm cho giặc khiếp sợ, hoảng loạn, bỏ chạy… Ngày nay , người dân chưa lý giải được về  những “hòn đá thần” nhưng việc hòn đá phát ra tiếng kêu kỳ lạ là có thật.

Đường lên Cao Ba Lanh còn rất hoang sơ, khó khăn, hiểm trở, chính vì vậy  cung đường còn mang lại cảm giác được thử thách cho du khách đến đây. Vượt qua những con đường rừng, lên tới đỉnh người ta sẽ bắt gặp những ngôi nhà mái bằng kiên cố nằm cạnh ngôi nhà sàn xinh xinh bên sườn núi. Du khách có thể nghỉ chân ở đây để rồi tiếp tục chuyến thám hiểm tìm “bãi đá thần”.

Bãi đá có những hòn đá rất kỳ lạ, có hình thù khác thường, gõ vào có tiếng kêu vang. Mỗi hòn đá dường như đều có linh hồn riêng, mang một câu chuyện riêng về những chiến tích chống giặc ngoại xâm của cha ông ta tại vùng biên viễn xa xôi.

Trước đây khi chưa có đường, người dân lên đỉnh Cao Ba Lanh chỉ có một cách duy nhất là đi bộ. Sau này, đã có một đơn vị đưa xe ủi, máy xúc đến mở rộng đường đủ cho xe ô tô gầm cao chạy, song vẫn chỉ là đường đất và trong thời tiết khô ráo, nếu trời mưa cách duy nhất vẫn chỉ là đi bộ.

Núi Quảng Nam Châu

Quảng Nam Châu là cái tên được đề cập nhiều khi nói về hệ sinh thái rừng Quảng Ninh. Rừng phòng hộ biên giới Quảng Nam Châu trên địa bàn hai xã Quảng Sơn và Quảng Đức gần như còn nguyên sơ, thảm thực vật dày, cấu trúc tầng tán với nhiều loài cây gỗ, loài thú lớn, dược liệu đặc hữu, trong đó có nhiều loại quý hiếm. Đây là khu bảo tồn lớn thứ 2, sau Khu Đồng Sơn - Kỳ Thượng của tỉnh Quảng Ninh. Dẫu sao trên cung đường du lịch Bình Liêu thì đây cũng là điểm đến cần ghi nhận.

Đỉnh núi Quảng Nam Châu cao 1507m thực chất thuộc địa bàn của huyện Hải Hà nhưng cung đườngđi thuận lợi lại xuất phát từ huyện Bình Liêu. Để chinh phục Quảng Nam Châu, du khách cần di chuyển theo đường 18C  đến cột mốc 1327 rồi tiếp tục leo lên,

Thời gian di chuyển đến đỉnh mất khoảng 3 giờ, men theo các khe suối, rừng trúc và có những đoạn sụt lún gần như đầm lầy. Đường đi có nhiều sườn núi đẹp.Từ đây phóng tầm mắt ra xa có thể bao quát ược toàn cảnh xung quanh với những dãy núi trập trùng mây mù bao phủ. Leo  lên đỉnh Quảng Nam Châu đường dễ tìm, nhưng nhiều đoạn leo khá vất vả và mất sức. Tuy nhiên khi lên đến đỉnh thì mọi mệt mỏi dường như tiêu tan để, nhường chỗ cho cảm xúc,niềm vui khi được thu vào tầm mắt vô vàn cảnh đẹp và sự thỏa mãn vì chinh phục được đỉnh cao và nỗi sợ của  chính bản thân mình.