Hàng năm vào ngày 21/6 các hoạt động kỷ niệm, chào mừng diễn ra sôi nổi trên cả nước. Vào những ngày này, cũng sẽ diễn ra nhiều cuộc thi với những sản phẩm chất lượng của phóng viên và các nhà báo. 21 tháng 6 không đơn thuần chỉ là ngày kỷ niệm mà còn là dịp để những người làm báo cùng nhìn lại những thành tựu đạt được để tự hào và đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp báo chí cách mạng. Ngày Báo chí Việt Nam năm nay rơi vào thứ hai đầu tuần, Ban biên tập mong muốn cùng bạn đọc ôn lại lịch sử báo chí để thêm quyết tâm xây dựng đội ngũ người làm báo xứng với tầm thời đại đặt ra.
21/6/1925 ngày ra mắt số đầu tiên của báo “Thanh niên”
Sự ra đời của báo chí Việt Nam và ngày báo chí cách mạng 21 tháng 6
Trong lịch sử báo chí Việt Nam, từ thập niên 60 của thế kỉ XIX, báo "Gia Định " và một số tờ báo khác đã lần lượt ra đời tại Sài Gòn, Hà Nội và nhiều địa phương. Tuy nhiên, chỉ đến khi báo "Thanh niên" ra đời mới được cho là tờ báo mở đường cho dòng báo chí cách mạng. Số đầu tiên của báo Thanh niên, cơ quan của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên được xuất bản vào ngày 21tháng 6 năm 1925 ở Quảng Châu (Trung Quốc). Báo được xuất bản đều đặn hàng tuần với gần 90 số và đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin, góp phần tích cực chuẩn bị về mặt lý luận, chính trị, tư tưởng và tổ chức cho việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Sau báo Thanh niên, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc còn lập ra báo Kông Nông (năm 1926), báo Đường Kách Mệnh (năm1927) và ngày 01tháng 10 năm 1929 là báo Búa Liềm, cơ quan ngôn luận của Đông Dương Cộng sản Đảng.
Kể từ tờ Thanh niên mở đường cách mạng đến cuối năm 1929, báo chí Việt Nam đã có trên 50 tờ báo và tạp chí, là cơ quan cấp hội của Việt Nam Thanh niên Cách mạng và 2 tổ chức cách mạng là Đông Dương Cộng sản Đảng và An Nam Cộng sản Đảng. Báo "Thanh niên" đã giương cao ngọn cờ, nói lên ý chí, khát vọng của dân tộc và chỉ rõ phương hướng đấu tranh của nhân dân Việt Nam là vì độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội. Do ý nghĩa này, nhằm nâng cao vai trò và trách nhiệm xã hội của báo chí, thắt chặt mối quan hệ với công chúng và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, ngày 5 tháng 2 năm 1985, Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam quyết định lấy ngày 21 tháng 6 hằng năm làm Ngày báo chí Việt Nam.
Nhân kỷ niệm 75 năm Ngày báo chí Việt Nam (21 tháng 6 năm 2000), theo đề nghị của Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã đồng ý gọi Ngày báo chí Việt Nam là Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam.
Hệ thống báo chí Việt nam, quá trình nhìn lại
Qua mỗi thời kỳ cách mạng, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và Chủ tịch Hồ Chí Minh, báo chí cách mạng và đội ngũ những người làm báo Việt Nam đã có sự phát triển, trưởng thành mạnh mẽ.
Từ năm 1947, chiến khu Việt Bắc đã trở thành Thủ đô kháng chiến, nơi quy tụ các cơ quan đầu não của Đảng và Nhà nước. Tại đây, nhiều cơ quan báo chí chính thức ra đời và đi vào hoạt động. Hội Nhà báo Việt Nam và trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng,cơ sở đào tạo báo chí đầu tiên của nước Việt nam Dân chủ Cộng hòa đã được thành lập. Những tên báo lớn, rất ấn tượng trong làng báo như Nhân Dân, Quân đội Nhân dân, Công an mới…đã xuất bản những số đầu tiên và đến với rộng rãi công chúng ngay giữa chiến khu. Ngày 2 tháng 6 năm1950, Chính phủ Việt Nam đã quyết định thành lập Hội“Những người viết báo Việt Nam” là tiền thân của Hội Nhà báo Việt Nam ngày nay. Tháng 7 cùng năm, Tổ chức Báo chí Quốc tế (OIJ) họp ở Phần Lan đã chính thức công nhận Hội những người viết báo Việt Nam là thành viên chính thức của tổ chức này.
Từ khi báo chí cách mạng ra đời, những người làm báo Việt Nam luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Trong suốt thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, hệ thống báo chí đã bám sát thực tiễn, phục vụ kịp thời nhiệm vụ kháng chiến. Cuộc kháng chiến thắng lợi, nước ta tạm chia thành hai miền với hai nhiệm vụ chiến lược khác nhau. Theo đó, báo chí vừa làm nhiệm vụ tuyên truyền cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc lại vừa đấu tranh chống đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai ở miền Nam, nhằm sớm thống nhất nước nhà.
Sau ngày thống nhất đất nước, báo chí cả nước đã phát triển nhanh về số lượng và chất lượng, hình thành hệ thống thông tấn, báo chí, phát thanh, truyền hình rộng khắp. Nội dung thông tin ngày càng phong phú, sinh động và hấp dẫn. Báo chí đã đi sâu vào thực tiễn đời sống, phát hiện, giới thiệu, cổ vũ các mô hình kinh tế mới, cách làm và nhân tố mới; nêu gương người tốt, việc tốt. Hệ thống báo chí đã hình thành những kênh thông tin có chức năng, nhiệm vụ hết sức đa dạng; gồm nhiều loại hình, nhiều cấp, thuộc các cơ quan chủ quản khác nhau, xuất bản bằng cả tiếng Việt, tiếng các dân tộc thiểu số và nhiều tiếng nước ngoài.
Vào giai đoạn 2016-2020, cả nước đã có 857 cơ quan báo chí, trong đó có 199 báo in, gồm 86 báo Trung ương và 113 báo địa phương; 658 tạp chí với gần 80% ở cấp Trung ương;1 hãng thông tấn quốc gia; 1 đài phát thanh-truyền hình quốc gia; 1 đài truyền hình quốc gia, 64 đài phát thanh và truyền hình địa phương; 22 báo, tạp chí điện tử độc lập; 83 báo, tạp chí điện tử của cơ quan báo chí in; cùng với hàng trăm trang thông tin điện tử và hàng nghìn website. Đội ngũ những người làm báo bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức và nghiệp vụ ngày càng đông đảo. Đến nay, Hội Nhà báo Việt Nam đã có trên 26.410 hội viên, sinh hoạt trong 287 đơn vị cấp Hội trực thuộc Trung ương Hội, bao gồm 63 Hội Nhà báo cấp tỉnh, 19 liên Chi Hội và 205 Chi Hội của các tổ chức báo chí.
Trong công cuộc đổi mới đất nước, báo chí đã góp phần to lớn vào việc tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện đường lối của Đảng, tuyên truyền chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Mặt khác, báo chí cũng đã phản ánh được tâm tư, nguyện vọng của người dân; cổ vũ các điển hình tiên tiến; tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí và những mưu đồ phá hoại của các thế lực thù địch
Từ khi thành lập đến nay, Hội Nhà báo và báo chí Việt Nam đã đi sâu vào thực tiễn đời sống, phát hiện, giới thiệu, cổ vũ các mô hình kinh tế mới, cách làm ăn mới, nêu gương người tốt, việc tốt. Qua đó đã thể hiện rõ quan điểm bảo vệ và phát huy bản sắc, truyền thống văn hóa dân tộc; tuyên truyền cổ vũ toàn dân phát huy có chọn lọc nền văn hóa tiên tiến của các nước trên thế giới, góp phần nâng cao dân trí, ngăn chặn văn hóa xấu len lỏi vào Việt Nam; đã khơi dậy và biến nhiều hoạt động từ thiện trở thành phong trào rộng rãi của toàn xã hội.
Trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập sâu vào nền kinh tế toàn cầu với sự bùng nổ mạnh mẽ của công nghệ thông tin, vai trò của báo chí ngày càng thêm quan trọng. Trước yêu cầu mới đặt ra, báo chí cách mạng Việt Nam đã kiên định mục tiêu, thực hiện tốt chức năng ngôn luận của Đảng, Nhà nước, tổ chức xã hội và là diễn đàn của Nhân dân.
Thay lời kết luận
Ngày 21tháng 6 hằng năm là dịp để những người làm báo nhớ về lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người luôn nhấn mạnh vai trò quan trọng và tác động to lớn của báo chí, đã coi “Văn hóa là một mặt trận” “Cán bộ báo chí là những chiến sĩ cách mạng” và “ Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”.
Trong điện gửi Hội Nhà báo Á-Phi năm1965, Người, từng nhắc nhở “Đối với những người viết báo chúng ta, cái bút là vũ khí sắc bén, bài báo là tờ hịch cách mạng” Người nói “Tờ báo chỉ là giấy trắng mực đen mà thôi. Nhưng với giấy trắng mực đen ấy, người ta có thể viết những bức tối hậu thư”.
Đối với nhiều người, ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21tháng 6 có ý nghĩa quan trọng và to lớn. Nhìn lại tiến trình phát triển của báo chí nước nhà, có thể tự hào khi thấy nền báo chí đã phát triển nhanh cả về số lượng lẫn chất lượng. Báo chí Việt Nam là một nền báo chí kiểu mới, do Đảng Cộng sản tổ chức, lãnh đạo. Đó là nền báo chí của Nhân dân, hoạt động vì lợi ích của Nhân dân và chịu sự giám sát của Nhân dân. Hy vọng từ tâm huyết của người làm báo, trong những ngày này các nhà báo Việt sẽ gặt hái được nhiều thành công./.