Chương trình nghi sự của Hội nghị sẽ tập trung vào 5 mục tiêu hành động bao gồm: (i) Đảm bảo quyền tiếp cận LTTP an toàn và cân bằng dinh dưỡng cho mọi người; (ii) Chuyển đổi xu thế tiêu dùng theo hướng lành mạnh và bền vững; (iii) Thúc đẩy sản xuất thân thiện với môi trường; (iv) Tăng cường bình đẳng trong chia sẻ giá trị và sinh kế và (v) Xây dựng khả năng chống chịu trước các tổn thương và những cú sốc.
Nằm trong chuỗi sự kiện đối thoại ở cấp quốc gia và khu vực, để Việt Nam tham dự tốt Hội nghị Thượng đỉnh về hệ thống LTTP của Liên Hợp Quốc sẽ diễn ra vào tháng 9 năm nay, ngày 02 tháng 7 năm 2021, Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển Nông thôn (KTHT-PTNT) thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam. đã phối hợp với Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp Quốc (FAO) và Viện Dinh dương Quốc Gia thuộc Bộ Y tế Việt Nam, tổ chức Đối thoại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long với chủ đề: “Quan hệ hợp tác trong sản xuất và thương mại hướng tới xây dựng hệ thống lương thực thực phẩm Việt Nam minh bạch, trách nhiệm \và bền vững”.
Trong Thông cáo báo chí phát đi từ Hà Nôi, Ban tổ chức cho biết, Mục đích của Đối thoại này nhằm tạo điều kiện để các bên liên quan chia sẻ và đóng góp ý kiến về thực trạng, phương hướng, giải pháp và phát huy sáng kiến thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa các tác nhân trong hệ thống, góp phần xây dựng hệ thống LTTP bền vững và bao trùm ở Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) và trên địa bàn cả nước.
Tham dự Đối thoại có đại diện của những bên liên quan, bao gồm các bộ, ngành, 13 tỉnh, thành thuộc khu vực ĐBSCL, một số tỉnh, thành phố đại diện cho các vùng miền trong cả nước, Hội Nông Dân, Hiệp Hội Doanh Nghiệp và các Hội Đoàn đại diện cho những tác nhân trong hệ thống LTTP, viện nghiên cứu, trường đại học, khu vực tư nhân, các đối tác phát triển và tổ chức phi chính phủ. Tham gia đối thoại còn có Cục Trưởng Cục KTHT-PTNN Lê Đức Thịnh; Trợ lý Trưởng Đại diện tổ chức FAO tại Việt Nam Nguyễn Song Hà và Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia Trương Tuyết Mai, đồng chủ trì đối thoại.
Đồng bằng Sông Cửu Long được coi là một trong những vùng sản xuất, chế biến và cung ứng LTTP chiến lược của cả nước, giữ vai trò quan trọng để phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Phát biểu trong đối thoại, CụcTrưởng Lê Đức Thịnh cho rằng “ĐBSCL đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, thiên tai; tài nguyên (đất, nước và hệ sinh vật)bị khai thác cạn kiệt. Trong tổ chức còn thiếu gắn kết trong sản xuất, thương mại, và nhất là quan hệ quốc tế trong quản lý lưu vực. Về quan hệ giữa các tác nhân trong hệ thống LTTP, Cục trưởng nhấn mạnh,”ĐBSCL phản ánh toàn diện bức tranh về quan hệ sản xuất, tiêu dùng và thương mại của cả nước. Củng cố và và xây dựng mối quan hệ liên kết hợp tác minh bạch, hiệu quả giữa các tác nhân vừa là nền móng, vừa là trụ cột để xây dựng hệ thống lương thực thực phẩm bền vững trên mọi phương diện”.
Chia sẻ trong đối thoại, Trợ lý trưởng Đại diện tổ chức FAO tại Việt nam, Nguyễn Song Hà cho biết“ Hệ thống lương thực thực phẩm là trụ cột chương trình chiến lược của FAO trong 5 năm tới. Những nỗ lực của FAO đều hướng tới hỗ trợ các Quốc gia thành viên đạt được các mục tiêu: sản xuất tốt hơn, dinh dưỡng tốt hơn, môi trường tốt hơn và cuộcsống tốt hơn. FAO sẽ đồng hành cùng Việt Nam trong những năm tới thông qua các chương trình hỗ trợ kỹ thuật và tư vấn chính sách, giúp Việt Nam thực hiện mục tiêu xây dựng một hệ thống lương thực thực phẩm bền vững và bao trùm”.
Thế giới đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn về xoá đói giảm nghèo, đảm bảo an ninh lương thực và cải thiện dinh dưỡng. Để ứng phó với những thách thức này, vấn đề cốt lõi cần là tạo ra một môi trường thuận lợi để chuyển đổi hệ thống sản xuất thực phẩm nông nghiệp từ truyền thống sang hiện đại. Trong đó, nông dân cần được tiếp cận thông tin và sử dụng công nghệ mới một cách dễ dàng. Hy vọng thành công của đối thoại sẽ mở ra những triển vọng mới đối với hệ thống LTTP nước nhà./.