Chúng ta biết rằng, năng lực cạnh tranh của nông sản hàng hóa được quyết định bởi 2 yếu tố chủ đạo, đó là chất lượng và giá thành. Do vậy, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên, giảm chi phí đầu vào là yêu cầu hết sức cấp bách, nhất là trong điều kiện giá vật tư, năng lượng, lao động ngày càng tăng cao. Theo đánh giá của Samarendu Mohanty (2014), chi phí phân bón và thuốc BVTV của Việt Nam cao nhất trong các nước điều tra. Điều này làm cho lãi thuần chỉ đạt 419 USD/ha, tương đương Ấn Độ, song thấp hơn Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan và Philipin (Bảng 11).
Sản xuất nông nghiệp, nhất là trồng trọt thường dựa vào tài nguyên và thâm canh. Tuy nhiên, với Việt Nam, lợi thế về tăng diện tích không còn nữa nên chỉ có con đường duy nhất là thâm canh tăng năng suất thông qua sử dụng giống mới năng suất cao (kể cả giống lai), tăng lượng phân bón sử dụng.
Việt Nam là quốc gia đất chật, người đông, đứng thứ 65 về DT tự nhiên, song lại đứng thứ 15 về dân số (2021), do vậy, bình quân diện tích đất canh tác của Việt Nam chỉ đạt 0,074ha/người, bằng 38.5% trung bình của thế giới (0,192ha/người) và đang có xu hướng giảm tiếp do mất đất cho mở rộng đô thị, giao thông, khu công nghiệp…. Diện tích đất giảm, người dân phải tăng vụ. Tại ĐBSCL, diện tích đất lúa 1 vụ giảm từ 887 ngàn ha năm 1990 xuống còn 342 ngàn ha năm 2010. Trong khi đó, đất lúa 3 vụ tăng từ 50 ngàn ha lên 529 ngàn ha năm 2010 (Steven Jaffee, 2012) và đạt trên 800 ngàn ha năm 2020.
Bảng 12 cho thấy, những quốc gia có diện tích đất canh tác trên đầu người cao có xu hướng sử dụng ít phân bón hóa học hơn, so với những nước ít đất như Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Lượng phân bón sử dụng cho 1 ha/năm của Việt Nam đạt gần 440kg vào năm 2025 (Với hệ số sử dụng đất 2,1 thì lượng bón thực tế sẽ khoảng 220kg chất dinh dưỡng/ha). Năm 2020, Việt Nam đã sử dụng 10,7 triệu tấn phân bón vô cơ các loại (Bảng 10), tương đương 732kg phân bón thương mại các loại cho 1ha gieo trồng.
Theo điều tra của chúng tôi (Nguyễn Văn Bộ và nnk, 2017), một số cây trồng do giá trị cao nên được bón nhiều phân hóa học. Những năm được mùa, trùng giá, nông dân bón đến hàng ngàn kilogram chất dinh dưỡng trên 1 hecta cho cà phê. Đối với cà phê vối, lượng đạm mà nông dân bón nhiều hơn mức khuyến cáo từ 118 - 252 kg N/ha (25,8 - 45,6 %); lân bón nhiều hơn từ 173 - 176 kg P2O5/ha (63,7 - 65,7%); kali nhiều hơn 15 - 234 kg K2O/ha (4,5 - 45,5 %). Đối với cà phê chè, mức bón thừa với đạm trung bình 339 kg N/ha (53,0%); lân 339 kg P2O5 (69,3%) và kali 114 kg K2O/ha (25,7%).
Việc sử dụng phân bón nhiều, tăng vụ cũng dẫn tới áp lực về sâu, bệnh cao hơn và cần sử dụng nhiều thuốc BVTV hơn. Theo Cục BVTV (Lê Bền, 2018), thì trong giai đoạn 2010-2017, khối lượng thuốc BVTV nhập khẩu của Việt Nam đã tăng gần 1,8 lần.
Một trong những yếu tố quan trọng nhất của sản xuất nông nghiệp là nước (Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống) thì sử dụng còn rất lãng phí, trong khi nguồn cung ngày càng hạn chế (Bảng 8), chủ yếu là ngoại sinh. Trong khi chúng ta lại sản xuất nhiều cây trồng và vật nuôi có mức tiêu thụ nước cao (Bảng 14).
Ngoài vật tư, chi phí về lao động trong cơ cấu giá thành của nông sản cao vừa do mức độ cơ giới hóa thấp vừa do năng suất lao động thấp. Hiện nay, cơ giới hóa trong sản xuất lúa, cây trồng có diện tích lớn nhất mới 25% cho khâu gieo sạ/cấy, phòng trừ sâu bệnh đạt 68%, thu hoạch đạt 60% và sấy chủ động 55% . Tất nhiên, mức độ cơ giới hóa chưa cao do đất quá manh mún, dồn điền đổi thửa còn hạn chế (Hiện nay cả nước có 13,8 triệu hộ nông dân với 78 triệu mảnh ruộng nhỏ lẻ). Với cây trồng chủ lực như cà phê, cao su. hồ tiêu, điều, cây ăn quả, tỉ lệ cơ giới hóa còn rất thấp, nhất là trong khâu chăm sóc và thu hoạch.
Lao động Nông nghiệp của Việt Nam còn chiếm tỉ lệ lớn, tới 40,0% (2018), trong khi tại Mỹ chỉ có 0,86%, Úc: 1,7%, Pháp: 1,63%, Nhật: 3,0%, Hàn Quốc: 4,8%, Philippine: 20,3% và Thái Lan 32,9%16. Trong khi đó, lao động nông thôn được đào tạo chỉ đạt 11,2%. Chính lý do này làm cho năng suất lao đông của Việt Nam thấp. Theo PPP 2011, năng suất lao động chung của nền kinh tế Việt Nam năm 2019 chỉ bằng 7,6% mức năng suất của Singapre; 19,5% của Malyasia; 37,9% của Thái Lan; 45,6% của Indonesia; 56,9% của Philippines và 68,9% của Brunei . Còn trong nông nghiệp năng suất lao động của Việt Nam bằng 6.41% Singapore, 13,56% Hàn Quốc và 55,58% Philippines. Ông Nguyễn Văn Bình, nguyên trưởng ban kinh tế Trung ương còn cho biết, Tốc độ tăng trưởng năng suất lao động ngành nông nghiệp trung bình giai đoạn 2000-2013 của Việt Nam chỉ đạt 3,4%, chưa bằng một nửa so với Hàn Quốc giai đoạn 1980-1995, Trung Quốc trong cùng giai đoạn (đạt 7,5%) .
Các nội dung nêu trên hoàn toàn phù hợp với nhận định của Ngân hàng thế giới (2016): “Tăng trưởng sản lượng nông nghiệp đạt được nhờ sử dụng ngày càng nhiều đầu vào với chi phí lớn hơn về môi trường. Phần lớn tăng trưởng nông nghiệp Việt Nam cho đến nay dựa vào mở rộng sản xuất hoặc tăng cường sử dụng đất và các tài nguyên thiên nhiên khác, cũng như sử dụng khá nhiều phân bón và các hóa chất khác trong nông nghiệp. Do đó tăng trưởng nông nghiệp cũng đi kèm tác động xấu về môi trường như phá rừng, hủy hoại nguồn lợi thủy sản, suy thoái đất và ô nhiễm nước. Nói cách khác, tăng trưởng nông nghiệp Việt Nam dựa khá nhiều vào sức lao động, tài nguyên thiên nhiên và hóa chất trong sản xuất”. Báo cáo cũng đề xuất: “Trong tương lai ngành nông nghiệp phải đảm bảo “tăng giá trị, giảm đầu vào. Tức là, phải tạo ra nhiều giá trị kinh tế hơn mang lại hiệu quả cao hơn cho nông dân và người tiêu dùng đồng thời sử dụng ít hơn tài nguyên, nhân công và hóa chất độc hại. Tăng trưởng sẽ dựa chủ yếu trên hiệu quả, đổi mới sáng tạo, đa dạng hóa và tạo thêm giá trị mới” .
Theo xu hướng này, Việt Nam đã có nhiều chương trình, dự án nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, trong đó phảo kể đến các chương trình như quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), bón phân cân đối, Bón phân theo vùng đặc thù, canh tác lúa cải tiến (SRI), cánh đồng lớn và gần đây là “Ba giảm, 3 tăng”, “1 phải, 6 giảm”…Tuy nhiên, các chương trình dự án này chưa nhân rộng được trên quy mô lớn. Ví dụ như gần đây nhất là “chương trình cánh đồng lớn”, hầu hết các chỉ tiêu thực hiện trong 5 năm 2016 - 2020 đều giảm sút. Đến thời điểm 01/7/2020, chỉ có 1.051 xã có cánh đồng lớn, chiếm 12,68% tổng số xã khu vực nông thôn, giảm 31,51 điểm phần trăm so với năm 2016. Số cánh đồng lớn giảm từ 2.262 cánh đồng năm 2016 xuống 1.657 cánh đồng năm 2020; số hộ tham gia cánh đồng lớn giảm từ 619,34 nghìn hộ xuống 326,34 nghìn hộ; tổng diện tích gieo trồng của cánh đồng lớn giảm từ 579,25 nghìn ha xuống 271,00 nghìn ha. Năm 2020, bình quân 1 cánh đồng lớn có 196,94 hộ tham gia, bằng 71,93% năm 2016; diện tích bình quân 1 cánh đồng lớn 163,55 ha, bằng 63,86% so với năm 2016 .
Xu hướng “Sản xuất nhiều hơn từ ít hơn” không chỉ hướng đến công đoạn sản xuất mà còn phải giảm tổn thất sau thu hoạch. Hiện nay, tổn thất sau thu hoạch của cây lương thực lấy hạt (lúa, ngô) khoảng 12-13%, rau quả 25-30%...
Chống lãng phí lương thực thực phẩm cũng là xu hướng để đảm bảo tăng nguồn cung lương thực. Gần đây Ngày 21 tháng 7 năm 2021, Quỹ Động vật Hoang dã Thế giới (WWF) và Công ty Dịch vụ Thương mại nước Anh Tesco đã công bố báo cáo “Hướng đến Chất thải” (Driven to Waste). Báo cáo cho biết, tổng lương thực thực phẩm bị mất mát trong các trang trại toàn cầu, ước tính lên tới 2,5 tỷ tấn mỗi năm, cao hơn khoảng 1,2 tỷ tấn so với ước tính trước đây. Trong số thực phẩm bị lãng phí, khoảng 1,2 tỷ tấn bị thất thoát tại các trang trại, 931 triệu tấn bị lãng phí khi tiêu thụ và 40% tổng số lương thực thực phẩm gieo trồng đã bị bỏ đi. Khi chúng ta biết rằng, để sản xuất thêm 1,2 tỷ tấn lương thực, cần 4,4 triệu km2 đất nông nghiệp (hay 440 triệu ha), 760km3 nước tưới; chưa kể tới lao động, vật tư, nhiên liệu .
* Bài viết của TS. Nguyễn Văn Bộ trong loạt bài về Dự báo xu hướng CNH, HĐH Nông nghiệp, Nông thôn giai đoạn 2021 - 2030 và đến năm 2045.