Từ câu chuyện "Miếng cơm, manh áo" nghĩ về sứ mạng của ngành trồng trọt

04/04/2023 10:36

Trồng trọt gắn bó mật thiết với lịch sử tiến hóa của nhân loại. Khi săn bắt, hái lượm từ tự nhiên không đủ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt hàng ngày, con người bắt đầu gieo hạt, chăm sóc, tưới nước cây con, chờ đến ngày thu hoạch.

Trồng trọt giúp con người chủ động sản xuất, tạo ra lượng lương thực thiết yếu. Trồng trọt giúp giảm bớt sự lệ thuộc vào tự nhiên, tạo nên các điều kiện cơ bản để định cư lâu dài. Trồng trọt buổi đầu chủ yếu phục vụ cho mục đích “tự sản tự tiêu”. Khi sản lượng tăng lên, có người nghĩ đến việc trao đổi, để nhận lại các loại nông sản khác mà mình không sản xuất được, và thương mại nông sản ra đời.

Ở nước ta, trồng trọt bình dị đi vào lời hát, câu ca, lưu truyền qua bao đời: “Ơn trời mưa nắng phải thì. Nơi thì bừa cạn, nơi thì cày sâu. Công lênh chẳng quản bao lâu. Ngày nay nước bạc, ngày sau cơm vàng”. Từ những hạt những cây đầu tiên được gieo trồng trên đất Việt thân thương, ngành trồng trọt hình thành, bền bỉ vươn lên, “đơm hoa kết trái”, cùng sứ mệnh đổi thay không ngừng.

“Miếng cơm, manh áo” là nhu cầu tối thiểu của con người, ngành trồng trọt dường như đã đảm trách phân nửa nhu cầu. Ngành trồng trọt luôn sẵn sàng khi không lâu nữa, dân số nước mình đạt mốc 100 triệu. Sản lượng, năng suất trồng trọt đã góp phần đưa đất nước vượt qua thời kỳ nghèo đói, khó khăn. Sản phẩm của ngành trồng trọt đã miệt mài nuôi quân trong các cuộc kháng chiến trường kỳ, “cối gạo vơi đi rồi gạo lại đầy” để “ngon lắm nồi cơm, thơm tình quân dân, trắng trong tình nước”.

Sản phẩm của ngành trồng trọt đã đóng góp cho mục tiêu bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Sản phẩm của ngành trồng trọt từng bước vươn ra thị trường thế giới, vừa thu về lợi nhuận xuất khẩu, vừa lan tỏa hình ảnh nông nghiệp, hình ảnh đất nước đến bốn phương. Những dấu ấn đó luôn được ghi nhận trân trọng trong suốt quá trình phát triển của ngành nông nghiệp.

Thế giới mỗi ngày mỗi khác. Biến đổi khí hậu, biến động thị trường, biến chuyển xu thế tiêu dùng tác động sâu rộng đến ngành nông nghiệp nói chung và trồng trọt nói riêng. Đứng trước sự thay đổi nhanh chóng và liên tục, vừa là thời cơ vừa là thách thức, ngành trồng trọt cần thiết lập lại sứ mạng, điều chỉnh cách thức tiếp cận, tích cực đổi mới tư duy, kích hoạt hành động. Trong bối cảnh mới, năng suất, sản lượng không còn là yếu tố quyết định. Trong bối cảnh mới, giống cây trồng góp phần quan trọng trong việc tạo dựng thương hiệu nông sản quốc gia như kiwi New Zealand, quýt unshu Nhật Bản…

Trong bối cảnh mới, giống không còn là yếu tố độc lập, mà còn cần được đồng bộ với quy trình canh tác, quản lý nông trại, giải pháp cơ giới hóa, tự động hóa, công nghệ sau thu hoạch, xúc tiến thương mại, kết nối thị trường…

Từ những thông tin vui về giống gạo, sản phẩm gạo ST 24, ST 25 đạt giải ở cuộc thi gạo ngon, trở thành “bữa ăn đặc biệt” ở Nội các Nhật Bản, ngày càng phổ biến ở các siêu thị châu Âu, ngành trồng trọt cần tiếp tục đặt ra câu hỏi “Rồi sao nữa?”.

Hòa chung dòng chảy của các cuộc cách mạng nông nghiệp và những tư duy mới về trồng trọt đang diễn ra trên khắp thế giới, cách thức quản lý trồng trọt từ Trung ương đến địa phương, từ các cơ quan nghiên cứu khoa học đến các viện trường đào tạo, phải nhanh chóng thích ứng phù hợp. Trước hết, cần nhất quán cách thức tiếp cận theo tư duy kinh tế, tích hợp đa giá trị. Trồng trọt gắn với kinh tế tri thức và xu hướng nền kinh tế xanh. Trồng trọt gắn với cuộc cách mạng sinh học và công nghệ mới. Trồng trọt gắn với những mô hình nông nghiệp mới như: nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác, nông nghiệp số…

Nhưng trước khi tiếp cận mục tiêu cao xa, dài hạn, ngành trồng trọt cần xác định những phần việc cấp thiết, bắt đầu từ bữa ăn hàng ngày của mỗi gia đình. Cơm rau củ quả là những món không thể thiếu trong mỗi mâm cơm. “Đi đâu cũng nhớ quê nhà. Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương” là cảm xúc thân thuộc của triệu người Việt. Trong tiếng Việt, chữ “ăn” được đặt trước nhiều từ ghép: “ăn nói, ăn học, ăn mặc, ăn chơi…”. Nghĩa là muốn tồn tại, con người phải bảo đảm cái ăn trước. Thế giới trở nên thịnh vượng hơn, văn minh hơn, đã du hành đến các hành tinh khác, nhưng nạn đói, tình trạng thiếu ăn vẫn xảy ra đâu đó, qua phản ánh trên các bản tin báo đài.

Ngày nay, ăn không chỉ để no, mà còn phải ngon, ngon và phải an toàn, sạch và phải đầy đủ chất dinh dưỡng. Xu thế tiêu dùng còn mở rộng đến ăn để vui, để thưởng thức, để hòa hợp với nhau. Hơn thế nữa, sản phẩm nông nghiệp cần đáp ứng hàng loạt yêu cầu: không ảnh hưởng sức khỏe người sản xuất và cộng đồng, không tác động tiêu cực đến môi trường thiên nhiên, đến đa dạng sinh học, không là tác nhân gây ra biến đổi khí hậu.

Để chuẩn hóa chất lượng nông sản đáp ứng tiêu chuẩn thị trường, ngành trồng trọt phải quan tâm đến giải pháp giảm chi phí, nâng cao chất lượng, chuẩn hóa mã vùng trồng, xuất xứ nguồn gốc, gắn với các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt (GAP). Như vậy, sứ mạng ngành trồng trọt phải thay đổi theo xu thế đó.

Theo Luật Trồng trọt 2018, trồng trọt được giải thích là “ngành kinh tế - kỹ thuật trong nông nghiệp”. Nói đến kỹ thuật là nói đến các hoạt động về giống cây trồng, phân bón, canh tác, thu hoạch, sơ chế, bảo quản. Nói đến kinh tế là nói đến chế biến, quản lý chất lượng, thương mại, là nói đến thị trường. Thị trường thông suốt sẽ kích hoạt sản xuất. Càng đáp ứng các chuẩn mực, yêu cầu đa dạng của thị trường, càng tạo ra nhiều giá trị tăng thêm, khi ấy sản phẩm trở thành thương phẩm.

Với định hướng tiếp cận như vậy, cơ quan chịu trách nhiệm về trồng trọt phải trả lời các câu hỏi: “Thị trường đòi hỏi chất lượng thế nào với hạt gạo, hoa quả, rau màu, sản phẩm từ cây công nghiệp ngắn ngày,…? Thị trường cần dữ liệu gì, thông tin gì để có thể kết nối được với các vùng nguyên liệu thông qua các tổ chức nông dân? Ngành trồng trọt cần làm gì để sản xuất gắn với thị trường, trên cơ sở xác định cơ cấu cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu từng vừng, theo thế mạnh của địa phương? Ngành trồng trọt cần làm gì để mở rộng tư duy tích hợp đa giá trị, với xu thế nền kinh tế xanh?”. Mỗi câu hỏi phải trở thành sự trăn trở, thành động lực cho mỗi người công tác trong lĩnh vực trồng trọt. Như vậy, sứ mạng ngành trồng trọt phải thay đổi theo tư duy kinh tế, theo đòi hỏi, chỉ dấu của thị trường.

Với bao nhiêu vấn đề “nóng” như vậy, người làm trồng trọt không thể “nguội” bầu nhiệt huyết của mình. Không thể lặp lại cách nghĩ, cách làm như ngày hôm qua. Không thể an phận “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”, chỉ ngồi trong “bốn bức tường” để hoạch định chiến lược chính sách, nghiên cứu, đào tạo. Cuộc sống vận động nhanh, hoạt động trồng trọt diễn biến hàng ngày hàng giờ trên đồng ruộng, mảnh vườn. Thị trường mới vừa mở hôm trước hôm sau lại đóng, giá nông sản đang tăng vùn vụt bỗng “đảo chiều”, xuống giá. Không thể cứ loay hoay “đốn cây này, trồng mới cây khác”. Mỗi người, nhất là những người được định danh là “cán bộ phụ trách trồng trọt” không vô can, không đứng ngoài cuộc. Như vậy, sứ mạng của ngành trồng trọt là đồng hành với bà con nông dân trên con đường đưa nông sản nước nhà phổ biến và được ưa chuộng khắp thế giới.

Động lực làm việc của mỗi người khác nhau, nhưng tựu trung, chúng ta làm việc cũng nhằm đóng góp hữu ích cho ngành nông nghiệp, cho cuộc đời. Trồng trọt là hoạt động của con người nhằm tác động vào đất đai và giống cây trồng, để tạo ra sản phẩm trồng trọt khác nhau.

Bộ trưởng bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan