Theo đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, công nghệ sinh học của Việt Nam có khoảng cách quá xa so với thế giới. Chương trình Công nghệ sinh học giai đoạn 2006-2020 đã đào tạo được 419 thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài. Chúng ta cần nguồn nhân lực này để tìm giải pháp phát triển Công nghệ sinh học của Việt Nam.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh: Cần có tư duy mở trong phát triển công nghệ sinh học ngành nông nghiệp. Nghiên cứu của các Viện, trường có lúc không phù hợp với yêu cầu của kinh tế thị trường nên việc nghiên cứu cần xuất phát từ nhu cầu của doanh nghiệp, cần mời các doanh nghiệp tham gia cùng các đề tài nghiên cứu công nghệ sinh học để đảm bảo tính thực tiễn của công trình nghiên cứu. Bộ NN-PTNT cần hợp tác với các Bộ, ngành, các Viện, trường liên quan, phát huy thế mạnh của từng đơn vị trong lĩnh vực này. Hiện nay, công tác nghiên cứu khoa học vẫn còn phân tán, cần nghiên cứu mang tính tập trung vào lĩnh vực cụ thể, không dàn trải. Bên cạnh đó, việc thu hút nguồn nhân lực được đào tạo tại nước ngoài đóng vai trò rất quan trọng.
Cũng tại Hội nghị, các chuyên gia, nhà khoa học đồng tình với quan điểm trên của Bộ trưởng Lê Minh Hoan và cho rằng, Công nghệ sinh học là một trong các lĩnh vực khoa học công nghệ được Đảng và Nhà nước Việt Nam ưu tiên đầu tư phát triển. Để thúc đẩy việc nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ sản xuất và đời sống, nhiều văn bản chỉ đạo của Đảng và Chính phủ đã được ban hành. Trong lĩnh vực nông nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 11/2006/QĐ-TTg ngày 12 tháng 01 năm 2006 phê duyệt “Chương trình trọng điểm phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2020”, và Quyết định số 97/2007/QĐ-TTg ngày 28 tháng 6 năm 2007 phê duyệt “Đề án phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực thuỷ sản đến năm 2020”, giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì tổ chức thực hiện. Kết quả đã nâng cao năng lực nghiên cứu, tạo ra nhiều quy trình công nghệ và sản phẩm công nghệ sinh học ứng dụng vào sản xuất, tăng cường năng lực các tổ chức nghiên cứu, hợp tác với các tổ chức quốc tế trong ứng dụng, chuyển giao góp phần quan trọng trong tăng trưởng và phát triển của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Để kế thừa và tiếp tục phát huy các kết quả đạt được của chương trình công nghệ sinh học nông nghiệp, thủy sản giai đoạn 2006-2020 và thực hiện Quyết định số 553/QĐ-TTg ngày 21 tháng 04 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển công nghiệp ý sinh học đến năm 2030. Năm 2020, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã xây dựng hồ sơ và thuyết minh xin phê duyệt Đề án phát triển công nghiệp sinh học ngành nông nghiệp đến năm 2030. Ngày 24/3/2021, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý và có Quyết định số 429/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án phát triển công nghiệp sinh học ngành nông nghiệp đến năm 2030. Năm 2021, 05 nhiệm vụ Khoa học công nghệ đã được phê duyệt thực hiện, kế thừa kết quả của giai đoạn 2006-2020 của Chương trình nghệ sinh học nông nghiệp – thủy sản, tiếp tục khai thác và phát triển sản phẩm. Năm 2022, Đề án công nghệ sinh học đã trình Bộ phê duyệt 21 đề tài/dự án triển khai thực hiện từ năm 2023 với sản phẩm là các giống/dòng cây trồng nông lâm nghiệp, các giống vật nuôi – thủy sản, các chế phẩm sinh học, thuốc thú y bảo vệ cây trồng và vật nuôi./.