Người nhìn nhận, phương Đông dùng để chỉ các nước châu Á với những tôn giáo lớn xuất hiện ở các lưu vực đông dân; còn phương Tây chủ yếu Tây Âu bao gồm Anh, Pháp, Đức, Ý, Áo, Tây Ban Nha...và cả Hoa Kỳ. Ngoài vị trí địa lý khác nhau, Đông-Tây còn có sự khác biệt đáng kể về cách tiếp cận và lối sống, sự thiếu tương đồng giữa 2 khu vực không chỉ bị chi phối bởi địa hình, mà còn do những trường phái tư tưởng đến từ mọi hoạt động xã hội khác nhau. Nếu biết cách vận dụng, kết nối với các chủ đề phân tích, nó sẽ ảnh hưởng tích cực đến nhiều vấn đề cả về tình huống và thực tế diễn ra.
Đặc điểm khác biệt giữa Đông-Tây là ổn định tĩnh đối nghịch với động và biến đổi nhanh để,tạo nên những những nét riêng trong đời sống xã hội. Từ những tiến bộ của khoa học và công nghệ, không ít quốc gia đã từng coi nhẹ văn hóa truyền thống hàng ngàn năm để chuyển hướng sang khoa học thực chứng. Ngày nay, khi các nhà khoa học tìm về văn hóa phương Đông thì những gì còn lại chỉ là những kiến thức tản mạn, thất truyền hoặc qua truyền miệng. Từ những nét nổi bật về y học phương Đông, bài viết đề cập đến một số vấn đề để cùng trao đổi.
Sự khác biệt Đông - Tây và nét cơ bản của văn hóa phương Đông
Triết lý phương Tây thường đi từ gốc lên ngọn, từ thế giới quan, vũ trụ quan và bản thể luận để xây dựng nhân sinh quan. Ngược lại, triết học phương Đông lại đi từ ngọn xuống gốc, từ nhân sinh quan, cách sống rồi sau đó mới đến vũ trụ quan và bản thể luận. Triết Đông mềm dẻo, còn ở triết Tây lại theo hệ thống logic chặt chẽ. Nếu phương Tây gắn với khoa học, nhất là khoa học tự nhiên thì ở phương Đông lại bát đầu từ hiền triết là những nhà tôn giáo, giáo dục đạo đức và chính trị-xã hội nổi tiếng.
Triết học phương Tây thiên về giải thích thế giới, còn mục đích của triết lý phương Đông lại là cải tạo thế giới trên các mặt xã hội, giải thoát con người và làm cho họ sống hoà đồng cùng với thiên nhiên. Đối tượng của triết học phương Tây rộng lớn, bao trùm toàn bộ tự nhiên, xã hội và tư duy Triết lý này lấy bên ngoài giải thích cái bên trong theo xu hướng duy vật. Ngược lại, triết học phương Đông lại lấy xã hội làm gốc, là tâm điểm để nhìn nhận nên đối tượng chủ yếu lại là xã hội, chính trị, đạo đức, tâm linh và do vậy hướng nội, lấy cái bên trong để giải thích cho hiện tượng bên ngoài. Có thể thấy, Triết học phương Tây hướng về tư duy duy lý, phân tích mổ xẻ; còn triết Đông lại thiên về trực giác. Thế mạnh phương Tây là khoa học, kỹ thuật và công nghệ hướng đến chân lý vô hạn, thông qua những vấn đề trừu tượng. Ngược với xu thế này, triết Đông lại dùng trực giác để đi thẳng đến mọi hiểu biết.
Phương Tây có xu hướng tách chủ thể với khách thể để nhận thức khách quan, còn phương Đông thường đặt con người và đối tượng nhận thức vào cùng 1 hệ quy chiếu. Nhận thức của triết học phương Tây là khái niệm, mệnh đề; dùng lôgíc để mô tả đối tượng. Ngược lại phương Đông lại thường dùng phép ẩn dụ, liên tưởng lấy hình ảnh, ngụ ngôn với tính đa nghĩa, khác biệt để mô tả sự vật. Cho dù có thay đổi, nhưng phương Đông vẫn lấy gốc lõi làm nền. Do phương Tây thiên về thay đổi nhảy vọt nên càng tiến hoá lại càng phong phú, càng xa với cái gốc ban đầu,
Trong giải thích quy luật vận động, khác với phương Đông nghiêng về thống nhất hay vận động tuần hoàn; phương Tây lại thiên về tranh đấu để phát triển. Phân tích tư liệu còn cho thấy, triết học phương Tây thiện về hướng ngoại, đấu tranh sống còn; cạnh tranh, bành trướng với tri thức suy luận, thiên về thực thể. Ngược lại, phương Đông lại là hướng nội với tư duy trực giác, quân bình, hoà hợp tập thể, tâm linh và chú ý nhiều đến các mối quan hệ xã hội.
Là những trường phái tư tưởng ảnh hưởng rõ nét đến các nền văn minh, sự khác biệt giữa triết học Đông-Tây là chủ nghĩa cá nhân của phương Tây và tập thể ở phương Đông. Triết lý phương Đông thu hút các nhóm xã hội hành động và cùng suy nghẫm để tìm ra ý nghĩa cuộc sống, thoát khỏi khái niệm giả dối và khám phá thực sự mọi mối quan hệ xung quanh. Ngược lại, phương Tây lại mang tính cá nhân để tìm ra ý nghĩa cuộc sống mà bản ngã được đặt ở vị trí trung tâm.
Có thể nhận thấy, nguyên tắc triết học phương Đông là sự thống nhất. Thống nhất vũ trụ là điểm chính trong hành trình tìm về thực tại và sự tái diễn để hình thành vòng luân hồi khép kín. Đây là điều quan trọng của đạo đức dựa trên hành vi và sự phụ thuộc từ trong ra ngoài. Để giải thoát, trước hết nội tâm cần phù hợp với thế giới xung quanh.
Ở phương Đông, Âm Dương-Ngũ Hành là học thuyết ưu tú và quan trọng trong lý giải nhiều vấn đề phức tạp cả về tự nhiên và xã hội. Thuyết Âm Dương, Ngũ Hành ngày nay có nhiều biến cải nhưng không thể phủ nhận giá trị đã mang lại, đặc biệt là những vấn đề phong thủy, tâm linh.
Thuyết âm dương được khởi nguồn vào những năm 2880 trước công nguyên và được duy trì, phát triển cho tới ngày nay. Mặc dù duy vật biện chứng thịnh hành cùng với nhiều trường phái triết học, song thuyết âm dương vẫn được nhiều học giả sử dụng trong các công trình nghiên cứu về dự đoán học.
Với minh triết phương Đông, sự tiến hoá tuân theo quy luật vận động được tiến triển qua thái cực sinh lưỡng nghi (âm, dương), lưỡng nghi sinh tứ tượng (thiếu âm và thiếu dương), tứ tượng sinh bát quái (càn, khảm, cấn, chấn, tốn, ly, khôn và đoài). Cơ cấu của sự biến hoá không ngừng đó là tính ức chế, hỗ trợ, nương tựa lẫn nhau và thúc đẩy nhau cùng phát triển.
Người xưa coi “âm-dương” là thuộc tính của mọi hiện tượng trong vũ trụ, trong từng tế bào và những chi tiết nhỏ. Nhất nguyên vũ trụ sinh lưỡng nghi, rồi phân thành những cấp tiếp theo là tứ tượng (nước, lửa, đất và khí). Thuyết âm dương cho thấy, mọi biển thể sinh diệt, sống chết đều do sự vận động của âm và dương. Dương bao gồm những thuộc tính mạnh mẽ như sự biểu lộ của trời, nam tính, bề trên, sang trọng, ban ngày, ánh sáng, sức nóng, năng lượng, sự chuyển động mạnh mẽ, náo nhiệt và hưng phấn; còn âm là những thuộc tính yếu mềm, biểu lộ của nữ tính, bóng tối, mặt trăng, sự mềm mại, yếu đuối, trầm tính và mối quan hệ thụ động
Trong bát quái, âm dương được thể hiện qua hai màu đối lập trắng đen thể hiện tính“nhị nguyên”; cũng như sự hòa quyện lẫn nhau để nói lên sự hòa hợp. Quy luật âm dương đối lập và thống nhất xuyên suốt trong mọi sự vật, âm và dương luôn dựa vào nhau để cùng tồn tại và phát triển. Theo đó, không có âm thì không có dương và ngược lại. Về thực chất, âm và dương không thuần nhất mà trong dương có âm và trong âm vẫn tiềm ẩn dương; hai thuộc tính này có thể chuyển hóa lẫn nhau. Chuyển hóa âm dương là quy luật tất yếu để tạo ra sự phát triển hài hòa và bền vững. Âm và dương vận hành trong thế động; theo đó, cân bằng cũ bị phá vỡ theo quy luật vận hành và cân bằng mới sẽ được thiết lập. Mọi sự vật, hiện tượng luôn thay đổi, vận động; qua ngày tới đêm, hết sáng đến tối và nóng đi, lạnh đến.
Ngày nay, còn nhiều ý kiến khác nhau về thời điểm khởi nguồn của thuyết Ngũ hành. Thuyết ra đời giải thích về sự vật, hiện tượng một cách rõ ràng và hợp lý hơn với những quy luật sinh khắc vô thường. Thuyết Ngũ hành được khởi xướng từ hàng nghìn năm trước Công nguyên. Theo đó, bất kì một dạng thể nào trong thế giới vật chất và thực thể sống đều tùy thuộc vào Ngũ hành. Ngũ hành bao gồm Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ với các thuộc tính của sự vật và hiện tượng được quy định và vận hành theo quy luật. Quy luật tương sinh là một vòng khép kín, tạo mối quan hệ tương hỗ cho sự sinh sôi nảy nở, giúp đỡ lẫn nhau. Mối quan hệ này được diễn tả bằng Cái sinh ra nó và cái Nó sinh ra. Sự hỗ trợ lẫn nhau dễ suy đoán. ví như Thủy sinh Mộc vì nước tưới giúp cây tươi tốt; Mộc sinh Hỏa vì gỗ là nguyên liệu giúp bén lửa; cứ như vậy, vòng tròn tương sinh đã ra đời .Mối quan hệ tương khắc trong Ngũ hành cũng giống như âm và dương, nó tạo thành thế cân bằng Trong ngũ hành, bất kì hành nào cũng bị quy luật tương khắc chi phối. Theo đó, sự phát triển cực thịnh dẫn đến dư thừa và dư thừa có nguy cơ làm suy giảm. Để diễn giải quy luật phản sinh, có thể mô hình hóa bằng hình ảnh chăm sóc một đứa trẻ nhỏ. Muốn em bé lớn nhanh phải cho ăn uống đầy đủ; nhưng nếu cho ăn quá độ dễ gây bệnh tật, thậm chí dẫn đến tử vong.
Thuyết âm dương được ứng dụng đa dạng trong việc luận giải các hiện tượng trong những chuyên ngành như đông y, quân sự, thể biến và thiên biến. Trong phong thủy, thuyết âm dương là chỗ dựa cho nhiều lý giải. Các nhà phong thủy, địa lý dựa vào học thuyết này để xem xét, đề xuất hay sửa chữa những sai lệch của nhiều vấn đề. Thuật phong thủy còn vận dụng kiến thức tương sinh, tương khắc và ngũ hành để chỉ ra tính chất của đất đai. và từ đó đề xuất sửa đổi để thu được những lợi ích do tính chất môi trường mang lại.
Y học dân tộc dựa vào hệ kinh lạc với khả năng châm cứu
Theo triết lý phương Đông, mọi sự vật và hiện tượng đều có 2 mặt đối lập, hỗ trợ và kiềm chế lẫn nhau; để tồn tại và phát triển phải đảm bảo cân bằng trong hệ thống. Khi cơ thể ở trạng thái cân bằng các cơ quan vận hành trơn tru, con người khỏe mạnh, tinh thần sung mãn. Lúc mất cân bằng, thể trạng suy yếu, khiến tác nhân gây bệnh xâm nhập cơ thể. Nguyên tắc chữa bệnh là tạo cân bằng âm dương, nhằm điều hòa chức năng lục phủ, ngũ tạng; tăng cường lưu thông khí huyết và thông kinh mạch.
Từ xa xưa, trong Y học phương Đông, người ta đã xác định, trong cơ thể người có hệ thống kinh lạc. Hệ này gồm những đường kinh nối phủ tạng ra ngoài da và những đường lạc nối các đường kinh với nhau. Kinh lạc là đường khí huyết vận hành trong cơ thể, liên kết đan xen ngang dọc, liên thông trên dưới, trong ngoài, đó là mạng lưới liên lạc toàn thân. Trong các đường kinh lạc có sinh khí vận hành để điều hòa khí huyết, giúp cơ thể chống lại được những tác nhân gây bệnh. Hệ kinh lạc với tác dụng lưu thông khí huyết, dưỡng tố chất, nuôi sống các cơ quan thuộc lục phủ, ngũ tạng, thông trong đạt ngoài, vận hành khí huyết để duy trì bình thường công năng sinh lý của các bộ phận trong cơ thể.
Sơ đồ hệ kinh lạc trên cơ thể người Nguồn trithucvn.org.
Ở tình huống bệnh lý, cơ thể bị xâm nhập, bệnh sẽ theo đường kinh mà truyền vào phủ tạng. Ngược lại, tạng phủ bị bệnh, nó cũng sẽ men theo đường kinh lạc để thể hiện triệu chứng tương ứng ra phía ngoài cơ thể.
Đường kinh lạc hoạt động tùy thuộc vào công năng của lục phủ, ngũ tạng. Tác động lên các huyệt đạo. Theo đó, châm cứu là phương pháp gây kích thích để tạo phản xạ, có tác dụng ức chế hoặc phá vỡ phản xạ bệnh lý. Châm cứu các huyệt đạo có thể loại bỏ được những tác nhân gây bệnh diễn ra theo cơ chế tại chỗ, tiết đoạn và toàn thân.
Do tổn thương có quan hệ với giao cảm của vùng da trong cùng tiết đoạn để điều trị bệnh lý bên trong. Tác động vào huyệt dạo sẽ gây phản ứng, tạo luồng xung đột thần kinh hướng tâm. Xung động truyền đi tạo phản xạ li tâm theo sợi vận động đến tiết đoạn châm cứu hoặc các mạch máu và cơ quan nội tạng tương ứng để điều hòa chức năng sinh lý. Theo đó, thầy thuốc sẽ lựa chọn vùng da và huyệt vị ở đoạn thần kinh tương xứng với với cơ quan nội tạng bị tổn thương.
Một huyệt đạo có thể được dùng để chữa nhiều tổn thương và một bệnh có thể được sử dụng nhiều huyệt đạo để điều trị. Cho dù lựa chọn ra sao, thì bất kỳ một kích thích nào trên cơ thể cũng đều liên quan đến hoạt động của vỏ não và tác động đến toàn thân. Nhờ đó, sau khi tác động, các luồng xung động thần kinh liên tục truyền về tủy sống và não bộ, làm biến đổi nội tiết và thể dịch. Từ đó, ảnh hưởng đến các hệ thống tuần hoàn, hô hấp, tiêu hóa và bài tiết.
Cấy chỉ, nét mới trong nền y học hiện đại
Cấy chỉ được đánh giá là phương pháp trị liệu hiệu quả cao nhờ kết hợp giữa châm cứu truyền thống với tiến bộ khoa học công nghệ hiện đại. Cấy chỉ còn gọi là chôn chỉ với hàm nghĩa đưa chỉ tự tiêu (catgut) vào các huyệt đạo của hệ kinh lạc để duy trì sự kích thích, tạo tác dụng điều trị lâu dài. Với phương pháp châm cứu, người châm thường đưa kim vào huyệt vị và lưu lại tại đó chừng 30 phút. Bằng phương pháp này, kích thích chỉ được tạo ra tại thời điểm châm cứu và sau đó vài giờ. Theo cách cấy chỉ, chỉ catgut được đưa vào huyệt vị và lưu lại, tạo kích thích liên tục kéo dài đến khi tiêu hết.
Cấy chỉ mang lại hiệu quả cao, bệnh nhân cảm nhận rõ rệt sự thuyên giảm của các triệu chứng bệnh tật ngay từ những lần điều trị đầu tiên. Phương pháp này duy trì được tác dụng lâu dài, hạn chế bệnh tái phát trở lại. Là phương pháp trị liệu không dùng thuốc, chỉ bằng kết hợp với kim châm để đưa chỉ tự tiêu vào bên trong cơ thể. Thông thường cấy chỉ diễn ra 30 phút đến 1 giờ với khoảng cách giữa 2 lần cấy từ 10 đến 15 ngày. Nhờ đó, người bệnh không tốn nhiều thời gian và giảm được tối đa chi phí điều trị.
Dùng chỉ catgut cấy vào huyệt vị có tác dụng tăng protein, hydratcarbon và tăng cường chuyển hóa dinh dưỡng. Bằng cơ chế kích thích huyệt vị, tuần hoàn máu cho vùng cấy chỉ hoặc vùng bị liệt của nhiều bệnh nhân được cải thiện, đồng thời với gia tăng những sợi cơ tạo thành nhiều bó, những sợi cơ lỏng lẻo kết chặt lại và bên trong có thể phát sinh những sợi dây thần kinh mới
Đôi dòng thay cho lời kết
Nghiên cứu y học dân tộc hiện đại dựa vào hiện tượng nên chưa thấy hết bản chất về khí và hệ kinh lạc, còn xa mới hiểu tường tận về sự huyền bí của cơ thể theo những nguyên lý cổ truyền. Điều đáng tiếc là, từ những tiến bộ của y học phương Tây, trong thời gian dài không ít người đã coi nhẹ văn hóa truyền thống. Ngày nay, khi các nhà khoa học tìm về văn hóa phương Đông thì những gì còn lại chỉ là những kiến thức tản mạn, thất truyền hoặc qua truyền miệng.
Đại hội lần thứ XIII của Đảng Công sản Việt Nam đã khẳng định vai trò quan trọng của văn hóa trong sự nghiệp đổi mới, đã coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Đại hội xác định, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, cần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa Việt Nam. Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc là nhiệm vụ trọng tâm xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đường lối bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc là bảo tồn, giữ gìn thành quả hàng nghìn năm lao động sáng tạo, đấu tranh kiên cường dựng nước và giữ nước. Đại hội cũng đã chỉ ra“vừa phát huy những giá trị tốt đẹp của dân tộc, vừa tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần, nguồn lực nội sinh và là động lực đột phá để phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế”.
Nhận thức sâu sắc giá trị tạo nên nét đặc sắc riêng chỉ có ở dân tộc, con người, Đảng Cộng sản Việt Nam chủ trương: “Trong quá trình mở rộng hội nhập kinh tế quốc tế và giao lưu văn hóa, cùng với việc tập trung xây dựng những giá trị mới của văn hóa Việt Nam đương đại, cần tiếp tục đẩy mạnh công tácbảo tồn, kế thừa, phát huy các giá trị tốt đẹp của truyền thống văn hóa dân tộc và tiếp nhận có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giớ để bắt kịp sự phát triển của thời đại”
Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống là yếu tố mấu chốt trong phát huy bản sắc dân tộc. Giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc tạo nên sự gắn bó, đoàn kết đó là sức mạnh nội sinh để phát triển.
Kết nối quá khứ với hiện tại là nền tảng cho tương lai dân tộc và đất nước. Tinh thần yêu nước sáng tạo cùng với ý chí tự lực, tự cường, đoàn kết dân tộc là điều kiện tiên quyết tạo nên sức mạnh phát triển kinh tế- xã hội. Từ những quan điểm sâu sắc của lãnh đạo Đảng và Chính phủ, một khi những bí ẩn được làm sáng tỏ, cuộc cách mạng khoa học mới chắc chắn sẽ mang lại cho đất nước những bước phát triển tốt đẹp và mạnh mẽ hơn nhiều./.
Địa chỉ liên lạc Lê Thành Ý: 19b/668 Đường Lạc Long Quân, Nhật Tân ;Q.Tây Hồ, Hà Nội
Mob 0829848231; Email lethanhy05@gmail.com