Tổ chức Thịt gà Australian (ACMF) cũng như nhiều nhà khoa học chuyên ngành gia cầm thời gian qua đã “đấu tranh không ngừng nghỉ” để thuyết phục mọi người rằng thành quả của khâu chọn lọc giống, cải thiện dinh dưỡng và kỹ thuật chăn nuôi là nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi này.
Tuy nhiên một cuộc khảo sát gần đây cho thấy rằng, cuộc chiến này vẫn bất phân thắng bại, với tỷ lệ gần 6/10 số người được hỏi cho rằng sự thay đổi đáng kể ở thịt gia cầm là do các hormone tăng trưởng và steroid được bổ sung.
Tại sao lại có sự nhầm lẫn này?
Thịt gà nuôi thả tự do ngày nay vẫn thường được quảng cáo ở Úc là “không dùng hormone tăng trưởng”. Phó giám đốc điều hành ACMF Kylie Hewson cho biết, thực tế là việc sử dụng hormone ở gà thịt đã bị cấm ở quốc gia này từ nhiều thập kỷ trước. “Từ cách nay rất lâu, vào những năm 50 và 60, một số người trong ngành đã thử nghiệm sử dụng steroid hoặc hormone để theo dõi mức độ tăng trưởng ở gà. Tuy nhiên khoa học cũng chứng minh rằng, sẽ hiệu quả hơn rất nhiều khi sử dụng phương pháp nhân giống chọn lọc để tạo ra những đặc điểm mà họ muốn có ở gà thịt", theo tiến sĩ Hewson.
Bà Hewson cho biết, steroid và hormone đã không được sử dụng trong ngành chăn nuôi gà thịt ở Úc trong hơn 60 năm và việc điều trị các loại bệnh tật trên gia cầm bằng kháng sinh chỉ được duy trì ở mức tối thiểu. “Và thật là trớ trêu khi người tiêu dùng nhiều khi lại hay cả tin vào những chuyện hoang đường hơn là sự thật. Nhiều năm qua, chúng tôi muốn đảm bảo rằng người dân phải cảm thấy thoải mái trong việc lựa chọn những gì họ nuôi sống gia đình mình", bà Hewson cho hay.
Hiện Tiêu chuẩn Thực phẩm Australia New Zealand (FSANZ) thống nhất quy định mức độ sử dụng chất hormone tăng trưởng đối với gia súc ở Úc, nhưng không được sử dụng đối với gà, cừu, lợn hoặc dê.
Mỗi năm, người dân Úc tiêu thụ nhiều hơn gấp đôi lượng thịt gà so với bất kỳ loại thịt nào khác và dự báo đến năm 2023, mức tiêu thụ thịt gà trung bình ở quốc gia này dự kiến sẽ đạt 49 kg/đầu người mỗi năm.
Nhà khoa học chuyên về thịt Louw Hoffman thuộc Đại học Queensland cho biết, ngành công nghiệp gia cầm trị giá 3,063 tỷ USD này có thể đáp ứng nhu cầu đó bằng cách phát triển các giống lai dành riêng cho sản xuất thịt.
Ông Hoffman nói: “Giờ đây một con gà thịt đạt trọng lượng khi đưa ra thị trường chỉ trong vòng 42 ngày và với tốc độ đó thì không bao giờ chúng ta có thể đạt được khi nuôi kiểu thả vườn”.
Giáo sư Hoffman cho biết, các giống gà thịt ngày nay ít vận động thể chất hơn và hiệu quả hơn trong việc chuyển hóa thức ăn chăn nuôi thành trọng lượng, và chúng thường được nuôi trong hệ thống chuồng trại lớn để kiểm soát ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm, chế độ ăn uống cũng như các rủi ro an toàn sinh học.
Trong khi đó, các nhóm phản đối hệ thống chăn nuôi dạng này đã gọi đó là kiểu "công nghiệp", nhưng tiến sĩ Hewson giải thích, sản xuất gà thịt thâm canh của Úc không giống như các hệ thống "khủng khiếp" ở một số quốc gia khác.
"Trang trại nhà máy là một thuật ngữ gây khó chịu. Thành thật mà nói, đó là một sự xúc phạm đối với ngành công nghiệp chăn nuôi gia cầm hiện đại và tất cả những thành quả đã đạt được để duy trì và tối ưu hóa phúc lợi cho đàn gà của chúng tôi", bà Hewson nói.
Giáo sư Hoffman cho biết thêm, một khi ngành chăn nuôi kém chất lượng thì tất yếu sẽ không có lợi nhuận. “Nếu đàn gà không thoải mái, nó sẽ không phát triển, việc chuyển đổi thức ăn sẽ giảm và các chủ trang trại, công ty chăn nuôi sẽ lỗ lã nặng”, theo ông Hoffman.
Bất chấp sự phản đối các trang trại chăn nuôi gà thịt hiện đại, quy mô lớn ở một số cộng đồng, ACMF cho biết hệ thống này có tác động môi trường thấp hơn và ngành đã áp dụng một lộ trình bền vững.
Tại Bunya Grove Produce ở Amamoor, trang trại Mick & Kylie Carr vào đàn gà con một ngày tuổi, và chúng đã phát triển tới 2 kg trong 42 ngày bằng chế độ ăn ngũ cốc, cỏ tươi và sâu bột.
Ông Carr cho hay: “Chúng chắc chắn sẽ không thể nào giống như những con gà đẻ trứng rất hiếu động, còn đàn gà thịt này tất cả những gì chúng làm về cơ bản là chỉ ăn uống và nghỉ ngơi”.