Ông Vũ Duy Dũng, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: Vở chèo “Nguyễn Viết Xuân” tác giả kịch bản Hồng Mặc Cát; đạo diễn NSƯT Lê Thanh Tùng và tập thể nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công Nhà hát nghệ thuật tỉnh biểu diễn phục vụ nhân dân nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975- 30/4/2025) và kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2025).
Vở diễn có nội dung tư tưởng nhân văn, có giá trị nghệ thuật cao, ca ngợi tấm gương chiến đấu anh dũng, bất khuất và sự hy sinh cao cả của anh hùng liệt sĩ Nguyễn Viết Xuân – một người con ưu tú của tỉnh Vĩnh Phúc trong chiến tranh chống Pháp - Mỹ cứu nước.
Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Viết Xuân sinh ngày 20/1/1933 tại xóm Thượng, xã Ngũ Kiên, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc và nhập ngũ năm 1952.
Ông sinh ra trong một gia đình bần nông, cha mẹ đều là nông dân nghèo, thật thà chất phác. Lớn lên, khi quê hương còn dày bóng quân thù, ông đã ghi tên mình vào Sổ đăng ký tòng quân đánh giặc và lên đường nhập ngũ vào năm 1952.
Từ một chiến sỹ trinh sát thuộc C3 đoàn 99, đến tiểu đội trưởng trinh sát, trung đội trưởng pháo cao xạ, chính trị viên phó đại đội pháo cao xạ, ở bất kỳ cương vị nào, Nguyễn Viết Xuân cũng nêu cao quyết tâm chống giặc ngoại xâm, bảo vệ tổ quốc và gương mẫu đi đầu trong các phong trào.
Trong chiến tranh chống đế quốc Mỹ, với vai trò là Bí thư chi bộ, chính trị viên đại đội pháo cao xạ, Nguyễn Viết Xuân đã nêu tấm gương sáng về tinh thần kiên quyết tiến công địch.
Trong trận chiến với không quân địch ngày 18/11/1964 tại miền Tây tỉnh Quảng Bình, ông đã chỉ huy đơn vị đánh trả quyết liệt và bất chấp hiểm nguy, đến bên các khẩu đội pháo để khôi phục sức chiến đấu với khí phách của một người chỉ huy dũng cảm, anh bị thương nặng và đã anh dũng hy sinh.
Ngày 23/5/2014, tại xã Ngũ Kiên, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc đã tổ chức trọng thể Lễ truy điệu và đón nhận hài cốt Anh hùng Liệt sỹ Nguyễn Viết Xuân từ Quảng Bình về an táng tại Nghĩa trang liệt sỹ quê nhà xã Ngũ Kiên.
Tiếng hô dõng dạc của ông: “Nhằm thẳng quân thù, bắn!” vang trên trận địa đánh quân thù đã trở thành khẩu lệnh khích lệ tinh thần chiến đấu của toàn đơn vị và trên khắp các chiến trường đánh Mỹ và cùng với bao tấm gương quả cảm, anh dũng, đã viết lên trang sử vàng, trở thành biểu tượng của truyền thống yêu nước, anh hùng của tuổi trẻ Việt Nam nói chung và tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng.
Thông qua vở diễn nhằm giáo dục đạo đức, lối sống, lòng can đảm, anh dũng, ý chí sắt đá, lý tưởng cách mạng của chiến sĩ cộng sản cho thế hệ hôm nay.
“Thời gian qua, tập thể cán bộ, nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát đã dàn dựng nhiều vở diễn chèo về danh nhân, con người Vĩnh Phúc, thông qua hình thức sân khấu hóa góp phần quan trọng cho việc con người đương đại, nhất là thế hệ trẻ hiểu lịch sử đất nước, quê hương Vĩnh Phúc, hiểu chiến công cùng những vất vả của các thế hệ cha ông một cách toàn diện và đa dạng”, ông Vũ Duy Dũng, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật tỉnh Vĩnh Phúc nhấn mạnh.