Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nho, dưa lưới giúp gia đình anh Trần Duy Đoan, xã Nhân Đạo (Sông Lô) có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm, tạo việc làm ổn định cho 5 - 6 lao động của địa phương
Đam mê nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, năm 2020, chị Văn Thị Yến, thị trấn Tứ Trưng (Vĩnh Tường) đã mạnh dạn gom hơn 3.000 m2 đất ruộng của bà con địa phương để khởi nghiệp bằng mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao với tên gọi "Nông trại Đào Gia Trang".
Chị Yến đã cải tạo, thử nghiệm xây dựng 1.000 m2 khu vực nhà lưới để trồng các loại rau, quả có giá trị; diện tích còn lại trồng rau, củ theo mùa và thực hiện không bón phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật có chứa thành phần hóa học…
Sau 1 năm khởi nghiệp, biết được ý tưởng, dự định ứng dụng công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp, nông trại Đào Gia Trang được 1 DN tại Hà Nội hỗ trợ lắp đặt hệ thống giám sát nông nghiệp công nghệ cao, một phần chi phí lắp đặt ánh sáng cho khu nhà lưới.
Mô hình đã giúp chị Yến dễ dàng theo dõi, giám sát về nhiệt độ, áng sáng, môi trường và có những giải pháp hiệu quả từ việc gieo sạ, cung cấp chất dinh dưỡng và phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng, góp phần giảm bớt nhân công, nâng cao hiệu quả, năng suất cây trồng và tăng thu nhập cho gia chủ.
Chị Yến chia sẻ: "Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất giúp tôi vượt qua khó khăn, đến nay, nông trại có tổng diện tích trên 12.000 m2, được quy hoạch, xây dựng theo mô hình du lịch sinh thái trải nghiệm kết hợp sản xuất nông nghiệp.
Trong đó có 1 khu nhà lưới với diện tích 6.000 m2 chuyên các giống cây nhập ngoại; khu trải nghiệm được xây dựng với không gian mở rất bắt mắt; khu ngoài trời chuyên trồng các loại rau, củ theo mùa vụ. Nhờ đó, nông trại không chỉ cung cấp các nông sản an toàn cho người dân trên địa bàn trong và ngoài tỉnh mà còn tạo việc làm, thu nhập ổn định cho 5 lao động địa phương, doanh thu đạt gần 3 tỷ đồng/năm".
Với diện tích hơn 4.000 m2, năm 2021, anh Trần Duy Đoan, xã Nhân Đạo (Sông Lô) đã mạnh dạn đầu tư hơn 1 tỷ đồng xây dựng hệ thống giàn mái che, nước tưới tự động nhỏ giọt, phun sương và gieo trồng 1.400 gốc nho hạ đen và dưa lưới ứng dụng công nghệ cao.
Đến nay, mô hình không chỉ được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho 6 lao động của địa phương mà còn thu hút nhiều du khách đến thăm quan, trải nghiệm, học hỏi, thu lãi hàng trăm triệu đồng/năm.
Chia sẻ về những thành công bước đầu, anh Đoan cho biết: Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp là một giải pháp then chốt để tạo ra nông sản an toàn, giữ chân khách hàng và phát triển bền vững, bởi công nghệ giúp chúng ta giải phóng sức lao động, giảm chi phí sản xuất và tăng thu nhập.
Cùng với đó, tôi dễ dàng quảng bá, giới thiệu các sản phẩm, mô hình trải nghiệm của nông trại tới nhiều du khách khắp các tỉnh, thành phố qua zao, facebook và Fanpage “Nông trại nho sạch Sông Lô - Vĩnh Phúc”. Năm 2022, nông trại đón khoảng 1.500 khách trên địa bàn trong và ngoài tỉnh đến thăm quan, trải nghiệm mua nông sản.
Xác định tầm quan trọng của khoa học và công nghệ trong việc thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, những năm qua, Sở Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với các trường Đại học, Viện nghiên cứu, ngành nông nghiệp tích cực nghiên cứu, ứng dụng sâu rộng các tiến bộ kỹ thuật vào lĩnh vực trồng trọt như xây dựng dự án nhà lưới nhà kính; nghiên cứu các giống mới triển khai thực hiện các mô hình nông nghiệp tuần hoàn; áp dụng kỹ thuật thủy canh, canh tác trên giá thể không đất; sử dụng cây trồng được sản xuất theo công nghệ nuôi cấy mô; sử dụng chất điều hòa sinh trưởng thực vật trong điều khiển cây trồng; sử dụng các chế phẩm vi sinh; áp dụng IPM, ICM, VietGAP trên cây trồng; ứng dụng biện pháp tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel… Qua đó, góp phần quan trọng trong thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn.
Thời gian tới, ngành Nông nghiệp tiếp tục chuyển đổi cơ cấu giống, cây trồng, sản phẩm phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn, tổ chức sản xuất theo chuỗi đối với các sản phẩm chủ lực; đồng thời, khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, cơ giới hóa, thực hiện các quy trình kỹ thuật tiên tiến, biện pháp thâm canh bền vững.