Vĩnh Phúc: Tam Dương hướng sản xuất nông nghiệp sạch và an toàn toàn, góp phần tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân

img-7348-1720491294.jpeg
Hợp tác xã Nông sản Tam Dương, thị trấn Hợp Hòa ứng dụng công nghệ, trồng các loại dưa có giá trị kinh tế cao, mở ra hướng phát triển bền vững. Ảnh: Chu Kiều

Theo báo cáo của UBND huyện Tam Dương, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn 6 tháng đầu năm 2024 gặp nhiều khó khăn do tác động biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến phức tạp. Ngay từ đầu năm, UBND huyện đã tập trung chỉ đạo ngành chức năng, các địa phương tích cực triển khai các biện pháp phòng trừ sâu bệnh cây trồng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi.
Cùng với đó, hỗ trợ giống theo cơ chế của tỉnh, huyện; tập trung chỉ đạo, triển khai ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp; tích cực hỗ trợ nhân rộng các mô hình sản xuất sạch gắn với an toàn.
Trên địa bàn huyện đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung mang lại hiệu quả kinh tế cao, thân thiện môi trường như vùng sản xuất dưa chuột tại các xã, thị trấn An Hòa, Hợp Hòa, Hướng Đạo, Duy Phiên; vùng sản xuất bí đỏ tại thị trấn Hợp Hòa;, xã Hoàng Lâu, Thanh Vân, Đạo Tú.
Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp thực hiện theo hướng liên kết 4 nhà, góp phần nâng cao năng suất, thu nhập cho nông dân.
Ước giá trị sản xuất toàn ngành Nông nghiệp của huyện đạt hơn 1,1 nghìn tỷ đồng, tăng 0,73% so với cùng kỳ, chiếm 26,87% cơ cấu giá trị sản xuất trên địa bàn. Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm vụ Đông Xuân 2023-2024 đạt hơn 3.675ha.
Trong đó, cây lúa đạt hơn 3.145ha, năng suất đạt 61,6 tạ/ha, tăng 0,46% so với cùng kỳ; rau, đậu các loại đạt gần 297ha.
Mặc dù diện tích cây trồng có giảm so với cùng kỳ nhưng giá trị kinh tế lại cao hơn, bởi người nông dân chuyển sang trồng các loại cây màu chủ lực, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Lĩnh vực chăn nuôi trên địa bàn huyện cũng đạt được kết quả khả quan. Nhờ chủ động duy trì thực hiện tốt công tác nắm bắt tình hình chăn nuôi gia súc, gia cầm, phòng chống dịch bệnh; triển khai tiêm phòng vắc xin và phun khử trùng tiêu độc cho đàn gia súc, gia cầm nên dịch bệnh trong chăn nuôi được kiểm soát tốt, không phát sinh dịch bệnh mới.
Tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện hiện có hơn 4,1 triệu con, tăng 0,26% so với cùng kỳ. Trong đó, đàn trâu 1.205 con; đàn bò 10.060 con; đàn lợn 88.000 con, tăng 1,15% so với cùng kỳ; tổng đàn gia cầm hơn 4 triệu con, tăng 0,25% so với cùng kỳ.
Để lĩnh vực chăn nuôi phát triển theo hướng bền vững, huyện Tam Dương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân nâng cao kiến thức, đầu tư hệ thống xử lý chất thải, nước thải chăn nuôi. Đề ra cơ chế khuyến khích các địa phương quy hoạch, xây dựng các khu chăn nuôi tập trung để chủ động phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi và phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học.
Thời gian tới, huyện Tam Dương tiếp tục đầu tư nguồn lực phát triển ngành nông nghiệp toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao phù hợp với điều kiện sản xuất, tiềm năng lợi thế của từng địa phương, góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Thường xuyên hỗ trợ các HTX, tổ hợp tác và người nông dân ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất để nâng cao năng xuất, chất lượng sản phẩm gắn liền với bảo vệ môi trường nông thôn.


Với phương châm lấy sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, góp phần thực hiện hiệu quả Đề án cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh, những năm qua, trên địa bàn huyện Tam Dương đã có nhiều mô hình sản xuất sạch, an toàn được các HTX, người dân quan tâm đầu tư bởi giá trị kinh tế, sức khỏe, môi trường và mang tính bền vững.
Điển hình phải kể đến HTX Nông sản Tam Dương - Đơn vị tiêu biểu trên địa bàn huyện đã chủ động đầu tư sản xuất theo hướng công nghệ cao với những sản phẩm rau củ quả trong nhà kính.
Mặc dù sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phải đầu tư lớn nhưng giá trị sản phẩm đem lại luôn sạch, an toàn, giảm thiểu được rủi ro do thời tiết lại phù hợp với xu hướng tiêu dùng của người dân hiện nay. Đồng thời giúp nông dân hạn chế phải tiếp xúc trực tiếp với các loại hóa chất độc hại.

Các sản phẩm sau thu hoạch của HTX đều được tập trung tại khu vực sơ chế rộng rãi, sau đó các doanh nghiệp đến tận nơi thu mua nên đầu ra tương đối ổn định. Trung bình một năm, HTX trồng được 3 vụ dưa lưới cho thu hoạch từ 9 -10 tấn quả, thu về gần 500 triệu đồng.
Cùng với đó, 3 vụ dưa chuột thu được 7,5 tấn cũng thu được gần 180 triệu đồng; diện tích hoa đồng tiền, ớt chuông được trồng theo hình thức cuốn chiếu cũng giúp HTX có nguồn thu nhập khá.