Với mục tiêu trở thành tỉnh công nghiệp phát triển vào năm 2025, Vĩnh Phúc đang tập trung vào các giải pháp như: Phát triển công nghiệp theo chiều sâu, nâng cao năng suất, chất lượng; xây dựng đô thị hiện đại, bền vững; thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các dự án công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, khẳng định vị thế của mình trên bản đồ kinh tế của cả nước và quốc tế.
Vị trí địa lý thuận lợi, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và gần sân bay quốc tế Nội Bài đã giúp Vĩnh Phúc trở thành cầu nối quan trọng giữa các tỉnh Tây Bắc với Hà Nội và đồng bằng sông Hồng. Cùng với chính sách đầu tư thông thoáng, cơ sở hạ tầng hiện đại và nguồn nhân lực dồi dào, sau gần 3 thập kỷ tái lập, từ tỉnh thuần nông, Vĩnh Phúc đã bứt phá ngoạn mục, nổi lên như một “điểm sáng” trong thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp ở khu vực miền Bắc, trở thành bến đỗ của những “cánh chim đại bàng” và ghi tên mình vào danh sách các tỉnh, thành phố đóng góp lớn cho ngân sách Nhà nước. Nếu như năm 1998, trên địa bàn tỉnh mới chỉ có 8 dự án FDI và 1 dự án DDI thì đến nay, toàn tỉnh có 493 dự án FDI đến từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 8,3 tỷ USD và 841 dự án DDI với tổng vốn đầu tư hơn 142.000 tỷ đồng. Cùng với đó là 17 khu công nghiệp được quyết định chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng diện tích hơn 3.160ha, trong đó có 9 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động; giải quyết việc làm cho hơn 140.000 lao động, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Thu ngân sách Nhà nước của tỉnh luôn thuộc nhóm dẫn đầu cả nước, từ năm 2004 đã tự cân đối được chi ngân sách và đóng góp điều tiết về ngân sách Trung ương.
Sau gần 30 năm đi vào hoạt động, Công ty Toyota Việt Nam, phương Phúc Thắng, thành phố Phúc Yên chuyên sản xuất, nhập khẩu, phân phối xe ô tô đã không ngừng phát triển cả về quy mô sản xuất và doanh số bán hàng. Hiện, công ty có 60 nhà cung cấp, trong đó, có 13 nhà cung cấp tại Việt Nam. Nhất quán với quan điểm, các giải pháp toàn diện, hướng tới sự an tâm, hạnh phúc của khách hàng trong suốt hành trình di chuyển và xây dựng doanh nghiệp xanh, những năm qua, Công ty Ô tô Toyota Việt Nam đã tập trung đổi mới công nghệ, nâng cao kỹ năng, tay nghề của công nhân, cung cấp ra thị trường những dòng xe chất lượng, đưa Nhà máy của Toyota Việt Nam trở thành một trong những nhà máy Toyota có chất lượng xuất xưởng xe tốt nhất trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Năm 2023, công ty bán ra thị trường gần 60.000 xe; xuất xưởng gần 26.500 xe. Tính riêng tháng 9/2024, doanh số bán hàng của công ty đạt 7.143 xe, tăng 50% so với tháng trước. Hiện, công ty giải quyết việc làm ổn định cho hơn 1.600 lao động trong và ngoài tỉnh.
Không chỉ tập trung phát triển sản xuất kinh doanh, công ty còn không ngừng chú trọng đến việc bảo vệ môi trường để đảm bảo sự phát triển bền vững. Cụ thể, công ty đã thành lập Ủy ban Môi trường, chia thành các tiểu ban chuyên môn để quản lý hiệu quả các hoạt động; triển khai chu trình xanh khép kín trên toàn hệ thống, từ khâu sản xuất đến phân phối, nhằm giảm thiểu tối đa tác động tiêu cực đến môi trường đất, nước và không khí, đồng thời giảm lượng khí CO2 thải ra. Nhờ những nỗ lực này, trung bình mỗi năm, công ty đã giảm được gần 6.300 tấn khí CO2, 23 tấn chất thải và 25.500 m3 nước thải. Bên cạnh đó, công ty không ngừng nghiên cứu, đầu tư và ứng dụng các công nghệ thân thiện với môi trường; tổ chức thường xuyên các khóa đào tạo nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho toàn thể cán bộ công nhân viên; đồng thời duy trì và cải tiến hệ thống quản lý môi trường theo tiêu chuẩn ISO 14001.
Không chỉ thu hút được Công ty Ô tô Toyota Việt Nam, thời gian qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã thành công trong việc mời gọi nhiều nhà đầu tư chiến lược, các dự án lớn sở hữu công nghệ cao, hướng tới phát triển bền vững. Thành quả này là nhờ tỉnh đã ban hành và triển khai đồng bộ các chính sách, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, nâng cao năng lực cạnh tranh. Cụ thể, với quyết định phê duyệt Đề án thu hút nhà đầu tư chiến lược đến năm 2030 được ban hành ngày 17/4/2024, tỉnh đã ưu tiên các tập đoàn đa quốc gia và xuyên quốc gia có thương hiệu quốc tế và các nhà cung ứng toàn cầu thuộc những ngành, lĩnh vực trọng điểm; nhà đầu tư có chiến lược đầu tư dài hạn, có trách nhiệm xã hội, sử dụng trình độ công nghệ tiên tiến. Đồng thời, rà soát, sắp xếp lại quy hoạch các khu, cụm công nghiệp và hỗ trợ, đồng hành các doanh nghiệp đầu chuỗi, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo... Nhờ đó, 9 tháng năm 2024, Vĩnh Phúc tiếp tục ghi nhận những tín hiệu tích cực trong công tác thu hút đầu tư: Toàn tỉnh hu hút đầu tư được 20 dự án DDI với tổng vốn đăng ký đạt 4.640,18 tỷ đồng, bằng 84,37% kế hoạch giao đầu năm. Khu vực FDI, tỉnh đã cấp giấy phép cho 58 dự án với tổng vốn đăng ký là 507,94 triệu USD, tăng 3% so với cùng kỳ và vượt gần 27% kế hoạch giao năm 2024.
Để phát triển kinh tế xanh sẽ phải vượt qua không ít thách thức; đòi hỏi sự đồng bộ trong tất cả các lĩnh vực, sự chung tay của tất cả các ngành, các cấp, chính quyền địa phương, các tổ chức, doanh nghiệp và người dân, đặc biệt là tư duy và hành động đột phá. Các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược kinh doanh dài hạn, trong đó tính đến các tác động của các quy định, tiêu chuẩn và quy định môi trường đối với sản phẩm. Đầu tư đổi mới công nghệ đồng bộ và hiện đại để sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, giảm thiểu ô nhiễm và nâng cao chất lượng sản phẩm. Nâng cao năng lực quản lý cho đội ngũ cán bộ chủ chốt trong doanh nghiệp, về cả năng lực phân tích kinh tế và môi trường. Tăng cường hỗ trợ tư vấn của các tổ chức, đơn vị, Nhà nước đối với các doanh nghiệp công nghiệp để thực hiện các biện pháp sản xuất sạch hơn.
Có thể nói câu chuyện "không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng" ở nhiều địa phương là bài học quý báu để tỉnh Vĩnh Phúc "lọc" kỹ càng các dự án mới, bảo đảm tăng trưởng xanh, tăng trưởng bền vững. Tuy nhiên, trên thực tế, tỉnh cũng đang phải đối mặt với những thách thức liên quan đến môi trường và biến đổi khí hậu, như thiếu nhà máy xử lý rác thải, nước thải; một số lượng lớn các dự án sản xuất nhỏ lẻ được triển khai bên ngoài các khu công nghiệp và cụm công nghiệp, tập trung vào các ngành nghề sản xuất nguyên liệu thô như thép, sắt, vật liệu xây dựng... Ngoài ra, việc thiếu các chương trình đào tạo chuyên sâu và đầu tư hạn chế vào giáo dục, nâng cao kỹ năng cho người lao động đã dẫn đến tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng nguồn nhân lực chất lượng cao, làm giảm sức cạnh tranh của tỉnh đối với các nhà đầu tư có công nghệ cao và thân thiện với môi trường. Do đó, nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp công nghệ cao, vẫn còn e ngại khi đầu tư vào tỉnh, ảnh hưởng tiêu cực đến mục tiêu phát triển kinh tế bền vững và tăng trưởng dài hạn của địa phương.
Giải bài toán khó này , Vĩnh Phúc đang quyết liệt triển khai nhiều giải pháp. Trong đó, tỉnh tiếp tục đồng hành cùng các doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp hoạt động và phát triển bền vững. Tập trung xây dựng các chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, sản xuất xanh và thân thiện với môi trường. Tổ chức các diễn đàn, hội thảo để các doanh nghiệp chia sẻ kinh nghiệm, cập nhật xu hướng mới nhất trong phát triển bền vững, từ đó tìm ra giải pháp phù hợp để ứng dụng vào thực tiễn. Bên cạnh đó, tỉnh chú trọng thu hút các nguồn lực tài chính xanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư và thu hút đầu tư có chọn lọc; đồng thời, xây dựng và phát triển hạ tầng đồng bộ, thúc đẩy hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực...