Vụ tai nạn chết người do xe container "không người lái": Trách nhiệm thuộc về ai?

Một người đàn ông 60 tuổi tử vong sau khi bị xe container không người lái bất ngờ trôi tới và cán trúng tại TP Bảo Lộc. Tài xế xe hiện đang bị tạm giữ để điều tra nguyên nhân và trách nhiệm liên quan.

Cơ quan Công an tỉnh Lâm Đồng đang tạm giữ tài xế Phạm Văn Công (38 tuổi, quê Nam Định) để điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra tại phường B’Lao, TP Bảo Lộc khiến một người tử vong.

Theo thông tin từ cơ quan điều tra, vào khoảng 17h ngày 17/5, tài xế Công điều khiển xe đầu kéo lưu thông trên Quốc lộ 20. Khi đến gần nút giao giữa đường Lý Tự Trọng và đường Trần Phú (phường B’Lao), người này cho xe dừng sát lề đường bên phải và rời khỏi cabin để thực hiện giao dịch rút tiền. 

Tuy nhiên, khi tài xế không có mặt trên xe, chiếc container bất ngờ tự trôi về phía trước và cán trúng ông V. (60 tuổi, trú tại TP Bảo Lộc) đang dừng xe máy chờ đèn đỏ, khiến nạn nhân tử vong tại chỗ.

vu-o-to-khong-nguoi-lai-2
 

Vụ việc đã kéo theo nhiều câu hỏi liên quan đến trách nhiệm pháp lý của tài xế Phạm Văn Công. Luật sư Hoàng Trọng Giáp - Giám đốc Công ty Luật Hoàng Sa (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) - cho biết rằng, Theo Bộ luật Dân sự 2015, xe ô tô nói chung, đặc biệt là xe đầu kéo, được xếp vào nhóm "nguồn nguy hiểm cao độ". 

Người sử dụng hoặc chiếm hữu nguồn nguy hiểm này có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nó gây ra, trừ trường hợp bất khả kháng hoặc lỗi hoàn toàn thuộc về nạn nhân.

Do đó, để xác định trách nhiệm trong một vụ tai nạn liên quan đến phương tiện đang dừng đỗ, yếu tố then chốt chính là nguyên nhân dẫn đến sự cố. 

Điều quan trọng cần làm rõ là việc xe tự động chuyển động có xuất phát từ lỗi chủ quan của người điều khiển hay bắt nguồn từ một sự kiện khách quan ngoài khả năng kiểm soát. Dựa trên kết quả điều tra, có thể đặt ra một số kịch bản pháp lý để xem xét trách nhiệm cụ thể.

Kịch bản đầu tiên: nếu cơ quan điều tra kết luận rằng người lái xe có vi phạm trong quá trình dừng đỗ phương tiện, chẳng hạn như không kéo phanh tay, không cài số phù hợp, tắt máy không đúng cách hay đỗ sai vị trí quy định, thì đây là hành vi có dấu hiệu vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.

Theo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ năm 2024, cụ thể tại Điều 18, tài xế trong lúc dừng xe không được phép tắt máy hay rời khỏi ghế lái.

Trừ một số trường hợp ngoại lệ như mở cửa xe, kiểm tra kỹ thuật hay xếp dỡ hàng hóa, nhưng cũng bắt buộc phải thực hiện biện pháp an toàn như kéo phanh tay hoặc các cách thức khác để ngăn ngừa phương tiện di chuyển ngoài ý muốn.

vu-o-to-khong-nguoi-lai-1
 

Đối với việc đỗ xe, tài xế chỉ được phép rời khỏi xe nếu đã đảm bảo rằng phương tiện đã được cố định an toàn, đặc biệt trên các đoạn đường có độ dốc, phải thực hiện các thao tác bổ sung như đánh lái vào lề đường, chèn bánh để tránh xe trôi.

Từ đây, một vấn đề cần được xác minh là tài xế có tắt máy hay chưa tại thời điểm rời khỏi xe. Nếu chưa tắt máy, chiếc xe vẫn đang trong trạng thái dừng, không phải đỗ, và hành vi rời cabin để làm việc cá nhân như rút tiền sẽ bị coi là vi phạm quy định dừng xe. 

Trong tình huống tài xế đã tắt máy, hành vi đó được xem là đỗ xe, nhưng vẫn cần làm rõ người này đã tuân thủ đầy đủ các quy định về an toàn hay chưa, bao gồm việc kéo phanh tay, cài số phù hợp và chèn bánh khi cần thiết.

Nếu phát hiện có sai sót trong quá trình này, ví dụ tài xế bất cẩn hoặc bỏ qua các thao tác an toàn, dẫn đến hậu quả chết người, thì hành vi đó có thể cấu thành tội danh "Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ" được quy định tại Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015. 

Mức hình phạt đối với tình tiết làm chết một người là phạt tiền từ 30 - 100 triệu đồng, cải tạo không giam giữ tới 3 năm hoặc phạt tù từ 1 - 5 năm.

Kịch bản thứ hai: tài xế đã thực hiện đầy đủ các quy định về an toàn trong quá trình dừng hoặc đỗ xe - bao gồm việc tắt máy, kéo phanh tay, cài số và các thao tác cần thiết khác - nhưng chiếc xe vẫn bất ngờ tự di chuyển và gây ra tai nạn, hoàn toàn vượt ra ngoài sự kiểm soát của tài xế. 

Nếu tài xế cũng đã kịp thời có những phản ứng nhằm ngăn chặn hậu quả nhưng không thành công, sự cố này có thể được đánh giá là tình huống bất khả kháng. Trong tình huống này, trách nhiệm pháp lý đối với tội vi phạm quy định giao thông có thể được xem xét miễn trừ.

vu-o-to-khong-nguoi-lai
 

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng sẽ kiểm tra tình trạng kỹ thuật của phương tiện liên quan, nhằm xác định xem chiếc xe có gặp sự cố do lỗi kỹ thuật, thiếu bảo dưỡng hoặc sai sót trong việc kiểm tra an toàn trước khi vận hành hay không. 

Nếu phát hiện phương tiện đã bị bỏ qua việc kiểm tra, bảo trì theo quy định mà vẫn được đưa vào sử dụng, đây có thể là dấu hiệu của hành vi vi phạm quy định tại Điều 262 Bộ luật Hình sự 2015 về "Đưa vào sử dụng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy chuyên dùng không bảo đảm an toàn kỹ thuật".