Vườn phi lao của ông Đỗ Văn Hài (ngoài cùng bên trái) tại phường Bồ Đề (Gia Lâm, Hà Nội) khiến nhiều người choáng ngợp.
“Vua phi lao đất Bắc”- đó là cách gọi gần gũi của dân chơi cây dành cho nghệ nhân Đỗ Văn Hài, Chủ tịch Hội Cây cảnh nghệ thuật Hà Nội bấy lâu nay.
Vườn phi lao của ông Hài nằm bên trong đê sông Hồng thuộc phường Bồ Đề (Gia Lâm, Hà Nội), mỗi cây một dáng, mềm mại uyển chuyển, bông tán tản vân với lá xanh mướt, cân bằng.
Tâm huyết với “đứa con tinh thần” hàng chục năm trời, ông Hài chia sẻ: “Cây phi lao là loại cây gỗ cứng vì vậy mỗi nhát cắt đều phải đắn đo cẩn thận. Có những nhắt cắt làm nên lịch sử nhưng có những nhát cắt phải mất ăn mất ngủ và cả sự chán trường vì sai lầm của mình. Điều quan trọng nhất là phải đọc được xu hướng phát triển của mỗi cành mối tán phù hợp với thân pháp bố cục chính của cây. Ở mỗi cây cần tận dụng được những đặc điểm trời cho, hạn chế những khuyết tật và rất cần một sự thăng hoa xuất thần để tạo ra những điểm nhấn nhá giàu cảm xúc, biểu đạt ngôn ngữ tạo hình và thông điệp tác phẩm rõ ràng".
Ông Hài cho biết, cách đây 15 năm, một dự án ở miền Trung cần giải phóng mặt bằng có ý định chặt hạ hàng chục cây phi lao gần 100 năm tuổi. Ngay khi biết tin, ông đã vào tận nơi để "giải cứu" những cây phôi này khỏi nguy cơ bị xẻ thịt.
"Khi đó, bạn bè người thân can ngăn tôi không nên quá mạo hiểm bỏ ra hàng đống tiền để mua củi về thành phố. Nhưng với lòng đam mê và tin ở tay nghề của mình, tôi quyết định mang những tác phẩm này về Hà Nội trong sự can ngăn của mọi người", ông Hài chia sẻ.
Cuộc sống rất bận rộn, song cứ mỗi khi có thời gian ông Hài lại dành cho "những đứa con tinh thần" của mình. Những cục phi lao phôi cụt ngủn đã được ông thổi hồn, dồn tâm sức, kiên trì chờ đợi qua năm tháng đã trở thành những tác phẩm mang lại xúc cảm mạnh cho bất kỳ ai khó tính nhất trong lĩnh vực nghệ thuật này.
Những cây phi lao được ông Hài mua từ miền Trung cách đây 15 năm. Sau nhiều năm chăm chút, chỉnh sửa, những cây phi lao khô cứng đã trở nên mềm mại, hút hồn người xem.
Thân cây sần sùi, in dấu thời gian
Một cây phi lao dáng trực…
…bông tán tản vân với lá xanh mướt, cân bằng
Cây phi lao này có thân mục ruỗng ở giữa, tạo lũa rất đẹp theo thời gian
Những cây phi lao xù xì, khô cứng, dưới bàn tay chăm chút của người nghệ nhân đã trở nên mềm mại
Mỗi cây một vẻ, uốn lượn tạo thành những đường cong, gấp khúc tuyệt mỹ
Ông Hài cho biết, cây phi lao ở Việt Nam được người Pháp đưa về trồng từ năm 1896. Loài cây này có nguồn gốc chính là từ Australia và những đảo thuộc phía tây Thái Bình Dương.
Ở nước ta, hầu hết các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang đều trồng phi lao trên các bãi cát ven biển. Ngoài ra, nó còn được trồng ở nhiều tỉnh miền Bắc để lấy bóng mát.
Cây phi lao có tốc độ sinh trưởng nhanh, thích ứng với điều kiện khí hậu tương đối rộng. Vì vậy, đây là cây gỗ số một được trồng trên vùng cát cố định và cát bay ven biển.
Cây phi lao sinh trưởng quanh năm, nhưng vào mùa mưa, cây sinh trưởng tốt nhất.
Ngày nay, ngoài làm bóng mát và làm rừng phòng hộ, phi lao còn được trồng làm cây cảnh nghệ thuật (bonsai) rất được ưa chuộng.