Đông Nam Á gồm 11 quốc gia, là khu vực đông dân và đi lên trên nền tảng nông nghiệp. Sản xuất nông nghiệp hình thành từ lâu đời, nặng về lương thực, đặc biệt là trồng lúa nước. Đến nay, tỷ trọng nông nghiệp trong GDP của các nước trong khu vực dao động từ 10% đến trên 20%. Nông nghiệp đóng vai trò trụ cột và được ưu tiên trong nhiều chính sách trọng điểm về phát triển bền vững. Đông Nam Á chịu ảnh hưởng năng nề trước tác động của những cuộc khủng hoảng bao gồm cả suy thoái kinh tế, biến đổi khí hậu, dịch bệnh, đại dịch như Covid-19 cả trong ngắn hạn và dài hạn. Biến đổi khí hậu (BĐKH) đặt ra những thách thức to lớn đối với các hệ sinh thái, nhất là sản xuất nông nghiệp. Đại dịch Covid-19, bùng nổ, đã gây ảnh hưởng nặng nề đối với các nền kinh tế ở mọi lĩnh vực.
Kỳ 2 Nông nghiệp Việt Nam
IV. NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM XU HƯỚNG PHÁT TRIỂN ĐẾN 2030 VÀ TẦM NHÌN 2050
4.1. Khái quát về nông nghiệp Viêt Nam
Quá trình phát triển kinh tế-xã hội từ sau chủ trương Đổi mới, vai trò của nông nghiệp trong phát triển kinh tế-xã hội đã không ngừng được nâng cao. Vào giai đoạn này, nông nghiệp Việt Nam đã vươn lên trở thành nền kinh tế năng động, tham gia sâu vào hội nhập kinh tế toàn cầu. Những đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế-xã hôi bao gồm đảm bảo an ninh lương thực; tạo sinh kế, việc làm và thu nhập, góp phần ổn định tình hình chính trị-xã hội và phát triển đất nước.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, nhịp độ tăng trưởng giá trị sản xuất (GTSX) toàn ngành giai đoạn 2006-2019 đạt 4,1%/năm. Trong đó, những năm 2006-2010 đạt 5,1%/năm và 2011-2019 tăng 3,4%/năm; giá trị sản xuất phân ngành nông nghiệp tăng bình quân 3,5%/năm; lâm nghiệp 5,4%/năm và thủy sản 6%/năm. Tăng trưởng giá trị sản xuất nông nghiệp nhưng năm 2006-2019 được thể hiện trong bảng 2
Bảng 2. Tăng trưởng GTSX ngành nông nghiệp 2006-2019 (theogiá so sánh 2010)
Đơn vị: 1.000 tỷ đồng, %
Hạng mục |
2006 |
2010 |
2019 |
bìnhquân/năm |
ìnhquân/năm |
bìnhquân/năm |
|
|
|
|
2006 -2010 |
2011-2019 |
2006 -2019 |
nônglâmthủysản |
554,62 |
712,03 |
898,6 |
5,1 |
3,4 |
4,1 |
1. Nông nghiệp |
433,86 |
540,15 |
658,3 |
4,5 |
2,9 |
3,5 |
- Trồng trọt |
331,42 |
396,73 |
470,1 |
3,7 |
2,5 |
3,0 |
- Chăn nuôi |
95,25 |
135,13 |
176,2 |
7,2 |
3,9 |
5,3 |
2. Lâm nghiệp |
15,89 |
18,72 |
30,0 |
3,3 |
7,0 |
5,4 |
3. Thủy sản |
104,87 |
153,16 |
211,0 |
7,9 |
4,7 |
6,0 |
(Nguồn: Tổng cục thống kê)
Trong 10 năm gần đây, tăng trưởng nông nghiệp liên tục đạt từ 2,8% đến 3%/năm, Hàng năm ngành nông nghiệp đã sản xuất được trên 45 triệu tấn thóc, 5 triệu tấn ngô; 5,8 triệu tấn thịt các loại; 8 triệu tấn thủy sản và 20 triệu m3 gỗ rừng trồng. Cây công nghiệp có giá trị lớn với sản lượng cà phê xếp thứ 2 và cao su ở hàng thứ 6 thế giới (Nguyễn Quang Dũng và cộng sự 2021).
Trước những năm 1990, cải thiện sản xuất và tăng năng suất nông nghiệp đã trở thành động lực tăng trưởng kinh tế. So sánh với năm 1986, khi đất nước bắt đầu thực hiện chủ trương Đổi mới cho thấy, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp năm 1986 đạt 486,.2 triệu USD, con số này có sự phát triển vượt trội, đạt 41.3 tỷ USD trong năm 2019 (cao gấp 84.9 lần), Trong đó, có 10 mặt hàng nông sản đạt giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD và thặng dư thương mại đạt 10 tỷ USD. Năm 2019, nông nghiệp đóng góp 11,33% vào tổng giá trị xuất khẩu và 13.96% GDP cả nước (tổng cục Thống kê 2019). Năm 2020, đóng góp của ngành vào GDP quốc gia tăng lên 14.85%.
Tham gia hội nhập sâu, rộng vào nền kinh tế toàn cầu thông qua các hiệp định thương mại tự do đã giúp nông nghiệp gia tăng giá trị xuất, nhập khẩu trong nhiều năm. Nông sản Việt Nam đã có chỗ đứng nhất định trên thị trường quốc tế, nổi bật trong xuất khẩu là những mặt hàng như gạo, cà phê, hạt điều. Năm 2019, xuất khẩu gạo Việt Nam đứng thứ 2 thế giới và cà phê trong nhóm 5 nước hàng đầu. Trong cả nước, nông nghiệp là ngành duy trì tốt thặng dư thương mại nhiều năm, làm giảm bớt tình trạng thâm hụt thương mại quốc tế. Ngành giữ vai trò chiến lược trong đảm bảo an ninh lương thực Quốc gia, khu vực và trên thế giới.Trong nền kinh tế quốc dân, nông nghiệp còn đóng vai trò quan trong để tạo việc làm. Theo Tổng cục Thống kê, vào năm 2019, trong số 96,5triệu dân với 62.7% sống ở nông thôn, ngành nông nghiệp đã tạo được hơn 14,86 triệu việc làm.
Cùng với lao động và việc làm, thu nhập của lao động nông nghiệp đã được cải thiện đáng kể, Qúy I năm 2020, thu nhập bình quân đạt 3,5 triệu đồng/tháng bằng 83,5% thu nhập chung của cả nước. Đến nay, quá trình chuyển dịch cơ cấu diễn ra sâu rộng; nhiều lao động nông nghiệp có xu hướng chuyển sang các ngành nghề khác hoặc dịch chuyển từ khu vực nông thôn sang thành thị.
Nông nghiệp phụ thuộc vào điều kiện khí hậu, thách thức trực tiếp và lâu dài đến sản xuất là tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH). Việt Nam được đánh giá là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ BBĐKH. Nếu mực nước biển dâng cao thêm 1m mà không có biện pháp phòng ngừa hữu hiệu, khoảng 40% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long, 11% diện tích Đồng bằng sông Hồng và 3% diện tích của các tỉnh thuộc vùng ven biển sẽ bị ngập. Mặt khác, biến động thời tiết ngày càng cực đoan, bất thường và khó kiểm soát. BĐKH tạo những thay đổi về thời tiết, trực tiếp tác động tới mùa vụ, là nguyên nhân phát sinh virus mới và những virus đột biến gây bệnh truyền nhiễm, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất nông nghiệp và sức khỏe cộng đồng. Tác động đến quá trình phát triển sản xuất nông nghiệp trong giai đoạn tới còn được thể hiện trên các mặt Phát triển, nâng cao sức mạnh của hợp tác xã nông nghiệp và phát triển nông nghiệp đô thị và vùng ven đô.
Trên toàn quốc hiện có khoảng 8,6 triệu hộ nông dân sản xuất quy mô nhỏ, lẻ với 80% số hộ có quy mô đất đai dưới 1 ha; sản phẩm làm ra phân tán và chủ yếu mua bán qua thương lái, đây là trở ngại để có thể áp dụng giải pháp khoa học công nghệ tiên tiến để phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, tập trung và hiệu quả. Tích tụ, tập trung tăng quy mô sử dụng ruộng đất là giải pháp để mang lại lợi thế kinh tế theo quy mô. Tích tụ là cách trang trại dùng vốn để mua thêm ruộng đất; còn tập trung là hình thức sáp nhập, tạo những trang trại lớn theo cách tự nguyện hay mua bán. Đó là cơ sở tạo lập vùng sản xuất tập trung, chuyên môn hóa để phát triển bền vững và nâng cao hiệu quả nhờ ứng dụng công nghệ hiện đại.
Liên kết hợp tác giữa nhà sản xuất, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và Nhà nước (4 nhà) nhằm tạo thuận lợi và mang lại lợi ích cho tất cả các bên tham gia. Đây là mối liên kết cơ bản, bởi nó được xây dựng trên nguyên tắc có sự tham gia đầy đủ của các bên sản xuất cung ứng vật tư đầu vào, tiêu thụ sản phẩm đầu ra; chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ; hỗ trợ của Nhà nước nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh. Hạn chế của liên kết 4 nhà là thiếu một tổ chức giữ vai trò trung tâm, như chất xúc tác gắn kết một cách bền vững để tạo ra chuỗi giá trị sản phẩm có giá trị cao, đó chính là quan hệ hợp tác. Hợp tác xã nông nghiệp một tổ chức kinh tế đồng sở hữu với chức năng thực hiện dịch vụ đầu vào, đầu ra cho nhà sản xuất là những hộ nông dân là nhân tố quan trọng để giải quyết vấn đề này.
Xây dựng nền nông nghiệp thông minh
Việt Nam đang là nước có quá trình đô thị hóa nhanh, nhưng kèm theo đó là ô nhiễm môi trường gia tăng mạnh. Nông nghiệp đô thị là ngành kinh tế trong và ở ven đô thị, sử dụng và tái sử dụng tài nguyên thiên nhiên và chất thải đô thị; tăng thêm không gian xanh cho người dân đô thị. Phát triển nông nghiệp đô thị (NNĐT) và khu vực ven đô bền vững là xu hướng phát triển tất yếu của quá trình phát triển nông nghiệp ngày nay.
4.3. Định hướng phát triển nông nghiệp Viêt Nam
Những kết luận của Đảng CS Việt Nam trong các văn bản 97-KL/TW ngày 15 tháng 5 năm 2014 và 54-KL/TW ngày 07 tháng 8 năm 2019 của bộ Chinh trị đã khẳng định chủ trương và giải pháp thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 Khóa X, nhằm phát triển nông nghiệp trong giai đoạn mới. Những nội dung này đòi hỏi, phải phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung với quy mô lớn theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; phát triển nền nông nghiệp xanh, thông minh, thích ứng với BĐKH. Mục tiêu chính của ngành nông nghiệp là tiếp tục phát triển bền vững theo 3 trụ cột“kinh tế, xã hội và môi trường”, hướng tới thực hiện mục tiêu tổng quát là “Phát triển nền nông nghiệp thông minh, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; xây dựng nông thôn mới phồn vinh và văn minh, nông dân giàu có”.
Trước yêu cầu đặt ra, sản xuất nông nghiệp phải đáp ứng nhu cầu gia tăng nhanh của người dân với chất lượng tốt và an toàn; trước sức ép cạnh tranh gay gắt khi hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp càng trở nên cấp thiết, đòi hỏi phải chuyển dịch theo hướng hiện đại, hiệu quả; đổi mới quy hoạch, tổ chức lại sản xuất theo hướng quy mô lớn, cạnh tranh quốc tế hiệu quả và vận dụng những công nghệ cao. Cụ thể là:
- Tái cơ cấu nông nghiệp gắn với mô hình tăng trưởng tạo đột phá trong phát triển bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh, thích ứng với BĐKH.
- Tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị của sản phẩm chủ lực (Quốc gia, cấp tỉnh và địa phương).
- Cân đối nguồn lực cho phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững tập trung vào tài nguyên đất, nước và nguồn lực lao động. Theo đó:
(i) Tài nguyên đất phải được cân đối trên lợi thế so sánh, nhu cầu thị trường và thích ứng với BĐKH. Cần chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây hàng năm khác,cây ăn quả hoặc nuôi trồng thủy sản; giảm diện tích cây lâu năm, tăng diện tích lâm nghiệp;
(ii) Tài nguyên nước cần cân đối dựa vào mục tiêu tiết kiệm và phát triển thủy lợi đa chức năng; và (iii) nguồn lực lao động được cân đối trên nền tảng chuyên môn hóa lao động, tăng quy mô sản xuất, phát triển công nghiệp-dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp và ngành nghề nông thôn.
Để thực hiện thành công những chủ trương, định hướng quan trọng của nông nghiệp trong giai đoạn tới, các nhà phân tích cho rằng, cần tập trung làm tốt 2 trong những nhiệm vụ trọng tâm, đó là:
1. Nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý quy hoạch sản xuất; rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch trên cơ sở phát huy lợi thế sản phẩm, lợi thế vùng miền và kiểm soát chặt chẽ sử dụng đất đai, bao gồm cả đất quy hoạch cho sản xuất nông sản chiến lược, mặt hàng xuất khẩu chủ lực, cho chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản.
2. Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, gắn sản xuất với chế biến và thị trường. Tiếp tục thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh nông sản; bảo vệ môi trường sinh thái; nâng cao thu nhập cho người dân ở nông thôn; đảm bảo an ninh lương thực và an ninh quốc phòng. Gằn nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp sạch với công nghiệp chế biến, thích ứng với BĐKH và kết nối bền vững với chuỗi giá trị nông sản toàn cầu.
4.4. Phát triển nông nghiệp đến năm 2030
Trong phát triển nông nghiệp, quy hoạch là một quá trình sắp xếp, bố trí các đối tượng được sử dụng vào một không gian và thời gian nhất định. Theo đó, Quy hoạch đất nông nghiệp là việc phân vùng để sản xuất nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, an ninh, quốc phòng và bảo vệ môi trường. Với nội hàm này,quy hoạch nông nghiệp còn là công cụ quản lý và định hướng, chỉ đạo sản xuất của cơ quan chức năng, nhằm xây dựng một nền nông nghiệp phát triển toàn diện, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn trên cơ sở phát huy các lợi thế so sánh; áp dụng khoa học công nghệ để tăng năng suất, chất lượng hiệu quả; đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia, đáp ứng nhu cầu đa dạng trong nước và xuất khẩu. Trong phát triển đến năm 2030, tầm nhìn 2050, quan điểm xây dựng đã tập trung vào:
- Phát triển nông nghiệp nhanh và bền vững dựa vào khoa học công nghệ, tiến bộ kỹ thuật, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; chủ động nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả các cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; sử dụng và phát huy lợi thế nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.
- Phát triển nông nghiệp theo hướng quy mô lớn trên cơ sở tập trung, tích tụ đất đai, ứng dụng công nghệ cao; đổi mới thể chế và nâng cao năng lực quản lý nhà nước, tổ chức lại sản xuất, sử dụng hợp lý tài nguyên, phát huy tiềm năng lợi thế về khí hậu, đất đai và lợi thế của các vùng, miền; bảo đảm hài hòa mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội với bảo vệ môi trường và an ninh quốc phòng; nâng cao sức chống chịu trước tác động từ bên ngoài, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học.
- Phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất những sản phẩm đảm bảo quy chuẩn, đáp ứng yêu cầu về chất lượng, hài hoà với các chuẩn mực quốc tế và tiêu chuẩn trong nước.
- Chủ động hội nhập ngày càng sâu rộng và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu; phát triển thương hiệu nông sản; thực thi đầy đủ cam kết quốc tế về bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH và nâng cao vai trò vị thế của nông nghiệp trên trường quốc tế.
Theo quan điểm này, mục tiêu của giai đoạn tới cần hướng vào:Phát triển nông nghiệp hiện đại, trở thành ngành kinh tế quan trọng của quốc gia, sản xuất hàng hóa lớn gắn với CNH-HĐH, phát triển bền vững và chủ động thích ứng với BĐKH; có cơ cấu và hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, có thương hiệu và uy tín, kết nối bền vững với chuỗi giá trị nông sản toàn cầu.
Phát triển nông nghiệp kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; gắn kết hài hoà, hiệu quả thị trường trong nước và quốc tế.
Đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp, khai thác và phát huy lợi thế nền nông nghiệp nhiệt đới. Phát triển mạnh nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh học, nông nghiệp tuần hoàn... thân thiện với môi trường gắn với phát triển công nghiệp chế biến nông sản, nâng cao chất lượng, giá trị và năng lực cạnh tranh, có sức chống chịu tốt với ngoại cảnh, bảo vệ môi trường sinh thái; đảm bảo an ninh lương thực và an ninh quốc phòng.
Theo đó, phát triển nông nghiệp đến năm 2030 được cụ thể hóa trong các chỉ tiêu dưới đây:
- Tốc độ tăng trưởng GDP nông lâm thuỷ sản bình quân từ 3,5% đến 4%/năm.
- Tốc độ tăng trưởng GTSX (GO) 4%-4,5%/năm, trong đó nông nghiệp tăng 3,5% - 4%/năm, lâm nghiệp tăng 5% -5,5%/năm và thuỷ sản tăng 3% - 4%/năm.
- Cơ cấu GTSX ngành chăn nuôi chiếm khoảng 40% trong cơ cấu GTSX nông nghiệp.
- Năng suất lao động nông lâm thủy sản tăng bình quân 7-8%/năm.
- Giá trị sản phẩm nông nghiệp sản xuất theo các quy trình sản xuất tốt đạt trên 35% với tỷ lệ sản phẩm ứng dụng công nghệ cao trên 30%.
- Giá trị thu được trên 1 ha đất trồng trọt đạt khoảng 120 -150 triệu đồng và mặt nước nuôi trồng thủy sản đạt từ 260 đến 300 triệu đồng/ha.
- Giữ tỉ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42% - 43% với chất lượng nâng cao;
- Tăng giá trị chế biến nông sản bình quân 8%-10%/năm, đưa tỷ trọng nông sản chế biến lên 50%-60% tổng giá trị nông sản xuất khẩu
- Nâng tỷ trọng công nghiệp chế biến/ GDP nôngnghiệp lên 20% - 25% và kinh tế số trong nông nghiệp đạt khoảng 20% -25% GDP của ngành;
- Tăng giá trị xuất khẩu nông sản bình quân khoảng 5% -7%/năm và đưa kim ngạch xuất khẩu nông-lâm- thuỷ sản lên khoảng 62- 68 tỷ USD vào năm 2030.
Theo những chỉ tiêu định hướng phát triển trên đây Lĩnh vực trồng trọt phải đảm bảo tốc độ gia tăng GTSX bình quân 3% -3,5%/năm, giá trị sản phẩm trên một ha đất trồng trọt đạt khoảng 120 - 150 triệu đồng;cây trồng chủ lực nằm trong nhóm nước tiên tiến của khu vực và thế giới.
Lĩnh vực chăn nuôi phải đạt tốc độ tăng GTSX khoảng 4% -5%/năm, tỷ trọng GTSX chiếm 40% trong cơ cấu nông nghiệp. Theo đó, sản lượng thịt hơi các loại cần đạt 7,5 - 8 triệu tấn, trứng gia cầm 20 - 25 tỷ quả, sản lượng sữa 2,5 - 2,7 triệu tấn.Xuất khẩu từ 15-20% sản lượng thịt lợn, từ 20- 25% thịt và trứng gia cầm.
Lĩnh vực lâm nghiệp với nhịp độ gia tăng giá trị sản xuất 5,5%/năm, ngành lâm nghiệp phải được xây dựng để thực sự trở thành ngành kinh tế-kỹ thuật sử dụng bền vững rừng và diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp; phát huy tiềm năng và tác dụng của rừng để lâm nghiệp đóng góp ngày càng lớn vào phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, an ninh nguồn nước, ứng phó chủ động và hiệu quả với biến đổi khí hậu, bảo tồn tài nguyên và đa dạng sinh học,
Lĩnh vực thủy sản phải đảm bảo tốc độ gia tăng GTSX bình quân 3%-4%/năm, để phát triển thành ngành kinh tế quan trọng. Ngành cần được cơ cấu lại theo hướng tăng tỷ trọng sản lượng nuôi trồng, giảm tỷ trọng sản lượng khai thác đánh bắt. Tổng sản lượng phải đạt 9,8 triệu tấn; trong đó, nuôi trồng 7,0 triệu tấn và khai thác đánh bắt khoảng 2,8 triệu tấn.
Lĩnh vực diêm nghiệp Cần cải tạo, nâng cấp và hiện đại hóa hạ tầng, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để tăng sản lượng muối công nghiệp, muối sạch; hình thành vùng trọng điểm sản xuất muối quy mô công nghiệp; giảm mạnh diện tích sản xuất muối thủ công; chuyển đổi diện tích sản xuất muối kém hiệu quả sang lĩnh vực khác có hiệu quả kinh tế cao hơn. Tổng diện tích sản xuất muối được duy trì 14.500 ha, để đạt sản lượng 1,5 triệu tấn/năm với diện tích muối sản xuất công nghiệp đạt 4.805 ha.
4.5. Tầm nhìn quy hoạch nông nghiệp đến năm 2050
Theo hướng phát triển lâu dài, đến năm 2050, Viêt Nam sẽ trở thành một trong những trung tâm sản xuất, chế biến và thương mại nông sản hàng đầu, đứng trong nhóm 10 nước nông nghiệp phát triển trên thế giới. Để Việt Nam trở thành một trung tâm chế biến sâu, nông nghiệp phải phát triển bền vững, chủ động thích ứng với BBĐKH và kết nối bền vững với chuỗi giá trị nông sản toàn cầu.Từ tầm nhìn mong muốn, tốc độ tăng trưởng GDP nông nghiệp phải đạt 3%-4%/năm với năng suất lao động tăng 7%/năm; tỷ lệ nông sản sản xuất bền vững đạt trên 60%.
Tầm nhìn 2050 đòi hỏi trồng trọt phải nằm trong nhóm ngành kinh tế kỹ thuật hiện đại với trình độ và năng lực sản xuất thuộc nhóm đứng đầu khu vực. Sản phẩm của ngành phải được sản xuất theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch,an toàn sinh học và thân thiện với môi trường.
Giống như phân ngành trồng trọt, đến 2050, ngành chăn nuôi sẽ là tiểu ngành kinh tế kỹ thuật được công nghiệp hóa ở hầu hết các khâu từ sản xuất, chế biến, bảo quản đến kết nối thị trường với trình độ và năng lực thuộc nhóm dẫn đầu khu vực Đông Nam Á; 100% sản phẩm thịt gia súc, gia cầm hàng hóa được cung cấp từ các cơ sở giết mổ tập trung, trên 70% khối lượng sản phẩm chính được sơ chế, chế biến công nghiệp,
Đối với lâm nghiệp, vào thời điểm này phải thực sự trở thành ngành kinh tế -kỹ thuật hiện đại, có sức cạnh tranh cao; phát huy được hiệu quả tiềm năng và lợi thế của tài nguyên rừng nhiệt đới và thân thiện môi trường; tạo ra nhiều sản phẩm và dịch vụ đa dạng,nâng cao giá trị gia tăng. Ngành lâm nghiệp cần phấn đấu để trở thành trung tâm sản xuất, chế biến và thương mại lâm sản hàng đầu khu vực, đóng góp ngày càng cao vào phát triển kinh tế xã hội, giữ vững biên cương;bảo đảm an ninh môi trường, an ninh nguồn nước, giảm tác động tiêu cực của thiên tai, chủ động ứng phó với BĐKH và tham gia tích cực, có trách nhiệm vào thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế.
Đến năm 2050, thủy sản là ngành kinh tế thương mại hiện đại, phát triển bền vững, có trình độ quản lý, khoa học công nghệ tiên tiến; là trung tâm chế biến thủy sản sâu, thuộc nhóm 3 nước sản xuất và xuất khẩu hàng đầu thế giới; giữ vị trí quan trọng trong cơ cấu các ngành kinh tế nông nghiệp và kinh tế biển, góp phần bảo đảm an ninh dinh dưỡng;bảo đảm an sinh xã hội, góp phần đảm bảo an ninh, quốc phòng, giữ vững độc lập chủ quyền biển đảo của Tổ quốc./.
----
Tài liệu tham khảo
Nguyễn An Thịnh và cộng sự (2021) Nông nghiệp tại các quốc gia Đông Nam Á: phân tích định tính và phân tích định lượng số liệu thống kê cấp vùng;
Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc gia“Phát triển chuỗi giá trị nông sản hướng tới nông nghiệp bền vững trong bối cảnh hội nhập tại Đông Nam Á”, (Hà Nội, 10/9/2021);
Tổng cục Thống kê (2019), Báo cáo tình hình Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2019;
Nguyễn Quang Dũng và cộng sự (2021). Quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn 2050 gắn với tái cơ cấu nông nghiệp tại Việt Nam;
Viện Quy hoạch và Thiết kế Nông nghiệp, Bộ NN&PTNT năm 2021.