Đánh giá 9 tháng đầu năm, hoạt động thương mại địa phương dần trở lại sôi động, tăng trưởng khá, cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ tốt nhu cầu của Nhân dân, giá cả không có biến động lớn, tổng mức bán lẻ hàng hoá tăng trưởng cao (+18,35%); cung ứng điện được bảo đảm, sử dụng điện an toàn; không có hiện tượng mất an toàn thực phẩm lĩnh vực Công thương, nhất là trong dịp lễ, Tết.
Ông Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đánh giá, bức tranh xuất khẩu hàng hóa trong 9 tháng đầu năm có sắc màu tươi mới đó là tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của khu vực kinh tế trong nước đạt 20,7%, cao hơn nhiều tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu 13,4% của khu vực FDI.
Điểm sáng, nổi bật là xuất khẩu tăng trưởng đáng kể (+12,73%), trong đó một số sản phẩm xuất khẩu chủ lực tăng trưởng về giá trị như: Alumin (+13,7%), cà phê nhân (+10,23%), hoa tươi cắt cành (+10,67%), hàng dệt may và nguyên liệu dệt may (+12,94), riêng sản phẩm rau, quả các loại tăng mạnh (+46,48%).
Tuy nhiên, về mặt tồn tại khó khăn 9 tháng đầu năm 2024 có sự sụt giảm trong sản xuất ngành công nghiệp khai khoáng sản (đá, cát, sỏi, đất sét) giảm 11,6% và giảm chủ yếu ở một số sản phẩm: đá vật liệu xây dựng (-20,1%), cao lanh các loại (-2,55%).
Nguyên nhân của sụt giảm trên theo Sở Công thương tỉnh do cuộc khủng hoảng chính trị, lạm phát tại nhiều quốc gia nên nhu cầu của thế giới giảm, sản phẩm tiêu thụ chậm, hàng tồn kho nhiều, chi phí nhân công cao, giá cả thị trường biến động mạnh. Bên cạnh các nguyên nhân khác như: chi phí logistics quốc tế tăng cao; sản phẩm hạt điều không sản xuất từ tháng 3, do cơ cấu lại doanh nghiệp; khó khăn về diện khai thác và thời tiết mưa thường xuyên ảnh hưởng tới công tác khai thác Alumin, đơn hàng xuất khẩu Alumin thấp...
Năm 2024, Bộ Công Thương đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 377 tỷ USD, tăng khoảng 6% so với năm 2023. Với kết quả trên, cùng xu hướng tăng trưởng kim ngạch thương mại vào các tháng cuối năm, xuất khẩu của Việt Nam có khả năng cao đạt được kỳ vọng.
Để nâng cao hơn nữa kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam, thời gian tới, cần thực hiện đồng bộ và hiệu quả một số nhóm giải pháp sau:
Một là, nâng cao chất lượng hàng hóa xuất khẩu, đặc biệt chú trọng việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm, giảm giá thành sản phẩm hàng hóa xuất khẩu, nâng cao tính cạnh tranh về giá và chất lượng sản phẩm trên thị trường thế giới, đặc biệt đối với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
Hai là, tiếp tục đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền rộng rãi về các ưu đãi tại các Hiệp định FTA, đẩy mạnh xuất khẩu, nâng cao hiệu quả và đảm bảo tính bền vững xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang các thị trường đã ký FTA.
Ba là, tiếp tục đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại, trong đó tập trung thúc đẩy ở mức cao nhất chương trình chuyển đổi số trong các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu trong và ngoài nước.