Những chặng đường lịch sử cùng vận mệnh dân tộc
Công an Nhân dân Việt Nam là một lực lượng vũ trang trọng yếu của Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, làm nòng cốt, xung kích trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội của Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Công an nhân dân có chức năng tham mưu cho Đảng, Nhà nước về bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội; thực hiện thống nhất quản lí về bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội; đấu tranh phòng, chống âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, các loại tội phạm và các vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.
Công an Nhân dân Việt Nam đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự thống lĩnh của Chủ tịch Nước, sự thống nhất quản lí của Chính phủ và sự chỉ huy, quản lí trực tiếp của Bộ trưởng Bộ Công an. Khẩu hiệu của lực lượng từ những ngày đầu thành lập là "Bảo vệ An ninh Tổ quốc".
Nguồn gốc của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam được xem là bắt đầu từ các đội Tự vệ Đỏ trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh (1930-1931), các Đội Danh dự trừ gian, Hộ lương diệt ác...do Đảng Cộng sản Đông Dương thành lập với mục đích bảo vệ tổ chức. Những năm 1930 - 1945, để chống các hoạt động phá hoại và do thám của thực dân Pháp và chính quyền tay sai, bảo vệ cách mạng, Đảng Cộng sản Đông Dương đã thành lập các đội: Tự vệ đỏ, Tự vệ công nông, Danh dự trừ gian, Danh dự Việt Minh. Đó là những tổ chức tiền thân của công an nhân dân và quân đội nhân dân sau này.
Đầu năm 1940, Trung ương Đảng chủ trương thành lập “Ban Công tác đội” làm nhiệm vụ bảo vệ An toàn khu (ATK), bảo vệ cán bộ cao cấp của Đảng, giải thoát cho cán bộ khi bị địch bắt. Ngày 15-5-1945, Xứ ủy Bắc kỳ thành lập “Đội danh dự trừ gian” do Xứ ủy trực tiếp chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ diệt trừ bọn Việt gian đầu sỏ và vũ trang tuyên truyền, chiến đấu khi cần thiết.
Cách mạng tháng 8 năm 1945, cùng với việc tổng khởi nghĩa giành chính quyền, CAND Việt Nam đã ra đời. Ở Hà Nội sau khi chiếm lĩnh Ty Cảnh sát và các quận, đồn cảnh sát của địch, ta đã lập sở Liêm phóng Bắc bộ do đồng chí Chu Đình Xương cán bộ xứ ủy Bắc Kỳ giữ chức giám đốc sở Liêm phóng và thành lập Ty Cảnh sát do đồng chí Nguyễn Huy Khôi làm trưởng ty cảnh sát. Nhiều nơi ở Bắc bộ đã thành lập Ty Liêm phóng và Ty Cảnh sát. Tại Trung bộ, ngày 23/8/1945 Ủy ban nội vụ Trung bộ quyết định thành lập Sở trinh sát trung bộ do đồng chí Nguyễn Văn Ngọc làm giám đốc. Ở Nam bộ, ngày 25/8/1945, Ủy ban hành chính lâm thời đã quyết định thành lập Quốc gia tự vệ cuộc và cử hai đồng chí Dương Bạch Mai làm Giám đốc và đồng chí Nguyễn Văn Trấn làm ủy trưởng Quốc gia tự vệ cuộc Nam bộ. Sự ra đời của lực lượng CAND Việt Nam sau Cách mạng tháng Tám là một tất yếu khách quan.
Quán triệt tinh thần chỉ thị "kháng chiến kiến quốc" ngày 25/11/1945, ngành Công an đã anh dũng mưu trí kịp thời khám phá các âm mưu và hoạt động phá hoại của bọn đặc vụ Tưởng, bọn mật thám gián điệp Pháp câu kết với các loại phản động trong các đảng phái chính trị phản động, tiêu diệt các sào huyệt gây tội ác giết người của chúng, kịp thời đập tan âm mưu gây rối, gây bạo loạn hòng lật đổ chính quyền dân chủ nhân dân, bảo vệ thắng lợi chính quyền cách mạng non trẻ. Tiêu biểu như khám phá vụ "ôn như hầu" đập tan âm mưu của bọn quốc dân đảng; đại việt câu kết với thực dân Pháp hòng lật đổ chính phủ cách mạng.
Ở Nam Bộ, với danh nghĩa quân đồng minh vào giải giáp quân đội Nhật, ngày 6/9/1945 quân đội Anh do tướng Gơraxay chỉ huy đến Sài gò, lợi dụng danh nghĩa quân đồng minh, quân đội Anh trắng trợn giúp đỡ Pháp xâm lược nước ta lần thứ hai. Những ngày đầu cuộc kháng chiến ở Nam bộ, Quốc gia tự vệ cuộc đã trở thành lực lượng vũ trang chủ yếu của Đảng, nhân dân ta vừa thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Đảng, chính quyền, đoàn thể và nhân dân rút ra căn cứ chuẩn bị kháng chiến lâu dài vừa tổ chức các trận chiến đấu vũ trang kìm chân địch, xây dựng cơ sở phá tề trừ gian. Điển hình là cuộc chiến đấu của “Đội cảm tử” thuộc Quốc gia tự vệ cuộc Cần Thơ đã tiến công Sở chỉ huy hành quân của Pháp ở thị trấn Cái Răng. Trận Cái Răng diễn ra trong những ngày đầu Nam bộ kháng chiến đã khích lệ lòng yêu nước, chí căm thù giặc và quyết tâm kháng chiến của đồng bào Nam bộ.
Theo chủ trương của Trung ương Đảng, ngày 21/2/1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 23-SL thống nhất các lực lượng liêm phóng, cảnh sát, trinh sát, quốc gia tự vệ cuộc trong toàn quốc thành "Việt Nam công an vụ". Đồng chí Lê Giản được giao nhiệm vụ Giám đốc Việt Nam Công an vụ đầu tiên. Tiếp đó ngày 18/4/1946 Bộ Nội vụ ra quyết định số 121-NĐ về tổ chức Việt Nam Công an vụ. Nghị định quy định Việt Nam Công an vụ có 3 cấp: Nha công an Trung ương, Sở công an kỳ, Ty công an tỉnh. Thực hiện Sắc lệnh số 23-SL và Nghị định 121-NĐ, lực lượng Công an đã được triển khai thống nhất trên tất cả các địa phương trong cả nước để làm nhiệm vụ bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền, bảo vệ nhân dân, trấn áp kịp thời bọn phản cách mạng và bọn phạm tội khác, giữ gìn an ninh trật tự.
Ngày 16/2/1953 Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 141-SL đổi Nha công an Trung ương thành Thứ Bộ Công an trực thuộc Hội đồng Chính phủ. Đồng chí Trần Quốc Hoàn ủy viên Trung ương Đảng được cử giữ chức Thứ trưởng Thứ Bộ Công an. Trong cuộc họp Hội đồng Chính phủ từ ngày 27-29 tháng 8-1953, dưới sự chủ tọa của Hồ Chủ Tịch, đã quyết định đổi tên Thứ Bộ Công an thành Bộ Công an. Đồng chí Trần Quốc Hoàn ủy viên TW Đảng được cử giữ chức Bộ trưởng Bộ Công an.
Từ kháng chiến chống thực dân Pháp đến kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Công an nhân dân đã thực hiện tốt nhiệm vụ giữ vững an ninh, trật tự, bảo vệ công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc; tích cực chi viện cán bộ, vũ khí, phương tiện…cho chiến trường miền Nam; bảo vệ phong trào cách mạng, tham gia tiếp quản vùng giải phóng, góp phần quan trọng trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Trong quá trình đổi mới, những chuyển đổi về chính sách, cơ chế quản lý kinh tế - xã hội, nhất là quá trình hội nhập quốc tế đã có nhiều tác động đối với nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội của đất nước, từ đó đặt ra cho lực lượng Công an những nhiệm vụ chính trị rất nặng nề. Trong bối cảnh đó, lực lượng Công an đã bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chủ động đổi mới nhận thức, quan điểm, đối sách, tích cực triển khai có hiệu quả các biện pháp công tác, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích quốc gia, dân tộc; tạo môi trường hòa bình, phục vụ thắng lợi sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Kết quả đạt được của công tác Công an trong những năm đổi mới là rất lớn và có thể tóm lược ở một số mặt công tác sau: Lực lượng Công an đã chủ động tham mưu với Đảng, Nhà nước xây dựng chiến lược, chủ trương, chính sách, ban hành pháp luật về đảm bảo an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả công tác bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới, phục vụ thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Đồng thời, lực lượng Công an đã tham mưu làm rõ vấn đề có tính nguyên tắc trong bảo đảm an ninh, trật tự, trong đó khẳng định vai trò Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt, Nhà nước quản lý tập trung, thống nhất và lực lượng Công an làm nòng cốt.
Những truyền thống vẻ vang anh hùng
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm xây dựng lực lượng CAND vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Người yêu cầu xây dựng bộ máy tổ chức công an phải mang tính dân chủ cao, giản đơn, thiết thực, hiệu quả, trong đó quan tâm xây dựng bộ máy công an ở cơ sở, vùng biên giới, hải đảo. Người cán bộ công an trong tư tưởng của Người thực sự là cái “gốc” của mọi công việc, được đề cập khoa học, toàn diện từ khái niệm, vị trí, vai trò, nhiệm vụ, tư tưởng, bản chất nhân văn của cán bộ đến tầm quan trọng của công tác cán bộ, nguyên tắc cơ bản trong tuyển chọn, đào tạo, sử dụng, đánh giá, kiểm tra, giám sát cán bộ công an và thi đua - khen thưởng, kỷ luật trong CAND.
Người luôn nhấn mạnh phẩm chất trung thành với Đảng, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; đồng thời, nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ công an phải tu dưỡng, rèn luyện, xứng đáng là lực lượng vũ trang trọng yếu, tin cậy để bảo vệ Đảng, Nhà nước và nhân dân. Điều này được thể hiện rõ nét, đầy đủ, toàn diện và sâu sắc trong thư gửi đồng chí Hoàng Mai, Giám đốc Sở Công an khu XII ngày 11-3-1948, trong đó nêu rõ Tư cách người Công an cách mệnh, đã trở thành tư tưởng lớn, mang tầm chỉ đạo chiến lược trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng CAND. Đó là: “Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính; Đối với đồng sự phải: Thân Ái Giúp Đỡ; Đối với Chính phủ phải: Tuyệt Đối Trung Thành; Đối với nhân dân phải: Kính Trọng Lễ Phép; Đối với công việc phải: Tận Tụy; Đối với địch phải: Cương Quyết, Khôn Khéo".
Quan điểm xuyên suốt trong tư tưởng Hồ Chí Minh là xây dựng khối đoàn kết trong Đảng, đoàn kết trong nước và đoàn kết quốc tế, kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh thời đại. Vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước với CAND, mối quan hệ, hiệp đồng giữa CAND với Quân đội nhân dân và các chủ thể khác trong hệ thống chính trị. Đó là những mối quan hệ rất đặc biệt nhằm phát huy vai trò Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân kiểm tra, giám sát, huy động sức mạnh tổng hợp trong đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Cùng với quá trình xây dựng và phát triển không ngừng của mình, dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng và Bác Hồ kính yêu, Công an nhân dân Việt Nam luôn nhất tâm đồng lòng, kề vai sát cánh cùng các lực lượng cách mạng và quần chúng nhân dân kiên cường đấu tranh, mưu trí, gan dạ, dũng cảm, làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch và các loại tội phạm, bảo vệ Đảng, Nhà nước, thành quả cách mạng và cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân.
Suốt chặng đường truyền thống vẻ vang đã đi qua, trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, gần 15.000 cán bộ Công an đã anh dũng hy sinh, hơn 5.000 đồng chí đã hiến dâng một phần xương máu của mình để tạc nên hình hài xứ sở, hàng trăm đồng chí bị địch bắt, tù đày, bị tra tấn dã man. Từ khi tiến hành công cuộc đổi mới đến nay, hơn 300 cán bộ, chiến sĩ Công an anh dũng hy sinh, hơn 1.300 đồng chí mang thương tật vĩnh viễn; nhiều tấm gương, chiến công bất diệt đã để lại sự khâm phục, tự hào trong lòng nhân dân và toàn lực lượng.
Những con số biết nói trên cho ta thấy, dù chiến tranh đã lùi xa, mưa bom lửa đạn của một thời chiến chinh đã hóa thành dĩ vãng, nhưng những cán bộ, chiến sỹ của lực lượng Công an vẫn luôn âm thầm cống hiến, hy sinh ngay cả trong thời bình, vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân. Những chiến công chói lọi, những cống hiến to lớn đó đã góp phần tô thắm thêm truyền thống “VÌ NƯỚC QUÊN THÂN, VÌ DÂN PHỤC VỤ” mà hàng vạn cán bộ, chiến sĩ đều luôn tâm niệm hàng ngày, hàng giờ.
Trải qua 79 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, được nhân dân hết lòng thương yêu, đùm bọc, giúp đỡ, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Công an đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, lập nhiều thành tích, chiến công xuất sắc, viết nên truyền thống vẻ vang của Công an nhân dân Việt Nam.
Nhân kỷ niệm 79 năm ngày Truyền thống Lực lượng Công an nhân dân Việt Nam, xin được kính chúc các thế hệ cán bộ, chiến sĩ đã và đang phục vụ, công hiến trong ngành Công an sức khỏe, bản lĩnh, trí tuệ, mưu trí, dũng cảm hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Tổ quốc mãi mãi vinh danh trân trọng những người anh hùng, chiến sĩ Công an Nhân dân luôn sẵn sàng cống hiến, hi sinh, quên mình dấn thân cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc, giữ gìn sự bình yên, hạnh phúc và thịnh vượng của nhân dân ta.