86 năm Việt Nam văn hoá sử cương: Nhận thức văn hoá là nhận thức để phát triển

1. Năm 2024 kỉ niệm 120 năm Cụ Đào Duy Anh - một học giả lỗi lạc của đất nước. Người ta sẽ còn phải tốn nhiều sức lực để tiếp tục nghiên cứu đầy đủ hơn về Cụ. Bởi trong những di sản Cụ để lại có nhiều lĩnh vực, nhiều vấn đề cho đến nay vẫn còn cần được giới nghiên cứu sử học, ngôn ngữ học, văn hóa học… nghiên cứu tiếp. Ở đây tôi chỉ xin nêu mấy ý kiến nhỏ về một tư tưởng lớn mà Cụ đã nêu ra từ hơn 80 năm trước với tư cách là người đầu tiên bàn về vấn đề ấy một cách hệ thống, bài bản, khoa học. Đó là nhận thức về văn hóa Việt Nam trong thời kỳ thử thách khốc liệt của tiếp xúc và xung đột với văn hóa tây phương mà theo Cụ nó “quan hệ đến cuộc sinh tử tồn vong của dân tộc”. Khi chúng ta bàn về vấn đề này, quá trình toàn cầu hóa, hiện đại hóa đang diễn ra với một tốc độ rất nhanh, đang thử thách mọi đất nước, dân tộc. Chúng ta cũng cần có một cuộc “soát xét “lại chính mình để hòa vào cuộc chơi chung ấy một cách đàng hoàng, chủ động để không bị tụt lại phía sau.

anh-chup-man-hinh-2024-05-16-luc-085719-1715825158.jpeg
Hội thảo Kỷ niệm 120 năm ngày sinh Giáo sư Đào Duy Anh (1904 - 2024)

Trong lời Tựa cho cuốn sách của mình, Cụ viết “Khắp một vùng trung châu Bắc Việt, không một mẫu đất nào là không có dấu vết công trình thảm đạm kinh dinh của tổ tiên ta để giành lại quyền sống với tạo vật; suốt một giải Trung Việt vào đến Trung châu Nam Việt, không một khúc đường nào là không nhắc lại sự nghiệp gian nan tiến thủ của tổ tiên ta đã gây dựng trong hai nghìn năm để sinh trưởng giữa những điều kiện tự nhiên ác liệt ở xứ này, tất phải có sinh khí mạnh mẽ lắm. Song cái văn hóa thích hợp cho sự sinh trưởng của một xã hội bế tỏa, đến khi xã hội ấy gặp tình thế bắt phải khai thông, thì nó lộ ngay ra hết mọi nhược điểm. Cái bi kịch hiện thời của dân tộc ta là sự xung đột của những giá trị cổ truyền của văn hóa cũ ấy với những điều mới lạ của văn hóa tây phương. Cuộc xung đột ấy sẽ giải quyết thế nào, đó là vấn đề quan hệ đến cuộc sinh tử tồn vong của dân tộc ta vậy. Nhưng muốn giải quyết thì phải nhận rõ chân tướng của bi kịch ấy, tức một mặt phải xét lại cho biết nội dung của văn hóa xưa là thế nào, một mặt phải nghiên cứu cho biết chân giá trị của văn hóa mới”1. Điều khiến tôi băn khoăn là vì sao vào thời điểm này Cụ lại đặt ra vấn đề như vậy. Trong lịch sử Đại Việt, đã có bao nhiêu lần dân tộc-cụ thể là những nhà cầm quyền, những đại 1. Đào Duy Anh Việt Nam văn hóa sử cương. Nxb Văn hóa-Thông tin, 2000, in theo bản của Quan Hải tùng thư, tr.7. Từ đây, các trích dẫn sách chỉ ghi số trang. diện cho tinh thần dân tộc đã phải đứng trước câu hỏi: lựa chọn con đường nào cho tương lai, những hướng đi nào khả dĩ đem lại sự cường thịnh cho đất nước, hạnh phúc cho nhân dân? Đã có những lựa chọn mô hình xã hội, mô hình tư tưởng khác nhau mà mô hình tư tưởng chỉ là hệ quả của mô hình thể chế.

Ở đây, Cụ Đào đặt vấn đề lựa chọn văn hóa trước các mô hình khác. Có phải vì đã trải qua những năm tháng hoạt động chính trị (và đã thất bại) hay vì lúc ấy, ở hoàn cảnh cụ khó có thể nói đến vấn đề mô hình chính trị hay thể chế nên Cụ chọn con đường văn hóa? Hay còn vì vấn đề khác nữa? Điều đó chỉ là những giả thiết, nhưng có đủ căn cứ để khẳng định rằng Cụ nêu những vấn đề về văn hóa và đưa ra những kiến giải về quá trình lịch sử văn hóa hàng nghìn năm để cuối cùng đi đến kết luận:  mô hình xã hội, mô hình thể chế chỉ có thể thành công nếu được xây dựng trên nền tảng giá trị văn hóa dân tộc đồng thời luôn mang tinh thần khai phóng, cởi mở, đồng hành với những giá trị văn hóa nhân loại, quốc phú dân cường nhưng phải đem lại hạnh phúc cho nhân dân thì mô hình ấy mới thực sự bền vững.

Cũng trong lời tựa này, Cụ cho biết Cụ soạn sách này dựa trên chương trình  mới dành cho ban Cao-đẳng tiểu học mà nhà nước mới ban hành có môn Việt Nam văn hóa. Cụ không soạn sách này “theo cách phân phối của chương trình nhà nước” (tr.9) nhưng giáo viên và học sinh có thể tham khảo.  Chúng tôi không rõ những nội dung chương trình nhà nước gồm những gì, theo định hướng nào nhưng thấy quan điểm tiếp cận văn hóa của cuốn sách theo “hai phương diện tĩnh và động” (quan điểm của Fe’lix Sartiraus mà Cụ đồng tình. tr.8) thì thấy rất rõ cách nhìn cấu trúc văn hóa theo những lĩnh vực cấu thành bản thân nó và những chỉ số ghi dấu trình độ phát triển của xã hội trong một khoảng không gian và thời gian xác định. Góc nhìn ấy cho đến nay vẫn được nhiều nhà nghiên cứu văn hóa tán thành. Có thể nói, ý định nhận thức về văn hóa Việt, cả yếu tố tích cực lẫn những “nhược điểm” và cả những gì trong quá khứ được coi là tích cực, tốt đẹp nhưng ở vào hoàn cảnh lịch sử mới không còn phù hợp nữa lần đầu tiên được nêu ra một cách bài bản, thiết thực, được khảo cứu nghiêm túc và đánh giá khách quan. Nói điều này để thấy nhãn quan về văn hóa từ góc nhìn bản thể của Cụ đã vượt xa những người cùng thời. Cụ khẳng định khi những xung đột giữa văn hóa truyền thống của nước nhà “với những điều mới lạ” (tr.7) của văn minh phương tây đã ở vào tình trạng “bi kịch” mà giải quyết xung đột này quan trọng đến mức nó “quan hệ đến cuộc sinh tử tồn vong của dân tộc ta” (tr. 7). Để giải quyết vấn đề này, về phương pháp luận Cụ yêu cầu “phải nhận rõ chân tướng của bi kịch ấy…phải biết nội dung của văn hóa xưa là thế nào…và phải biết chân giá trị của văn hóa mới” (tr.7,8), nghĩa là Cụ đề rất cao vai trò của chủ thể nhận thức. Duy vật ở cách tiếp cận, ở thái độ nhận thức sự vật và biện chứng trong cách tìm hiểu chân tướng của vấn đề xuyên suốt hệ thống trình bày của tác  giả Việt Nam văn hóa sử cương. Tinh thần nhận thức văn hóa để tồn tại và phát triển đã được đặt ra từ cuốn sách mà tác giả chỉ nói là “cốt thu thập những tài liệu hiện có, sắp đặt lại thành hệ thống, để giúp cho những nhà nghiên cứu văn hóa sử đỡ mất công tìm kiếm mà thôi” (tr.9). Cái lớn lao của Cụ còn nằm ở sự khiêm nhường mà ngày nay nhiều nhà nghiên cứu ở ta không còn coi là phẩm chất cần có của một người làm công tác nghiên cứu. Bởi họ luôn cho rằng những kết luận của mình là chân lý, ai nói khác mình là sai, thiếu hiểu biết, chống mình.

Mô tả văn hóa Việt Nam từ đời sống kinh tế (nông nghiệp, công nghệ, thương mại), các hình thức sinh hoạt (thôn quê, thành thị; từ sự hình thành đến tổ chức xã hội, đời sống, quan hệ tinh thần), công nghiệp (giao thông, sưu thuế, tiền tệ) đến tổ chức xã hội (gia tộc, tổ chức làng xã, quốc gia, hoạt động của thể chế, phong tục), đời sống tinh thần (tôn giáo, ngôn ngữ, văn học, nghệ thuật, khoa học, phương thuật), tác giả tuân theo ý tưởng phác ra những lĩnh vực chính và miêu tả cách hoạt động ấy gần với thực tiễn nhất có thể. Có thể ngày nay có người sẽ làm khác Cụ nhưng trước Cụ chưa có nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam nào đi theo hướng này-hướng mô tả, khảo sát thực trạng từ bản thể của đối tượng chứ không xuất phát từ một tư tưởng mang tính tiên thiên, rồi mới khảo sát đối tượng nhằm chứng minh cho tư tưởng của mình. Cụ nói chỉ cốt “tập hợp tư liệu” giúp cho những người khác nghiên cứu sâu hơn văn hóa nước nhà nhưng thực ra xuyên suốt cuốn sách là sự khảo cứu, tổng kết, đánh giá các hệ giá trị của văn hóa Việt Nam từ bản thân nó. Cũng chính Cụ là người đầu tiên qua những khảo sát cụ thể mà tổng kết thành 5 giá trị tiêu biểu nhất của văn hóa Việt. Theo Cụ, suốt mấy nghìn năm lịch sử, “nông dân thực là nền móng của dân tộc mà nông nghiệp là nền móng của văn hóa ta vậy” (tr.387). Từ nền văn hóa nông nghiệp Cụ chỉ ra những đặc tính của văn hóa Việt Nam hình thành trên cơ sở văn minh lúa nước: “đặc tính thứ nhất của văn hóa nông nghiệp ấy là xã hội lấy gia tộc làm cơ sở” và khẳng định, từ thời thượng cổ đến thời đại độc lập “đời nào gia tộc cũng làm bản vị cho xã hội” (tr.387). Từ quan hệ gia tộc hình thành nên giá trị gia tộc và tổ chức xã hội cũng góp phần tạo nên sự cố kết này (quân đội coi nhau như anh em một nhà, tướng sĩ coi nhau như cha con, việc khai khẩn đất hoang, mở mang bờ cõi “xưa nay vẫn là việc của gia đình” (tr.388). Thậm chí cách tổ chức thương mai, công nghệ cũng thường lấy gia tộc làm gốc, có những nguyên tắc, bí quyết làm nghề không truyền ra bên ngoài v.v… “Vì cá nhân không có quyền lợi và địa vị độc lập, người ta chỉ biết, gần thì có gia đình, xa thì có làng mạc, cho nên rời gia đình và làng mạc thì người ta thất cước ngay”…Con người cá nhân tan ra trong gia đình nên “luân lý, đạo đức, chế độ văn vật, chính trị pháp luật đều lấy gia tộc chủ nghĩa làm gốc”. Từ cách tổ chức xã hội và quan niệm như vậy “văn hóa nước ta lấy tình cảm làm bản vị” (tr.390) và con người yêu hòa bình, thích yên ổn. Điều này nó trở thành khao khát bảo tồn, phát triển gia tộc và nếu gia tộc có bị binh lửa, biến cố gì làm tan nát thì ước mong “vãn hồi gia tộc” vẫn là ước mơ cháy bỏng. Văn hóa nông nghiệp luôn mang trong nó sự bền vững, ổn định, “thường tồn-permanence”(tr.393). Và “về phương diện nào…quá khứ còn sống ở hiện thời, cái tinh thần tồn cổ ấy làm cho xã hội ta không tiến bộ được mau chóng như xã hội phương tây, nhưng cũng chính nhờ nó mà trải qua cuộc quốc táng gia vong, không bao lâu cơ nghiệp lại phục hồi được” (tr.393). Năm hệ giá trị này tồn tại hàng nghìn năm trong một xã hội bế quan tỏa cảng nên nó ít biến đổi “vẫn có kết quả tốt, đến nay gặp những sự biến kinh tế và xã hội theo công nghiệp và văn hóa khoa học của Châu Âu thì ta thấy nó hóa thành những tệ hại rất trở ngại cho sự sinh hoạt ở thời đại này” (tr.394). Rõ ràng ở Cụ tinh thần “cách vật, trí tri, chính tâm” là cơ sở dẫn đến những kết luận khoa học này. Nó không bị góc nhìn định kiến làm thiên lệch bản chất sự vật.

Góc nhìn khoa học của Cụ về văn hóa và đặc tính dân tộc đã cho phép Cụ đi đến kết luận: Gia Long nhờ vào văn minh phương tây mà đánh bại nhà Tây Sơn (tr.41) nhưng Tự Đức vì bế quan tỏa cảng mà mất nước (tr. 82). Cụ cũng nêu ra bài học đau đớn của nhiều nước phương tây vì chỉ coi trọng việc theo đuổi mục đích “Quốc phú, binh cường” nên dù có đưa ra được những tư tưởng rất tiến bộ như “tư tưởng bác ái, bình đẳng, tự do cùng tinh thần khoa học” nhưng xã hội phương Tây, nhất là về nền tảng tinh thần cũng đang rạn nứt nghiêm trọng. Theo đuổi mục đích phát triển vật chất thái quá sẽ dẫn đến những rạn nứt về nền tảng tinh thần xã hội, trở thành nguy cơ cho những tai họa khác, lớn hơn. “Người Âu Châu ngày nay họ đã hoài nghi cái văn hóa phú cường chỉ đem người ta đến những cuộc xung đột ghê gớm, ở trong thì giai cấp tranh đấu, ở ngoài thì quốc tế chiến tranh, văn hóa phú cường càng tiến bộ chừng nào thì nó lại càng cung cho những cuộc xung đột ấy những lợi khí tàn ác khốc liệt chừng ấy” (405). Và Cụ kết luận “đi theo con đường đã qua của Âu Châu cũng không phải là phương tiện thích đáng” và chỉ có “hun đúc một thứ văn hóa hoàn nhiên mới mẻ thì mới cứu sống thế giới được” (tr.405). Nhìn vào thực tế quan hệ quốc tế hiện nay, càng thấy khâm phục tầm nhìn xa của một nhà khoa học, một nhà văn hóa. Những dự báo của Cụ về quan hệ xã hội và xung đột lợi ích, xung đột văn hóa, sự tha hóa của những nhà cầm quyền ở những quốc gia phú cường Âu Mỹ, ở tầng lớp “tinh hoa” từ gần thế kỷ trước đang hiện hữu trong đời sống chúng ta hôm nay. Những xung đột ở châu Âu trong suốt vài thập niên qua, cuộc chiến Nga-Ucraina hiện nay…là minh chứng không gì cụ thể và sâu sắc hơn những dự báo của Cụ từ gần thế kỷ trước. Châu Âu văn minh, châu Âu tiến bộ, nước Mỹ hùng cường…đưa lại những giá trị vật chất và tinh thần sáng giá cho nhân loại nhưng chính các quốc gia này lại chủ trương gây ra những xung đột vũ trang, những ý đồ nô dịch và giết hại con người tệ hại nhất.

Tất nhiên ở vào thời kỳ viết cuốn sách này, Cụ chưa thể nói ra cái nền văn hóa mới ấy là gì. Nhưng, “cứ theo ý tứ mà suy” có thể thấy tinh thần kế thừa những gì còn khả dụng trong đời sống văn hóa cổ truyền của dân tộc trong thời kỳ mới, có thể đoán định được điều Cụ muốn nói. Theo Cụ, “tầng lớp trung lưu và giai cấp lao động công nghiệp là sản vật trực tiếp của văn hóa mới” (tr.412) và chính họ cũng là những người chủ yếu góp phần tạo ra nền văn hóa của tương lai. Hai loại người này sẽ quyết định xu hướng và bản chất của nền văn hóa mới trong thời kỳ mới và “có một điều ta có thể chắc là trong cái văn hóa mới của thế giới sau này-văn hóa nước ta cũng dự một phần trong ấy-người ta không thể cho rằng Đông là hơn hay Tây là hơn, và những điều phân biệt và kỳ thị Đông Tây sẽ dần dần biến mất “ (tr.414). Cụ chưa nói kỹ về “tầng lớp trung lưu” nhưng về bản chất, đây là tầng lớp do điều kiện sống và địa vị của mình sẽ có vai trò không nhỏ trong việc dựng xây xã hội mới. Tất nhiên, theo góc nhìn mang nặng ý thức chính trị sau này, tầng lớp trung lưu không thể có địa vị xã hội và vai trò như Cụ đã nói đến và mong thế. Một bài học lớn về việc hiểu sai văn hóa đã làm chậm bước tiến của một đất nước.

2. Sau khi Cụ viết Việt Nam văn hóa sử cương 5 năm, Trường Chinh với tư cách là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam viết Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943 để định hướng cho phong trào cách mạng trong lĩnh vực văn hóa của Đảng. Ở vào đêm trước của cuộc cách mạng, Đề cương… nhanh chóng hòa nhập vào phong trào cách mạng giải phóng dân tộc, làm căn cứ cho phong trào văn hóa cứu quốc. Hai người từ hai góc nhìn khác nhau đều đặt vấn đề chuẩn bị xây dựng một nền văn hóa mới phù hợp với điều kiện lịch sử mới. Từ bấy đến nay, ở mỗi thời kỳ lịch sử nhất định, Đảng Cộng sản lại có những điều chỉnh cụ thể nhưng về cơ bản vẫn nhất quán một tư tưởng: phải làm cuộc cách mạng văn hóa để văn hóa tham gia hiệu quả hơn vào cuộc cách mạng xã hội. Điểm khác biệt lớn nhất giữa quan điểm của Cụ Đào và các văn kiện của Đảng về văn hóa là Đảng đề cao khía cạnh chính trị-xã hội của văn hóa, con người; đặt văn hóa nằm trong hệ thống một cuộc cách mạng xã hội triệt để còn Cụ Đào lại nhìn sự vận động của văn hóa trong những tương tác chính trị-xã hội-con người ở cả hai mặt tĩnhđộng từ bản thể của nó để rút ra điều cần làm khi xây dựng văn hóa mới. Giống như quan điểm của Trường Chinh và những người kế tục ông sau này, Cụ Đào cũng cho rằng cần soát xét lại những giá trị của văn hóa truyền thống, nhận chân giá trị của văn hóa mới để tổ chức và xây dựng nền văn hóa ấy cho phù hợp với điều kiện lịch sử và đích phấn đấu của xã hội nhưng Cụ không xem xét vấn đề từ khía cạnh chính trị mà từ góc nhìn bản thể của văn hóa. Cụ xem xét cả môi trường xã hội (tổ chức thể chế và các hình thức khác tương ứng với nó) và chủ thể sáng tạo văn hóa mới đồng thời cũng là sản phẩm của nền văn hóa ấy là “tầng lớp trung lưu và giai cấp lao động công nghiệp” nhưng chưa có điều kiện đi sâu vào hai đối tượng này. Ở đây có điểm khác với quan điểm của Đảng và cũng lộ rõ thời viết tác phẩm này Cụ chưa có đủ căn cứ thực tiễn về “giai cấp lao động công nghiệp” như Cụ nghĩ. Cũng như Đảng Cộng sản suốt mấy chục năm cầm quyền có quan niệm khác về hai  đối tượng này. Đảng đề cao “tầng lớp lao động công nghiệp” và nông dân mà gần như bỏ qua “đội ngũ trung lưu”.Hơn nữa do góc nhìn về hai loại người ấy vẫn nghiêng về góc nhìn chính trị chứ không từ con người bản thể nên rất nhiều chính sách, tiền của bỏ ra để xây dựng hai lớp người này chưa đem lại hiệu quả mong muốn.

3. Có một sự gặp gỡ giữa tư tưởng dựa vào văn hóa dân tộc, sàng lọc các giá trị văn hóa và xây dựng văn hóa mới phù hợp với sự phát triển lịch sử ở Cụ Đào và lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ở Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất năm 1946 sau khi đã xác lập chính thể mới, Hồ Chí Minh nêu ra luận điểm nổi tiếng văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi. Vì là nhà chính trị nên Hồ Chí Minh không có điều kiện để nói về văn hóa hệ thống như Đào Duy Anh mà chỉ nói đến đường hướng của nền văn hóa mới trong cuộc cách mạng xã hội theo tinh thần Mac-Lenin. Trong thực tế, nền văn hóa ấy đã tham gia tích cực vào sự nghiệp cách mạng của đất nước cả trong thời kỳ tiến hành cuộc chiến tranh vệ quốc, xây dựng xã hội theo đường hướng chủ nghĩa xã hội lẫn mở cửa hội nhập. Văn hóa soi đường cho quốc dân đi trở thành hành động thực sự ở mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, quốc phòng, đời sống…Tổ quốc trên hết, dân tộc trên hết không còn là những vấn đề lý thuyết hay đạo đức nữa mà thấm vào đời sống của mọi tầng lớp nhân dân trong mọi hành động.  “Đem văn hóa lãnh đạo quốc dân để thực hiện Độc lập, tự cường, tự chủ” , để “văn hóa vào sâu trong tâm lý của quốc dân, nghĩa là văn hóa phải sửa đổi được tham nhũng, lười biếng, phù hoa, xa xỉ”, phải làm cho “ai cũng có lý tưởng tự chủ, độc lập, tự do” …, “làm cho quốc dân có tinh thần vì nước quên mình, vì lợi ích chung mà quên lợi ích mình”2. Văn hóa hóa kháng chiến kháng chiến hóa văn hóa với mục tiêu văn hóa phụng sự sự nghiệp phò chính, trừ tà đã làm thay đổi dân khí nước nhà. Xây dựng đời sống mới không chỉ là một phong trào sinh hoạt mà nó thấm đẫm tinh thần đổi mới văn hóa, đổi mới hành động vì quốc gia, dân tộc, là dân khí nước nhà chứ không phải của một cá nhân hay tầng lớp nào. Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu là sự tự nhận thức quan trọng nhằm vượt thoát khỏi những yếu kém có thực để từ đó nâng cao dân 2.Văn kiện Đảng toàn tập. Nxb Chính trị Quốc gia, H.2000, tr. 272

Trí, phục hưng dân khí trong cuộc cách mạng sinh tử này. Từ cách tiếp cận mới này mà tinh thần Tổ quốc trên hết, dân tộc trên hết, thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ, là nguyên tắc bất biến của cả dân tộc đã thành ngọn cờ tập hợp lực lượng, nhân lên sức mạnh của mỗi người, kết thành một khối thống nhất để đương đầu với bất kỳ thử thách khốc liệt nào. Văn hóa xã hội chủ nghĩa trở thành một lĩnh vực của cuộc cách mạng xã hội, được lãnh đạo, tổ chức thực hiện mọi đường đi nước bước của một thể chế, thống nhất từ trên xuống dưới. Từ văn hóa và bằng văn hóa, tư tưởng ấy đã trui rèn không chỉ một đội ngũ cán bộ mà là cả dân tộc, tạo nên những kỳ tích lịch sử, trở thành biểu tượng cho tinh thần và bản lĩnh dân tộc.

4. Bước ra từ cuộc kháng chiến chống Mỹ, chúng ta gặp muôn vàn khó khăn của thời kỳ hậu chiến. Nền văn hóa đang xây dựng theo mô hình Liên Xô, Trung Quốc đã lộ rõ tính chất bất cập của nó. Nhưng những năm ấy chưa ai nói đến đổi mới văn hóa mà chỉ nói đến đổi mới kinh tế, đổi mới tư duy về tổ chức xã hội và tổ chức sản xuất ra của cải vật chất nhằm thoát khỏi đói nghèo, khủng hoảng xã hội. Việc loại bỏ “tàn dư văn hóa cũ” một cách thiếu tỉnh táo đã khiến cho văn hóa dân tộc chịu đựng những đổ vỡ, rạn nứt, đứt gẫy nhưng xây dựng một nền văn hóa mới thế nào chúng ta vẫn chưa xác định được một cách khoa học. Qua những vật vã, tìm kiếm, cuối cùng chính văn hóa đã tạo tiền đề để nước nhà vượt qua khủng hoảng, từng bước ổn định và phát triển mang một tầm vóc mới. Đổi mới toàn diện đất nước là một cuộc nhận đường gian nan và khốc liệt. Vì lần này chúng ta phải vượt qua chính mình, qua những giới hạn và bỏ lại cả những vinh quang một thời để đi tiếp một chặng đường mới vẫn trên nền tảng vì dân tộc, khoa học, nhân dân, làm thế nào để đất nước ổn định, nhân dân hạnh phúc, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Cuộc vượt thoát khỏi cái bóng huy hoàng của quá khứ để phấn đấu cho một xã hội phát triển hơn, làm cho nhân dân ấm no, hạnh phúc hơn mà vẫn không đánh mất mình trong cuộc chơi lớn của toàn nhân loại là một chặng đường gian khổ, trong đó đòi hỏi rất nhiều trí tuệ và bản lĩnh. Bắt đầu và cái gốc của sự đổi mới này cũng bắt dầu từ văn hóa. Nhờ nhận thức mô hình mới này mà công cuộc Đổi Mới thành công. Cương lĩnh phát triển đất nước trong thời kỳ mới, các Nghị quyết chuyên đề của Đảng về văn hóa, con người là những nhận thức mới không chỉ về văn hóa mà là khởi đầu nhận thức về chặng đường mới của dân tộc, trong đó bắt đầu từ con người, văn hóa và đích đến cũng là hạnh phúc của con người. Văn hóa được coi là động lực và là mục tiêu của sự phát triển, thành nguồn lực nội sinh, là thước đo của sự phát triển bền vững. Đây là những bổ sung mới trong quá trình hoàn thiện nhận thức về vai trò của văn hóa trong đời sống. Đó là một bước tiến lớn về mặt nhận thức so với việc tiếp nhận gần như nguyên vẹn mô hình văn hóa Xô Viết trước đây.

5. Nhân loại đang đứng trước những lựa chọn mới bởi rất nhiều yếu tố phát triển phi truyền thống đã đặt ra những thách thức mới do sự phát triển vũ bão của khoa học công nghệ. Khoa học công nghệ “bắt” con người phải tư duy lại nhiều vấn đề truyền thống và một thái độ tích cực để không bị tụt lại phía sau là chuẩn bị sẵn tâm thế bước vào quá trình hội nhập sâu rộng trong quá trình toàn cầu hóa như một tất yếu. Công nghệ đã xóa đi những khoảng cách địa lý, thể chế, tạo ra một thế giới phẳng theo nghĩa đen của từ này, trí tuệ nhân tạo đã khiến con người phải tư duy lại nhiều vấn đề của chính mình. Đảng và nhà nước đặt ra vấn đề cần xây dựng hệ giá trị quốc gia, dân tộc, cộng đồng, gia đình, con người đáp ứng được yêu cầu phát triển mới. Đây là một vấn đề khó bởi nó gắn với một sự đột phá trong nhận thức; nhận thức bối cảnh, nhận thức về chính mình để vượt lên mình, để nhịp bước cùng thời đại trong khi chúng ta vừa có thế mạnh, vừa có những yếu kém cả về khoa học công nghệ lẫn tổ chức xã hội. Trong cuộc vượt thoát này Đảng xác định văn hóa là nền tảng để cả dân tộc tựa vào đó mà tiến về phía trước. Tổng Bí thư khẳng định văn hóa còn, đất nước còn, mất văn hóa là mất tất cả. Vấn đề là ở chỗ trong hành trình mới này, chúng ta mang theo những gì và phải đoạn tuyệt những gì là một phần của chính mình để tiến về phía trước, vừa khẳng định mình, vừa đóng góp cho nhân loại? Có lẽ, cần phải có những thay đổi trong nhận thức về văn hóa và con người. Trong một giai đoạn rất dài, trong một hoàn cảnh lịch sử đặc biệt chúng ta đã phải nhấn mạnh đến tính chính trị, yếu tố hệ tư tưởng của văn hóa và con người để làm cuộc chiến tranh giữ nước, bảo vệ độc lập dân tộc. Yếu tố này dù căn bản, quan trọng nhưng đó vẫn chưa phải là toàn bộ, bản chất của văn hóa. Chúng ta chưa tiếp cận hai khái niệm này từ bản thể của nó nên không thể nói là đã nhận thức đầy đủ về chúng và một khi nhận thức chưa đầy đủ về đối tượng khó có thể nói tới việc xây dựng hệ giá trị cơ bản chính xác được. Thừa nhận sự khác biệt, cộng sinh nghĩa là thừa nhận những cá tính, những khác biệt trong cách tiếp cận và giải quyết vấn đề, thừa nhận sự cạnh tranh. Mà có cạnh tranh mới có tiền đề để tạo ra những sản phẩm tốt nhất, mới giải phóng được những năng lực sáng tạo còn bị bỏ rơi đâu đó. Gần thế kỷ trước, Cụ Đào đã nói đến tầng lớp trung lưu như một lực lượng quan trọng của quá trình tiếp nhận và hòa nhập với nhân loại. Vấn đề thứ hai mà cụ nói đến với một sự khắc khoải là một xã hội văn minh, hiện đại vẫn có thể là mầm mống của tội ác nếu xã hội ấy đặt vấn đề vật chất lên hàng đầu mà quên mất cái gốc nhân văn, đến những khao khát vì hạnh phúc của con người. Đây là một góc nhìn sáng suốt và nhạy cảm bởi, suy cho cùng, từ tầng lớp trung lưu sẽ sinh ra những người ưu tú nhất, sẽ hình thành tầng lớp tinh hoa có năng lực tạo ra những đột phá và dẫn dắt các lực lượng xã hội khác tiến theo mình. Chưa bao giờ xã hội chúng ta lại cần đến những con người như vậy vì ở họ có tiềm năng sáng tạo cao, có thể tạo ra những sản phẩm có giá trị lớn, giúp cho đất nước phát triển, đem lại lợi ích lớn nhất cho đất nước. Trong giai đoạn này chúng ta cần những điều chỉnh nhận thức về văn hóa và con người vì đây là một bước tạo đà quan trọng để tạo tiền đề cho một đất nước hùng cường, nhân dân hạnh phúc. Khởi thủy của quá trình này bắt đầu từ thay đổi nhận thức về văn hóa.