Ông Dương Thanh Tùng – Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bắc Giang cho biết, đây là lô nhãn tươi đầu tiên được xuất khẩu sang thị trường Úc với tổng khối lượng hơn 1 tấn, mở ra nhiều triển vọng, hướng đi trong thời gian tới cho người trồng nhãn nói riêng và người sản xuất nông nghiệp ở Bắc Giang nói chung.
Hiện tại, cây nhãn đã trở thành 1 trong số ít cây trồng chủ lực của tỉnh Bắc Giang với tổng diện tích là 3.400ha trồng nhãn với tổng sản lượng nhãn tươi khoảng 20 nghìn tấn, chỉ sau vải thiều và cây có múi.
Diện tích nhãn tập trung tại các huyện Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế, Lạng Giang, trong đó diện tích nhãn muộn khoảng trên 600 ha. Các địa phương đã phát huy thế mạnh, áp dụng quy trình sản xuất phát triển cây nhãn là 1 trong số cây ăn quả có chất lượng cao, đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới.
Để chủ động công tác tiêu thụ, năm 2022, Sở NN-PTNT tỉnh Bắc Giang đã phối hợp với các huyện Lục Nam và Yên Thế tổ chức chỉ đạo sản xuất vùng nhãn đạt tiêu chuẩn xuất khẩu đi các thị trường như: Mỹ, Úc, Nhật Bản, Singapor, Trung Quốc... với diện tích 200ha, sản lượng khoảng 1.500 tấn.
Sau một thời gian tích cực, công tác chuẩn bị điều kiện về sản xuất, cấp mã số vùng trồng, phòng trừ sâu bệnh, kiểm soát dư lượng thuốc BVTV được thực hiện tốt, cơ bản đều đảm bảo đáp ứng yêu cầu của các thị trường xuất khẩu.
Cũng theo ông Tùng, doanh nghiệp trực tiếp thực hiện việc thu mua và xuất khẩu nhãn sang thị trường Úc là Công ty Toàn cầu Bắc Giang, giá thu mua cho người dân hiện tại đang cao gấp đôi so với thị trường.
Đây là năm đầu tiên, những kinh nghiệm đã triển khai sẽ là bài học cho những năm tiếp theo trong việc quản lý, xây dựng mã vùng trồng, trong việc tập huấn hướng dẫn các quy trình kỹ thuật gắn với xúc tiến và mở rộng thị trường xuất khẩu.
“Để đưa được quả nhãn sang thị trường Úc không hề đơn giản, đây là xuất tươi, trực tiếp nên phải đáp ứng được những tiêu chuẩn rất khắt khe từ phía bạn và phải có khách hàng. Đây là nhãn cuối vụ, năm nay chúng tôi sẽ có vài chuyến nhãn sang Úc nữa, hy vọng sẽ mở ra hướng đi mới cho cây nhãn trong thời gian tới”, ông Tùng chia sẻ.
Tỉnh Bắc Giang có lợi thế về điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng, khí hậu thuận lợi để phát triển sản xuất nông nghiệp đa dạng, phong phú với các sản phẩm cây trồng, vật nuôi có giá trị.
Hiện tại, bước đầu địa phương đã tạo được một số vùng sản xuất nông nghiệp hàng hoá tập trung như: vải thiều, lúa chất lượng, lạc, vùng nguyên liệu gỗ,... trình độ canh tác và năng lực sản xuất nông nghiệp hàng hóa của nông dân được nâng cao.
Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ, khoa học - kỹ thuật, giống mới vào sản xuất được đẩy mạnh; cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn được tăng cường, củng cố… đây là những tiền đề quan trọng tạo đà cho phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hoá tập trung, gắn xây dựng nông thôn mới.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Bắc Giang, diện tích cây ăn quả của địa phương này đang có trên 51.000ha, là tỉnh có diện tích cây ăn quả các loại lớn thứ 4 toàn quốc, trong đó vải thiều là cây trồng chủ lực với diện tích trên 28.300ha đứng thứ nhất toàn quốc, đến nay đã được xuất khẩu trên 30 Quốc gia, trong đó xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Mỹ, EU... và được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại các quốc gia: Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Úc, Singapor, Lào, Cămpuchia.
Còn với cây có múi như: cam, bưởi,... toàn tỉnh Bắc Giang cũng đang có trên 10.000 ha, đứng thứ 3 các tỉnh Trung du Miền núi Phía Bắc, cây na diện tích trên 2.000 ha, cây dứa 750 ha,...
Để phát triển bền vững cây ăn quả, tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo mạnh sản xuất để xuất khẩu, từng bước nâng cao giá trị sản phẩm cây ăn quả, đặc biệt năm 2022 tập trung chỉ đạo để xuất khẩu nhãn.
Đến nay công tác chỉ đạo sản xuất phục vụ xuất khẩu nhãn đã thực hiện tốt, toàn tỉnh đã cấp được 47 mã số vùng trồng, diện tích 514 ha, sản lượng 4.000 tấn để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc; 5 mã số vùng trồng, với diện tích 52.92 ha, sản lượng khoảng 450 tấn để xuất khẩu sang thị trường Úc.
Bên cạnh đó, công tác phòng chống sâu bệnh, kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, sản xuất đảm bảo an toàn phục vụ xuất khẩu đã được thực hiện đầy đảm bảo, 100% các mẫu phân tích đều đảm bảo thu hoạch để phục vụ xuất khẩu theo yêu cầu của nước nhập khẩu như: Úc, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc,...
Sở NN-PTNT tỉnh Bắc Giang đã mời gọi các doanh nghiệp lớn, có kinh nghiệm xuất khẩu trái cây của Việt Nam như: Công cổ phần Miền đất nông nghiệp Việt Pháp, Công ty cổ phần Ameii Việt Nam, Công ty TNHH Thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu Việt Nam T&T,Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Toàn Cầu,... về khảo sát, tham gia liên kết xuất khẩu nhãn.
Để đảm bảo công tác chỉ đạo sản xuất nhãn gắn với xuất khẩu được thuận lợi, Sở NN-PTNT tỉnh Bắc Giang cũng đã yêu cầu các địa phương liên quan tăng cường chỉ đạo sản xuất nhãn an toàn, mở rộng diện tích vùng trồng vải theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và hữu cơ; chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tập trung theo dõi, dự tính dự báo tình hình sâu bệnh; hướng dẫn, giám sát, quản lý sản xuất, phòng trừ sâu bệnh tại các vùng sản xuất phục vụ xuất khẩu.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, mời gọi doanh nghiệp tham gia liên kết tiêu thụ nhãn xuất khẩu; hỗ trợ, giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình sản xuất và kinh doanh nhãn trên địa bàn; hướng dẫn, kiểm tra giám sát việc nông dân tham gia ký kết hợp đồng với doanh nghiệp trong quá trình sản xuất và tiêu thụ nhãn, đảm bảo doanh nghiệp có đủ sản phẩm chất lượng phục vụ xuất khẩu