Bác Hồ cứu phi công Mỹ

Viên trung uý phi công Mỹ William Shaw, lái chiếc máy bay B25 thuộc Phi đội 51, Không đoàn 14 (biệt danh Hổ Bay), Không lực Hoa Kỳ, đóng tại Hoa Nam Trung Quốc, trong khi đang bay làm nhiệm vụ, máy bay bị hư hỏng nặng, buộc phải nhày dù xuống xóm Nà Thum, Bản Ngần, xã Đề Thám, thị trấn Nước Hai, huyện Hoà An, tỉnh Cao Bằng.

Viên phi công vừa nhảy dù xuống, đã bị một thanh niên nông dân (đó là ông Đoàn Văn Cừ, một đoàn viên Thanh niên Cứu quốc) bắt và ra hiệu cho viên phi công đi theo anh ta. Shaw run rẩy vô cùng lo sợ sẽ bị giết, vì nơi nhảy dù xuống thuộc vùng do quân Nhật chiếm và là nơi hoạt động mạnh của lực lượng du kích Cộng sản, nên có bao nhiêu tiền trong túi móc ra đưa hết cho người thanh niên và cầu xin tha tội chết! Nhưng Shaw hết sức ngạc nhiên, ông ta không những không cầm tiền, mà còn vui vẻ dẫn Shaw đến một nơi khác yên tĩnh hơn là nhà ông Hồng Kỳ (tên thật Đoàn Minh Nhật). Sau khi gặp Shaw, ông Kỳ cử người đưa phi công Mỹ vào dấu trong núi, khu vực an toàn nhất, tránh sự nhòm ngó bọn lính dỏng và sự truy lùng gắt gao của lính Nhật. Tại đây Shaw được đối đải tử tế, bố trí chỗ ăn, ngủ tiêm tất. Tuy vậy Shaw vẫn lo ngay ngáy, không biết chuyện gì sắp tới sẽ xẩy ra với mình? Khoảng 15 phút sau, bọn lính dỏng biết tin, chúng đến nhà ông Hồng Kỳ để bắt phi công Mỹ, chúng lùng sục xung quang nhà, nhưng không tìm thấy, chúng tra hỏi. Ông Hồng Kỳ giả vờ nói cho chúng biết: “nó cao to lắm, có súng nên tôi sợ không giám bắt”. Đồng thời ông cho anh em phao tin với lính dỏng:“đứa nào muốn đầu còn trên cổ thì dừng đi tìm phi công Mỹ”.

Về sau, trong hồi ký của mình, Shaw tường thuật: “Ngay khi tôi vừa chạm đất, một người nông dân trẻ tuổi bước tới tươi cười bắt cả hai tay tôi và ra hiệu tôi đi theo anh ta. Tôi đưa anh ta 600 đô la Đông Dương. Anh ta nhất quyết không nhận và có vẻ như bị xúc phạm. Họ giúp chúng tôi không phải vì tiền, mà vì tình thương yêu, bằng hữu. Họ biết rằng chúng tôi chiến đấu không chỉ vì nước Mỹ, mà vì nền dân chủ thế giới, mà cũng vì đất nước của họ”.

hoa-ban-bac-ho-ve-1680314736.JPG

Hoạ bản Bác Hồ vẽ

Được tin du kích bắt được một viên phi công Mỹ nhảy dù xuống vùng chiến khu, Bác Hồ liền chỉ thị cho cán bộ, du kích ở đây phải lo chu đáo cho viên phi công và tìm cách đưa Shaw lên Pắc Bó, gặp Bác.

Nhận được chỉ thị của Bác, đoàn cán bộ và du kích đã bí mật băng rừng lội suối đưa Shaw lên Pắc Bó một cách an toàn nhất, tránh sự truy sát của quân Nhật. Đoàn vừa lên đến nơi, đúng lúc Bác đang chuẩn bị đi công tác. Nhưng khi nhìn thấy đoàn, Bác nán lại và tươi cười bắt tay và ôm hôn viên phi công một cách lịch sự, thân thiện, đồng thời hỏi viên phi công bằng tiếng Anh:

- Anh ở bang nào của nước Mỹ?

Shaw cảm thấy rất sung sướng và ngạc nhiên bởi ở giữa rừng núi heo hút này, lại có một ông cụ, râu tóc dài, lại nói tiếng Anh rất chuẩn, không khác gì người Mỹ. Shaw cảm thấy nhẹ nhỏm và lễ phép trả lợi:

- Thưa ông, tại bang Texas,

- Anh có vợ chưa?- Bác hỏi tiếp.

- Thưa, tôi đã có vợ và 2 con.- Shaw trịnh trọng đáp.

- Anh có muốn trở về Mỹ gặp lại vợ con không? – Bác nói.

- Thưa ông, nếu được như vậy, không chỉ là điều vinh hạnh đối với tôi mà cả gia đình tôi. Chúng tôi vô cùng mang ơn ông! - Shaw cảm động trả lời.

- Bác nhẹ nhàng nói: Anh không cần phải nói như vậy. Chúng tôi sẽ giúp anh. Bởi chúng tôi là những người Đồng Minh chống phát xít. Chúng tôi sẽ trao trả anh cho lực lượng Không quân Hoa Kỳ tại Trung Quốc.

Qua cuộc trao đổi ngắn ngủi ấy, Shaw cảm thấy thoải mái, sau bao ngày hoang mang lo sợ, ăn không ngon, ngủ không yên. Đặc biệt qua cử chỉ thân thiện và giọng nói ôn tồn, ấm áp như người cha của “ông cụ” khiến Shaw hoàn toàn đặt niềm tin vào “ông cụ” và tin tưởng mình đã thoát khỏi nguy hiểm.

Trong nhật ký của Thượng tướng Phùng Thế Tài, người đã bảo vệ Bác từ ngày Bác về nước, đã chứng kiến toàn bộ sự kiện này từ đầu đến cuối đã viết về tâm trạng của viên phi công Mỹ như sau: “Sau một tháng anh ta có miệng như câm, có tai như điếc. Nhưng khi được gặp Bác, được nghe tiếng nói quê hương xứ sở, viên phi công Mỹ cảm thấy bàng hoàng, nhưng sung sướng đến phát khóc. Anh ta hoàn toàn bất ngờ, không hiểu tại sao giữa núi rừng Việt Nam xa xôi này lại có một cụ già trông rất giản dị, nhưng lại nói tiếng Anh giỏi đến thế! Ngạc nhiên hơn, anh còn được biết ông già này đã từng đến nước Mỹ bên kia bán cầu, khi anh ta chưa ra đời”.

Sau gần 2 tháng ở với Việt Minh tại núi rừng Pắc Bó, cuối năm 1944, Shaw cùng với Bác và một số cán bộ Mặt trận Việt Minh lên đường sang Trung Quốc. Để tránh sự lùng sục của quân Nhật, đảm bảo sự an toàn cho viên phi công, đoàn chia làm hai tốp. Shaw đi tốp khác Bác và được Bác nhường cho con ngựa. Còn Bác và các đồng chí đi bộ. Trên đường đi, Bác luôn dặn dò phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho viên phi công. Khi đã qua biên giới Việt Trung, hai tốp hợp thanh một. Bác gặp lại Shaw. Sau 5 ngày tiếp theo, được đi cùng Bác trên đất Trung Quốc, Shaw được sỹ quan quân đội Trung Quốc tiếp nhận và họ hứa với Bác sẽ đưa viên công này về Bộ Tư lệnh Không quân Mỹ tại Côn Minh. Khi chia tay, Trung uý Shaw bùi ngùi, mong có ngày gặp lại. Shaw hứa sẽ chuyển thư của Bác đến cấp cao nhất.

Với tấm lòng rộng mở và nhân cách của Bác đã cảm hoá người phi công Mỹ ấy. Bác còn tặng Shaw bản”Chương trình Việt Minh” đã được Bác trực tiếp dịch ra tiếng Anh. Sau này chính Shaw trở thành cầu nối giữa lãnh tụ Hồ Chí Minh với Tướng Claire Lee Chennault (1893 – 1958), Tư lệnh Không đoàn 14 của Mỹ đại diện cho Đồng Minh tại Hoa Nam, Trung Quốc.

Để có cuộc gặp không hẹn trước với viên tướng Claire Lee Chennault tại Côn Minh, Bác phải đi dày cỏ theo đường bộ, vượt hàng ngàn kilômét, từ Pắc Bó Việt Nam tới Côn Minh Trung Quốc dưới sự kiểm soát gắt gao của các lực lượng thù địch, lại mất hơn một tuần lễ, bị nằm lại dọc đường, vì bị sốt rét. Sau hơn một tuần vất vả đoàn Bác mới đến nơi, trong khi Shaw đáp may bay lên Côn Minh trước đó.

Sau mấy lần trao đổi thư từ, đến ngày 23/3/1945 lãnh tụ cách mạng Việt Nam và Tư lệnh Trưởng Bộ Tư lệnh Không quân 14 của Hoa Kỳ Tướng Claire  Lee Chennaultđa gặp nhau tại Tổng hành dinh của ông. Đây là cuộc gặp gỡ rất cởi mở, thân mật. Tướng Claire Lee Chennault không quên cảm ơn Bác và Việt Minh đã cứu giúp, chăm sóc phi công của họ hết sức tử tế.

Bác nói: Đó là bổn phận của người Việt Nam và khẳng định sẽ làm mọi việc để giúp Đồng Minh chống phát xít. Bác không quên hỏi thăm phi công Shaw.

Chennault nói rằng Shaw đã về Mỹ. Trước khi lên máy bay anh ta gửi lời cảm ơn Ngài. Chennault đã trao cho Bác khá nhiều thuốc chữa bệnh và tiền để tặng những người đã cứu giúp phi công, nhưng Bác chỉ nhận thuốc còn tiền trả lại.

Vài ngày sau, hai người lại có cuộc gặp mặt, cả hai bên đều nhất trí: Phía Việt Nam lập một trạm cứu giúp phi công Đồng Minh nếu bị tai nạn ở khu vực Đông Dương. Phía quân Đồng Minh sẽ có trách nhiệm đưa phái đoàn quân sự sang giúp Việt Nam huấn luyện quân sự và trang bị vũ khí, điện đài và các trang bị khác. Tại bữa tiệc sau đó, Tướng Chennault hết sức bất ngờ trước sự am hiểu sâu sắc về lịch sử và các chính khách nước Mỹ của Bác.

Tướng Chennault đã cho máy bay L5 đưa Bác và đoàn đến Liễu Châu dự Đại hội Quốc tế chống xâm lược. Tướng Chennault thậm chí còn tỏ ra kính trọng lãnh tụ Hồ Chí Minh và tặng Bác tấm ảnh của mình với dòng chữ: “Bạn chân thành của tôi”. Sau đó Tướng Chennault còn chỉ thị cho Trung uý Charles Fenn thuộc Cơ quan Chiến lược Tình báo Mỹ tại Trung Quốc thực hiện hợp tác với Mặt trận Việt Minh.

Về sự kiện này, Archimedes L. A. Patti, tác giả cuốn “Tại sao Việt Nam?” (Why Việt Nam?) đã nhận xét: “Đây là dịp thuận lợi để ông Hồ đề cao Phong trào Cách mạng với người Mỹ và làm cho họ phải chính thức công nhận phong trào của ông”.

Khi Bác trở về lại Việt Nam, có hai người Mỹ Frank Tan và MacShin cùng đi theo sang giúp chúng ta sử dụng điện đài như Tướng Chennault đã hứa trước đó. Sau này còn có John, một báo vụ viên OSS và một số người khác nữa.

Những người Mỹ này được Việt Minh đón tiếp chu đáo, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho họ làm việc. Họ đã giúp Việt Minh một số điện đài, vũ khí và tận tình hướng dẫn người của ta sử dụng thành thạo.

Tình hình thế giới chuyển biến thuận lợi cho cách mạng Việt Nam. Do đó căn cứ của Mặt trận Việt Minh cũng chuyển từ Pắc Bó (Cao Bằng) về Tân Trào (Tuyên Quang để tạo điều kiện cho sự phát triển lực lượng cách mạng với các hoạt động  lớn sau này.

Thực hiện lời hứa của hai bên, nhóm đặc nhiệm “Con Nai” (The Deer Team), cùng các chiến sỹ Việt Minh thành lập “Đại đội Việt – Mỹ” khoảng 200 người do ông Đàm Quang Trung (sau này là Thượng tướng) chỉ huy, Thiếu tá A.K. Thomas làm cố vấn để chống phát xít Nhật. Đơn vị này đã dự lễ xuất quân từ cây đa Tân Trào về giải phóng Thái Nguyên, rồi tiến về Hà Nội.

doi-con-nai-chup-anh-vowsui-bac-ho-1680314730.JPG

Trước khi về nước, nhóm “Con Nai” được Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi gắm một sứ mệnh đặc biệt: Chuyển giúp thư của Người đến Chính phủ Mỹ, đề nghị Tổng thống Truman  công nhận độc lập của Việt Nam! Nhưng tiếc là thời điểm đó nước Mỹ chỉ tập trung quan tâm đến châu Âu, bỏ qua khu vực Đông Nam Á. Và hai nước trở thành đối thủ trong cuộc chiến 20 năm.

Nửa thế kỷ sau, vào ngày 12/10/1995, tại Hà Nội, có cuộc gặp với những người bạn Mỹ, trong đó có Charles Fenn đã ở tuổi 80, nhưng những ấn tượng sâu sắc về lãnh tụ Hồ Chí Minh thì vẫn nguyên vẹn trong ông: “Chúng tôi gặp một người có vóc dáng mảnh khảnh, đi dép tại quán cà phê Đông Dương, Người này có đôi mắt sáng ngời, có sức hấp dẫn đặc biệt. Đó chính là Hồ Chí Minh. Tướng Chennault cảm ơn về việc Việt Minh cứu viên phi công Mỹ rồi hỏi: “Chúng tôi có giúp gì được các ông không”? Hồ Chí Minh nói: “Tôi muốn có tấm hình của ông làm kỷ niệm”. Rồi hai người ngồi uống nước rất thân mật với nhau. Tôi nhớ lúc đó, Cụ Hồ nói với các cán bộ đi theo rằng: “Người Mỹ là bạn của chúng ta, như Tướng Chennault là bạn của tôi đây này”. Những ngày tháng bên cạnh Hồ Chí Minh đã để lại trong tôi một ấn tượng mạnh”./.