Ngày 24 tháng 3 năm 1946, trong buổi gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh tại vịnh Hạ Long, Cao uỷ Pháp d’Argenlieu đã chuyển lời mời của Chính phủ Cộng hoà Pháp mời Người chính thức sang thăm nước Pháp, với tư cách là thượng khách của Chính phủ Pháp.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận lời và cử ông Đỗ Đình Thiện và Vũ Đình Huỳnh cùng đi. Mặc dầu trong lúc đó nhiều ý kiến đề nghị Người nên dừng chuyến đi vì lý do an toàn. Theo nhận định, đây là chuyến đi có nhiều rủi ro và cạm bẫy, bởi chuyến đi diễn ra trong thời điểm rất nhạy cảm, khi đất nước đang đứng trước một nền hoà bình rất mong manh và một cuộc chiến không thể tránh khỏi.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thừa biết rằng, Chính phủ Pháp mời Người sang thăm Pháp với hy vọng khiến Người phải chấp thuận các điều kiện áp đặt có lợi cho Pháp: Thực hiện âm mưu cai trị Việt Nam một lần nữa.
Nhưng “theo mệnh lệnh của Chính phủ và ý chí của quốc dân”, ngày 31 tháng 5 năm 1946, Người chấp nhận lời mời với mục đích thể hiện và thực hiện thiện chí hoà bình bảo vệ sự thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, độc lập tự chủ, yêu cầu Pháp và các nước khác tôn trọng Việt Nam. Vì vậy, Người vẫn lên đường thăm Cộng hoà Pháp với tư cách là nguyên thủ quốc gia của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà có chủ quyền. Bác Hồ cho rằng sang thăm nước Pháp lần này cũng là dịp tốt để đề cao vị trí của Việt Nam, tranh thủ tình cảm nhân dân Pháp và thế giới. Đặc biệt cộng đồng người Việt ở Pháp là một chỗ dựa tin cậy, vì vẫn thường xuyên giữ mối liên hệ, có tinh thần yêu nước và đoàn kết, hỗ trợ cho cuộc đấu tranh của nhân dân ta. Đây là một chuyến đi rất cần thiết, nhằm giới thiệu đất nước, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà non trẻ với thế giới và hướng tới mục tiêu cao cả hơn là bảo vệ vững chắc nền độc lập, đồng thời để tránh một cuộc chiến tranh đẫm máu, hoặc ít ra hoà hoản trong một thời gian nhất định đủ cho ta chuẩn bị lực lượng bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ.
Dẫu biết rằng chuyến đi có thể gặp bất trắc, nhưng Bác giải thích: “trong Chính phủ Pháp hiện có đại diện Đảng Cộng sản Pháp tham gia, ta có thể tin tưởng vào sự giúp đỡ của Đảng bạn”.
Trước khi lên đường sang thăm Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mạnh dạn trao cho Bộ trưởng Bộ Nội vụ Huỳnh Thúc Kháng, một nhân sỹ trí thức, không đảng phái đảm nhiệm Quyền Chủ tịch nước, với lời bàn giao nhiệm vụ nổi tiếng “dĩ bất biến, ứng vạn biến”.
Việc trao quyền cho Cụ Huỳnh khiến nhiều người hết sức ngạc nhiên, vì theo thông lệ, người được trao quyền Chủ tịch nước phải là Phó Chủ tịch nước là Nguyễn Hải Thần (lãnh tụ Quốc dân Đảng), hoặc người thân tín, lại có quyền uy là ông Võ Nguyên Giáp. Nhưng người không chọn cách ấy. Sau này lịch sử đã chứng minh rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh trao quyền cho chí sỹ Huỳnh Thúc Kháng là sự lựa chọn ưu việt nhất, đúng dắn nhất. Nhờ thế trong suốt thời gian Người ở Pháp, mọi vấn đề an ninh chính trị đất nước đều được giải quyết ổn thoả. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Cụ Huỳnh đã giải quyết nhanh chóng vụ Ôn Như Hầu, góp phần quan trọng củng cố chính quyền non trẻ của nước VIệt Nam DCCH. Điều này thể hiện rất rõ, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn thấy ở mọi người dân Việt Nam đều ẩn chứa một sức mạnh tiềm tàng được khơi nguồn từ một mẫu số chung của lòng yêu nước, nếu biết tổ chức, giao việc phù hợp, họ sẽ là người tốt, năng động hữu ích.
Trong lúc đang trên đường sang Pháp, ngày 1/6/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi cho đồng bào Nam Bộ bức thư, có đoạn viết: “Năm ngón tay có ngón ngắn ngón dài. Nhưng ngắn dài đều hợp nhau lại nơi bàn tay. Trong mấy triệu người cũng có người thế này người thế khác, nhưng thế này hay thế khác đều là dòng dõi con của tổ tiên ta.
Vậy nên ta phải khoan hồng đại độ. Ta phải nhận rằng đã là con Lạc cháu Hồng thì ai cũng có ít hay nhiều lòng ái quốc. Đối với những đồng bào lạc lối lầm đường ta phải lấy tình thân ái mà cảm hoá họ”.
Với cách nhìn nhận khoan dung độ lượng, tin vào nhân dân, vào con người, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chuẩn bị mọi nguồn lực cho cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược sắp tới.
Từ sáng sớm ngày 31/5/1946, hàng vạn nhân dân thủ đô, tay cầm cờ hoa đi tiễn Người, trong đó có Tướng Salan và hai nhân viên làm nhiệm vụ tháp tùng Chủ tịch Hồ Chí Minh sang Pháp. Trong hồi ký của nhân viên tháp tùng Người đã ghi: “...Sáng hôm đó trời mưa. Một tiểu đoàn thuộc trung đoàn bộ binh số 6 cùng Đại tá Trung đoàn trưởng mang theo quân kỳ và đội quân nhạc bồng súng chào. Chủ tịch Hồ Chí Minh vẩy tay chào lại khá lâu. Khi hai chiếc Dakota cất cánh cả một rừng người ở trên máy bay và dưới sân ga vẫy cờ hoa, giữa tiếng hô vang dậy: Hồ Chủ tịch muôn năm! muôn năm!...”.
Hành trình chuyến bay kéo dài khá kỳ lạ: Từ sân bay Gia Lâm (Hà Nội) đi Rangoon (Miến Điện), qua Calcuta - Agra (Ấn Độ), đến Karachi (Pakistan), qua Habegna (Iraq) đến Cairo (Ai Cập) và Bískra (Algeri) rồi đến Biaritts (Pháp). Cả đoàn phải nghỉ lại ở đây 10 ngày, rồi mới bay đến Paris.
Rõ ràng, người Pháp cố tình kéo dài cuộc hành trình của đoàn Việt Nam, nhằm trì hoản và gây khó khăn cho cuộc thương thuyết. Nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh rất bình tỉnh, hằng ngày, Người tranh thủ tiếp các quan chức và các nghị sỹ Quốc hội Pháp, tiếp Việt kiều ta từ khắp nước Pháp đến và gặp gỡ nhân dân địa phương Pháp.
Đúng 16 giờ 15 phút ngày 22 /6/1946, sân bay Bourget đông nghịt người ra đón Bác. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Quốc kỳ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà bay phấp phới ngang hàng cùng Quốc kỳ Pháp, đôi mắt Bác long lanh sáng ngời, xúc động nhìn lá cờ đỏ sao vàng năm cánh đang tung bay trước gió. Sau lễ chào cờ và duyệt đội danh dự, trước lúc lên ô tô, Người nói với phóng viên hãng AFP “Tôi rất hài lòng được đặt chân lên một đất nước đã chịu nhiều đau khổ bởi lý tưởng tư do. Cảm ơn Chính phủ và nhân dân Pháp tiếp đón tôi một cách long trọng. Mong sau này, hai dân tộc Việt Nam và Pháp cộng tác một cách bình đẳng, thật thà và thân thiện”.
Lễ đón chính thức Chủ tịch Hồ Chí Minh diến ra 10 ngày sau đó và kéo dài trong 3 ngày theo các nghi thức truyền thống đối với việc đón các nguyên thủ quốc gia. Ngoài các cuộc hội đàm, tiếp xúc chính thức với các thành viên Chính phủ Pháp, Người còn đi thăm một số di tích lịch sử văn hoá ở Paris. Người đến thăm Normandy, nơi quân Đồng minh đổ bộ, mở mặt trận thứ 2 chống phát xít và giải phóng nước pháp. Cùng đi có Sainteny, Cao uỷ Pháp tại Bắc Bộ và Trung Bộ Việt Nam.
Trước đó, ở Pháp tin tức về cuộc Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà được thành lập do Cụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch đã làm lay động hàng vạn trái tim kiều bào yêu nước. Và lần đầu tiên kiều bào ta được biết Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc nổi tiếng từ lâu, đã có nhiều năm hoạt động ở Pháp và nhiều nước trên thế giới.
Mùa hè 1946, tại Pháp đã diễn ra hai sự kiện quan trọng được các phương tiện truyền thông thế giới đưa tin rầm rộ: Tại sân bay quốc tế Bourget, nhân dân Pháp cùng đông đảo Việt kiều khắp nước Pháp kéo về, vui mừng chào đón vị Chủ tịch đầu tiên của nước Việt Nam độc lập và Phái đoàn Chính phủ nước VNDCCH do ông Phạm Văn Đồng dẫn đầu sang Pháp dự Hội nghị Fontainebleau và lần đầu tiên lá cờ đỏ sao vàng tung bay giữa thủ đô Paris, nơi sinh ra những nguyên tắc: Tự do, bình đẳng, bác ái.
Được sự giúp đỡ của kiều bào ta tại Pháp và Đảng Cộng sản Pháp, trong thời gian thăm Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh có nhiều hoạt động rất phong phú, đa dạng. Và chính bằng uy tín của mình, Người đã tận dụng mọi cơ hội, tranh thủ sự ủng hộ của các lực lượng tiến bộ Pháp và quốc tế đối với cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam, Bác đã có gần 400 cuộc gặp mặt, trao đổi với nhiều nhân vật quan trọng thuộc các đảng phái, khuynh hướng chính trị khác nhau của Pháp. Người đã gặp 4 tướng lĩnh cao cấp của Pháp và tất cả các Bộ trưởng trong Chính phủ Pháp, đặc biệt là Ngài Bộ trưởng Hải ngoại Marius Moutet, đồng thời tiếp xúc rộng rãi với các giới văn hoá nghệ thuật và giới báo chí Pháp...đã làm cho họ hiểu rõ Việt Nam hơn.
Cũng trong thời gian này, Người tranh thủ hội kiến một số nhà chính trị - xã hội của nhiều nước trên thế giới đang hoạt động ở Pháp và nói chuyện với các tầng lớp Việt kiều ở Pháp. Với phong cách chân thành, cởi mở và đầy thiện chí, khiêm tốn, giản dị trọng nghĩa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại những ấn tượng tốt đẹp cùng sự kính trọng tin tưởng trong tâm khảm của người Pháp và những nhân vật đã từng tiếp xúc với Người, kể cả các đối thủ chính trị đối với nước VNDCCH lúc bấy giờ.
Là thượng khách của Chính phủ Pháp, với phong cách đĩnh đạc, kiên quyết, kiên trì mà chân thành, thân ái, gần gũi, lại am hiểu sâu văn hoá Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gieo vào lòng nhiều chính khách và các nhà quân sự, giới văn nghệ, doanh nhân, các tầng lớp nhân dân Pháp, Việt kiều ở Pháp, dư luận quốc tế về sự quý mến, kính trọng của Người.
Đó là những tiền đề hết sức quan trọng đã làm cho nhiều trí thức, nhân sỹ Pháp và thế giới ủng hộ cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của nhân dân Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định: trước sau gì người Pháp cũng tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược nước ta một lần nữa. Đó là điều không thể tránh khỏi, khi mà Phái đoàn Chính phủ do đồng chí Phạm Văn Đồng làm Trưởng đoàn thương thuyết với Pháp thất bại, để cứu vãn tình thế, Bác đã nán lại ở Pháp. Quyết định này làm cho nhiều người lo lắng, bởi Người không còn là thượng khách của nước Pháp nữa, phe thực dân hiếu chiến có thể trở mặt..., nhưng Người vẫn tự tin nói: “Đảng Cộng sản Pháp lúc này cũng có vai vế lắm, các đồng chí ấy không để chúng nó tuỳ tiện hại ta đâu!”.
Những cuộc hội đàm mật giữa Người và Bộ trưởng Hải ngoại Marius Moutet vẫn tiếp tục cho đến 1 giờ sáng (giờ Paris) ngày 15/9/1946, Người đã trực tiếp ký với Bộ trưởng Hải ngoại Moutet bản Tạm ước 14/9/1946, nhằm kéo dài sự hoà hoản với Pháp, để ta có đủ thời gian, điều kiện xây dựng lực lượng, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp lâu dài. Đồng thời tranh thủ sự đồng tình ủng hộ Việt Nam của những người dân tiến bộ Pháp cũng như công luận thế giới và giúp Việt kiều Pháp biết hướng về quê hương kháng chiến.
Kiều bào ta ở Pháp, rất có thiện cảm với Bác, họ từ khắp nước Pháp kéo về Paris chào đón vị Chủ tịch đầu tiên của nước Việt Nam độc lập. Các đoàn đại biểu trí thức gồm bác sỹ, kỹ sư , luật sư, hoạ sỹ đều mong được gặp và nói chuyện với Người.
Ngày đầu tiên Người đến ở khách sạn Royal Monceau, 60 cháu thiếu nhi theo cha mẹ đến chào Bác Hồ. Phần lớn các cháu không nói được tiếng Việt, nhưng hát được Tiến quân ca (Quốc ca), nói được câu: Hồ Chủ tịch muôn năm.
Một Việt kiều làm nghề may, quê Thanh Hoá trình bày nguyện vọng với Bác:
- Thưa Bác, cháu có hân hạnh cùng đoàn đại biểu Việt kiều đi đón Bác ở sân bay. Cháu thấy các quan khách Pháp ra đón đoàn ta ăn mặc rất sang trọng ..., trong lúc đó, cháu thấy Bác mặc bộ đồ ka ki đại cán quá đơn sơ, khiến suốt đêm cháu không sao ngủ được. Hôm nay xin phép Bác cho cháu được may đo gấp cho Bác vài bộ đồ để mặc với thiên hạ.
Người tươi cười, ôm lấy người thợ may và nói:
- Tôi xin cảm ơn tấm lòng tốt của cháu đối với đất nước cũng như đối với tôi.
Tôi nói thật với chú, toàn dân ta đang nổ lực chống ngoại xâm, để bảo vệ độc lập, tự do, đồng bào ta hy sinh và còn phải hy sinh nhiều hơn nữa cho tới khi thắng lợi hoàn toàn. Dân ta còn phải cần kiệm hơn nữa để vượt qua khó khăn về mọi mặt. Tôi nhận thấy chúng tôi ăn mặc như thế này cũng còn hơn bà con trong nước nhiều lắm rồi.
Nghe vậy, mọi người rưng rưng lệ.
Với sức cảm hoá chân thành của Người, khiến nhiều Việt kiều yêu nước đã từ bỏ cuộc sống giàu sang, phú quý, chức lợi, danh vọng, điều kiện làm việc thuận lợi ... để theo Chủ tịch Hồ Chí Minh về nước phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, trước mắt phục vụ kháng chiến như kỹ sư Phạm Quang Lễ (Trần Đại Nghĩa), Võ Quý Huân, Võ Đình Quỳnh, bác sỹ Trần Hữu Tước. Sau đó còn có các vị: Nguyễn Khắc Viện, Phạm Huy Thông, Trần Đức Thảo, theo lời kêu gọi của Người, tiếp tục về nước tham gia kháng chiến, kiến quốc.. Tất cả các Việt kiều về nước đều phát huy được sở trường, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp bảo vệ và kiến thiết quốc gia.
Cuộc đi thăm Pháp, ngoài việc ký với Pháp bản Tạm ước 14/9. Chủ tịch Hồ Chí Minh còn đạt được những thành công lớn là nối lại được mối quan hệ gắn bó với Đảng Cộng sản Pháp và những đồng chí cũ, kết giao thêm nhiều bạn bè ủng hộ Việt Nam, tạo ấn tượng sâu sắc về một đất nước vừa mới giành được độc lập.
Sau khi ký Tạm ước xong, Người bàn với anh em về nước bằng tàu thuỷ, khiến nhiều người thắc mắc, sao không về bằng máy bay cho nhanh? Người giải thích ngay:
- Không nên về bằng máy bay, có thể gặp nguy hiểm. Đi tàu thuỷ có cả đoàn thuỷ thủ, người Pháp không thể làm bậy. Các chú cứ bảo với phía Pháp rằng: Chủ tịch Hồ Chí Minh chúng tôi mệt, không đi được máy bay là xong.
Thế là ngày 16/9/1946, xe hơi đưa đoàn đến ga Lyon lúc 7 giờ 30. Tại đây đã có đông đủ kiều bào đứng đón hai bên đường và hô to khẩu hiệu: Hồ Chí Minh muôn năm! Và hát vang bài Quốc ca.
Bác đi bộ đến toa xe lửa đặc biệt dành cho Tổng thống Pháp. Bác dừng lại, cảm ơn các quan khách các vị Thượng thư Chính phủ Pháp, các vị Nghị viên ra tiễn Bác. Bác ôm hôn các cháu nhi đồng và nhắn nhủ đồng bào Việt kiều lần chót trước khi rời Paris: Đoàn kết, kỷ luật. Đó là lời dặn lại anh chị em Việt kiều đi tiễn Bác.
9 giờ 15 đoàn tàu đến Marseille. Tại đây đã có rất nhiều kiều bào đón chờ ở ga. Bác xuống tàu, nói chuyện hồi lâu với kiều bào. Bác vẩy tay tạm biệt nước Pháp, tạm biệt kiều bào.
Ngày 18/9/1946, chiến hạm Doumont d’Urvill kéo còi rời quân cảng Toulon đưa Chủ tịch Hồ Chí Minh, hai tuỳ tùng và 4 Việt kiều trí thức: Võ Quý Huân, Trần Hữu Tước, Vũ Đình Quỳnh và Phạm Quang Lễ, cùng lá cờ đỏ sao vàng trên nóc hạm phấp phới lướt sóng tiến về phía trước, để lại phía sau một nước Pháp đầy mưu toan./.