Báo chí truyền thông Việt Nam trong phát triển kinh tế số

Trong khuôn khổ sự kiện thường niên của cộng đồng báo chí Việt Nam mang tên “Diễn đàn báo chí tháng 6 năm 2024” do Tạp chí Thông tin và Truyền thông, Báo Vietnamnet và Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội đồng chủ trì, ngày 14/6/2024 tại Khách sạn Quân đội trên đường Đường Nguyễn Tri Phương, quận Ba Đình, Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông đã cùng Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức Hội thảo quốc tế “Kinh tế báo chí truyền thông Việt Nam trong bối cảnh phát triển kinh tế số”.

Là sự kiện được tổ chức trong 1 ngày làm việc, Hội thảo có 3 phiên họp, thảo luận, tập trung vào các chủ đề Nhận diện bức tranh kinh tế báo chí Việt Nam: Đổi mới cơ chế quản lý để phát triển kinh tế báo chí truyền thông số và Những những gợi mở và kết nối ý tưởng. Các phiên thảo luận nhằm làm rõ: Thành công, hạn chế và bất cập trong kinh tế báo chí ở Việt Nam; Những mô hình, ý tưởng, cơ chế phát triển kinh tế báo chí, đúc kết từ những bài học kinh nghiệm quốc tế và bước tiến mới của BCTT Việt Nam; Phân tích những dự báo, vấn đề cần quan tâm trong hoạt động kinh tế báo chí truyền thông số trong thời gian tới; Sự đồng hành của hệ thống đào tạo trong kinh tế báo chí truyền thông và sự phát triển bền vững của báo chí Việt Nam.

Hội thảo đã nhận được hơn 50 tham luận của các học giả hàng đầu về kinh tế và báo chí-truyền thông đến từ Việt Nam và nhiều nước trên thế giới như Đức, Áo, Trung Quốc, Thái Lan, Malaixia… những chuyên gia đến từ các tập đoàn kinh tế truyền thông lớn như Google, Viettel, VieOn, Le Bross… Các tham luận và ý kiến đã tiếp cận phong phú dưới góc nhìn đa chiều về kinh tế báo chí truyền thông trong kinh tế số.

Tham dự và phát biểu tại Hội thảo có lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; các cơ quan thuộc Ban Tuyên giáo TW, Văn phòng Quốc hội, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính; các đại biểu, chuyên gia đến từ nhiều cơ quan quản lý nhà nước liên quan trực tiếp tới hoạt động báo chí truyền thông và lãnh đạo của các cơ quan báo chí truyền thông từ trung ương đến các địa phương trong cả nước. Hội thảo được sự đồng hành và hỗ trợ của các Tập đoàn TH, GELEX, và Viettel.

Sau 1 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc với sự nỗ lực của mọi người tham gia, Diễn đàn đã thành công tốt đẹp. Theo Ban Tổ chức “Phát triển kinh tế báo chí truyền thông không thể nhìn từ một vài trường hợp cụ thể, của một lĩnh vực hay loại hình báo chí riêng biệt mà cần nhìn nhận ở quy mô tổng thể, chiến lược toàn diện của cả hệ thống báo chí quốc gia, gắn với phát triển kinh tế số để từ đó có bước phát triển đột phá nhằm thực hiện tốt vai trò, chức năng báo chí cách mạng trong hệ thống báo chí- truyền thông Việt Nam chuyên nghiệp và nhân văn”.

Từ góc nhìn nghiên cứu, bài viết phản ánh những vấn đề nổi bật của phiên họp về Nhận diện bức tranh kinh tế báo chí Việt Nam.

bao-chi-truyen-thong-viet-nam-1718862582.png

Toàn cảnh Hội thảo Kinh tế báo chí truyền thông Việt Nam (Ảnh báo Công Thương điện tử Kinh tế Việt Nam)

Báo chí với phát triển kinh tế số - Nhận diện ấn tượng qua Diễn đàn

Những năm gần đây, kinh tế báo chí đã nổi lên như một vấn đề trọng yếu. Cùng với cạnh tranh trong chuyển đổi số, doanh thu quảng cáo truyền thống ở nhiều cơ quan báo chí chưa thích ứng được với sự thay đổi nhanh chóng của xu thế truyền thông và quảng cáo toàn cầu. Mạng xã hội khiến nhiều tờ báo chính thống đã mất vị thế độc quyền thông tin cũng như quảng cáo. Đâu là lối ra cho kinh tế báo chí hiện nay? Câu trả lời nằm ở chính các cơ quan báo chí và các nhà quản lý 

Có nhiều khái niệm và cách tiếp cận khác nhau về chuyển đổi số và kinh tế số. Theo Bộ Thông tin và Truyền thông “Chuyển đổi số là sự phát triển tiếp theo của công nghệ thông tin (CNTT) với sự xuất hiện của những công nghệ mang tính đột phá. Nói về chuyển số là nói đến công nghệ mới của cách mạng công nghệ như Trí tuệ nhân tạo, Dữ liệu lớn, Điện toán đám mây, Chuỗi khối, Internet vạn vật...và Người tiêu dùng đóng vai trò rất quan trọng. 

Các cơ quan báo chí trong xu thế chuyển đổi số, cùng với nhiệm vụ tuyên truyền, thông tin, cần bắt kịp xu thế phát triển của thời đại công nghệ. Muốn chuyển đổi số thành công cần có công nghệ, giải pháp và hỗ trợ từ cơ quan quản lý nhà nước, các nhà mạng và quan trọng là sự đồng thuận, liên kết của các cơ quan báo chí để tạo sức mạnh, giúp nhau tồn tại, phát triển phù hợp với xu  thế phát triển chung.Nhờ chuyển đổi số, báo chí điện tử đã nhanh chóng chứng tỏ được sức hút công chúng, bằng khả năng chuyển tải thông tin tới bạn đọc và,tận dụng được lợi thế công nghệ số, một số cơ quan báo chí đã xây dựng được tòa soạn hội tụ đa phương tiện với môi trường làm việc ngày càng hiện đại.

Nhà quản lý nhìn nhận kinh tế báo chí như mặt không thể thiếu được trong sự phát triển hiện đại, song cần có cơ chế và chính sách phù hợp và các tổ chức báo chí cần quan tâm hơn đến vấn đề truyền thông, kinh doanh, marketing. Để tăng lợi thế cạnh tranh, báo chí phải nỗ lực để khẳng định uy tín, vị trí thông tin trung thực, có sức ảnh hưởng và lan tỏa rộng lớn. 

Cùng với sự phát triển vượt bậc của công nghệ, nhất là những thay đổi của hệ sinh thái truyền thông. Theo đó, chuyển đổi số là một trong những giải pháp cấp thiết để đạt tới mục tiêu “hiện đại hóa” trong "xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại". 

Cả nước hiện có 6 cơ quan báo chí đa phương tiện, 127 tờ báo, 670 tạp chí và 72 cơ quan phát thanh, truyền hình. Tuy khác nhau về loại hình, nhưng phần lớn cơ quan báo chí đang bị sụt giảm về nguồn thu. Theo Ban tổ chức Diễn đàn, năm 2023, lao động toàn ngành có trên 1.767.750 người, tăng 2,72% so với năm 2022 với doanh thu đạt 3.744.214 tỷ VNĐ, tăng 1,49% so với cùng kỳ năm trước. Nộp ngân sách nhà nước trên 99.323 tỷ VNĐ, tăng 1,31% so với năm 2022; Ngành đã đóng góp 887.398 tỷ VNĐ vào tăng trưởng GDP. Riêng doanh thu truyền thông đạt ngưỡng 4 tỷ USD cho thấy tiềm năng của truyền thông trong tạo giá trị kinh tế không nhỏ.

Đánh giá thực trạng kinh tế báo chí truyền thông, nhiều diễn giả cho biết, có nhiều khái niệm cũng như cách tiếp cận về chuyển đổi số, song đều nhìn nhận, nhờ chuyển đổi số, báo chí đã nhanh chóng chứng tỏ sức hút công chúng của mình, bằng khả năng chuyển tới bạn đọc một lượng thông tin đồ sộ, thậm chí không giới hạn về dung lượng. Tận dụng những lợi thế về công nghệ số, một số cơ quan báo chí đã xây dựng được tòa soạn hội tụ đa phương tiện, với môi trường làm việc ngày càng hiện đại.

Theo đánh giá của nhiều tổ chức quốc tế, Kinh tế số của Việt Nam đã có những bước phát triển nhanh, mang nhiều triển vọng so với khu vực và thế giới. Theo Economy SEA năm 2020, cấu phần kinh tế số Internet nền tảng, của Việt Nam đã đạt 14 tỷ USD, đứng thứ 3 ASEAN, nhưng là nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất với mức tăng 16% hằng năm. Báo cáo dự báo đến năm 2025 kinh tế Internet Việt Nam sẽ đạt mức 52 tỷ USD. Cùng với các trang thương mại điện tử, báo chí đang được thương mại hóa, phát triển chuyển đổi số trong kinh tế báo chí.(Nguyễn Việt Anh 2024). Tại diễn đàn này, chủ đề Nhận diện bức tranh kinh tế báo chí truyền thông Việt Nam được ban tổ chức đã xếp ngay sau phiên khai mạc với diễn giả là những chuyên gia truyền thông lỗi lạc trên thế giới và ở trong nước.

Sau bài tham luận của nhà báo Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập báo Nhân Dân,Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam với tựa đề Kinh tế báo chí, hành trình đi từ truyền thống tới kỷ nguyên số, là trao đổi của Phó Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, PGS.TS Bùi Chí Trung về Kinh tế báo chí truyền thông bức tranh và những nút thắt.  Đến từ tập đoàn toàn cầu với những kinh nghiệm đa dạng trong đáp ứng nhu cầu tiêu thụ sản phẩm ICT, chuyên gia Nguyễn Thùy Dương đã trao đổi sâu về những nghiên cứu Phát triển tệp độc giả và cơ hội kinh doanh trên môi trường số kinh nghiệm cụ thể của chính tập đoàn. Với nhiều năm tích lũy về công nghệ thông tin,GS T Detlef Werner Briessen từ Đại học Giessen của CHLB Đức đã có tham luận về Phương tiện truyền thông in ấn ở CHLB Đức và chuyển đổi số GS đã đề cập đến những thay đổi trong bối cảnh truyền thông Đức dưới ảnh hưởng của quá trình chuyển đổi số và các xu hướng quan trọng của người tiêu dùng.Tham luận đã tập trung vào thị trường báo và tạp chí theo những bước nghiên cứu, tiếp theo là sự phát triển của truyền thông Đức đến đầu thiên niên kỷ. Ông đã làm rõ phương tiện truyền thông liên tục trải qua các quá trình chuyển đổi, vấn đề hiện tại của các nhà xuất bản truyền thông in ấn ở Đức,. Về giải pháp khả thi để khắc phục tồn tại. GS nhấn mạnh đến việc chuyển đổi các nhà xuất bản báo thành các cơ sở truyền thông đa phương tiện với những kết quả có thể chuyển giao sang các quốc gia ngoài Châu Âu.

Trong trao đổi về chủ đề này, PGS,TS Hoàng Hữu Hạnh ở Học viện Bưu chính Viễn Thông Việt Nam đã cởi mở nói về thị trường truyền thông số - Cơ hội phát triển và những mô hình sáng tạo; PGS.TS Teerapat Vannaruemal ở Đại học Chiang Mai (Thái Lan) đã giới thiệu về Phát triển sản phẩm và những mô hình kinh doanh trên hạ tầng số, GS Wang Shiyong,Viện trưởng Viện Báo chí truyền thông ĐH Quảng Tây(Trung Quốc) đã làm nổi bật Chính sách kinh tế số của Trung Quốc từ góc nhìn truyền thông. Sau cùng, Phát triển mô hình kinh doanh trên nền tảng số đã được Phó Giám đốc VTC Intecom Nguyễn Thanh Tùng giới thiệu cụ thể tại diễn đàn.

Báo chí truyền thông trong kinh tế số từ góc nhìn chính khách, chuyên gia và nhà quản lý

Từ tầm nhìn Quốc gia, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng “Báo chí muốn phát triển cần có không gian mới, lực lượng sản xuất mới, nguồn lực sản xuất mới yếu tố sản xuất mới và động lực mới”. Theo ông “ Không gian mới là không gian số. Lực lượng sản xuất mới là công nghệ số. Nguồn lực sản xuất mới là nhân lực số. Yếu tố sản xuất mới là dữ liệu số. Động lực mới là đổi mới sáng tạo số”. Bởi vậy, “Đầu tư vào công nghệ số, nhân lực số, dữ liệu số và đổi mới sáng tạo số sẽ là đầu tư vì tương lai của báo chí.”

Với quan điểm của những người làm báo, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh đã nhấn mạnh: "Mỗi cơ quan báo chí cần tìm ra phân khúc, phần sức mạnh của chính mình, để tạo ra mô hình kinh doanh phù hợp. Nhìn chung, không có mô hình kinh doanh nào là đúng với tất cả mọi cơ quan báo chí, nhưng nếu biết tận dụng phân khúc của chính mình thì sẽ rất hiệu quả. Báo chí nên quay trở lại với cái bản chất ban đầu đó là phải xây dựng mối quan hệ trực tiếp với độc giả, phải gắn bó với họ, phải hiểu họ là ai để đưa ra những nội dung phù hợp.”

Trong tham luận “Kinh tế báo chí chuyển mình cùng chuyển đổi số , Nhà báo Phạm Mỵ - Tổng biên tập Tạp chí Sức khỏe và Môi trường cho rằng: “Kinh tế báo chí là vấn đề không mới nhưng là điều kiện tiên quyết để các tổ chức báo chí tồn tại và phát triển. Kinh tế báo chí bao gồm: Doanh thu trực tiếp và doanh thu gián tiếp từ quảng cáo, tổ chức sự kiện, vận động quyên góp; cho thuê thiết bị và cơ sở vật chất; nhận tài trợ hoặc được Nhà nước cấp kinh phí đặt hàng. Kinh tế báo chí đóng vai trò quan trọng, bởi xu thế tự chủ ngày càng được quan tâm. Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 của Thủ tướng Chính phủ đã đặt vấn đề nghiên cứu cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho cơ quan báo chí giảm chi phí, tăng nguồn thu để phát triển. Phân định rõ cơ chế tài chính đối với báo chí phục vụ nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền và báo chí phục vụ giải trí, thương mại là rất cần thiết. Nhà nước chỉ đầu tư, bảo đảm cho một số báo thực hiện nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền, hỗ trợ từ ngân sách đối với những ấn phẩm, chuyên mục, chương trình phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ chính trị đề ra. Kinh tế thế giới và ở trong nước ngày càng phát triển, nhu cầu quảng cáo tiếp thị sản phẩm đến người tiêu dùng ngày càng tăng cao. Với những ưu việt của công nghệ số, các doanh nghiệp sẽ mở rộng quảng cáo trên nền tảng này.

Dưới góc nhìn của Nhà báo qua nhiều năm nghiên cứu và đào tạo, PGS TS Đặng Thị Thu Hương, Phó Hiệu trưởng trường Đại học KHXH&NV (ĐHQG Hà Nội) cho rằng: “Khác biệt về chính trị - xã hội khiến chúng ta không thể “bê” nguyên lý thuyết của thế giới để áp dụng vào việc điều hành, tổ chức, quản lý hoạt động kinh tế báo chí ở Việt Nam. Bà nhấn mạnh “Trong quá trình chuyển đổi số, bên cạnh việc hỗ trợ cho các cơ quan báo chí, Chính phủ cần nghiên cứu tổng thể về kinh tế báo chí trong bối cảnh truyền thông số, đồng thời với xây dựng các nền tảng để Việt Nam không bị lệ thuộc vào nền tảng số sẵn có của nước ngoài.”

Nghiên cứu tổng thể kinh tế báo chí trong bối cảnh truyền thông số, đồng thời với xây dựng những nền tảng để Việt Nam không bị lệ thuộc vào nền tảng số của nước ngoài.,PGS. TS Bùi Chí Trung  trong tham luận "Nền kinh tế báo chí truyền thông Việt Nam bức tranh toàn cảnh và những nút thắt đã chỉ ra: "Cả giới báo chí cùng các nhà thiết kế chính sách đã bàn luận nhiều định hướng, mô hình và phương thức tháo gỡ nhưng vẫn chưa có lời giải đáp thỏa đáng, bởi chúng ta chưa thực sự thẳng thắn đề cập đến bản chất, thậm chí còn đang né, tránh những nút thắt cơ bản đang kìm hãm sự phát triển kinh tế báo chí - truyền thông.”

bao-chi-truyen-thong-viet-nam-1-1718862582.png
Dịch vụ truyền thông số Việt Nam phát triển mạnh mẽ. (Ảnh minh họa: Vietnamnet)

Theo ông, tác động của những thành tựu khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ số và trí tuệ nhân tạo đã trở thành yếu tố thúc đẩy quá trình phân công lao động và chuyên môn hoá báo chí truyền thông. Ông cho rằng Quá trình tạo ra một sản phẩm truyền thông không đơn giản cả về mặt vật chất và kỹ thuật. Nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế là thiết bị và tư liệu sản xuất luôn đòi hỏi những hệ thống chuyên dụng và công nghệ cao cần chi phí đầu tư lớn. Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ truyền thông mới khiến nhiều thao tác, công việc đòi hỏi thiết bị chuyên dụng đã trở thành phổ biến. Thông qua mối quan hệ giữa khả năng tổ chức thực hiện các sản phẩm truyền thông chất lượng cao với số lượng - chất lượng chủng loại trang bị và tư liệu sản xuất có thể nhận diện được mức độ này tương đối xác thực. Đến nay, các doanh nghiệp truyền thông Việt Nam đã đạt tới trình độ sản xuất các tác phẩm nghe nhìn theo tiêu chuẩn khu vực và quốc tế.

Thay lời kết luận 

Từ những phân tích gợi ra, giới nghiên cứu cho rằng, Phát triển kinh tế báo chí truyền thông không nên nhìn từ một vài trường hợp cụ thể, từ một lĩnh vực hay loại hình riêng biệt mà cần nhìn nhận ở quy mô tổng thể, chiến lược và toàn diện của cả hệ thống quốc gia, gắn với phát triển kinh tế số để từ đó, có giải pháp phát triển đột phá nhằm thực hiện tốt vai trò, chức năng báo chí cách mạng trong hệ thống truyền thông Việt Nam chuyên nghiệp và nhân văn”.

Với tâm huyết của những người làm báo từ đóng góp hết mình của các nhà nghiên cứu thế giới, chúng ta có niềm tin và hy vọng, báo chí truyền thông Việt Nam sẽ có sự phát triển đột phá để đạt được mong muốn trở thành ngành kinh tế có sức cạnh tranh, mở ra sự linh hoạt và phản ứng kịp thời nhữngvấn đề xã hội đặt ra nhằm đạt tới mục tiêu “hiện đại” trong xây dựng nền báo chí-  truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại"./.