Hoa mai, hoa đào
Nếu chúng ta chọn hoa đào thì chắc chắn phải chọn hoa mai, vì hoa đào đặc trưng cho miền Bắc, hoa mai đặc trưng cho miền Nam. Mấy năm gần đây, do việc giao thương dễ dàng hơn nên người ta đã vận chuyển đào từ miền Bắc vào miền Nam để chưng trong những ngày Tết. Thế nhưng rõ ràng với không khí nắng ấm của miền Nam thì hoa mai phù hợp hơn hoa đào. Hoa đào sẽ đẹp hơn, phù hợp hơn với không khí Tết thường là mưa phùn, gió bấc (gió Bắc) ở miền Bắc. Hoa đào gần gũi với người miền Bắc mỗi khi tết đến, xuân về như vậy nên tương truyền khi vào thành Thăng Long sau chiến thắng quân thù, hoàng đế Quang Trung đã cho người phi ngựa trạm mang cành đào về Phú Xuân (Huế) vừa để báo tiệp (báo tin thắng trận), vừa để tặng cho vợ mình là công chúa Ngọc Hân vì bà vốn sinh trưởng nơi xứ Bắc, là con gái vua Lê Hiển Tông.
Nhà thơ Chế Lan Viên đã khắc họa truyền thuyết này bằng 4 câu thơ trong bài Cành đào Nguyễn Huệ:
Hẳn nhớ Thăng Long hẳn nhớ đào
Mai vàng xứ Huế có khuây đâu
Đào phi theo ngựa về cung nhé
Nở cạnh đài gương sắc chiến bào.
Thực ra, ở nhiều quốc gia, việc chọn một hay nhiều loài hoa cùng làm quốc hoa cũng không phải là cá biệt, tuy nhiên, với Việt Nam, vì những đặc thù và ước vọng ngàn đời về sự thống nhất quốc gia, chúng ta chỉ nên chọn một loài hoa để làm quốc hoa Việt Nam.
Hoa mào gà
Lúc sinh thời, Giáo sư Vũ Khiêu đề nghị chọn hoa mào gà làm quốc hoa Việt Nam, bởi theo cố giáo sư, con gà trống tiêu biểu cho chủ nghĩa anh hùng của dân tộc Việt Nam. Giáo sư cho rằng vì vậy “hình tượng của cái mào trên đầu con gà trống cũng có thể được xem là bông hoa của chủ nghĩa anh hùng. Bông hoa đỏ rực lên, như màu của trái tim, của dòng máu, của lý tưởng dân tộc ngàn đời”. Tuy nhiên, hoa mào gà hình như ít phổ biến với người Việt Nam.
Hoa tre
Hoa tre cũng đã được nhiều ý kiến đề xuất và tán đồng với lý do cây tre gần gũi, thân thiết với người Việt Nam. Gần đây khi Việt Nam lựa chọn trường phái “ngoại giao cây tre”, ý tưởng lựa chọn hoa tre làm quốc hoa Việt Nam lại tiếp tục được nhắc tới.
Hoa tre được cho là rất đẹp, nhưng rất ít người thấy được loài hoa này bởi đơn giản phải khoảng 60 đến 130 năm cây tre mới nở hoa một lần. Điều đặc biệt làm đau đầu giới khoa học mà cho đến nay vẫn chưa có lời giải thích thấu đáo là nếu một cây tre tách cụm đem đi trồng ở nơi khác thì tới kỳ nở hoa, các cây tre này đều trổ bông đồng thời, kể cả cách xa nhau về địa lý và thời tiết. Sau khi ra hoa thì cây tre bắt đầu suy kiệt dần và chết.
Nhưng hãy thử tưởng tượng chúng ta lấy quốc hoa là hoa của một loài cây mà khi trổ bông xong thì cây chết?
Hoa sen
Trong các “ứng cử viên” thì có lẽ hoa sen “nặng ký” hơn cả, và chỉ cần tra Google, bạn sẽ hiểu vì sao loài hoa này được quan tâm và có ý nghĩa.
Trên thế giới hiện nay, theo các thông tin báo chí thì ít nhất đã có 2 quốc gia chọn hoa sen làm quốc hoa là Ấn Độ và Sri Lanka. Hoa sen gắn với Phật giáo vì vậy việc các quốc gia này chọn hoa sen làm quốc hoa có lẽ cũng là điều dễ hiểu.
Trong văn hóa Việt Nam, hoa sen là loài hoa thiêng, loài hoa tinh khiết “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”.
Theo truyền thuyết, Chùa Một Cột đã ra đời từ giấc mơ của nhà vua Lý Thái Tông gắn với hoa sen. Trong một giấc mơ, nhà vua mơ thấy Phật Bà Quan Âm ngồi trên toà sen và dắt vua lên. Khi tỉnh dậy nhà vua đã kể lại giấc mơ này cho các chiêm tinh gia của triều đình, họ tâu vua rằng đây là một giấc mơ “độc” (tức hung) báo hiệu nhà vua sẽ băng hà. Thế rồi các vị đã tâu vua để hoá giải giấc mơ ấy cần phải xây một ngôi chùa có hình bông hoa sen nổi trên mặt nước. Vì vậy nên Chùa Một Cột ban đầu đã được đặt tên là Liên Hoa Đài (蓮花臺) (tức Đài Hoa Sen), sau này đổi tên thành Diên Hựu tự (延祐寺) với mong muốn cầu mong kéo dài sự phù hộ cho đức vua.
Gần đây, trong các dịp lễ đã có những người gửi lời chúc cho nhau kèm hoa sen. Cũng vậy, hoa sen được dùng để tặng cho nhau, kết hoa trong các đám cưới.. Văn hóa thuộc kiến trúc thượng tầng, khi tồn tại xã hội thay đổi thì có những quan niệm về văn hóa cũng phải thay đổi để phù hợp với thời cuộc.
Ở Nam Bộ, vì nắng ấm nên cây sen nở hoa, tươi tốt quanh năm, với miền Bắc khi mùa đông về nhiều ao sen nhìn tiêu điều, hoa tàn lụi.
Hoa sen thiêng liêng quá, tinh khiết quá mà phàm ở đời, cái gì quá tinh khiết, quá thiêng liêng thường tạo nên nỗi sợ hãi.
Hoa lúa
Đây là loài hoa cũng được nhiều ý kiến đề xuất với những lý giải mang tính thuyết phục cao. Khối ASEAN, trong đó có Việt Nam đã chọn bông lúa, dưới dạng bó lúa làm biểu tương của khối, Quốc huy Việt Nam cũng có hình bông lúa bao quanh.
Cây lúa có lẽ là loại cây gần gũi, thân thiết và chắc không một người Việt Nam nào không biết. Những ngày giáp Tết, dọc các con đường hoa đã thấy các chậu lúa trổ bông được nhiều người lựa chọn mua để chưng dịp Tết.
Những ai đã nhìn thấy khi lúa trổ bông, nhất là nếp cái hoa vàng sẽ không thể nào không ngất ngây trước mùi thơm và vẻ đẹp ấy. Phần tua nhị trắng mong manh nếu lại đọng xung quanh những giọt sương mai nhìn thật đẹp. Hoa lúa không chỉ đẹp, nó còn là cây lương thực nuôi sống người Việt Nam. Cây lúa được trồng ở khắp mọi nơi từ trên nương đến đồng bằng châu thổ. Bông lúa khi còn xanh ngẩng cao đầu hứng tinh tuý của trời đất, kiêu hãnh và anh hùng như tính cách của dân tộc Việt Nam, khi đã chắc hạt, bông lúa dần cúi thấp khiêm tốn như bản tính chơn (chân) chất ngàn đời của người dân nước Việt.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải nói về cây lúa như sau: “Khi nói đến những đức tính cần phải có, khiêm tốn được coi là một đức tính hết sức cao quý của con người. Kinh dịch có 64 quẻ, mỗi quẻ có 6 hào. Quẻ dịch nào cũng có hào tốt và hào xấu, nhưng chỉ riêng quẻ Khiêm thì 6 hào của nó, hào nào cũng tốt. Điều đó chứng tỏ người xưa đã hết sức chú trọng đến sự khiêm tốn, và ta có thể nói rằng hoa lúa đã mang trong nó đức tính này, và đó cũng là tính cách của người Việt”. Ông cũng cho biết, cây lúa có nếp, có tẻ nên mang biểu tượng đầy đủ khái niệm âm dương cổ truyền của văn hóa phương Đông…
Chọn quốc hoa là chọn một loài hoa làm biểu tượng cho một quốc gia, vì vậy lựa chọn loài hoa nào cần phải có những phân tích, lý giải thấu đáo chứ không thể chọn theo cảm tính. Đặc biệt, loài hoa được chọn phải thể hiện được nét đặc trưng văn hóa Việt Nam.