Sen vẫn thế âm thầm và lặng lẽ
Rồi một mai bừng sáng giữa khung trời
Từ sâu thẳm chốn bùn lầy đất mẹ
Ngát hương thơm, nét đẹp chẳng phai phôi…
Không biết tự bao giờ loài hoa ấy đã gắn bó và đi sâu vào tiềm thức người Hà Nội. Gần gũi và thanh cao, Hà Nội gói trong mình 12 mùa hoa, nơi đó có loài hoa sen tháng sáu. Những bông sen trắng muốt hoặc đượm hồng, hoà với màu xanh của lá, lung linh trên mặt hồ, thoang thoảng với mùi thơm dịu dàng mà tinh khiết.
Sen và vẻ đẹp, cốt cách người Tràng An
Từ xa xưa hoa sen ở Hà Nội đã có một vị trí đặc biệt trong đời sống văn hóa, tinh thần. Hà Nội là mảnh đất nằm giữa những con sông, trên không gian mặt nước của những sông ngòi, ao hồ, Hà Nội nổi lên như một bông hoa sen thanh tao. Từ năm 1049, vua Lý Thái Tông đã cho xây dựng Chùa Một Cột với lối kiến trúc Liên Hoa Đài (Một ngôi chùa ngự trên đài hoa sen). Hình dáng của Chùa Một Cột chính là một bông sen nổi lên trên mặt nước và đã trở thành biểu tượng nhận diện về Hà Nội xuyên suốt chiều dài lịch sử ngàn năm văn hiến Thăng Long - Hà Nội.
Và nhắc đến hoa sen Hà Nội người ta nghĩ ngay đến sen Bách Diệp trồng ở hồ Tây. Giống như vùng đất dành riêng cho loài hoa này vậy, những bông hoa sen Bách Diệp ở hồ Tây được nuôi dưỡng bởi tinh tuý trời đất nơi “địa linh”, có màu sắc và hương vị đặc biệt, đậm đà hơn các vùng đất khác.
Đấy vàng, đây cũng đồng đen
Đấy hoa thiên lý, đây sen Tây Hồ
Câu ca dao là niềm tự hào của người Hà Nội khi nhắc đến hoa sen hồ Tây, một thứ “đồng đen” còn quý hơn cả vàng, nhất là trong quá trình phát triển của đời sống đô thị. Sen Bách Diệp hồ Tây khi nở, to như hai bàn tay, cánh mỏng mịn như lụa, có hàng trăm cánh, xếp lớp bao bọc lấy nhuỵ, đài và gạo sen, giữ cho sen một mùi thơm thuần khiết, đượm hương, rất đặc trưng mà các giống sen khác không có được. Có lẽ vì thế mà người dân ở những làng ven hồ Tây hàng trăm năm trước đã có thú vui tao nhã là vừa ngồi ngắm trăng thưởng hoa và uống trà ướp hương sen. Và cứ thế, trà sen đã trở thành một đặc sản của người Hà Nội, đi vào tiềm thức của bao người dân Thủ đô và du khách gần xa. Không chỉ là thức uống đơn thuần, trà sen còn mang đậm nét văn hóa, sự tinh tế và cốt cách của người Tràng An, là món quà quý cho những người đi xa nhớ về miền đất kinh kỳ.
Nghệ nhân Lưu Thị Hiền (phường Quảng An, quận Tây Hồ, Tp. Hà Nội) cho biết, tính đến ngày hôm nay, gia đình bà vẫn kế thừa và phát huy nghề truyền thống ướp trà sen của ông cha đã trao truyền bao thế hệ, cái hương hoa tinh Việt, hương hoa trà Việt của Quảng An đã được mang đi khắp mọi nơi. Vợ chồng bà nay cũng đã ngoài 70 tuổi, để gìn giữ được nghề này là phải có người tiếp tục giữ được cái truyền thống của gia đình, truyền thống làm hoa thơm cho đời.
“Tôi đã hướng dẫn lại cho các cô con dâu và các anh con trai của chúng tôi là hết sức cố gắng chịu khổ, chịu khó thì mới đạt được thành quả. Quận Tây Hồ, Quảng An đã đang xây dựng lại cái làng nghề của chúng tôi, đang cho trồng cấy lại những sản phẩm mà ngày trước chúng tôi đang trồng nhưng qua một thời gian mai một đi. Bây giờ, các cấp chính quyền cũng đang khơi dậy lại để cho tất cả những người dân Quảng An chúng tôi biết về nghề chè sen đều làm được…”, Nghệ nhân Lưu Thi Hiền chia sẻ.
Sen và giá trị văn hoá tinh thần người Hà Nội
Cây hoa sen chẳng những là biểu tượng cho tinh thần cốt cách, bản sắc văn hóa mà còn gần gũi, thông dụng trong đời sống hàng ngày của người Hà Nội. Người Hà Nội yêu sen không chỉ vì dáng hình, hương thơm và ý nghĩa tâm linh mà còn yêu bởi sự tận hiến vô cùng của sen. Chẳng bộ phận nào của sen là vô ích, từ củ sen hay ngó sen nằm dưới bùn đen đến hoa sen, gương sen, gạo sen, hạt sen, lá sen, thân sen. Nếu ẩm thực là giá trị truyền thống của cây sen từ hàng trăm năm qua thì trong cuộc sống hiện đại, cây sen còn mang giá trị lớn hơn rất nhiều. Sen là nguồn cảm hứng cho các nghệ nhân làng nghề sáng tạo ra các sản phẩm có giá trị cả về vật chất và tinh thần. Dưới bàn tay tài hoa của nghệ nhân làng nghề Hà Nội chúng ta có thể cảm nhận được vẻ đẹp của sen trên các tác phẩm nghệ thuật của các làng nghề như gốm sứ Bát Tràng (Gia Lâm), sơn mài Hạ Thái (Thường Tín), lụa Vạn Phúc (Hà Đông), lụa Phùng Xá (Mỹ Đức), tranh thêu Quất Động (Thường Tín), nón lá làng Chuông (Thanh Oai), điêu khắc gỗ Vân Hà (Đông Anh)…
Về làng nghề Thiết Úng ở xã Vân Hà, huyện Đông Anh, gặp gỡ Nghệ nhân Đỗ Văn Cường để được trầm trồ hình ảnh sen chạm khắc thật đa dạng và đặc sắc. Giữa không gian trưng sản phẩm đồ gỗ của Nghệ nhân Đỗ Văn Cường có đến hàng trăm tác phẩm điêu khắc về sen. Không chỉ là hoa sen khoe sắc mà còn có muôn vàn sắc thái của cây sen, lá sen, đài sen được bàn tay của nghệ nhân chế tác công phu, trở thành những tác phẩm có hồn và sống động. Từng chi tiết đều được nghệ nhân đục đẽo, chạm trổ, khắc họa tỉ mỉ để mang đến những sản phẩm có tính độc bản.
Theo Nghệ nhân Đỗ Văn Cường (xã Vân Hà, huyện Đông Anh, TP. Hà Nội), sen thu trên gỗ lũa thì anh là một trong những người đi tiên phong ở Việt Nam. Bản thân cái cục gỗ lũa đã có hồn của nó rồi. Bằng sự quan sát và tay nghề, anh đã đẩy hình ảnh Sen thu vào tác phẩm gỗ lũa, tạo ra một sản phẩm độc đáo, độc bản. Đây là những sản phẩm duy nhất và độc nhất.
Với sen, người nghệ nhân làng nghề có thể thoả sức sáng tạo, không một giới hạn, không một khuôn mẫu. Với bàn tay tài hoa của người nghệ nhân, đời sen dâng hiến cho con người thêm rất nhiều sản vật độc đáo, hữu dụng. Điển hình như tơ sen của nghệ nhân Phan Thị Thuận – xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức. Với tâm huyết và tình yêu tơ lụa, nhất là với loài hoa cao quý mang biểu tượng của dân tộc, nghệ nhân Phan Thị Thuận đã nghiên cứu thành công tơ sen để rồi cho ra đời những sản phẩm hoàn mỹ, thân thiện với môi trường, có độ bền bỉ, mềm mại và thoáng mát từ tơ sen. Thông qua các sản phẩm làng nghề đã quảng bá hình ảnh của Hà Nội tới bạn bè cả nước và du khách quốc tế.
Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận (xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức, TP. Hà Nội) thì cho biết, những sản phẩm sen của cơ sở bà sản xu hoàn toàn có màu tự nhiên và từ thân cây sen. Việc rút sợi tơ ra hoàn toàn thảo mộc và tự nhiên. Cầm chiếc khen tơ sen có hình bông hoa đôi trên tay, bà giải thích: “Cái hình này còn được gọi là hoa sen đại Tịnh, hoa đại Tịnh, hoặc hoa tịnh đế. Đây là hoa tịnh đế được hiến vua. Do đó, chúng tôi thêu hình hoa sen đôi để biểu đạt ý nghĩa của sự cùng chung nguồn cội, tức là cùng chung nguồn cội để nên được bông hoa sen này…”.
Sen cũng là nguồn cảm hứng sáng tác vô tận cho các văn nghệ sĩ, sen đem lại hình tượng nghệ thuật, văn chương phổ biến đến với thơ ca. Trong thi ca, sen là chất liệu cho rất nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật, cho âm nhạc, mỹ thuật, nhiếp ảnh, điện ảnh.... Chính vì vậy, cây hoa sen có vai trò và vị trí đặc biệt trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân Hà Nội.
Trao đổi về nội dung này, Nhà báo Vương Xuân Nguyên - Viện trưởng Viện Kinh tế - Văn hóa và Nghệ thuật cho biết, nhắc đến sen là nhắc đến hồn dân tộc, và sen đã vào trong văn thơ, hò vè, trở thành một đề tài sáng tác nghệ thuật bất tận trong nhân dân. Ở nước ta có một ngôi chùa mang chất biểu trưng cho triết lý nghệ thuật "quý hồ tinh bất quý hồ đa", đó là chùa Một Cột, cũng được lấy cảm hứng từ một bông sen. Có rất nhiều di chỉ cho thấy hoa sen đã có từ rất sớm trong đời sống văn hóa tâm linh của người Việt. Trong tâm thức hàng ngày của người Việt, hoa sen có một vị trí hết sức đặc biệt.
Sen trong phát triển không gian đô thị
Với không gian rộng lớn cùng nền văn hiến hơn một nghìn năm. Nông nghiệp Hà Nội đang phát triển theo hướng nông nghiệp đô thị sinh thái, nông nghiệp xanh vì vậy cây hoa sen cũng là một trong những cây trồng được quan tâm phát triển. Hà Nội có diện tích trồng sen trên 700ha, tập trung nhiều tại các địa phương như Mỹ Đức, Mê Linh, Ba Vì, Thanh Oai, Thường Tín, Phú xuyên, Sóc Sơn, Phúc Thọ, Ứng Hòa, Bắc Từ Liêm, Thạch Thất, Tây Hồ,…...
Những năm gần đây, các vùng ngoại thành của thành phố đã được tô thắm bởi vẻ đẹp của những cánh đồng sen. Các giống sen cũng đa dạng hơn như sen Bách Diệp, sen Quan Âm, sen Mặt Bằng Super và hơn tám giống sen khác. Hà Nội đã phát triển được nhiều cánh đồng sen cho giá trị đa tầng từ kinh tế, môi trường, thúc đẩy đời sống nhân dân, góp phần xây dựng nông thôn mới và trở thành một phần quan trọng trong đời sống văn hóa và phát triển kinh tế du lịch của nhiều địa phương.
Huyện Mê Linh vốn nổi tiếng với nghề trồng hoa. Nếu như những giống hoa hồng, hoa cúc gắn bó với vùng đất này nhiều năm thì những năm gần đây, diện tích hoa sen đã dần được mở rộng, phát triển theo quy mô lớn thay vì nhỏ lẻ, manh mún như trước. Một trong những đơn vị sản xuất sen hàng đầu ở Mê Linh là HTX làng nghề sen Mê Linh. Nói là hàng đầu bởi đây là mô hình trồng sen hàng hóa đầu tiên tại địa phương và có quy mô sản xuất lớn ở miền Bắc với diện tích 50ha. Đến nay, mô hình trồng sen của HTX đã phát triển và tạo được thương hiệu trên thị trường thông qua các dịch vụ cung cấp hoa sen, chế biến các sản phẩm từ sen và phát triển du lịch trải nghiệm.
Ông Hoàng Xuân Nội – Giám đốc HTX nông nghiệp An Phú (huyện Mỹ Đức, TP. Hà Nội) cho biết, trong những năm gần đây, một số hộ gia đình ở quê hương của ông đã có kế hoạch định hướng chuyển sang làm chè sen. Quê hương ông có phong cảnh hữu tình, dưới sông trên núi. Vì vậy, nhân dân đã tổ chức du lịch hoa sen. Vào mùa thu sen, có nhiều đoàn người đến chụp ảnh, và người dân thu vé để tăng thêm thu nhập. Kết hợp với việc khách đến chụp ảnh, du khách mua các sản phẩm sen của địa phương như hạt sen, lá sen, và hoa sen.
Những năm gần đây, các vùng ngoại thành của thành phố đã được tô thắm bởi vẻ đẹp của những cánh đồng sen. Các giống sen cũng đa dạng hơn như sen bách diệp, sen quan âm, sen bát xanh, sen mặt bằng, super và hơn 80 giống sen lai khác...Hà Nội đã phát triển được nhiều cánh đồng sen cho giá trị đa tầng từ kinh tế, môi trường, thúc đẩy đời sống nhân dân, góp phần xây dựng nông thôn mới. Ngoài mục đích thu hoạch sản phẩm từ sen, một số sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ lá sen, thân sen sử dụng dệt thành tơ sen đã được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao. Bên cạnh đó, Sen còn chế biến thành các món ăn ẩm thực đã đạt sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên.
Đặc biệt, các mô hình trồng sen đã trở thành điểm đến hấp dẫn cho du khách đến ngắm cảnh, chụp ảnh và mua sản phẩm, trở thành một phần quan trọng trong đời sống văn hóa và phát triển kinh tế của nhiều địa phương.
Ông Lê Tiến Xuân – Trưởng Phòng Kinh tế huyện Phú Xuyên (TP. Hà Nội) cho biết, huyện Phú Xuyên nhận thấy rằng sen đưa vào để khai thác khác với sen mang tính truyền thống. Sen này khai thác được rất nhiều, từ hoa, ngó, hạt sen, đến lá sen. Cây sen này gần như không bỏ đi phần nào, và nó tạo ra một chuỗi sản phẩm công nghệ cao. Cây sen rất phù hợp với Phú Xuyên, đặc biệt là đồng đất trũng của Phú Xuyên, chiếm đến hơn 20% diện tích. Canh tác lúa ở đây rất khó, nhưng trồng sen thì lại rất hợp.
Bảo tồn và phát triển Sen
Nhằm phát huy lợi thế, để mở rộng diện tích trồng sen trên địa bàn, những năm gần đây Sở NN&PTNT Hà Nội đã chỉ đạo Trung tâm Khuyến nông triển khai các mô hình khuyến nông trình diễn đối với cây sen. Mô hình đã được triển khai tại các huyện: Mê Linh, Mỹ Đức, Thạch Thất và quận Tây Hồ với tổng diện tích gần 30ha. trước kia Hồ Tây Minh mông với diện tích trồng sen tự nhiên rất lớn thì nay các đầm sen đã bị thu hẹp đáng kể do nhu cầu mở rộng đất ở đô thị. Nhằm khôi phục, phát triển và nhân rộng giống sen Bách Diệp, năm 2024 Ủy ban nhân dân quận Tây Hồ đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hà Nội triển khai thực hiện dự án xây dựng mô hình mẫu sản xuất sen gắn với phát triển du lịch sinh thái theo chuỗi giá trị tại Tây Hồ, Hà Nội. Mô hình được triển khai thí điểm tại các hồ Đầu Đồng và Thủy Sứ, phường Quảng An với diện tích 7 ha. Mô hình được Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn hỗ trợ giống sen Bách Diệp tương đương 7000 cây, 50% vật tư phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, được hỗ trợ tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật, cũng như công tác cải tạo lòng hồ và xử lý nguồn nước. Hiện sen Bách Diệp tại hai hồ Đầu Đồng và Thủy Sứ đã bung nở và cho thu hoạch. Kết quả của mô hình sẽ là cơ sở để nhân rộng mô hình trên các ao hồ thuộc địa bàn quận trong các năm tiếp theo. Đây cũng là giải pháp để bảo tồn giống sen trăm cánh này trước nguy cơ bị mai một.
Theo ông Nguyễn Đình Khuyến – Chủ tịch UBND Quận Tây Hồ (TP. Hà Nội), sen Tây Hồ rất đặc biệt, chính là thương hiệu tinh hoa trà Việt của cái sen Tây Hồ. Xuất phát từ sự cầu kỳ của những người làm ra trà sen, quận Tây Hồ muốn phát huy và lưu giữ nghề làm sen Tây Hồ. Từ ý nghĩa và tầm quan trọng của sen trong đời sống Việt, ngay từ những ngày đầu năm ấy, quận đã chủ động phối hợp với các sở ngành thành phố, đặc biệt là Sở Nông nghiệp, để phát triển nghề sen. Đây chính là cách làm cho những người trồng sen yêu quý hơn nghề của mình. Quận cũng muốn giữ gìn và bảo vệ diện tích trồng sen trong tương lai với diện tích khoảng 25 ha trên địa bàn quận, để duy trì nghề trồng sen này.
“Người Hà Nội yêu sen, sen cũng thích nghi với thổ nhưỡng nhiều vùng đất Hà Nội và sinh trưởng tốt, không phụ lòng người. Nhưng để những đầm sen thật sự trở thành một điểm đến hấp dẫn của du lịch Thủ đô, cũng như tạo cơ hội cho người dân địa phương có thể làm giàu ngay tại quê hương, theo các chuyên gia, Hà Nội cần có các giải pháp về khoa học công nghệ, tổ chức điều tra, đánh giá nguồn gen, phục tráng giống sen; xây dựng đề án phát triển sen gắn với du lịch;…’, ông Nguyễn Đình Khuyến nhấn mạnh.
Còn theo, PGS.TS Đặng Văn Đông – Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu rau quả - Bộ NN&PTNT, thì đơn vị này đang tư vấn cho Hà Nội và quận Tây Hồ về việc bảo tồn và phát triển hoa sen. Để bảo tồn và phát triển sen của Hà Nội, cần một loạt các giải pháp. Trong đó, giải pháp khoa học và công nghệ được quan tâm hàng đầu. Để thực hiện điều này, theo ông Đông, đầu tiên phải điều tra và đánh giá các nguồn gen hoa sen ở Hà Nội, phục hồi bằng cách tuyển chọn những cây sen đầu dòng ưu tú nhất hoặc những hạt sen có chất lượng tốt nhất. Ngoài ra, còn một loạt các giải pháp về tổ chức sản xuất, quy hoạch và thị trường. Các ngành khác cũng phải cùng nhau phối hợp với ngành nông nghiệp để từ đó đưa ra một đề án chung về phát triển sản xuất sen gắn với phát triển du lịch và xây dựng nông thôn mới, nhằm mang lại sự thành công.
Bên cạnh những giá trị văn hoá lịch sử mang tính bảo tồn của sen hồ Tây thì khu vực ngoại thành Hà Nội, nhất là các huyện, thị xã Sơn Tây, Sóc Sơn, Phú Xuyên,…trong quy hoạch trở thành đô thị vệ tinh cũng như vành đai xanh của Thủ đô gắn với du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái,…cây sen phải được đầu tư hướng tới đa giá trị. Vừa đảm bảo cảnh quan môi trường xanh – sạch – đẹp vừa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Muốn vậy, Hà Nội không chỉ “độc bản” có sen Bách Diệp để làm trà, mà phải có đủ bộ giống sen chất lượng cao mang tính chuyên biệt, có thể rải vụ để Hà Nội có sen 4 mùa và tối ưu hoá giá trị cây hoa sen.
Trao đổi về định hướng và giải pháp phát triển cây sen trên địa bàn TP. Hà Nội, ông Nguyễn Xuân Đại – Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội cho biết, mặc dù cây sen có rất nhiều ưu điểm, nhưng sen cũng có nhược điểm. Ở Hà Nội và các tỉnh miền Bắc, cây sen chỉ sinh trưởng và phát triển vào mùa hè, thời gian cho ra hoa từ tháng 5 đến tháng 8. Từ tháng 9 trở đi, cây sen bắt đầu đơm tàn. Nhiều giống sen có năng suất thấp và chất lượng chưa cao. Chính vì vậy, trong thời gian tới, Sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn Hà Nội sẽ tiếp tục phối hợp với các viện của Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn để nghiên cứu và đưa ra nhiều giống sen chất lượng cao, chuyên biệt và phù hợp với điều kiện canh tác của Hà Nội.
“Chúng tôi cũng sẽ đẩy mạnh xây dựng các mô hình trình diễn giống sen mới thích ứng với biến đổi khí hậu, và xây dựng mô hình sản xuất hàng hóa chất lượng cao, kết hợp với phát triển du lịch theo chuỗi giá trị, góp phần tăng thu nhập cho người dân. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, đào tạo và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm từ cây sen, chuẩn hóa các sản phẩm tham gia chương trình "Ốc cố kết nối nông dân" để cùng sản xuất và tạo ra vùng nguyên liệu sản phẩm đặc sản, quà tặng phong phú và đa dạng từ cây sen. Ngoài ra, cùng với việc đa dạng hóa sản phẩm ứng dụng từ sen, Hà Nội sẽ hướng tới xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng sen gắn với kinh tế tuần hoàn và tăng trưởng bền vững, mang lại đồng thời lợi ích cho môi trường và kinh tế…”, ông Nguyễn Xuân Đại cho biết.
Sen là một trong những cây trồng đa giá trị mà Hà Nội hướng tới để phát triển nông nghiệp sinh thái bền vững. Sen mọc lên ở đâu, ở đấy làng quê đẹp hơn, đáng sống hơn. Những ngày này, Lễ hội sen đang được tổ chức quy mô, bài bản sẽ là cơ hội quảng bá hình ảnh cây sen Hà Nội với bạn bè cả nước và du khách quốc tế. Cây sen Hà Nội đã hội tụ đủ những câu chuyện thú vị để kể và nếu được kể trong một không gian đẹp, đậm chất văn hoá của đất kinh kỳ như những con phố đi bộ ven hồ Tây thì chắc chắn Lễ hội sen Hà Nội sẽ là điểm nhấn về du lịch, văn hoá và cả kinh tế cho Thủ đô Hà Nội.